Giúp học sinh rèn năng lực tư duy ở các tiết lý luận văn học

GD&TĐ - Lý luận văn học là một bộ môn của khoa nghiên cứu văn học, có nhiệm vụ nghiên cứu bản chất, chức năng xã hội và thẩm mỹ, quy luật phát triển của sáng tác văn học, có tác dụng xác định phương pháp luận và phương pháp phân tích văn học. 

Giúp học sinh rèn năng lực tư duy ở các tiết lý luận văn học

Các vấn đề của lý luận bao gồm ba nhóm: Lý thuyết về các đặc trưng phản ánh đời sống hiện thực bằng hình tượng nghệ thuật, lý thuyết về cấu trúc tác phẩm và về quá trình văn học.

Các tiết lý luận văn học ở chương trình THPT bao gồm các vấn đề: Văn bản học, đọc hiểu văn bản; đọc tác phẩm theo thể loại: truyện, thơ, kịch, văn nghị luận; các giá trị văn học, phong cách văn học, quá trình văn học…Tức là bao hàm cả ba nhóm lý thuyết trên.

Lý luận văn học đi vào những vấn đề chung nhất của sáng tác và tiếp nhận văn học. Vì vậy, theo thầy Phan Huy Nghiêm - giáo viên Trường THPT chuyên Hoàng Lên Kha (Tây Ninh) - đây là lĩnh vực quan trọng có thể rèn luyện năng lực tư duy cho học sinh.

Tập cho học sinh có thói quen tra từ điển

Trong thực tế giảng dạy, thầy Nghiêm cho biết mình đã tập trung vào các công việc sau:

Tập cho học sinh có thói quen tra từ điển (Từ điển văn học, từ điển thuật ngữ văn học, từ điển tác giả - tác phẩm văn học…).

Hoạt động này giúp cho học sinh tập làm quen với tác phong khoa học trong học tập. Trong mỗi bài học, học sinh sẽ gặp những từ mới, khái niệm, thuật ngữ văn học.

Giáo viên hoặc do điều kiện thời gian hoặc không có ý thức đã không dừng lại cung cấp nội hàm của nó, nên học sinh hiểu lờ mờ, thậm chí không hiểu gì mà vẫn dùng.

Điều này trở thành một hiện tượng phổ biến ở học sinh phổ thông, kể cả sinh viên chuyên ngành ngữ văn là có thói quen dùng khái niệm- thuật ngữ văn học theo người khác. Thấy người khác dùng như vậy thì cứ dùng theo, rất lờ mờ về nghĩa của nó. Vì vậy rất nhiều trường hợp dùng sai hoặc không phù hợp.

"Các thuật ngữ như: Đề tài, tư tưởng - chủ đề, thể loại, phong cách, bút pháp, điển hình, trữ tình, tự sự, tình tiết, chi tiết nghệ thuật… là rất quen thuộc và được sử dụng thường xuyên trong các tiết giảng của giáo viên và bài làm của học sinh.

Nhưng trong lớp học khó kiếm được một học sinh có thể hiểu đúng các thuật ngữ đó. Việc sử dụng theo “quán tính” theo kiểu “ăn theo” là hiện tượng phổ biến.

Vì vậy khi giảng dạy, giáo viên có nhiệm vụ cung cấp nội hàm các thuật ngữ mới, hoặc yêu cầu các em tra từ điển và theo dõi, chấn chỉnh việc sử dụng của các em" - thầy Nghiêm cho biết.

Rèn khả năng tư duy bằng thuật ngữ văn học 

Ngoài ra, theo thấy Phan Huy Nghiêm, kiến thức lý luận văn học đã được cung cấp khá hệ thống ở mục “Tri thức đọc hiểu” (Chương trình nâng cao) đi liền với một số bài học. 

Thông thường giáo viên chỉ lo giảng dạy cho đủ những đơn vị kiến thức, ít chú ý kiến thức lý luận văn học ở mục này. Đây là một thiếu sót lớn.

“Tri thức đọc hiểu” thể hiện rõ ý đồ của các nhà soạn sách - tạo cơ sở cho việc đọc hiểu văn bản. Như vậy, không chỉ dừng lại tập cho học sinh có thói quen sử dụng từ điển mà tiến thêm một bước là tập cho học sinh có khả năng tư duy trên khái niệm - thuật ngữ khoa học nói chung và thuật ngữ văn học nói riêng. Tức là hiểu nội hàm môt cách đầy đủ và sử dụng nó trong việc lý giải các vấn đề văn học.

Chẳng hạn, để đọc hiểu văn bản “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân thì cần dựa vào tri thức đọc hiểu “Văn học lãng mạn”. Tri thức đọc hiểu này giúp học sinh hiểu tác giả đã xây dựng những nhân vật của mình dựa trên giá trị nào? Thể hiện lý tưởng và tình cảm thẩm mỹ ra sao? Và các thủ pháp nghệ thuật chính được sử dụng.

Tri thức đọc hiểu này không chỉ là cơ sở đọc hiểu văn bản trên mà của nhiều tác phẩm trong chương trình thuộc khuynh hướng văn học này như “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam), đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” (“Những người khốn khổ”- V.Huygo) hay các sáng tác thuộc trào lưu thơ mới.

Trong bài viết, các khái niệm - thuật ngữ văn học là cơ sở để xây dựng luận điểm. Ví dụ đề bài: Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân. 

Để giải quyết vấn đề này trước hết học sinh cần hiểu khái niệm “Giá trị nhân đạo” là gì? Những khía cạnh- biểu hiện của giá trị nhân đạo. Từ đấy mới soi chiếu vào tác phẩm để phân tích giá trị nhân đạo.

Hay đề bài: Phân tích truyện ngắn “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành để làm rõ khuynh hướng sử thi của văn học giai đoạn 1945-1975. Học sinh không hiểu “Sử thi” hay “Khuynh hướng sử thi” thì bài làm sẽ rất mơ hồ.

"Rèn luyện năng lực tư duy cho học sinh theo chúng tôi là một mục tiêu quan trọng của bộ môn ngữ văn bậc THPT. Tất nhiên không chỉ như hai đề xuất như trên của chúng tôi mà bằng nhiều con đường, nhiều cách khác nhau.

Điều quan trong là giáo viên phải có kế hoạch và kiên trì từng bước thực hiện. Cần đánh giá năng lực tư duy qua từng bài viết và từng năm học để thấy được sự trưởng thành của các em" - thầy Nghiêm cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ