UBND TỈNH NGHỆ AN TRƯỜNG CĐ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT ********** | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do – Hạnh phúc ********* Nghệ An, ngày 22 tháng 01 năm 2014 |
ĐỀ ÁN TUYỂN SINH CAO ĐẲNG HỆ CHÍNH QUY NĂM 2014
TÊN ĐỀ ÁN
Đề án tuyển sinh cao đẳng hệ chính quy năm 2014 (Theo Quyết định số 102/QĐ-BGDĐT ngày 08 tháng 01 năm 2013 và quy định về tự chủ tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo )
I. Mục đích và nguyên tắc lựa chọn phương án tuyển sinh
1. Mục đích
- Nhà trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn phương thức tuyển sinh phù hợp với các ngành đặc thù của trường;
- Tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham gia dự thi và tăng cơ hội cho các thí sinh có năng khiếu nghệ thuật vào học tại trường.
- Đảm bảo nguồn tuyển sinh nhằm nâng cao chất lượng tuyển chọn đầu vào, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực các ngành Văn hóa nghệ thuật;
2. Nguyên tắc lựa chọn phương án tuyển sinh.
Nguyên tắc lựa chọn phương án tuyển sinh cao đẳng hệ chính quy năm 2014 của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An phải quán triệt các nguyên tắc chủ yếu sau:
- Đổi mới công tác tuyển sinh phải phù hợp với quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Chiến lược phát triển giáo dục, Chương trình đổi mới giáo dục đại học và các văn bản của Nhà nước về giáo dục và đào tạo; đặt trong sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định của UBND tỉnh Nghệ An.
- Phải nâng cao được chất lượng đầu vào phù hợp với đặc thù các ngành Văn hoá nghệ thuật để đào tạo ra đội ngũ nguồn nhân lực Văn hoá nghệ thuật có trình độ và chất lượng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cụ thể là đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc miền Trung.
- Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh dự thi, không phát sinh tiêu cực, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.
- Phương án được xây dựng trên cơ sở năng lực thực tế của nhà trường, phù hợp với các điều kiện về nguồn lực vật chất và thời gian của trường.
II. Phương án tuyển sinh.
1. Phương thức tuyển sinh
- Các ngành văn hóa của trường: thi tuyển theo kỳ thi chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
- Các ngành năng khiếu của trường: Thi tuyển kết hợp với xét tuyển (thi tuyển các môn năng khiếu kết hợp với xét tuyển các môn văn hóa)
1.1. Thi tuyển theo kỳ thi chung do Bộ Giáo dục Đào tạo tổ chức
Các khối thi, môn thi cho từng ngành được quy định theo qui chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2014, nhà trường tuyển sinh các khối ngành và ngành sau theo phương thức sau:
a) Khối A, thi các môn: Toán; Vật Lý; Hóa học
Cho các ngành:
- Ngành Khoa học Thư viện.
- Ngành Quản lý văn hóa.
- Ngành Việt Nam học (Chuyên ngành Hướng dẫn Du lịch ).
b) Khối A1thi các môn: Toán; Vật Lý; Tiếng Anh
Cho các ngành:
- Ngành Khoa học Thư viện.
- Ngành Quản lý văn hóa.
- Ngành Việt Nam học (Chuyên ngành Hướng dẫn Du lịch ).
b) Khối C thi các môn: Ngữ văn; Lịch sử; Địa lý
Cho các ngành:
- Ngành Khoa học Thư viện.
- Ngành Quản lý văn hóa.
- Ngành Việt Nam học (Chuyên ngành Hướng dẫn Du lịch )
c) Khối D1thi các môn: Toán; Ngữ văn; Tiếng Anh
Cho các ngành:
- Ngành Khoa học Thư viện.
- Ngành Quản lý văn hóa.
- Ngành Việt Nam học (Chuyên ngành Hướng dẫn Du lịch )
Nhà trường dành một số chỉ tiêu xét tuyển đối với những thí sinh có nguyện vọng nộp hồ sơ xét tuyển vào trường trên cơ sở kết quả thi đại học, cao đẳng cùng khối theo "kỳ thi chung” của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đạt điểm sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Phương thức xét tuyển thực hiện theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
1.2. Thi tuyển kết hợp với xét tuyển đối với các năng khiếu
a) Các ngành:
- Ngành Hội họa
- Ngành Sư phạm Mỹ thuật
- Ngành Thiết kế đồ họa.
- Quản lý văn hóa
Thi các môn: Hình họa, Vẽ màu; Xét điểm môn: Ngữ văn
b) Ngành: Thanh nhạc
Thi các môn: Thanh nhạc, Thẩm âm, tiết tấu; Xét điểm môn: Ngữ văn.
c) Các ngành:
- Biểu diễn nhạc cụ truyền thống
- Biểu diễn nhạc cụ phương Tây
Thi các môn: Khả năng sử dụng nhạc cụ, Thẩm âm, tiết tấu; Xét điểm môn Ngữ văn.
d) Ngành: Sư phạm Âm nhạc
Thi các môn: Thanh nhạc, Nhạc cụ, Thẩm âm, tiết tấu; Xét điểm môn: Ngữ văn.
e) Ngành: Quản lý văn hóa
Thi các môn: Thanh nhạc hoặc Nhạc cụ, Thẩm âm, tiết tấu; Xét điểm môn: Ngữ văn.
Tiêu chí xét tuyển:
Môn Ngữ văn tính điểm hệ số 1, không tổ chức thi mà xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm học được tính như sau:
Điểm tổng kết môn Ngữ văn lớp 10 + 11 + 12 + Điểm thi tốt nghiệp môn Ngữ văn
4
- Nộp hồ sơ xét tuyển môn ngữ văn vào ngày làm thủ tục thi (07/2014) gồm có: 1) Học bạ THPT (bản sao có công chứng); 2) Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2014); hoặc bằng tốt nghiệp THPT + Phiếu xác nhận điểm tốt nghiệp THPT (đối với thí sinh tốt nghiệp trước năm 2014) (bản sao có công chứng).
Điều kiện tối thiểu để xét trúng tuyển vào các ngành: Các ngành thi năng khiếu: phải đạt tối thiểu 11,0 điểm trở lên (tổng điểm 3 môn, chưa nhân hệ số), trong đó tổng điểm của hai môn năng khiếu không dưới 8,0.
- Đối với các ngành: Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mĩ thuật, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Đồ họa, Hội họa nhà trường dành một số chỉ tiêu để xét tuyển các thí sinh đăng kí tuyển sinh vào các trường tổ chức tuyển sinh theo đề án tuyển sinh riêng của các trường Đại học trong khối ngành Năng khiếu nghệ thuật. Nhà trường sẽ quy định điểm xét tuyển cho từng khối ngành trên cơ sở thống nhất chuẩn tối thiểu đối với các trường này.
1.3 Đăng kí dự thi, lịch tuyển sinh, chính sách ưu tiên và lệ phí tuyển sinh
- Việc đăng kí hồ sơ dự thi của học sinh và lịch tuyển sinh được thực hiện theo các quy định tại quy chế tuyển sinh đại học cao đẳng hệ chính quy năm 2014 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
- Đối với các đối tượng ưu tiên chính sách hay khu vực, mức chênh lệch điểm xét tuyển thực hiện theo qui chế tuyển sinh Đại học và Cao đẳng hệ chính quy do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
- Các đối tượng được tuyển thẳng được thực hiện theo Quy chế tuyển sinh đại học cao đẳng hệ chính quy năm 2014 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và Quyết định số 102/QĐ-BGDĐT ngày 08 tháng 01 năm 2013 Phê duyệt Đề án thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy vào các trường khối Văn hóa - Nghệ thuật.
- Lệ phí tuyển sinh: thực hiện theo Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chế độ thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.
2. Ưu, nhược điểm của phương án tuyển sinh
Đối với các ngành văn hóa, việc tổ chức tuyển sinh theo phương thức "3 chung" trong những năm qua đã tạo điều kiện cho trường lựa chọn được các sinh viên tốt, đủ năng lực theo học các ngành đào tạo của trường. Mặt khác, trong năm 2014 việc tiếp tục tuyển sinh theo "kỳ thi chung" do Bộ tổ chức đảm bảo thuận lợi cho việc ôn thi của các học sinh (vì học sinh đã chuẩn bị cho kỳ thi này từ khi học lớp 10).
Đối với các ngành năng khiếu, do đề thi môn văn của kỳ thi "3 chung" những năm vừa qua dùng cho tuyển sinh nhiều ngành khác nhau (kể cả các ngành Khoa học xã hội và nhân văn) nên không hoàn toàn phù hợp với yêu cầu tuyển chọn sinh viên năng khiếu. Chính vì vậy, nhiều trường hợp đã loại bỏ những sinh viên có tài năng về nghệ thuật.
Việc sử dụng kết quả học tập ở phổ thông kết hợp với kết quả kỳ thi tốt nghiệp môn văn, một mặt chọn được sinh viên đạt được các yêu cầu cơ bản về kiến thức văn học, mặt khác giảm bớt rủi ro từ việc đánh giá kết quả chỉ qua một kỳ thi. Về chất lượng chuyên môn, đã nhiều năm trường đã tự tổ chức thi các môn năng khiếu và chất lượng của kỳ thi riêng này đã được xã hội thừa nhận thông qua chất lượng đầu ra của sinh viên các ngành khiếu của trường.
Phương án tuyển sinh do trường đề xuất đã tham khảo việc tổ chức thực hiện của 10 trường khối ngành văn hóa, nghệ thuật được triển khai thí điểm năm 2013.
Với phân tích như trên, phương thức tuyển sinh như trong đề án sẽ đảm bảo được chất lượng nguồn tuyển; phù hợp với quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Chiến lược phát triển giáo dục và tình hình cụ thể của địa phương Tỉnh Nghệ An cũng như các tỉnh trong khu vực về phát triển nguồn lực lao động cũng như việc xác định ngành nghề của thí sinh trong việc lựa chọn.
3. Điều kiện để thực hiện phương án tuyển sinh
3.1 Cơ sở vật chất cho thi tuyển sinh:
- Trường bố trí, sắp xếp đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí đảm bảo cho công tác chuẩn bị, công tác tổ chức kỳ thi, chấm thi, công bố kết quả thi, hậu kiểm tuyển sinh đúng quy chế.
- Khu giảng đường 3 tầng và 5 tầng được xây dựng, bố trí theo đặc thù các ngành, nghề đào tạo của nhà trường. Nhà trường có đủ các phòng thi và các trang thiết bị phục vụ cho công tác tuyển sinh.
- Trường bố trí phòng làm việc và chỗ ăn, nghỉ (cách li) cho các cán bộ ra đề thi.
3.2 Lực lượng cán bộ thực hiện kỳ thi tuyển sinh
Trường có lực lượng cán bộ gồm 59 giảng viên và cán bộ quản lý tham gia giảng dạy. 100% giảng viên, giáo viên cơ hữu có trình độ từ đại học trở lên, trong đó có 60 % giảng viên có trình độ trên đại học (1 PGS.TS, 02 tiến sĩ, 01 nghiên cứu sinh, 39 thạc sĩ ), 28 giảng viên thỉnh giảng, 20% trình độ đại học là nghệ sĩ, nghệ nhân, nhạc sĩ. 80% có trình độ thạc sĩ trở lên, đủ năng lực để tự ra đề thi các môn năng khiếu.
Với chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm khoảng 400 sinh viên, với đội ngũ giáo viên và sinh viên của trường có thể hoàn toàn tổ chức tốt việc coi thi, việc chấm thi các môn năng khiếu. Việc chấm thi các môn văn hóa theo đề thi chung của Bộ được thực hiện đúng quy chế và quy định theo hợp đồng ký kết giữa hai trường: Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An và một trong những trường: Đại học Vinh; Đại học Quảng Bình; Đại học Hà Tĩnh; Cao đẳng Sư phạm Nghệ An ( do Trường không đủ lực lượng giáo viên chấm các môn khối A, A1, C, D1 )
III. Tổ chức thực hiện:
1. Chuẩn bị thi:
a) Trường thành lập Hội đồng tuyển sinh của trường. Hội đồng tuyển sinh của trường do Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng Phụ trách đào tạo làm chủ tịch Hội đồng. Hội đồng có nhiệm vụ phổ biến “Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính qui” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các văn bản hướng dẫn của Bộ tới các thành viên Hội đồng, những người giúp việc Hội đồng và thí sinh; chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát toàn bộ công tác tuyển sinh của nhà trường và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của “Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy”.
b) Căn cứ “Qui chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy” và các văn bản hướng dẫn về công tác tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hội đồng tuyển sinh Trường thành lập các ban chuyên môn, chuyên trách giúp việc cho Hội đồng, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thực hiện nhiệm vụ được phân công.
c) Trường có trách nhiệm gửi thông báo tuyển sinh đến các địa phương trong khu vực, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên trang website của trường về các ngành đào tạo, chỉ tiêu, khối thi, môn thi, thời gian thi và các thông tin khác liên quan.
d) Chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc biên soạn đề thi, tổ chức thi, chấm thi.
e) Mời cơ quan công an tham gia công tác đảm bảo trật tự và an toàn thi.
2. Ra đề thi:
- Đề thi các khối: A, A1, C, D1:
Sử dụng đề thi chung của Bộ GD&ĐT, trường nhận đề từ đơn vị in sao do Bộ chỉ định;
- Đề thi các khối năng khiếu (khối: N, H):
Trường thành lập Ban đề thi để ra đề thi riêng của trường đối với tất cả các môn thi năng khiếu nghệ thuật. Các cán bộ ra đề thi là những Giảng viên chuyên ngành giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt, đảm bảo giữ gìn bí mật đề thi. Trường chịu trách nhiệm về nội dung đề thi, quy trình ra đề thi, bảo mật đề thi theo đúng qui chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính qui của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Thời gian và địa điểm thi:
a) Thời gian thi: - Các khối A, A1, C, D1theo quy định của Bộ GD&ĐT
- Khối N,H (năng khiếu) từ 18 đến 20/7/2014
Ngày 18/7 làm thủ tục tại phòng thi,
Ngày 19, 20 / 7 thi các môn năng khiếu.
b) Địa điểm thi: Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An, Số 35 Đường Phùng Chí Kiên, Hưng Lộc, Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 0383565882 (Phòng Đào tạo )
Email: phongdaotao.cvv@moet.edu.vn; Website: www.vhna.edu.vn
4. Tổ chức thi:
a) Các khối: A, A1, C, D1
Thực hiện thi theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo và phương thức thi ba chung của Bộ.
b) Khối:N, H Thực hiện theo phương thức tự chủ: Trường chịu trách nhiệm xét tuyển môn Ngữ văn và thi các môn năng khiếu (Nhạc, Mĩ thuật, Múa…)
+ Khu vực thi khối N có phòng thi độc lập: Phòng thi môn thẩm âm - tiết tấu kết hợp thi các môn chuyên ngành.
+ Khu vực thi khối H: Phòng thi được bố trí như các môn cơ bản.
- Yêu cầu đối với các phòng thi khối N: có trang bị đủ các điều kiện cho thí sinh dự thi như: Đàn, giá và các điều kiện khác.
5. Chấm thi:
a) Chấm thi của các khối: A, A1, C, D1 thực hiện theo qui chế tuyển sinh Đại học và Cao đẳng hệ chính qui của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Trường hợp đồng với các trường Đại học, Cao đẳng chấm môn trắc nghiệm, môn tự luận).
b) Quy trình chấm thi các môn năng khiếu:
+ Cán bộ chấm thi chấm độc lập tại các phòng riêng biệt có sự giám sát của Thanh tra tuyển sinh, Công an phòng PA83 - Công an tỉnh Nghệ An.
+ Cán bộ chấm thi chấm riêng, theo mẫu phiếu chấm thi tuyển sinh của Hội đồng tuyển sinh trường. Sau khi thí sinh kết thúc phần thi, cán bộ chấm thi giao phiếu chấm thi cho ban thư ký niêm phong chuyển cho Trưởng ban thư ký và Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trực tiếp quản lý.
+ Chấm bài thi và biên bản chấm thi theo quy chế Tuyển sinh.
c) Công khai kết quả thi:
Kết quả thi tuyển sinh được gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An, tới từng thí sinh và công bố công khai trên website của trường sau khi Ban thư ký tổng hợp và thông qua Hội đồng tuyển sinh trường.
6. Thanh tra, giám sát quá trình tổ chức thi, chấm thi:
Hoạt động thanh tra theo quy định hiện hành về tổ chức và hoạt động thanh tra các kỳ thi của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đối với nhà trường, Hội đồng tuyển sinh thành lập bộ phận giám sát thi tuyển sinh phối hợp với thanh tra Sở Giáo dục và đào tạo, công an PA83 thực hiện công việc giám sát quá trình tổ chức thi và chấm thi.
Tổ thanh tra do chủ tịch Hội đồng ra quyết định, các ủy viên bao gồm: Cán bộ phòng Thanh tra, Kiểm tra, Kiểm định và Đảm bảo chất lượng giáo dục, đại diện thanh tra nhân dân và một số ủy viên khác do hội đồng căn cứ vào yêu cầu đối với từng ngành thi quyết định.
7. Phúc khảo và kiểm tra việc phúc khảo:
- Hội đồng tuyển sinh trường nhận đơn phúc khảo các môn thi sau 15 ngày kể từ ngày công bố điểm thi.
- Sau khi nhận đơn phúc khảo, Hội đồng tuyển sinh kiểm tra kết quả điểm thi của thí sinh, thông báo cho thí sinh và trên website của trường.
8. Triệu tập thí sinh trúng tuyển:
Triệu tập thí sinh trúng tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
9. Công tác đảm bảo an toàn cho kỳ thi:
- Bố trí, phân công nhiệm vụ cho Ban bảo vệ của nhà trường tham gia công tác an toàn vòng ngoài.
- Phối hợp với Phòng PA 83 công an tỉnh Nghệ An tham gia chỉ đạo tổ chức thi, chịu trách nhiệm an toàn thi và giám sát quá trình tuyển sinh, từ khâu chuẩn bị cho đến khi hoàn thành xét tuyển.
- Phối hợp với công an thành phố Vinh, công an địa bàn xã Hưng Lộc, Ban bảo vệ và đội sinh viên tình nguyện, đội tự quản HSSV bảo vệ trật tự, an toàn cho các thí sinh đến dự thi trong và ngoài giờ làm việc.
IV. Cam kết và lộ trình thực hiện đề án:
Lộ trình:
Trước mắt, Trường thực hiện thi tuyển sinh năm 2014 theo đề án tuyển sinh của trường kết hợp cả hai phương án. Rút kinh nghiệm công tác tổ chức tuyển sinh năm 2014, trường sẽ đưa ra các điều chỉnh cần thiết đối với tuyển sinh năm 2015 và xây dựng đề án tuyển sinh riêng hoàn chỉnh để năm 2016 có thể trình Bộ GD&ĐT để tổ chức tuyển sinh riêng.
Cam kết:
- Đảm bảo tổ chức tuyển sinh một cách công bằng, minh bạch;
- Không để xảy ra hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, giảng viên của nhà trường tổ chức luyện thi.
Để thực hiện được các điều này, một mặt trường sẽ tổ chức tuyên truyền, quán triệt trong đội ngũ giảng viên của trường; lựa chọn cẩn thận các cán bộ ra để thi và đặc biệt là công khai các kết quả thi tuyển và xét tuyển.
Kết quả triển khai thí điểm của 10 trường khối văn hóa - nghệ thuật năm 2013 là cơ sở để trường thực hiện các cam kết nói trên.
PHỤ LỤC ĐỀ ÁN
1. Quy chế tuyển sinh và các văn bản hướng dẫn
Việc thi tuyển theo kỳ thi chung hoặc tổ chức thi riêng các môn năng khiếu đều tuân thủ các quy định trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
2. Kết quả tuyển sinh 5 năm qua(trình độ cao đẳng):
TT | Các ngành đào tạo | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 | 2013 |
1 | Quản lý văn hóa | 65 | 68 | 57 | 55 | 46 |
2 | Khoa học Thư viện | 75 | 72 | 47 | 52 | 31 |
3 | Việt Nam học | 62 | 58 | 43 | 48 | 36 |
4 | Sư phạm âm nhạc | 60 | 62 | 52 | 43 | 46 |
5 | Sư phạm mỹ thuật | 60 | 57 | 32 | 27 | 21 |
6 | Hội họa | 32 | 30 | 17 | 13 | 9 |
7 | Đồ họa | 27 | 25 | 23 | 19 | 7 |
8 | Thanh Nhạc | 8 | 9 | 12 | 8 | 11 |
9 | Biểu diễn nhạc cụ Phương tây | 9 | 6 | 5 | 9 | 7 |
10 | Biểu diễn nhạc cụ Truyền thồng | 7 | 5 | 4 | 3 | 2 |
3. Các ngành đào tạo của trường:
Cao đẳng chính quy:
1) Ngành Quản lý văn hóa
2) Ngành Khoa học thư viện
3) Ngành Việt Nam học (Chuyên ngành: Hướng dẫn viên du lịch)
4) Ngành Thanh nhạc
5) Ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống
6) Ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây
7) Ngành Sư phạm âm nhạc
8) Ngành Sư phạm mỹ thuật
9) Ngành Hội họa
10) Ngành Đồ họa
Cao đẳng vừa làm vừa học:
1) Ngành Quản lý văn hóa
2) Ngành Khoa học thư viện
3) Ngành Việt Nam học (Chuyên ngành: Hướng dẫn viên du lịch)
4) Ngành Sư phạm âm nhạc
5) Ngành Sư phạm mỹ thuật
6) Ngành Hội họa
7) Đồ Họa
8) Biểu diễn nhạc cụ phương Tây
Cao đẳng liên thông:
1) Ngành Quản lý văn hóa
2) Ngành Khoa học thư viện
3) Ngành Việt Nam học (Chuyên ngành: Hướng dẫn viên du lịch)
4) Ngành Thanh nhạc
5) Ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống
6) Ngành Biểu diễn nhạc cụ Phương tây
7) Ngành Sư phạm âm nhạc
8) Ngành Sư phạm mỹ thuật
9) Ngành Hội họa
10) Đồ họa
Trung cấp chuyên nghiệp:
1) Ngành Diễn viên múa.
2) Ngành diễn viên sân khấu kịch hát
3) Ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống
5) Ngành Biểu diễn nhạc cụ Phương tây
6) Ngành Quản lý văn hóa
7) Ngành Khoa học thư viện
8) Ngành Việt Nam học (Chuyên ngành: Hướng dẫn viên du lịch)
9) Ngành Thanh nhạc
10) Ngành Sư phạm âm nhạc
11) Ngành Sư phạm mỹ thuật
12) Ngành Hội họa
14) Ngành Thông tin cổ động
Ngoài ra nhà trường còn liên kết đào tạo bậc đại học theo hình thức vừa làm vừa học và đào tạo liên thông các ngành:
Sư phạm Mỹ thuật
Sư phạm Âm nhạc
Quản lý văn hóa
Khoa học Thư viện
Mỹ thuật tạo hình
Liên kết với các trường: Đại học Văn hóa Hà Nội; Đại học Mỹ thuật Việt Nam; Đại học Sư phạm Hà Nội; Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương; Học viện Âm nhạc Huế; Đại học Nghệ thuật Huế.
* Lưu lượng học sinh, sinh viên: Tổng số học sinh, sinh viên hệ chính quy của nhà trường tính đến tháng 01 năm 2013 là 685, trong đó bậc Cao đẳng là 654 sinh viên và trung cấp là 31 học sinh, ngoài ra còn có 427 sinh viên liên kết đào tạo trình độ đại học.
4. Các nguồn lực để thực hiện đề án.
Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An tiền thân là Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An được thành lập tháng 11/1967; Năm 2004, trường được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An theo quyết định số 1507-BGDĐT ngày 23 tháng 3 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo.
Là một đơn vị sự nghiệp, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, chịu sự quản lý Nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo; có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ có trình độ Cao đẳng và các trình độ thấp hơn trong các lĩnh vực: Âm nhạc, Mỹ thuật, Múa, Sân khấu, Thư viện, Phát hành sách, Bảo tàng, Quản lý văn hóa, Du lịch, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, nghiên cứu khoa học phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội ở các tỉnh Bắc miền Trung.
a. Cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý hành chính và khoa chuyên môn:
* Các phòng, ban:
- Ban Giám hiệu;
- Phòng Tổ chức, Hành chính Tổng hợp;
- Phòng Đào tạo
- Phòng Nghiên cứu khoa học;
- Phòng Thanh tra Khảo thí và Kiểm định chất lượng;
- Phòng Công tác Học sinh Sinh viên;
- Trung tâm Thông tin - Thư viện
- Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng Năng khiếu Nghệ thuật, Tin học và Ngoại ngữ;
- Trung tâm tư vấn và hỗ trợ HSSV
* Các khoa:
- Khoa Âm nhạc và Sư phạm âm nhạc;
- Khoa Mỹ thuật và Sư phạm mỹ thuật;
- Khoa Lý luận đại cương;
- Khoa Nghiệp vụ văn hóa và Du lịch.
b. Cơ sở vật chất
Nhà trường hiện đóng tại số 35 đường Phùng Chí Kiên, Hựng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; với diện tích cơ sở I: 1.100 m2 , Cơ sở II: 1.000 m2 , Cơ sở III: 16,750 m2 ( Đang giải phóng mặt bằng và đền bù đất). Trường có cơ sở vật chất khang trang gồm: Nhà hiệu bộ 3 tầng, khu giảng đường 5 tầng, nhà học chuyên ngành 3 tầng cho các ngành năng khiếu nghệ thuật. với các trang thiết bị đáp ứng cho công tác đào tạo và tuyển sinh. Hội trường thực hành 300 chỗ ngồi, sân khấu ngoài trời có mái che, Trung tâm Thông tin - thư viện hiện đại gồm thư viện truyền thống và thư viện điện tử đảm bảo phục vụ yêu cầu cho giảng viên và học sinh, sinh viên nghiên cứu..
c. Nhân sự
Nhà trường có 86 cán bộ, giảng viên, 4 hợp đồng. Trong đó có 59 giảng viên và cán bộ quản lý tham gia giảng dạy. 100% giảng viên, giáo viên cơ hữu có trình độ từ đại học trở lên, trong đó có 60 % giảng viên có trình độ trên đại học (1 PGS.TS, 02 tiến sĩ, 01 nghiên cứu sinh, 39 thạc sĩ ), 28 giảng viên thỉnh giảng, 20% trình độ đại học là nghệ sĩ, nghệ nhân, nhạc sĩ. 80% có trình độ thạc sĩ trở lên.
Tất cả những điều kiện trên của Trường sẽ đảm bảo trong công tác thi tuyển theo đề án xây dựng trên đây và chuẩn bị cho những năm tiếp theo.
Nơi nhận: - Bộ GD&ĐT; - Vụ Đào tạo Bộ VHTTDL; - Lưu VT. | HIỆU TRƯỞNG PGS.TS Phan Mậu Cảnh |