Để mang đến những tiết học sống động trong mỗi giờ học Lịch sử, bên cạnh việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực, thì cách lựa chọn những yếu tố có thực trong cuộc sống đã tạo nên sự cuốn hút trong mỗi bài giảng của thầy cô.
Gắn kết với thực tế sinh động
Để tạo cho học sinh những niềm hứng thú mới, với bộ môn Lịch sử, cô giáo Nguyễn Thu Phương, GV Trường Tiểu học Thượng Thanh (Q. Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: Nếu như chỉ truyền đạt kiến thức trong sách giáo khoa một cách máy móc, thì sẽ không thể lôi cuốn được học sinh.
Vì vậy trên cơ sở kiến thức nền trong sách giáo khoa, mỗi giáo viên cần tham khảo các tài liệu, đặc biệt là những chất liệu ngoài thực tế. Có như vậy, thầy cô mới kết nối được kiến thức trong sách vở với cuộc sống xung quanh học trò. Ở bộ môn Lịch sử, những câu chuyện sống động, hay việc cho các em đi tham quan, học tập tại Bảo tàng sẽ thực sự có tác động tích cực đến việc học tập của các em.
Cũng nhằm giúp các nhà trường chủ động và tích cực hơn trong vấn đề áp dụng phương pháp dạy học mới với môn Lịch sử, Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai, Hà Nội đã khuyến khích các giáo viên thực hiện nhiều giờ dạy ngoại khóa một cách hiệu quả.
Theo cô Bích Hạnh, chuyên viên Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai: Nhờ phương pháp mới, các giờ dạy về lịch sử địa phương tại các khối lớp, luôn được các giáo viên khai thác khá triệt để giữa kiến thức của bài dạy với chính thực tế tại địa phương.
Ví dụ khi dạy về bài “Giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954”, ngoài việc giúp HS nắm được những sự kiện tiêu biểu diễn ra của quân và dân Thủ đô, các giáo viên đã rất tích cực hướng dẫn HS cùng tìm hiểu về vai trò của nhân dân địa phương nơi mình sinh sống trong những ngày lịch sử hào hùng này.
Những tiết học sinh động
Cô giáo Lê Thúy Hảo, Trường Tiểu học Tân Định của quận Hoàng Mai đã rất thành công với giờ dạy của mình, khi giúp các em cùng sống lại với không khí hào hùng của người dân Thủ đô trong ngày giải phóng. Bên cạnh đó, những tư liệu quý tại địa phương cùng những nhân chứng lịch sử, đã giúp bài dạy của cô thêm gần gũi thiết thực hơn.
Các em được trò chuyện với cụ Trần Ngọc Chí và cụ Hoàng Thế Kỷ, những người lính trong đội cảm tử năm xưa chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội. Qua đó cô và trò cùng có thêm những hiểu biết sống động hơn về những sự kiện lịch sử diễn ra ngay trên quê hương của mình. Sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại giúp cho các em hiểu sâu sắc hơn về truyền thống dân tộc, về những con người anh hùng nhưng cũng hết sức bình dị này. Thông qua bài dạy, cô giáo đã truyền cho các em lòng tự hào về lịch sử đất nước quê hương, và từ đó mỗi học sinh cũng thấy được trách nhiệm công dân của mình.
Cô giáo Nguyễn Thu Phương đạt giải Nhất cuộc thi trong chuyên đề Lịch sử lớp 5 của TP Hà Nội cũng đã chia sẻ về giờ dạy của mình: Với mong muốn giúp học sinh của mình hiểu rõ hơn về lịch sử của Thủ đô thân yêu, cô đã lựa chọn tiết dạy của mình ngay tại Bảo tàng Hàng không. Đây là nơi mà 60 năm trước đã diễn ra trận đánh sân bay Gia Lâm.
Với những tư liệu và hiện vật quý còn lưu giữ lại, kết hợp với việc trình chiếu những hình ảnh, trong giờ học của mình, cô Phương đã tái hiện được không khí hào hùng trong những giờ khắc thiêng liêng của Ngày Giải phóng Thủ đô. Tiết học càng sinh động hơn khi các em lại được lắng nghe lời kể trực tiếp từ các nhân chứng lịch sử. Hai người con của quê hương Long Biên thuộc đại đoàn 308 tiến về Thủ đô ngày ấy đã mang đến không khí hừng hực, rộn ràng của giờ phút lịch sử trọng đại.
Cũng theo cô Phương, điều mà cô cảm nhận rõ nét nhất đó là, sự hào hứng của các em khi được học ngay tại thực địa của bảo tàng. Tiết học hôm đó đã giúp các em được cảm nhận, được hòa mình vào không khí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của Hà Nội năm xưa. Cô đã truyền đến cho các em học sinh tình yêu với môn Lịch sử khiến những con số, sự kiện không hề khô cứng mà trở nên gần gũi có sức lan tỏa tới trái tim.