Nhức nhối câu hỏi: “Bán cho ai?”
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Bình (Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh Cao Bằng) chia sẻ nỗi lo lắng và hướng đi cần thiết để “giải cứu” nông sản của địa phương này (trong một tọa đàm mới đây giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp):
“Mặc dù Cao Bằng là nơi có nhiều di tích lịch sử cách mạng, nhiều danh lam thắng cảnh, vừa qua còn được Unesco công nhận là công viên địa chất toàn cầu, tuy nhiên sự phát triển du lịch kết hợp với phát triển nông sản đặc sản của Cao Bằng hiện còn rất nhiều hạn chế. Xuất phát từ chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Cao Bằng thực hiện một số chương trình liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông phẩm”.
Thực hiện liên kết “4 nhà” (từ năm 2015) trong phát triển và tiêu thụ lúa đặc sản nếp hương Bảo Lạc (Bảo Lạc là huyện vùng xa cách thành phố 200km, giáp tỉnh Hà Giang), nếp hương Xuân Trường, đặc sản nếp ở xã Hưng Đạo và xã Vĩnh Quang, thành phố Cao Bằng.
Mặc dù nông sản đặc sản của Cao Bằng được đánh giá chất lượng cao, người tiêu dùng đặc biệt khen ngợi, “nhưng phải nói rằng tiêu thụ vẫn hết sức khó khăn” - bà Phạm Thị Bình thừa nhận một thực tế - “Không có truy xuất nguồn gốc sản phẩm, việc xuất khẩu cũng khó. Người nông dân cũng chỉ biết cứ sản xuất, thậm chí mở rộng sản xuất nông sản đặc sản ra. Nhưng không thể bán được. Suốt ngày tôi nhận điện thoại ở địa bàn sản xuất nông sản hỏi: Bán cho ai?”.
Chưa hết điệp khúc: “Được mùa - mất giá”
GS.VS Trần Đình Long (Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam) nhận định: Để nông sản Việt có chỗ đứng vững ngay trên “sân nhà” và phát triển mạnh xuất khẩu, giải pháp phải chú trọng là người nông dân cần tham gia sản xuất theo chuỗi, đảm bảo chất lượng nông sản (quy hoạch và sản xuất các cây trồng vật nuôi chủ lực theo ngành hàng phù hợp với các vùng sinh thái khác nhau trong cả nước). Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ các giống cây con của các ngành hàng chủ lực.
Đặc sản nông sản ở nhiều địa phương vẫn tự “giải cứu” mình khi được mùa. (ảnh: A. Hiếu) |
“Tình trạng giống rởm, giống giả, giống kém phẩm chất dẫn tới giảm giá trị nông sản đang diễn ra phổ biến. Ví dụ tại Đồng bằng sông Cửu Long, lượng hạt giống lúa hằng năm cần khoảng 500 ngàn tấn, tuy nhiên lượng hạt giống đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận chỉ chiểm khoảng 30% tổng lượng hạt giống lúa của vùng này”- Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam chỉ ra một thực tế.
Để nông sản của người nông dân không rơi vào điệp khúc “được mùa, rớt giá”, công nghệ sau thu hoạch phải được chú trọng, đầu tư phát triển công nghệ thu hoạch - bảo quản - chế biến nông sản nhằm nâng cao giá trị cho nông sản xuất khẩu; tăng cường liên kết, thúc đẩy hợp tác giữa nông dân với nông dân, nông dân với nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý để phát triển sản xuất quy mô lớn, chất lượng nông sản ổn định lâu dài...
Kỹ thuật trồng trọt tiên tiến giúp tăng năng suất và “đầu ra” tốt hơn |