Để không còn "giải cứu"

GD&TĐ - Một trong những vấn đề mà nhiều cử tri là nông dân quan tâm khi kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội là nghe các đại biểu bàn thảo và đưa ra giải pháp để ngành nông nghiệp thoát khỏi cảnh “giải cứu” hằng năm.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngoài nỗ lực tự thân của nông dân, doanh nghiệp được xác định là mắt xích quan trọng trong thúc đẩy nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thực tế những năm qua, một số doanh nghiệp bắt tay vào lĩnh vực này đều mang lại những tín hiệu tích cực.

Chắc nhiều người còn nhớ, mỗi dịp chớm hè cách đây vài ba năm, trên nhiều đường phố của các đô thị ở miền Bắc lẫn các tỉnh miền Trung, hình ảnh những chiếc xe máy độ chế cồng kềnh chở vải thiều rao bán khắp nơi.

Rồi các cơ quan đoàn thể vận động “toàn dân ăn vải thiều” để giải cứu số nông sản này ế ẩm mỗi khi bên Trung Quốc không tiêu thụ.

Không chỉ vải thiều, ở các tỉnh miền Trung, dưa hấu chất thành núi ngay trên bờ ruộng mà không ai mua, hoặc xe tải xếp hàng rồng rắn hàng vài ba cây số ở các cửa khẩu khi bên Trung Quốc “tiêu thụ chậm”.

Rồi khoai lang Nhật trồng ở Gia Lai, xoài Cam Lâm ở Khánh Hòa hay thanh long ở Bình Thuận… tất cả đều rơi vào tình cảnh thê thảm buộc phải “giải cứu”. Giải pháp “phủi nóng” này chỉ mang tính “động viên” người sản xuất nhằm hạ nhiệt cơn đau thua lỗ chứ hoàn toàn không mang tính căn cơ của câu chuyện nông sản.

Sản xuất manh mún do hạn chế về sở hữu đất đai hoặc địa hình bất lợi, mạnh ai nấy làm, bất chấp khuyến cáo từ cơ quan chuyên môn, lạm dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt… tất cả những dạng thức canh tác đó đã biến các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam thành một loại hàng hóa chẳng giống ai trong thế giới văn minh, khi mà nhiều nước đang hướng đến nông nghiệp sạch.

Những cú thua lỗ từ thanh long, dưa hấu, vải thiều, chuối… những năm qua đã làm cho người nông dân bừng tỉnh, song phải đến khi doanh nghiệp vào cuộc thì những mặt hàng nông sản luôn phải “giải cứu” ấy mới thực sự thoát ra khỏi vòng kim cô của thị trường khó tính.

Câu chuyện về sản xuất chuối xuất khẩu của Hoàng Anh Gia Lai là một ví dụ. Trên 18 ngàn hecta chuối của tập đoàn này mỗi năm xuất sang thị trường các nước 500 ngàn tấn mà người trồng chuối không phải ngay ngáy lo âu với điệp khúc “được mùa mất giá”.

Một khi doanh nghiệp can dự vào câu chuyện sản xuất nông sản thì việc tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của thị trường luôn được họ đặt lên hàng đầu. Đó là lý do để người sản xuất nông sản không sợ ế.

Hoặc như vải thiều Hải Dương năm nay không còn cảnh “trôi nổi” bán dạo như những năm trước nữa. Người trồng vải tỉnh này được hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP.

Chính vì thế mà 5 ngàn tấn vải được xuất khẩu sang các thị trường khó tính, đòi hỏi kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như quy trình chăm sóc, thu hoạch và bảo quản.

Vẫn còn những rào cản đối với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp song bằng những giải pháp của các bộ liên quan, sự đốc thúc của Chính phủ chắc chắn chuyện “giải cứu” nông sản hàng năm sẽ không còn tái diễn như đã từng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.