Diễn biến phức tạp
Nhận định của thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình), tình trạng bạo lực, bắt nạt học đường có chiều hướng gia tăng, diễn biến hết sức phức tạp. Lý do dẫn đến bạo lực đôi khi rất đơn giản, như va chạm trong lúc chơi đùa, trên đường đi học, mâu thuẫn nói xấu nhau trên các diễn đàn, mạng xã hội.
Một học sinh xinh đẹp, học giỏi, được phụ huynh lấy làm gương, thì chính em đó bị ghen ghét, đố kỵ, có thể là nạn nhân của bắt nạt học đường. Hoặc em có hoàn cảnh đặc biệt cũng có thể bị mang ra làm trò đùa…
Việc sát sao đến học sinh, theo thầy Dũng là vô cùng quan trọng. Bởi vậy, Trường THCS Thụy Liên đặc biệt chú ý những em hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, bố mẹ có mâu thuẫn rạn nứt tình cảm…; phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách để nắm được tính cách từng học sinh để động viên, chia sẻ khó khăn kịp thời.
Với học sinh hay gây gổ với bạn, giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu hoàn cảnh, tâm lý và phối hợp với giáo viên bộ môn, ban cán sự lớp gần gũi hơn. Khi học sinh thấy mình được chia sẻ sẽ có suy nghĩ tích cực, phấn đấu tốt lên.
Nhìn nhận về thực trạng bạo lực học đường hiện nay, cô Hoàng Vũ Diệu Yến cho rằng cần xác định rõ: Đa phần nạn nhân không thể tự mình giải quyết được vấn đề. Chính vì vậy, sự tham gia của giáo viên, nhà trường rất quan trọng và cần bảo đảm tiêu chí: Kịp thời - quyết liệt - đồng bộ.
Là chuyên viên tham vấn tâm lý học đường tại Phenikaa School, theo cô Hoàng Vũ Diệu Yến, nạn nhân của bạo lực học đường thường xuyên cảm thấy căng thẳng, lo lắng, sợ hãi. Khi mâu thuẫn không được giải quyết kịp thời, những uất ức và sự bất lực sẽ dễ khiến các em nảy sinh ý nghĩ tiêu cực, có thể dẫn đến vấn đề sức khỏe tinh thần nghiêm trọng như trầm cảm, rối loạn lo âu, hoặc hành động gây nguy hiểm tới sức khoẻ, tính mạng bản thân.
“Các vụ bạo lực học đường đôi khi xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ hoặc hiểu lầm không đáng có. Phát hiện từ giai đoạn này, giáo viên cần can thiệp kịp thời để hoà giải, giúp học sinh đạt được sự thấu hiểu, đồng thuận và lập tức thực hiện các biện pháp an toàn. Sự can thiệp của nhà trường, giáo viên cần quyết đoán, quyết liệt.
Đặc biệt, không thể quy toàn bộ trách nhiệm cho một cá nhân hay tổ chức riêng lẻ nào. Cùng với nhà trường, gia đình cần có kế hoạch giám sát, bảo vệ trẻ cho đến khi nguy cơ bạo lực hoàn toàn biến mất. Cha mẹ cũng là cầu nối quan trọng đồng hành cùng con, kịp thời lắng nghe, hỗ trợ, giáo dục con hướng đến tình cảm, hành vi tốt đẹp”, cô Yến cho hay.
Thành viên Câu lạc bộ Tuổi hồng (Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) tư vấn tâm lý cho học sinh. Ảnh: INT |
Không chỉ nạn nhân cần được tham vấn hỗ trợ
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho rằng: Những nạn nhân của bạo lực học đường chịu nhiều áp lực tâm lý. Nhưng trên thực tế, nhiều gia đình, nhà trường đã không ứng xử với sự cẩn trọng và trách nhiệm cần thiết.
Họ có thể tin rằng việc gặp kẻ bắt nạt, nói vài câu hòa giải hoặc chỉ trích, trừng phạt, thậm chí chuyển kẻ bắt nạt đi là xong. Nhiều khi cách làm nửa vời đó chỉ làm cho kẻ bắt nạt thêm ấm ức và hành vi bắt nạt đi vào bí mật với mức độ nghiêm trọng hơn.
Quy trình hỗ trợ đúng phải bao gồm việc tin tưởng vào những tiết lộ và ngay lập tức có hành động bảo vệ nạn nhân. Ví dụ, cách ly nạn nhân khỏi mối nguy bị bắt nạt cho đến khi chắc chắn việc này sẽ không tái diễn. Lắng nghe, cung cấp giải pháp bảo vệ cụ thể để trấn an học sinh. Gia đình cam kết sẽ đưa đón con tới trường trong thời gian này; hỗ trợ con để bảo đảm không bị quấy rối, bắt nạt.
Khuyến khích các em đến gặp nhà tâm lý để được tư vấn, hỗ trợ quản lý hành vi cảm xúc, sàng lọc nguy cơ tự sát. Báo cáo sự việc cho nhà trường, gia đình thủ phạm, cơ quan chức năng (nếu cần thiết) để yêu cầu sự hỗ trợ và cùng nhau thống nhất biện pháp hành động, bảo đảm hành vi bạo lực không leo thang và phải được chấm dứt.
PGS.TS Trần Thành Nam lưu ý, không chỉ nạn nhân cần được tham vấn hỗ trợ để hồi phục về tâm lý và học chiến lược tự bảo vệ, ứng phó phù hợp với kẻ bắt nạt, mà cũng cần hỗ trợ cả thủ phạm và những người tham gia, chứng kiến. Tất cả cần được giáo dục tâm lý về sự thấu cảm, chiến lược lựa chọn hành vi và hậu quả của hành vi. Giáo dục tâm lý kết hợp với việc đưa ra những hình phạt nếu cần để kết quả là các bản cam kết về hành vi ứng xử thân thiện trong tương lai.
Không những thế, phụ huynh của thủ phạm bạo lực cũng phải được tham gia vào các buổi thảo luận về cách làm cha mẹ và chiến lược quản lý hành vi của con. Phụ huynh của nạn nhân cần được trao đổi để nhận diện sớm các nguy cơ bất ổn về tâm lý, những dấu hiệu sớm của hành vi tự hại hoặc tự tử, cũng như chiến lược lắng nghe, tiếp cận, đặt câu hỏi phù hợp để hỗ trợ con vượt qua giai đoạn khó khăn của cảm xúc.
“Với các nhà trường, cần lập tức rà soát, thiết lập lại kế hoạch để phòng ngừa và ứng phó với bắt nạt, bạo lực ở trường. Củng cố lại các quy tắc ứng xử quy định hành vi chấp nhận và không thể chấp nhận trong nhà trường, cũng như các biện pháp kỷ luật tương ứng. Thiết lập hệ thống gửi khiếu nại về các hành vi liên quan đến bắt nạt, bạo lực. Đưa ra một quy trình chi tiết, từ việc nhận khiếu nại đến xử lý người bắt nạt và hành vi bắt nạt một cách khoa học.
Phê duyệt quy trình sơ cứu tâm lý và hỗ trợ nạn nhân của bắt nạt tái hòa nhập lại môi trường học tập một cách an toàn. Cũng cần nghiên cứu để sớm xây dựng và đưa vào đào tạo cho giáo viên, học sinh về phòng chống bắt nạt và bạo lực học đường theo cấu trúc đã được nhiều chương trình phòng ngừa bắt nạt thành công trên thế giới”, PGS.TS Trần Thành Nam nêu quan điểm.
“Quan điểm của nhà trường là sớm phát hiện các biểu hiện để kịp thời ngăn chặn, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Nhà giáo không được dùng bạo lực nhưng cũng không được phép bất lực trước học sinh cá biệt. Ngoài ra, việc thông tin, phối hợp thường xuyên với gia đình; xử lý nghiêm khắc đúng theo quy định với học sinh vi phạm cũng được chú trọng thực hiện”, thầy Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.