Những lỗi phổ biến nhất
Uốn cây từ khi còn nhỏ, những hạn chế này cần được khắc phục để giúp các em đọc, viết đúng chính tả tiếng Việt ngay từ khi mới bước vào cổng trường lớp 1. Phải chuẩn bị ngay từ những bước đi đầu tiên, nếu để hạn chế này kéo dài suốt cấp tiểu học đến khi các em vào học cấp THCS thì rất khó uốn nắn.
Theo điều tra của nhóm SV khoa GD Tiểu học khóa 18 Trường ĐHSP TPHCM tại 3 trường TH ở Q.5, kết quả cho thấy, về kỹ năng đọc lưu loát các em vẫn có hạn chế như nhầm lẫn và phát âm sai các phụ âm đầu (trong/chong, sinh/xinh), dấu thanh (cũ/củ, những/ nhửng), âm đệm, âm chính (xòe/xè, tòa/tò)... Đây là những lỗi hay mắc phải của HS miền Bắc (về các phụ âm tr/ch, r/d, s/x), của HS miền Trung (về các dấu thanh hỏi/ ngã, hỏi/ nặng, sắc/ huyền) của HS miền Nam (về âm đệm và nguyên âm đôi: uy/ y, o/ oa, e/oe). Từ đây, nhóm nghiên cứu đã đi đến kết luận: kỹ năng đọc thành tiếng của HS lớp 1 có những ảnh hưởng đáng kể từ nghề nghiệp của phụ huynh, từ việc học thêm của các em.
Do giao tiếp từ nhỏ trong gia đình nhiều em đã ảnh hưởng cách phát âm của người lớn như cha mẹ, ông bà, anh chị. Bên cạnh các phát âm chuẩn là cách phát âm sai, chưa chuẩn mà cả người trong gia đình cũng không phát hiện được. Cha mẹ làm nghề gì cũng ảnh hưởng đến cách phát âm, dùng từ của con cái trong giao tiếp hàng ngày. Việc học thêm tại mỗi nhóm trẻ mỗi khác cũng ảnh hưởng đến sự định hình ban đầu trong cách phát âm và dùng từ của các em trước tuổi vào lớp 1. Những GV phát âm chuẩn thì sẽ dạy cách phát âm đúng cho HS và ngược lại HS sẽ phát âm sai mà nguyên nhân là do từ phía GV hay gia sư dạy tại nhà.
Về kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng đọc của các em dân tộc Hoa yếu hơn HS dân tộc Kinh từ tốc độ đọc đến kỹ năng nắm nội dung văn bản. Điều này có cơ sở vì tiếng Hoa vẫn là tiếng mẹ đẻ của các em trong lúc tiếng Việt được coi như ngôn ngữ thứ 2. Xét về nguyên nhân, PGS Trương Dĩnh (Trường ĐHSP Huế) đánh giá, do sự hạn chế về mặt thời gian trong quá trình dạy học đã dẫn đến người dạy chưa thể quán triệt đặc điểm dân tộc và dạy học cá thể hóa trong dạy học tiếng Việt. Nhất là đối với GV dân tộc Kinh lại càng khó khăn hơn khi dạy cho HS dân tộc Hoa. Bởi vì thầy cô không thể hiểu được văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc khác, trong đó có dân tộc Hoa. Từ nhỏ các em đã sống trong môi trường tiếng Hoa bằng việc nghe, nói và chỉ làm quen với tiếng Việt qua nghe, nói nên đến khi bước vào môi trường học tập tại trường ở giai đoạn mầm non và lớp 1, các em gặp không ít khó khăn vì tiếng Hoa và tiếng Việt có khá nhiều điểm khác nhau về mặt phát âm lẫn chữ viết. Đây chính là rào cản ban đầu khi HS người Hoa tiếp xúc với tiếng Việt qua các văn bản viết và nói.
Thực tế đã cho thấy, về kỹ năng viết, qua 3 khảo sát về kỹ năng viết chữ, viết chính tả, viết sáng tạo thì các em đạt yêu cầu về kỹ năng viết chữ theo dạng tập viết. Còn kỹ năng viết chính tả thì lại đạt kết quả chưa tốt. Đó là các lỗi phổ biến về dấu thanh (ngẩm/ngẫm), phụ âm đầu (ghế/ gế), phụ âm cuối (cau/cao).
Cần có chương trình biên soạn hỗ trợ
Từ hệ thống lỗi trên cho thấy các em HS dân tộc Hoa cũng mắc những lỗi sai như HS dân tộc Kinh, nhất là những em viết sai theo phát âm địa phương vùng miền. Theo PGS-TS Nguyễn Thị Ly Kha (Trường ĐHSP TPHCM), nguyên nhân là do chữ viết tiếng Việt là một chữ viết ghi âm, về cơ bản đọc thế nào viết thế ấy. PGS-TS Nguyễn Thị Ly Kha đề xuất, để giúp HS viết đúng chính tả cần chú trọng rèn cho các em nắm quy tắc chính tả, cần phải chú ý các bài tập chính tả phương ngữ, mở rộng vốn từ để giúp các em viết đúng các trường hợp chính tả phương ngữ. Nếu hiểu được quy tắc chính tả thì việc sửa lỗi theo thói quen rất dễ dàng vì nó mang tính khoa học cao. Bên cạnh đó, do vốn từ nghèo nàn nên các em chưa biết vận dụng linh hoạt trong khi nói và viết. Vì thế hơn ai hết GV là người tăng cường cung cấp và làm giàu hơn vốn từ vựng cho HS của mình.
Qua khảo sát thực trạng và kết quả thực nghiệm, nhóm SV đã đưa ra 4 đề xuất có tính ứng dụng cao: Thứ nhất, kỹ năng đọc viết tiếng Việt của không ít HS dân tộc Hoa học lớp 1 chưa đạt chuẩn tối thiểu. Đây là điều làm cho các em chỉnh sửa cách đọc và viết tiếng Việt rất khó khăn. Thứ hai, HS dân tộc Hoa thường mắc lỗi chính tả do ảnh hưởng của phương ngữ Việt Nam như HS dân tộc Kinh. Điều này mang tính địa phương đậm nét nên GV phải hiểu được phương ngữ vùng miền để có cách khắc phục đúng, giống như chữa bệnh phải tìm đúng nguyên nhân và có thuốc đặc trị phù hợp. Thứ ba, hoàn cảnh gia đình nghề nghiệp của phụ huynh có ảnh hưởng khá quan trọng đối với chất lượng học tập của HS lớp 1. Cuối cùng, quan trọng nhất là cần có chương trình biên soạn hỗ trợ đọc, viết tiếng Việt cho HS lớp 1 dân tộc Hoa. Điều này đòi hỏi ngành GD phải có sự quan tâm. GV là người đưa ra các dạng bài tập có tính thực tế để các em nhận biết cái sai nhằm tìm cách sửa chữa. Các bài tập này dựa trên lỗi mà HS thường mắc phải. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng viết sai chính tả, viết sai theo phát âm để có sự thống nhất trong việc dạy rèn luyện kỹ năng đọc, viết cho HS lớp 1 dân tộc Hoa tại TPHCM nói riêng và HS cấp tiểu học nói chung ở các địa phương khác. Dù khó khăn nhưng không phải không làm được. Đây là bài toán khó cần có lời giải từ các ban ngành, trong đó trách nhiệm đầu tiên là người đứng lớp. Mỗi GV không thể dễ dãi với từng HS khi phát âm và viết sai lỗi chính tả để các em hình thành thói quên đọc và viết đúng chính tả tiếng Việt cho dù thuộc dân tộc nào.
HS dân tộc Hoa học lớp 1 gặp không ít khó khăn trong việc hình thành và rèn luyện kỹ năng đọc, viết tiếng Việt. Phần lớn những lỗi mà các em mắc phải bắt nguồn từ những nguyên nhân như ảnh hưởng từ phương ngữ, từ cách phát âm tiếng mẹ đẻ, từ môi trường sử dụng ngôn ngữ trong gia đình.