Để dạy tốt văn học địa phương

GD&TĐ - Một trong những điểm mới của chương trình Ngữ văn cấp THCS là đã dành một số tiết cho văn học địa phương, với mục đích gắn kết kiến thức học sinh được học trong nhà trường với những vấn đề đang đặt ra cho cộng đồng (dân tộc và nhân loại) cũng như cho mỗi địa phương.

Để dạy tốt văn học địa phương

Theo cô Đỗ Thanh Loan – Giáo viên Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) - khai thác, bổ sung và phát huy vốn hiểu biết về văn học địa phương, làm phong phú và làm sáng tỏ thêm chương trình chính khóa.

Từ đó, giúp học sinh hiểu biết và hòa nhập hơn với môi trường mà mình đang sống, có ý thức tìm hiểu, góp phần giữ gìn và bảo vệ các giá trị văn hóa của quê hương. Đồng thời giáo dục lòng tự hào về quê hương, xứ sở.

Đổi mới từ xác định các yêu cầu của tiết học

Cũng giống với các tiết học khác, khi soạn giáo án cho giờ dạy chương trình địa phương, cô Loan cho rằng, người giáo viên bao giờ cũng phải xác định mục tiêu cần đạt.

Cụ thể, một tiết Chương trình địa phương cần đảm bảo các yêu cầu chính sau đây:

Về nội dung của tiết học: Phải gắn chặt và thực hiện các yêu cầu, mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch hoạt động giáo dục chung của chương trình chính khóa, sách giáo khoa đồng thời cập nhật với đời sống xã hội của đất nước, Thủ đô, của từng địa bàn dân cư, cập nhập với đời sống của học sinh từng lớp.

Nội dung mỗi tiết chương trình địa phương phải vừa tập trung vào một chủ điểm nhất định, vừa phải tích cực giải quyết các yêu cầu do chính đời sống học tập, rèn luyện của học sinh đặt ra.

Về tổ chức triển khai tiết Chương trình địa phương: Phải đảm bảo nguyên tắc học sinh làm trung tâm một cách toàn diện. Đây là tiết học mang tính liên hệ với thực tiễn cuộc sống, cũng như tình hình đời sống của cộng đồng, của địa phương mà học sinh sinh sống.

Do đó, tiết học sẽ thực sự thành công nếu giáo viên giúp các em hòa nhập với địa bàn sinh hoạt. Để từ đó, học sinh là người chủ động tìm tòi, mở rộng vốn hiểu biết về văn hóa dịa phương bằng cách tự sưu tầm tài liệu, tìm hiểu.

Thậm chí, trước những vấn đề đặt ra, học sinh có thể đưa ra những kiến giải riêng, quan điểm riêng và ở một số trường hợp cụ thể còn có thể đề xuất những kiến nghị và giải pháp của riêng mình.

Như vậy, học sinh sẽ chủ động trong việc khám phá kiến thức văn học của địa phương mình, thực hiện đúng mục đích yêu cầu của tiết dạy...

Giáo viên phải linh hoạt

Song để thực hiện được những yêu cầu trên, cô Đỗ Thị Thanh Loan cho rằng, giáo viên phải thể hiện linh hoạt vai trò chỉ đạo của mình trong suốt quá trình hướng dẫn học sinh chuẩn bị học tiết chương trình địa phương, bằng cách gợi mở ý hướng, khơi gợi tiềm năng, tiềm lực, động viên khuyến khích học sinh chủ động, tự tin thực hiện.

“Trước mỗi một tiết học này, tôi thường xác định mục tiêu của tiết dạy rồi sau đó sẽ xây dựng kế hoạch cho mình và học sinh cùng thực hiện” – cô Loan cho hay.

Việc đầu tiên, giáo viên hướng dẫn học sinh công việc cần chuẩn bị trước, coi đó là một hình thức soạn bài. Tuy nhiên, đây là một bài soạn đặc biệt bởi nó đòi hỏi sự đầu tư từ nguồn thực tế. Do đó phần hướng dẫn của giáo viên lại càng cần phải kĩ càng, chi tiết và cụ thể hơn.

Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng thực sự của tiết chương trình địa phương, giáo viên phải đầu tư nhiều công sức so với một tiết dạy bình thường. Sự đầu tư này trước hết được thể hiện ở  xây dựng kế hoạch cho tiết học. Kế hoạch này càng cụ thể chi tiết bao nhiêu thì càng có hiệu quả bấy nhiêu.

Ví dụ  kế hoạch các tiết Chương trình địa phương cho lớp 9A3 năm học 2013 – 2014 được cô Loan xây dựng như sau:

TT

Tiết

Nội dung

Thời gian chuẩn bị

Thời gian thực hiện

Yêu cầu với GV

Yêu cầu với HS

1

42

Chương trình địa phương phần Văn – Sưu tầm các tác giả ở địa phương và những tác phẩm viết về địa phương; viết bài văn ngắn giới thiệu và nêu cảm nghĩ của em về một trong những tác phẩm viết về địa phương mà em sưu tầm được hoặc viết một bài văn hay một bài thơ về địa phương mình.

2tuần

1 tiết

- Đề ra yêu cầu tiết học

- Hướng dẫn cho học sinh cách sưu tầm những tác giả sinh sống ở địa phương hoặc các tác phẩm hay viết về địa phương mình

- Liên hệ với một tác giả có tác tác phẩm trong chương trình SGK sinh sống ở địa phương để đến trao đổi, trò chuyện với HS về những vấn đề văn học. (ví dụ nhà thơ Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, nhà văn Lê Minh Khuê...)

- Thực hiện yêu cầu của giáo viên.

- HS tự phân công trong tổ nhóm tìm hiểu tư liệu, dẫn chứng phục vụ cho bài học

2

63

Chương trình địa phương phần tiếng Việt – Tìm hiểu các phương ngữ địa phương mình.

1 tuần

1 tiết

- Đề ra yêu cầu tiết học

- Hướng dẫn cho học sinh cách sưu tầm những từ ngữ địa phương trong ngôn ngữ giao tiếp, trong văn học

- Thực hiện yêu cầu của giáo viên.

- HS tự phân công trong tổ nhóm tìm hiểu tư liệu, dẫn chứng phục vụ cho bài học

3

101

Chương trình địa phương phần Tập làm văn – Tìm hiểu, suy nghĩ để viết bài nêu ý kiến dưới dạng nghị luận về một sự việc hiện tượng nào đó ở địa phương.

7 tuần

1 tiết

- Hướng dẫn cho học sinh tìm hiểu yêu cầu bài tập

- Thống nhất đề tài cho từng tổ nhóm

- Hướng dẫn học sinh cách viết, sưu tầm tài liệu

- Thống nhất thời gian nộp bài

- Thực hiện yêu cầu của giáo viên.

- HS tự phân công trong tổ nhóm tìm hiểu tư liệu, dẫn chứng phục vụ cho bài học

4

133

Chương trình địa phương phần tiếng Việt - Tìm hiểu các phương ngữ địa phương mình và các địa phương khác

1 tuần

1 tiết

- Đề ra yêu cầu tiết học

- Hướng dẫn cho học sinh cách sưu tầm những từ ngữ địa phương trong ngôn ngữ giao tiếp, trong văn học

- Thực hiện yêu cầu của giáo viên.

- HS tự phân công trong tổ nhóm tìm hiểu tư liệu, dẫn chứng phục vụ cho bài học

5

143

Chương trình địa phương phần Tập làm văn – Thực hiện công việc đã chuẩn bị ở tiết 101

1 tuần xem trước bài của HS

1 tiết

- Nhắc lại yêu cầu tiết học

- Thống nhất bảng tiêu chí đánh giá

- Điều khiển tiết học, đánh giá nhận xét chung.

- Nộp bài đúng hạn

- Trình bày bài của tổ nhóm

- Đánh giá nhận xét nhóm bạn

Chú ý: Việc xây dựng kế hoạch cho tiết học này trước hết phải phù hợp với yêu cầu giáo dục chung của chương trình, song cũng cần linh hoạt, có sự điều chỉnh sao cho phù hợp với đối tượng từng lớp từng khối, từng địa bàn cụ thể.

Ngoài ra, trong thực tế, nội dung và hình thức thể hiện của tiết Chương trình địa phương rất phong phú đa dạng và sự kết hợp giữa chúng là rất linh hoạt.

Một nội dung có thể và cần được chuyển tải bằng những hình thức khác nhau và ngược lại một hình thức, loại hình tiết học, lại có thế chuyển tải nhiều nội dung khác nhau. Song cả về nội dung và hình thức của các tiết sinh hoạt lớp vẫn được xác định vào một số tiêu chí nhất định.

Các loại hình hoạt động

Về hình thức ( loại hình) hoạt động của tiết Chương trình địa phương, có thể có các loại hình chủ yếu sau đây:

Loại hình làm bài tập: Hình thức này rất truyền thống phù hợp với những tiết thực hành, do đó cô Loan cho biết mình chủ yếu dùng cho các tiết Chương trình địa phương phần Tiếng Việt.

Sau khi giới thiệu yêu cầu, mục tiêu tiết học, học sinh sẽ giải hệ thống bài tập trong SGK và những bài tập giáo viên sưu tầm thêm. Cần chú ý đây là các tiết chữa lỗi chính tả hay mở rộng vốn phương ngữ, do đó giáo viên cần gắn với kiến thức chính khóa với mầu sắc địa phương cho rõ.

Loại hình sưu tầm: Hình thức tiết học này sẽ là phần trình bày của học sinh về những tìm hiểu của mình bằng cách sưu tầm nội dung. Loại hình này phù hợp với các tiết phần Văn.

Loại hình cho học sinh trình bày: Sau khi học sinh sưu tầm và biên soạn về nội dung thì lần lượt các tổ nhóm sẽ lên trình bày (có thể kết hợp với trình chiếu trên máy tính), tự đánh giá nhận xét, giáo viên chỉ điều khiển và tổng kết bài học. Loại hình này phù hợp với các tiết tập làm văn.

Các loại hình hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ bằng hình thức cho tổ chức các tiết ngoại khóa ( đi xem phim, kịch, đi tham quan danh lam thắng cảnh, tọa đàm với các văn nghệ sĩ ở địa phương…): Hình thức này có thể tổ chức trong lớp hoặc phối hợp tổ chức giữa các lớp, để làm phong phú hơn, sinh động hơn và có hiệu quả giáo dục cao hơn đối với các tiết địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ