Đề án tuyển sinh của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

GD&TĐ - Dưới đây là Đề án tuyển sinh của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Mời bạn đọc quan tâm nghiên cứu và góp ý.

Đề án tuyển sinh của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC CHÍNH QUY
GIAI ĐOẠN 2014 - 2016

1.   Cơ sở pháp lý

- Luật Giáo dục Đại học năm 2012;

- Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”;

- Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy, ban hành kèm theo Thông tư số 09/2012/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 3 năm 2012 và sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 03/2013/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 3 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Dự thảo Quy định tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy giai đoạn 2014 - 2016.

2. Mục đích của đổi mới tuyển sinh

- Thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường đại học về công tác tuyển sinh theo Điều 34 của Luật Giáo dục Đại học;

- Đảm bảo quy mô tuyển sinh các nhóm ngành và nâng cao chất lượng tuyển, phù hợp với đặc điểm của một trường kỹ thuật trọng điểm;

- Nâng cao hiệu quả thực hiện các quy trình tuyển sinh, góp phần giảm áp lực của kỳ thi cho cả thí sinh, nhà trường và xã hội.

3. Nguyên tắc và quan điểm đổi mới

- Phương án tuyển sinh trước hết phải hướng tới quyền lợi của thí sinh, đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh, giảm thiểu rủi ro thi cử để nâng cao cơ hội trúng tuyển cho thí sinh đồng thời chọn được những sinh viên đủ năng lực học tập theo từng chương trình đào tạo để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo.

- Đổi mới cần phải có tính kế thừa và phát triển, tiến hành từng bước chắc chắn theo một lộ trình phù hợp, mang lại hiệu quả thực chất trong từng bước thực hiện;

- Đảm bảo thực hiện các quy trình tuyển sinh đơn giản, an toàn và nghiêm túc; thực hiện chế độ thông tin rộng rãi, công khai và minh bạch.  

4. Phương thức tuyển sinh năm 2014

Năm 2014 Trường ĐHBK Hà Nội tiếp tục tổ chức thi tuyển sinh đại học theo phương thức 3 chung, tuy nhiên bổ sung vòng sơ tuyển dựa trên kết quả học tập THPT trước khi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Vùng tuyển trong các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế trở ra ngoài Bắc.

4.1 Vòng sơ tuyển

a) Đối tượng sơ tuyển:

- Các thí sinh thuộc vùng tuyển đã tốt nghiệp THPT hoặc sẽ tốt nghiệp THPT năm 2014 và đáp ứng đủ các điều kiện khác theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, muốn dự thi vào Trường ĐHBK Hà Nội phải đăng ký sơ tuyển.

- Các thí sinh thuộc diện được tuyển thẳng không phải đăng ký sơ tuyển, chỉ cần làm hồ sơ xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

b) Thời gian và phương thức đăng ký sơ tuyển:

- Thời gian đăng ký sơ tuyển từ 24/2 đến 15/3.

- Các thí sinh đăng ký trực tuyến trên trang Web tuyển sinh của Trường tại địa chỉ ts.hust.edu.vn sẽ được cấp một tài khoản với mật khẩu cá nhân. Thí sinh điền phiếu trên mạng một số thông tin cá nhân và kết quả học tập THPT (như trên mẫu Phiếu đăng ký sơ tuyển trong phần Phụ lục). Những thí sinh đạt vòng sơ tuyển mới cần nộp phiếu xác nhận kết quả học tập THPT (hoặc bản sao học bạ) kèm theo hồ sơ đăng ký dự thi.

- Những thí sinh ở các vùng sâu, vùng xa không có điều kiện truy cập mạng có thể gửi Phiếu đăng ký sơ tuyển (theo mẫu trong Phụ lục) tới Hội đồng tuyển sinh trường qua đường bưu điện.

c) Chỉ tiêu và phương thức xét sơ tuyển:

- Chỉ tiêu sơ tuyển dự kiến: 12.000 cho hai khối A, A1 và 1.000 cho khối D1.

- Tiêu chí xét: tổng điểm trung bình của 3 môn thuộc khối thi ở 5 học kỳ THPT (6 học kỳ đối với thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước).

- Căn cứ chỉ tiêu dự kiến và số lượng thí sinh đăng ký, Hội đồng tuyển sinh Trường xét điểm từ cao xuống thấp để xác định điểm chuẩn sơ tuyển phù hợp nhưng không cao hơn 21 điểm. Cụ thể là:

+ Tất cả thí sinh có tổng điểm trung bình 3 môn của khối thi từ 21 điểm trở lên đều đạt vòng sơ tuyển;

+ Trường hợp còn chỉ tiêu, sẽ tiếp tục xét các thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 21 điểm từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu sơ tuyển.

d) Thông báo kết quả sơ tuyển:

- Điểm chuẩn sơ tuyển được công bố trước ngày 17/3 trên trang Web tuyển sinh của Trường, trên trang tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Điểm chuẩn và danh sách thí sinh đạt vòng sơ tuyển cũng được gửi theo đường bưu điện tới các Trường THPT và Sở Giáo dục-Đào tạo. Mỗi thí sinh đạt vòng sơ tuyển được cấp một mã số thí sinh để theo dõi và ghi vào hồ sơ đăng ký dự thi phục vụ việc xử lý dữ liệu sau này.

4.2 Kỳ thi chính thức

Các quy trình tổ chức kỳ thi chính thức cho các thí sinh đạt vòng sơ tuyển được thực hiện theo quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường không nhận hồ sơ của thí sinh không đạt vòng sơ tuyển, không nhận hồ sơ của thí sinh dự thi nhờ.

a) Nộp hồ sơ đăng ký dự thi: Từ ngày 17/3, các thí sinh đạt vòng sơ tuyển nộp hồ sơ đăng ký dự thi, lệ phí hồ sơ và lệ phí dự thi theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thí sinh cần ghi rõ mã số được cấp vào góc phía trên bên phải của Phiếu đăng ký dự thi và mặt sau của các tấm ảnh 4x6 gửi kèm hồ sơ đăng ký dự thi.

Những thí sinh đã đăng ký sơ tuyển qua mạng cần gửi kèm theo hồ sơ phiếu xác nhận kết quả học tập THPT:

- Thí sinh vào trang Web tuyển sinh của Trường ĐHBKHN để tự in phiếu và xin xác nhận của Hiệu trưởng Trường THPT.

- Thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT có thể nộp bản sao học bạ THPT thay cho phiếu kết quả học tập theo mẫu.

b) Tổ chức thi:

- Trường tổ chức thi đợt 1 cho khối A, A1 (4/7-5/7) và đợt 2 cho khối D1 (9/7-10/7) cho các thí sinh đã đạt vòng sơ tuyển và nộp hồ sơ đăng ký dự thi.

- Những thí sinh có hộ khẩu thuộc cụm thi Hải Phòng và cụm thi Nghệ An được bố trí thi tại các cụm thi đó như bình thường, nhưng cũng có thể đăng ký dự thi trực tiếp tại trường.

c) Phương thức xét tuyển:

- Trường ĐHBK Hà Nội xây dựng điểm sàn chung toàn trường theo khối thi và điểm chuẩn cho nhóm ngành (riêng ngành Ngôn ngữ Anh theo chuyên ngành).

- Mỗi thí sinh có một nguyện vọng chính theo hồ sơ đăng ký dự thi, bên cạnh đó còn được đăng ký ít nhất 2 nguyện vọng bổ sung nhóm ngành đăng ký học. Thí sinh không đạt điểm chuẩn nguyện vọng chính được xét tuyển theo nguyện vọng bổ sung. Sau năm học thứ nhất, sinh viên sẽ được phân ngành học thuộc nhóm ngành trúng tuyển (trừ ngành Ngôn ngữ Anh đã xét tuyển theo 2 chuyên ngành).

- Những thí sinh không trúng tuyển vào trường (theo nguyện vọng chính và nguyện vọng bổ sung) được sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào các trường khác theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Trường thực hiện chính sách ưu tiên trong tuyển sinh (ưu tiên theo đối tượng, vùng miền, ưu tiên xét tuyển thẳng và tuyển thẳng,...) theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4.3. Thi tuyển và xét tuyển vào các chương trình đào tạo chất lượng cao

Các chương trình chất lượng cao tuyển chọn thí sinh đã trúng tuyển vào trường sau khi nhập học:

- Các chương trình Kỹ sư tài năng (Cơ điện tử, CNTT, Điện tử-Viễn thông, Điều khiển tự động, Hữu cơ-Hóa dầu, Toán-Tin và Vật lý kỹ thuật) và Kỹ sư chất lượng cao (Cơ khí hàng không, Hệ thống thông tin và truyền thông, Tin học công nghiệp) tổ chức thi bổ sung 2 môn Toán, Lý (trong một buổi thi).

- Các chương trình tiên tiến (Điện-Điện tử, Cơ điện tử, Kỹ thuật Vật liệu, Kỹ thuật Y sinh) và chương trình CNTT Việt-Nhật xét tuyển kết hợp điểm thi đại học và điểm kiểm tra tiếng Anh đầu vào.

4.4 Lệ phí tuyển sinh.

Lệ phí sơ tuyển, lệ phí hồ sơ và lệ phí thi thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước (Thông tư liên tịch số 25/2013/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 8/3/2013 của Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Đối với lệ phí sơ tuyển, Trường ĐHBK Hà Nội sẽ có hướng dẫn cụ thể để thí sinh nộp trong thời gian đăng ký sơ tuyển một cách thuận tiện nhất. Đối với lệ phí hồ sơ và lệ phí thi, thí sinh nộp trực tiếp tại nơi nộp hồ sơ đăng ký dự thi theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Ưu nhược điểm của phương án

5.1 Ưu điểm:

- Quy trình tổ chức sơ tuyển của Trường giúp giảm tỉ lệ thí sinh ảo, giảm số lượng thí sinh tới trường dự thi, giúp Nhà trường tổ chức kỳ thi gọn nhẹ và hiệu quả hơn đồng thời giảm đáng kể áp lực và chi phí cho một số lượng lớn thí sinh. Do quy trình sơ tuyển diễn ra trước thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi, những thí sinh không đạt vòng sơ tuyển sẽ có cơ hội nộp hồ sơ vào các trường khác.

- Việc tổ chức cho thí sinh đăng ký sơ tuyển qua mạng cũng là một cải tiến theo hướng đơn giản hóa thủ tục và giảm thiểu sai sót dữ liệu nhờ tận dụng triệt để thế mạnh của CNTT. Mỗi thí sinh sẽ được tự động cấp mã số cá nhân trên để đăng nhập, kiểm tra các thông tin đăng ký dự thi và sử dụng các tiện ích trực tuyến như xem địa điểm thi, tự in giấy báo thi, đăng ký nguyện vọng bổ sung, tra cứu kết quả thi và thông tin hướng dẫn nhập học.

- Quy trình tuyển sinh gồm 2 bước sơ tuyển và thi tuyển kết hợp thực hiện các thủ tục qua mạng thừa kế được những ưu điểm của kỳ thi ba chung, không gây ra sự xáo trộn hay phiền hà đáng kể cho thí sinh, mang lại hiệu quả ngay trước mắt đồng thời tạo tiền đề tốt cho các bước trong lộ trình đổi mới triệt để hơn sau  này.

- Phương thức xét tuyển theo nhóm ngành (phân ngành sau năm thứ nhất) giúp thí sinh giảm nhẹ rủi ro chọn ngành sai đồng thời tăng cơ hội trúng tuyển (chênh lệch điểm chuẩn giữa các nhóm ngành không quá lớn). Trường tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký các nguyện vọng bổ sung trước kỳ thi bên cạnh nguyện vọng chính theo hồ sơ đăng ký dự thi cũng giúp tăng cơ hội trúng tuyển vào trường cho các em, giảm rủi ro khi phải nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng bổ sung vào các trường khác sau này.

5.2 Hạn chế và biện pháp khắc phục

- Hiện tượng thí sinh ảo vẫn sẽ còn tồn tại khi đăng ký sơ tuyển và khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Việc quy định thí sinh phải nộp lệ phí sơ tuyển trong quy trình đăng ký sơ tuyển cũng giúp phần nào giảm tỉ lệ thí sinh ảo.

- Việc tuyển sinh các chương trình chất lượng cao vẫn phải tiến hành riêng sau kỳ thi tuyển chính thức, sau khi các em trúng tuyển nhập trường. Hạn chế này sẽ được khắc phục khi trường tự chủ tổ chức kỳ thi tuyển chính thức.

6. Lộ trình đổi mới tuyển sinh đến năm 2016

- Tiếp tục cải tiến quy trình sơ tuyển và đăng ký dự thi qua mạng. Nghiên cứu điều chỉnh tiêu chí sơ tuyển, có thể bổ sung yêu cầu về các năng lực khác và kết hợp đánh giá kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điều chỉnh giảm chỉ tiêu sơ tuyển nhằm tổ chức kỳ thi chính thức gọn nhẹ hơn.

- Nghiên cứu xây dựng chuẩn đầu vào cho các nhóm ngành và chương trình đào tạo, trên cơ sở đó xây dựng đề cương các môn thi và công bố rộng rãi trong năm 2014. Dự kiến áp dụng kỳ thi tuyển chính thức do trường ra đề thi riêng từ năm 2016 theo phương án gọn nhẹ, đánh giá tốt năng lực người học theo yêu cầu chuẩn đầu vào của các nhóm ngành và chương trình đào tạo (bao gồm cả các chương trình chất lượng cao).

7. Điều kiện thực hiện phương án tuyển sinh

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một trường đại học trọng điểm quốc gia với bề dày gần 60 năm xây dựng và phát triển, đào tạo trình độ cao, đa ngành, đa lĩnh vực; có đội ngũ cán bộ hùng hậu và điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ, hoàn toàn có đủ năng lực để thực hiện phương án đổi mới tuyển sinh ngay trong năm 2014 và những năm sau. Bên cạnh đội ngũ cán bộ giảng dạy các chuyên ngành, Trường có một số lượng lớn cán bộ có trình độ cao và nhiều kinh nghiệm giảng dạy các môn học cơ bản như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học và Tiếng Anh, hoàn toàn có đủ năng lực xây dựng đề cương chuẩn đầu vào, xây dựng đề thi tuyển sinh và chấm thi cho tất cả các nhóm ngành và chương trình đào tạo từ đại học tới tiến sĩ. Trước khi thi 3 chung, trước đây Trường cũng đã có kinh nghiệm gần 20 năm tự tổ chức thi, với các quy trình của công tác tổ chức thi luôn được thực hiện an toàn và nghiêm túc.

Bên cạnh đội ngũ cán bộ chuyên môn giỏi, Trường ĐHBK Hà Nội cũng có hệ thống hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin hiện đại, đủ điều kiện để ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào đổi mới các quy trình tuyển sinh như đăng ký và xử lý sơ tuyển, đăng ký dự thi qua mạng, xử lý thông tin, dữ liệu tuyển sinh...

8. Tổ chức thực hiện

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phát huy cao độ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và năng lực của toàn thể đội ngũ cán bộ nhà trường để triển khai các giải pháp thực hiện hiệu quả phương án tuyển sinh mới, trong đó tập trung vào các nội dung cụ thể như sau:

- Thành lập Hội đồng tuyển sinh theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bổ sung nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện quy trình tổ chức sơ tuyển và thi bổ sung vào các chương trình chất lượng cao.

- Ban hành các văn bản, quy định, biểu mẫu và hướng dẫn phục vụ công tác sơ tuyển, đưa lên trên Web tuyển sinh của Trường và các phương tiện thông tin đại chúng, gửi công văn và thông tin tới các Trường THPT và các Sở GD-ĐT để phối hợp hướng dẫn cho thí sinh về phương thức đăng ký sơ tuyển và làm hồ sơ đăng ký dự thi.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông để tổ chức tư vấn rộng rãi về phương thức tuyển sinh mới tới thí sinh, đồng thời tổ chức tư vấn trực tuyến thường xuyên trên trang Web tuyển sinh của Trường, không để thí sinh nào thiếu hay hiểu sai thông tin về phương thức tuyển sinh mới của Trường.

- Hoàn thiện phần mềm đăng ký sơ tuyển và đăng ký dự thi, chuẩn bị đầy đủ hạ tầng cơ sở thông tin cho vận hành hệ thống, trợ giúp kỹ thuật cho thí sinh trong quá trình đăng ký sơ tuyển và sử dụng tiện ích của hệ thống.

- Triển khai các công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát các quy trình của công tác tuyển sinh, giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan, đảm bảo tất cả các quy trình được thực hiện đúng quy định.

- Thành lập Tổ công tác xây dựng phương án thi cụ thể và đề cương chuẩn đầu vào của các nhóm ngành để chuẩn bị cho lộ trình đổi mới tổ chức thi tới năm 2016.

9. Cam kết và trách nhiệm của Trường

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cam kết thực hiện nghiêm chỉnh và có hiệu quả cao phương thức tuyển sinh mới, tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc đảm bảo chất lượng đầu vào và tôn trọng quyền lợi cao nhất của thí sinh, đảm bảo toàn bộ quy trình tuyển sinh diễn ra an toàn, trật tự, công bằng và nghiêm túc.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chịu sự giám sát chặt chẽ của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo những quy định chung trong Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng hệ chính quy, trừ những điểm riêng được thực hiện theo phương thức trình bày trên đây.

Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước người học và trước xã hội về mọi mặt của phương thức tuyển sinh mới. Trường có trách nhiệm báo cáo đầy đủ và kịp thời với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời công khai thông tin chi tiết và đầy đủ trên trang Web của Trường và trên các phương tiện thông tin đại chúng về kế hoạch và phương thức tuyển sinh, tình hình và kết quả tuyển sinh của Trường.

                                                                           KT HIỆU TRƯỞNG

                                                                          PHÓ HIỆU TRƯỞNG

                                                                   PGS. Nguyễn Cảnh Lương

PHỤ LỤC

1. Các điều kiện đảm bảo thực hiện

a) Đội ngũ giảng viên cơ hữu (số liệu đến ngày 31/12/2013)

Tổng cộng

Giáo sư

Phó Giáo sư

Tiến sĩ

Thạc sĩ

Đại học

1285

21

174

418

570

102

b) Cơ sở vật chất (số liệu đến ngày 31/12/2013)

Hạng mục

Diện tích sàn xây dựng (m2)

a) Hội trường, giảng đường, phòng học các loại

26.858,9

b) Thư viện, trung tâm học liệu

8.502

c) Phòng thí nghiệm, phòng thực hành, nhà tập đa năng, xưởng thực tập

22.032,2

2. Các ngành đào tạo của Trường

Ngành học

Mã ngành

Khối thi

Chỉ tiêu dự kiến

Nhóm ngành 1: Cơ khí-Cơ điện tử-Nhiệt lạnh

1.300

Cơ kỹ thuật

D520101

A,A1

Kỹ thuật cơ điện tử

D520114

A,A1

Kỹ thuật cơ khí

D520103

A,A1

Kỹ thuật hàng không

D520120

A,A1

Kỹ thuật tàu thủy

D520122

A,A1

Kỹ thuật nhiệt

D520115

A,A1

Công nghệ kỹ thuật cơ khí

D510201

A,A1

Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử

D510203

A,A1

Công nghệ kỹ thuật ô tô

D510205

A,A1

Nhóm ngành 2: Điện-Điện tử-CNTT-Toán tin

2.000

Kỹ thuật điện, điện tử

D520201

A,A1

Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa

D520216

A,A1

Kỹ thuật điện tử, truyền thông

D520207

A,A1

Kỹ thuật y sinh

D520212

A,A1

Kỹ thuật máy tính

D520214

A,A1

Khoa học máy tính

D480101

A,A1

Truyền thông và mạng máy tính

D480102

A,A1

Kỹ thuật phần mềm

D480103

A,A1

Hệ thống thông tin

D480104

A,A1

Công nghệ thông tin

D480201

A,A1

Toán - Tin ứng dụng

D460112

A,A1

Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa

D510303

A,A1

Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông

D510302

A,A1

Nhóm ngành 3: Hóa-Sinh-Thực phẩm-Môi trường

900

Kỹ thuật hóa học

D520301

A

Hóa học

D440112

A

Xuất bản (Kỹ thuật in và truyền thông)

D320401

A

Công nghệ sinh học

D420201

A

Kỹ thuật sinh học

D420202

A

Công nghệ thực phẩm

D540101

A

Kỹ thuật môi trường

D520320

A

Công nghệ kỹ thuật hoá học

D510401

A

Nhóm ngành 4: Vật liệu-Dệt may-Sư phạm KT

320

Kỹ thuật vật liệu

D520309

A,A1

Kỹ thuật vật liệu kim loại

D520310

A,A1

Kỹ thuật dệt

D540201

A,A1

Công nghệ may

D540204

A,A1

Sư phạm kỹ thuật công nghiệp

D140214

A,A1

Nhóm ngành 5: Vật lý Kỹ thuật-Kỹ thuật hạt nhân

160

Vật lý kỹ thuật

D520401

A,A1

Kỹ thuật hạt nhân

D520402

A,A1

Nhóm ngành 6: Kinh tế-Quản lý

340

Quản trị kinh doanh

D340101

A,A1,D1

Kinh tế công nghiệp

D510604

A,A1,D1

Quản lý công nghiệp

D510601

A,A1,D1

Tài chính - Ngân hàng

D340201

A,A1,D1

Kế toán

D340301

A,A1,D1

Nhóm ngành 7: Ngoại ngữ

180

Ngôn ngữ Anh, bao gồm 2 chuyên ngành

- Tiếng Anh khoa học-kỹ thuật và công nghệ

- Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế (IPE)

D220201

D1

Các chương trình thuộc Viện đào tạo quốc tế

400

Kỹ thuật cơ điện tử

D520114

A,A1

Kỹ thuật điện tử, truyền thông

D520207

A,A1

Công nghệ thông tin

D480201

A,A1

Khoa học máy tính

D480101

A,A1

Quản trị kinh doanh

D340101

A,A1,

D1,D3

3. Văn bản quy định và hướng dẫn

Phương thức sơ tuyển và phương thức xét tuyển theo nhóm ngành thực hiện theo nội dung trong đề án. Các tài liệu hướng dẫn và biểu mẫu sẽ được công bố trên trang Web tuyển sinh của Trường ĐHBK Hà Nội tại địa chỉ ts.hust.edu.vn, đồng thời được gửi tới tất cả các trường THPT, các sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT trong vùng tuyển.

Quy trình nộp hồ sơ ĐKDT và tổ chức kỳ thi chính thức thực hiện theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Dự thảo mẫu phiếu đăng ký sơ tuyển (dành cho thí sinh nộp qua đường bưu điện)

PHIẾU ĐĂNG KÝ SƠ TUYỂN ĐẠI HỌC NĂM 2014

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Họ tên thí sinh:

Ngày sinh:

Số CMND:

Tỉnh/thành phố nơi nộp hồ sơ ĐKDT:

Học sinh trường THPT/Thí sinh tự do:

Địa chỉ liên lạc:

Số điện thoại:

Địa chỉ email (nếu có):

Khối thi:

[ ] A (Toán, Lý, Hóa) [ ] A1 (Toán, Lý, Tiếng Anh) [ ] D1 (Toán, Văn, Tiếng Anh)

Điểm trung bình học kỳ 3 môn học phổ thông thuộc khối thi

HK1-10

HK2-10

HK1-11

HK2-11

HK1-12

HK2-12

TB

Toán

Lý/Văn

Hóa/TA

Xác nhận của Hiệu trưởng Trường THPT Chữ ký của thí sinh

(Mẫu phiếu đăng ký trực tuyến cũng chứa các thông tin như trên nhưng chưa có phần xác nhận của Trường THPT, chỉ sau khi đạt vòng sơ tuyển thí sinh mới cần nộp phiếu xác nhận kết quả học tập của Trường THPT kèm theo hồ sơ đăng ký dự thi).

4. Thông tin liên lạc

Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Số 1 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: (04) 3869.2104

Trang chủ: www.hust.edu.vn

Trang tuyển sinh:  ts.hust.edu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ