Nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn cho rằng, bằng tài năng hư cấu, khả năng biểu đạt ngôn ngữ một cách tài tình đạt đến độ “bịa y như thật” thì sẽ gặt hái thành công trong sáng tác văn học, kể cả lấy đề tài từ… sự thật lịch sử.
Ý kiến này được đưa ra tại tọa đàm “Mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và hình tượng văn học” do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức.
Thoạt nghe “bí quyết” sáng tác đó, hẳn không ít người ngạc nhiên thậm chí còn phản ứng, nhất là với trường hợp có thể áp dụng với những sáng tác về… sự thật lịch sử. Cũng không khó hiểu cho điều này vì đã là “bịa” thì sao có thể “chung sân” với “sự thật lịch sử” kia chứ?
Thực ra, tưởng là thế mà không phải thế. Nói rằng “bịa” tức là muốn nhấn mạnh về việc hư cấu - một “quyền năng” trong công việc sáng tạo của nhà văn. Song việc đó được thực hiện ra sao để đạt được kết quả “y như thật” ở mỗi tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca, kịch bản văn học thì còn nhiều chuyện cần bàn.
Sự thật không… duy nhất
“Nhà văn có quyền tái hiện lịch sử theo cách riêng nhưng tuyệt nhiên không được phép bịa đặt ra lịch sử, dù khả năng sáng tạo dồi dào, bay bổng đến đâu cũng không thể bịa đặt 100% nhân vật lịch sử có thật đã từng tồn tại. (…)
Việc hư cấu các sự kiện lịch sử để làm sao công chúng có thể tiếp nhận được bộ mặt thật của lịch sử thật hơn, sâu hơn và cũng cao hơn cái lịch sử từng tồn tại. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào tâm đức và tài năng sáng tạo của người viết” - Nhà lý luận phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên.
Trước tiên, bàn về “sự thật lịch sử” - dữ liệu, đề tài để các tác giả sáng tạo, nhiều nhà lý luận phê bình, nhà văn cho rằng nó không duy nhất nên mới có chính sử và dã sử.
Theo nhà văn Nguyễn Trọng Tân, “cha đẻ” của nhiều bộ tiểu thuyết lịch sử được bạn đọc quan tâm trong thời gian gần đây như: “Thiên mệnh”, “Thiên thu huyết lệ”, sự thật lịch sử được hiểu là nội dung các văn bản chính sử - loại sử viết bằng mực - đang lưu hành và được chính thể cầm quyền công nhận, phổ biến.
Tuy nhiên, bên cạnh nó luôn tồn tại dòng “lịch sử truyền miệng” bởi: “Vì lý do nào đó, chính sử không bao quát hết, không phản ánh đầy đủ, chính xác những gì đã xảy ra”, vậy nên: “Bia miệng thế gian cũng là một sự thực lịch sử. Không văn bản, không đầy đủ trọn vẹn nhưng là cái lõi sự thật lịch sử bị bỏ quên, bẻ cong”, ông Tân nhấn mạnh.
Nhà lý luận phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên cũng cho rằng, những cuốn biên niên sử đương thời hay hậu thế không thể ghi chép một cách đầy đủ và chi tiết toàn bộ những sự kiện đã từng xảy ra trong triều chính và đời sống thường nhật.
“Bởi vì, những sự thật đã từng xảy ra trong đời sống thực được ghi chép lại ở bất cứ thời đại lịch sử nào vẫn không thể tránh khỏi các điều kiện kinh tế, chính trị đạo đức, lịch sử và xã hội đương thời cũng như tri thức, tầm hiểu biết và cái tâm của nhà chép sử chế định, nên tính nghiêm ngặt lịch sử ít nhất đã bị giảm thiểu”, ông Yên nhận định.
Cùng với đó, PGS.TS Vũ Nho còn đưa ra thực trạng khiến nhà văn “bối rối” vì khi tài liệu chính sử, dã sử, ý kiến đánh giá của người cùng thời lại vắn tắt, đôi khi mâu thuẫn, không thống nhất. “Tài liệu A, nhà sử học B khen. Cũng nhân vật, sự kiện ấy, tài liệu C, nhà sử học D lại chê. Trong khi tài liệu E, nhà sử học F lại chê kịch liệt…”, ông Nho dẫn chứng.
Bởi vậy, từ chất liệu “sự thật lịch sử” đó, tác giả chọn cách viết thế nào cũng là mối quan tâm của nhiều người. Đó có thể là viết và kể lại lịch sử bằng ngôn từ văn chương hay chỉ lấy lịch sử là cái cớ để hư cấu thành câu chuyện lịch sử khác? Hoặc cũng có thể là việc dung hòa cả hai?
Theo ông Tân, nếu chỉ dừng lại việc hư cấu bằng ngôn từ còn vẫn lấy chính sử làm xương sống và kể lại thì “kiểu viết này không khác lắm với mô phỏng lịch sử”. Bởi vậy, “văn chương dễ trở nên khuôn sáo, khô cứng giống như con hạc, muốn bay lên mà đôi chân dính chặt với mai rùa quy ước”.
Còn trong trường hợp sử dụng quyền hư cấu vô biên, khai thác và hư cấu triệt để lịch sử truyền miệng và chính sử chỉ là cái cớ để tạo nên một lịch sử khác thì “dễ làm hiểu lầm lịch sử, xa lạ với nguyên mẫu, nhiều khi khiến sự thực lịch sử không còn là lịch sử”.
PGS.TS Vũ Nho thì nhắc đến xu hướng “giải thiêng”, “giải mã” góc khuất lịch sử trong văn học và bày tỏ qua điểm: “Bạn đọc tôn trọng quyền hư cấu, sáng tạo của nhà văn song người viết không được vin vào đó để xây dựng nhân vật theo ý riêng, bất chấp sự thật lịch sử”.
Ông dẫn chứng từ một số tác phẩm văn học “giải thiêng” về vua Quang Trung song không đúng cách, sai lệch nên bị vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận. “Thiết nghĩ, đây cũng là điều chúng ta cần xem xét thận trọng và kỹ lưỡng. Không thể tùy tiện dựng chân dung giả tưởng, nhất là với người anh hùng dân tộc như vua Quang Trung mà lịch sử và văn chương đã ghi nhận, ca ngợi”, PGS.TS Vũ Nho băn khoăn.
Còn trường hợp kịch bản văn học “Bài ca giữ nước” của tác giả Tào Mạt giải mã góc khuất lịch sử về Thái sư Lê Văn Thịnh và được trình bày như là một kẻ có âm mưu liên kết với nhà Tống.
“Điều đó không chính xác vì chính ngài có công đòi lãnh thổ cho nhà Lý. GS.TS Ngô Ngọc Liễn đã viết tiểu thuyết lịch sử: “Lê Văn Thịnh - Vụ án Thái sư hóa hổ” (NXB Hội Nhà văn, 2018) để chiêu tuyết. UBND tỉnh Bắc Ninh xây dựng khu tưởng niệm, đặt tên đường để vinh danh”, ông Nho cho biết.
Nhà văn Phùng Văn Khai là người có đến hơn 10 năm viết tiểu thuyết lịch sử cũng cho rằng, nhà văn không thể nào và không cần chép lại lịch sử, minh họa lịch sử hoặc làm rối rắm thêm lịch sử. Điều này cần được ý thức một cách sâu sắc để tránh thất bại ngay từ trang viết đầu tiên.
“Còn nếu như, nhà văn lợi dụng những khoảng mờ, vùng trắng của lịch sử, tùy tiện hư cấu một cách thỏa thích theo ý riêng cũng sẽ là thảm bại. Khi nhà văn chỉ dựa vào khả năng hư cấu của mình mà tách rời các đặc điểm căn cốt của lịch sử, sáng tác đó chắc chắn chỉ là con số 0”, ông Khai nhấn mạnh.
Ông Đỗ Ngọc Yên cũng gọi những hình tượng văn học được mô tả trung thực gần như sao chép sự thật lịch sử đã và đang xảy ra trong đời sống thực “thì cùng lắm đấy chỉ là một cuốn biên niên sử, chứ không thể là tác phẩm văn học tái hiện lại lịch sử vì không có “sự tưởng tượng chủ quan của nghệ sĩ - thuộc tính cơ bản nằm ngay trong bản chất cấu thành của tác phẩm văn học nghệ thuật”, ông Yên đánh giá.
Giới hạn nào cho việc “bịa”?
Cùng quan điểm: Đã là sáng tác thì đương nhiên phải “bịa” (hư cấu), song giới hạn nào đảm bảo cho việc này đạt được hiệu quả cao nhất? Câu trả lời được các nhà nghiên cứu, nhà văn đưa ra cũng rất thống nhất: Cần “bịa y như thật” và “thật hơn cả thật”.
Theo PGS.TS Vũ Nho, “bịa y như thật” tức là hư cấu một cách nhuần nhuyễn, hợp lý, phù hợp với những gì chính sử, dã sử đã ghi về nhân vật, nghĩa là “bịa” nhưng không làm sai lạc những nét cơ bản của nhân vật được lịch sử và cộng đồng công nhận.
Ông lấy ví dụ về việc nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã có chi tiết hư cấu rất đắt giá cho nhân vật lịch sử Trần Quốc Toản trong tác phẩm “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”. Đó là, để thể hiện về người trai tuổi nhỏ chí lớn mang khát vọng đánh giặc ngoại xâm, lập công cứu nước, tác giả sử dụng chi tiết Trần Quốc Toản xông xuống thuyền bày tỏ ý chí quyết đánh và bóp nát quả cam “là thuận, là phù hợp”.
Hay trường hợp nhà văn Nghiêm Thị Hằng hư cấu thành công chi tiết nữ sĩ Hồ Xuân Hương chạy đôn, chạy đáo kêu oan cho chồng trong tiểu thuyết “Tiếng vọng Hồ Xuân Hương”.
Cùng với đó, ông còn đề nghị: “Các nhà tiểu thuyết lịch sử cũng cần nâng tầm nhân vật của mình”. Nhân đây, ông nhắc đến nhân vật Phạm Thọ Khảo trong 2 cuốn tiểu thuyết lịch sử của Lục Hường “Nguyên khí ngàn đời” và “Tri kỉ vượt thời gian” và cho rằng từ nguồn chính sử rất ít ỏi, tác giả đã hư cấu như thật và xây dựng thành công một vị trạng nguyên hết lòng vì dân, vì xã tắc.
Đồng thời, ông cũng chờ đợi những cách tiếp cận mới với lịch sử, điển hình như cách nhà văn Lê Hoài Nam thể hiện trong tiểu thuyết “Cuộc đời xa khuất”.
Ông đánh giá cao việc nhà văn tạo ra tình huống vua Tự Đức tham gia đối thoại với giáo sư chủ trì một cuộc hội thảo và ngài có quan niệm khá chính xác về chuyện “hư cấu”: “…sáng tạo văn chương, tác giả có quyền hư cấu, nhưng viết về một nhân vật có thật đã đi vào lịch sử thì lại phải rất thận trọng khi hư cấu hay nói cách khác, chỉ nên hư cấu những gì không phương hại đến bản chất nhân vật (tr196)”.
“Lê Hoài Nam đã để vua Tự Đức đọc “Piot đại đế” của A.Tolstoi trong Khiêm Lăng rồi để cho Fukuzawa, nhà canh tân NB đến thăm Nguyễn Trường Tộ, theo tinh thần hư cấu đó”, PGS.TS Vũ Nho chỉ rõ.
Bàn về việc hư cấu thế nào, nhà văn Nguyễn Trọng Tân chia sẻ việc ông đúc kết từ kinh nghiệm viết của mình: Kết hợp chính sử và truyền miệng. Khi đó ông dùng quyền năng văn học đưa tới người đọc một “phiên bản” lịch sử bằng văn chương. Cái lõi chính sử vẫn được giữ, không làm sai lệch, méo mó nhân vật.
“Từ quyền năng của văn học, tôi viết “Thiên thu huyết lệ” (về Thái sư Lê Văn Thịnh) với ý thức rất rõ ràng: “Khối oan ôm xuống tuyền đài/ Thiên thu huyết lệ, nào ai tỏ tường/ Rủi, may - Thật, giả vô thường/ Dâm Đàm câm lặng, khói sương mịt mờ/ Thiên tài mệnh bạc - huyền cơ/ Nén hương hậu thế, ngẩn ngơ vọng Người”, ông Tân tâm huyết bày tỏ.
Ông Đỗ Ngọc Yên bổ sung thêm việc cần khẳng định, sự thật lịch sử bao giờ cũng phong phú và đa dạng hơn hình tượng nghệ thuật. Tuy nhiên hình tượng văn học lại luôn mang tính khái quát cao độ thông qua trí tưởng tượng và khả năng hư cấu của nhà văn.
Khi đó, tác giả cần sáng tạo một thế giới thứ 2, thế giới văn học nghệ với chất liệu và đề tài lịch sử bằng việc thêm chi tiết, nhân vật mà: “Không nhất thiết là có thật, ngược lại nó có thể hoàn toàn được tạo nên bởi sự tưởng tượng chủ quan của người viết (hư cấu), cốt sao cái lịch sử trong tác phẩm không trở thành kẻ hoàn toàn xa lạ với cái lịch sử đã từng tồn tại trong đời sống thực”; đồng thời “phải nhằm mục đích tái hiện lại lịch sử ở một cấp độ cao hơn, sâu sắc hơn. Vì thế, nó còn thật hơn cái sự thật mà mọi người từng biết từ sự trải nghiệm cá nhân hay từ những cuốn biên niên sử”.
Ông Yên lấy ví dụ về việc nhà văn Nguyễn Xuân Khánh khi viết tiểu thuyết lịch sử “Hồ Quý Ly” đã hư cấu nhân vật quận chúa Quỳnh Hoa - vợ quá cố của Hồ Nguyên Trừng hay chi tiết Hồ Quý Ly đứng lặng im phía sau chờ vợ cầu kinh bên bàn thờ Phật đều logic, giúp người đọc hiểu thêm về nội tâm của hai cha con họ Hồ.
Bày tỏ băn khoăn trước thực tế các sáng tác văn học về đề tài lịch sử còn thưa vắng, nhà văn Phùng Văn Khai cho rằng những luận bàn, câu hỏi về mức độ hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử luôn đem lại sự hưng phấn cho người viết cũng như lời nhắc về trọng trách là phải luyện bút với tất cả nguồn tri thức và trái tim nhiệt huyết để viết ra những trang văn về lịch sử dân tộc.
Việc giải mã góc khuất lịch sử như thế nào là điều nhà văn này không khỏi băn khoăn, trăn trở. Theo ông, “với mỗi người viết văn, tầm vóc lớn nhỏ của nhà văn chính là khả năng hư cấu của họ. Một nhà văn càng hư cấu đến độ “thật hơn cả thật” chính là nhà văn lớn”.
Dù rằng việc hư cấu của mỗi nhà văn có mức độ khác nhau song ông Khai lưu ý: “Tuy nhiên phải thể hiện trên tinh thần khoa học lịch sử với cấu trúc nghệ thuật của văn bản văn chương, chính điều này là thước đo tầm vóc của mỗi nhà văn, điều mà trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người. (…)
Tiểu thuyết lịch sử góp phần kiến tạo sự hoàn thiện, giải mã trên tinh thần khoa học nhân văn, phù hợp với tiến trình, sự thật lịch sử. Đây chính là những đóng góp đáng kể mà các nhà văn tiêu biểu như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải với tác phẩm của mình đã giải mã lịch sử bằng văn chương, nghệ thuật”.
“Với tư cách và trách nhiệm của người cầm bút, khi sử học im lặng thì nhà văn phải lên tiếng. (…) Người dân không quay lưng với lịch sử, không chán lịch sử, chỉ có điều nhà văn viết về lịch sử như thế nào!” - Nhà văn Nguyễn Trọng Tân.