Để học sinh được nói ngăn chặn bạo lực học đường

GD&TĐ - Nhiều địa phương chủ động ngăn chặn tình trạng bạo lực trong và ngoài trường học...

Đại úy Đặng Nữ Hoàng Hạnh trao đổi, chia sẻ với học sinh Trường THCS Hồng Sơn (TP Vinh).
Đại úy Đặng Nữ Hoàng Hạnh trao đổi, chia sẻ với học sinh Trường THCS Hồng Sơn (TP Vinh).

Để chủ động ngăn chặn tình trạng bạo lực trong và ngoài trường học mà đối tượng, nạn nhân đều là học sinh, nhiều trường đã linh hoạt trong tổ chức hoạt động giáo dục nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng giúp học sinh ứng xử phù hợp trước các tình huống cuộc sống.

Cuộc sống cần sự yêu thương

Trường THPT Thái Lão (Hưng Nguyên, Nghệ An) vừa tổ chức diễn đàn “Tình bạn đẹp – nói không với bạo lực học đường”. Điều đặc biệt, chủ nhân của diễn đàn đều là học sinh, từ xây dựng nội dung đến triển khai các hoạt động cụ thể và đưa ra thông điệp.

Ở lời thuyết minh mở đầu, em Nguyễn Trần Nam Phương, lớp 12A4 nhắc đến sự việc đau lòng bạn nữ sinh lớp 10 trên địa bàn tỉnh tự sát gây bàng hoàng, xót xa trong dư luận. Đặc biệt, với học sinh, sự ra đi của bạn bè cùng trang lứa dù nguyên nhân gì cũng là hồi chuông cảnh tỉnh về mâu thuẫn trong học đường, vấn đề tâm lý không được chia sẻ, giúp đỡ, giải quyết kịp thời.

Tại Trường THPT Thái Lão, theo khảo sát sơ bộ, trung bình 2 tuần lại có 1 vụ xung đột giữa học sinh. Nguyên nhân xuất phát từ những lí do đơn giản, mâu thuẫn nhỏ (do lứa tuổi, tâm lý, tính cách) mà học sinh thường có xu thế đưa câu chuyện đi xa và giải quyết bằng bạo lực. Diễn đàn thực sự là dịp để học sinh, giáo viên cùng hiểu thêm nguyên nhân, hậu quả và tìm giải pháp cho vấn đề.

“Bạo lực học đường là vấn đề lớn, không thể giải quyết trong 1 - 2 ngày mà đó là câu chuyện của cộng đồng chung tay ngăn chặn. Đối với học sinh, cần chuẩn bị tâm lí vững vàng, học cách xử lí tình huống khéo léo khi đối mặt với mâu thuẫn để không dẫn đến căng thẳng, đôi khi là tự bảo vệ bản thân. Cuộc sống cần nhất sự yêu thương, ta sẽ chẳng là gì nếu không có tình thương…”, Nam Phương chia sẻ tại diễn đàn.

Nói về hoạt động trải nghiệm vừa qua, cô Lưu Thị Thanh Trà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thái Lão - cho hay, thầy cô bất ngờ trước sự sáng tạo, làm chủ diễn đàn của học sinh. Nội dung hoạt động ngoài giờ lên lớp do nhà trường định hướng, nhưng công tác chuẩn bị, lên kế hoạch thực hiện chương trình đều do các em tự lập nhóm và đảm nhận.

“Hình thức trò chơi tìm từ khóa mới mẻ, thu hút được nhiều học sinh tham gia phát huy khả năng nhận biết vấn đề. Nhà trường rất mừng khi vấn đề bạo lực học đường được học sinh nhìn nhận sâu sắc, toàn diện và biết đưa ra giải pháp cho ngôi trường, lớp học của mình”, cô Trà trao đổi.

Cũng theo cô Trà, nhà trường luôn sát sao, quan tâm nền nếp, hạn chế tối đa những mâu thuẫn giữa học sinh. Trong đó, quan tâm đặc biệt đến công tác nắm bắt, tư vấn tâm lý cho các em. “Chúng tôi có nhiều kênh thông tin từ giáo viên chủ nhiệm, bộ môn và cả học sinh. Đồng thời có nhiều biện pháp ứng xử phù hợp tùy vào tính chất vấn đề, hoàn cảnh và cá tính mỗi học sinh. Đây là điều cốt yếu để ngăn chặn bạo lực học đường trước những mâu thuẫn nhỏ của học sinh dần lớn, không được giải quyết và dẫn đến hậu quả khó lường”, cô Lưu Thị Thanh Trà chia sẻ.

Học sinh trường THPT Thái Lão (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) tổ chức minigame với các từ khóa liên quan đến vấn đề bạo lực học đường.

Học sinh trường THPT Thái Lão (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) tổ chức minigame với các từ khóa liên quan đến vấn đề bạo lực học đường.

Giải tỏa áp lực cho trò

Trường THPT Quỳnh Lưu 1 (Quỳnh Lưu, Nghệ An) vừa phối hợp với Hội Phụ nữ Công an tỉnh Nghệ An tổ chức hoạt động trải nghiệm với chủ đề phòng chống ma túy và bạo lực học đường, lồng ghép vào tiết chào cờ đầu tuần. Chủ đề được chọn lựa trong bối cảnh trên địa bàn gần đây diễn ra một số vụ bạo lực mà đối tượng, nạn nhân đều là học sinh, cả ở trong và ngoài nhà trường. Cùng đó, học sinh THPT cũng là lứa tuổi có sự phát triển về tâm sinh lý.

Theo thầy Hồ Sỹ Nam Thắng – Hiệu trưởng nhà trường, ở độ tuổi này, các em bắt đầu phải giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống, lựa chọn định hướng cho tương lai. Đặc biệt, học sinh cuối cấp có không ít áp lực từ học tập, thi cử, gia đình… cần có diễn đàn để chia sẻ, trao đổi, tháo gỡ vướng mắc. Dù thời gian chỉ khoảng 45 phút, nhưng học sinh tỏ ra quan tâm đến hoạt động trải nghiệm, mạnh dạn chia sẻ suy nghĩ, quan điểm với thầy cô và các chiến sĩ công an.

Tại TP Vinh, nhiều đơn vị giáo dục cũng chủ động liên hệ, mời đại diện đơn vị công an đến trò chuyện, giao lưu, tuyên truyền giáo dục pháp luật, phòng chống bạo lực học đường. Trải qua nhiều lần trao đổi với học sinh các trường, Đại úy Đặng Nữ Hoàng Hạnh - Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Nghệ An - đánh giá hầu hết học sinh có hiểu biết nhất định về bạo lực học đường. Tuy nhiên, các em chỉ hiểu bạo lực là tác động lên thể xác (đánh đập)…

Trong khi đó, những vấn đề sâu xa, thầm lặng hơn thậm chí tưởng chừng biểu hiện nhẹ, vô hại cũng có thể là bạo lực. Cố tình làm hư hỏng quần áo, đồ dùng học tập, xe của bạn là bạo lực học đường về mặt vật chất; trêu đùa, chạm vào bộ phận nhạy cảm trên thân thể bạn là bạo lực tình dục; chửi bới, xúc phạm danh dự, ngoại hình bạn là 1 dạng bạo lực ngôn ngữ…

Từ quá trình trao đổi, tư vấn cho học trò, Đại úy Đặng Nữ Hoàng Hạnh cho rằng các nhà trường nên thành lập câu lạc bộ thiếu niên nói, để các em có môi trường chia sẻ, thể hiện suy nghĩ, quan điểm về các vấn đề trong học tập, cuộc sống, gia đình, bạn bè…

“Tôi luôn dặn học sinh chia sẻ với người thân, thầy cô, người mà các em tin tưởng, mạnh dạn nói trước cộng đồng nếu bị bạo lực, xâm hại. Cộng đồng sẽ có tiếng nói và giúp đỡ các em. Những người bạo lực mới đáng xấu hổ, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm, chứ không phải nạn nhân”, Đại úy Đặng Nữ Hoàng Hạnh chia sẻ.

“Tôi khá bất ngờ khi nói về phương pháp phòng chống bạo lực, học sinh đều hiểu cần tâm sự, chia sẻ, tìm sự giúp đỡ của bố mẹ, thầy cô. Có học sinh lớp 6 còn biết tổng đài 111 - bảo vệ trẻ em. Chứng tỏ các em đã tìm hiểu và có kiến thức khá tốt…”, Đại úy Đặng Nữ Hoàng Hạnh trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ