Gần 21 năm qua, thầy miệt mài gieo chữ cho những học sinh chậm phát triển trí tuệ, mất thị giác. Thầy Khương không chỉ giúp các em có được “con chữ”, mà còn có cách dạy độc đáo, truyền đạt được kiến thức cơ bản của môn Lịch sử cho học sinh khiếm thị.
Không “đầu hàng” số phận
Thầy Hoàng Văn Khương (SN 1976, quê ở tỉnh Nghệ An), sau khi tốt nghiệp THPT tạm biệt quê hương để vào Đắk Lắk sinh sống. Với niềm đam mê nghề giáo, thầy thi đỗ và sau đó tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk chuyên ngành Lịch sử.
Ra trường với biết bao ước mơ ấp ủ, thầy tình nguyện xin đi dạy ở một trường miền núi xa xôi của tỉnh Đắk Lắk. Thế nhưng, việc dạy học ở nơi đây chỉ được 3 năm ngắn ngủi, trong một lần đi dạy, thầy bị đau mắt dữ dội. Gia đình vội đưa đi bệnh viện, thế nhưng đôi mắt của thầy đã bị bong võng mạc và không thể chữa khỏi. Cứ như thế, đôi mắt của thầy mờ dần rồi mù hẳn.
Chán nản, tuyệt vọng và đau đớn là những gì thầy Khương đã trải qua trong khoảng thời gian đó. “Tôi đau đớn và tuyệt vọng nhưng quyết không bỏ cuộc. Bởi vì tôi nghĩ rằng, trên cuộc đời này có nhiều người còn khiếm khuyết hơn cả mình nhưng họ lại vươn lên được, tại sao mình lại không? Chính vì vậy, tôi quyết làm lại từ đầu, vượt qua mọi khó khăn để thích nghi với cuộc sống mới”, thầy Khương bồi hồi tâm sự.
Không cho phép bản thân mình “đầu hàng” trước số phận, thầy Khương cố gắng vượt qua khó khăn. Thầy bắt đầu tìm học những thứ mới để phục vụ công tác giảng dạy cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đến năm 2001, thầy Khương xin về dạy môn Lịch sử tại Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP Đà Nẵng), nay là Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng.
Ban đầu, thầy hình dung chữ nổi của người khiếm thị là chữ của người bình thường được làm nổi lên. Sau khi biết chữ nổi là hệ thống ký hiệu dấu chấm, thầy phải mò mẫm học từ đầu. Ngày đi dạy, ban đêm thầy về tự học thêm ở nhà. Bên cạnh đó, thầy sắp xếp thời gian rảnh để đi học văn bằng 2, chuyên ngành Giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (mở lớp dạy tại Đà Nẵng).
Thầy Khương tự nhận mình may mắn hơn các em vì đã được nhìn thấy áng mây, bầu trời, mặt cha mẹ, anh em, những đồ vật sinh hoạt hằng ngày trong một thời gian dài của tuổi trẻ.
“Trẻ khiếm thị bẩm sinh chưa từng được thấy nên đòi hỏi người dạy phải kiên trì, nhẫn nại; biết cảm thông, yêu thương, thấu hiểu, đặt mình vào hoàn cảnh, suy nghĩ của các em để lựa chọn những cách giảng giải dễ hiểu nhất. Tôi cũng từng trải qua những khó khăn nên hiểu và cảm thông với các em”, thầy Khương chia sẻ.
Để rồi, gần 21 năm gắn bó với nhiều thế hệ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tại ngôi trường này, thầy Khương hiểu rõ những khó khăn mà học sinh đang trải qua, đặc biệt là việc tiếp thu nội dung các bài giảng.
Không những vậy, với sứ mệnh là “người đưa đò”, thầy Khương đã tìm nhiều cách để giúp các em có được kiến thức, dù ít hay nhiều thầy cũng cố gắng. Thầy đã nghĩ ra nhiều phương pháp giảng dạy hay và đơn giản giúp trò vừa tiết kiệm được thời gian học nhưng vẫn nắm vững được kiến thức.
Dạy Lịch sử theo cách riêng
“Học sinh ở đây chủ yếu là khiếm khuyết, chính vì thế, việc dạy có phần vất vả hơn. Các em phải học chữ nổi, nhưng đối với môn Lịch sử, để hiểu và nắm kiến thức tôi phải nghĩ ra phương pháp dạy mới, giúp các em tiếp thu nhanh hơn.
Đối với các bài học có nội dung dài và phức tạp, tôi thường lọc lại các ý, sự kiện chính, từ đó đi sâu phân tích, làm rõ những vấn đề trò chưa hiểu. Ngoài ra, cách photo các ý chính thành cỡ chữ lớn hơn để em thị lực kém hoặc chậm phát triển về trí tuệ dễ đọc”, thầy Khương chia sẻ.
Nói về việc thiết kế bài giảng có “1 không 2” này, thầy Khương cho hay: So với các thầy cô khác trong trường, thầy không thể truyền tải môn học bằng hình ảnh được. Chính vì vậy, thầy luôn suy nghĩ, tìm tòi và phát minh ra những đồ dùng chuyển từ chữ sáng sang chữ nổi để các em quan sát một cách dễ dàng.
Theo thầy Khương, thông qua cách cắt các tấm bìa cứng hoặc xốp thành hình các đồ dùng, con vật, biểu tượng... mô phỏng lại nội dung bài học. Qua các mô hình của thầy, học sinh bị mất thị giác hoàn toàn khi chạm vào sẽ dễ liên tưởng và nhớ bài lâu hơn.
“Những hình ảnh này tôi nhờ người thân, đồng nghiệp hỗ trợ cắt các tấm bìa cứng hoặc xốp, những đồ dùng, đường đi của các hướng quân… trong môn học Lịch sử. Từ đó, tôi có thể bố trí mô phỏng lại các giai đoạn lịch sử của Việt Nam thông qua các vật dụng này, giúp học trò khiếm thị có thể hiểu rõ bài hơn”, thầy Khương cho biết. Bên cạnh đó, thầy còn sử dụng các bài giảng của mình hoặc các bài phân tích của các chuyên gia được thầy ghi âm lại để mở cho học sinh nghe.
Thầy Khương cho hay, bằng sự đồng cảm và thương yêu học sinh, thầy luôn coi những em học sinh khiếm khuyết nơi đây như những đứa con của mình vậy. Thầy luôn cố gắng giảng dạy và sáng tạo những mô hình học tập để các em tiếp cận kiến thức dễ dàng hơn.