Thầy giáo khiếm thị và lớp học đặc biệt

Thầy giáo khiếm thị và lớp học đặc biệt

(GD&TĐ) - Hơn 20 năm sống trong bóng tối cũng là khoảng thời gian làm cho chàng trai khiếm thị Đặng Ngọc Duy (33 tuổi, tru tại số 79 đường Tiểu La, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) hiểu được sự thiệt thòi nhưng không vì thế đầu hàng trước số phận.  Anh đã cần mẫn thắp lên chút ánh sáng từ tâm hồn của mình để mang đến cho nhiều trẻ em bất hạnh cùng chung số phận với anh trong ngôi nhà ấm áp mang tên Hướng Dương.

Mái ấm Hướng Dương của Đặng Ngọc Duy nơi cưu mang trẻ khuyết tật.
Mái ấm Hướng Dương của Đặng Ngọc Duy nơi cưu mang trẻ khuyết tật.

Vượt qua số phận nghiệt ngã…

Một ngày cuối tháng 9-2011, dưới cơn mưa đầu mùa của xứ Quảng Nam do ảnh hưởng của Bão, chúng tôi tìm đến cơ sở mái ấm Hương Dương (số 67 đường Tiểu La, TP Tam Kỳ, Quảng Nam). Những giọt mưa lấm thấm kèm theo cái lạnh se, nhưng không làm “lạnh” được những trái tim bất hạnh ở mái ấm Hương Dương của Đặng Ngọc Duy. Ngoài cổng, chúng tôi đã nghe được những tiếng đàn ghi ta âm trầm kèm theo giọng hát “làm ấm” lòng của các trẻ bất hạnh. Nhìn bàn tay 4 ngón tay cụt lủn đang nhảy nhót trên cung đàn làm cho ai cũng chạnh lòng. Nhiều người bảo rằng đó là cách để lên dây cót tinh thần cho một ngày mới của Duy.

Tâm sự với chúng tôi, Duy nhớ lại cái ngày định mệnh làm cho đôi mắt của anh mù đi, mùa hè năm lớp 7, trên cánh đồng còn khô gốc mạ của phường Phước Hòa, TP Tam Kỳ, Duy hí hửng giấu chúng bạn “chiến lợi phẩm” vừa tìm thấy đó là một “kíp nổ”. Hậu quả của trò chơi đã làm cho Duy mù lòa với bàn tay trái cụt ngón. “Từ đó khiến Duy phải sống trong sợ hãi, sống trong bóng tối, tôi không dám khóc vì sợ sẽ có một thứ nước đen ngòm chảy ra từ hai hốc mắt. Luẩn quẩn mãi trong bóng tối cũng chán, thế là tôi muốn đi học dù chẳng bày được trò chơi bắt đom đóm làm đèn với bạn cùng xóm như xưa. Ngay lúc đó trong đầu tôi đã ước ao có một nơi dành cho người chuyên biệt như tôi. Duy toát mồ hôi đánh vật với kiến thức, mò mẫm với chữ Braille, đau buốt với những ngón đàn và trải lòng mình ra trong những bài thơ”.

Thầy giáo khiếm thị Đặng Ngọc Duy đang dạy chữ Braille cho trẻ khuyết tật
Thầy giáo khiếm thị Đặng Ngọc Duy đang dạy chữ Braille cho trẻ khuyết tật

Năm 1992, khi trường Nguyễn Đình Chiểu dành cho người khuyết tật được thành lập tại Đà Nẵng, ba mẹ Duy lặn lội hơn 60 km, đưa con ra xin nhập học. Tại đây, Duy được mở mang kiến thức, giao tiếp với thế giới bên ngoài bằng ngôn ngữ viết chữ Braille dành riêng cho người khiếm thị. Từ chối lời mời dạy tại trường Nguyễn Đình Chiểu, Duy trở về nhà, ngồi miệt mài nuôi nấng mãi, khát khao mãi để đậu đại học. Cuối cùng ước mơ đó cũng đến với Duy.  

Duy nói tiếp, khi còn là sinh viên khoa ngữ văn Đại học Quảng Nam, trong trái tim Duy đã có một ước mơ rất chân thành, ước mơ không cho mình mà cho những trẻ em khuyết tật. Bởi hơn ai hết, chính anh đã trãi nghiệm nỗi khát khao được học chữ, khát khao được hoà nhập cộng đồng và cả sự tủi thân bởi những khiếm khuyết hình thể của một người khuyết tật. Năm 2008 tốt nghiệp Đại học, Duy ở nhà cặm cuội cho đề án xây dựng lớp học mái ấm giành cho người khiếm thị đầu tiên ở Tam Kỳ.

Các em trẻ khuyết tật bên thầy khiếm thị Duy tại cơ sở mái ấm Hương Dương.
Các em trẻ khuyết tật bên thầy khiếm thị Duy tại cơ sở mái ấm Hương Dương.

Đến khát vọng sống không bao giờ tắt.

Bây giờ, Duy đã có thể hài lòng khi Mái ấm Hướng Dương ra đời, mái ấm được hình hơn 3 năm kể từ ngày Duy đặt viên gạch đầu tiên xây mơ ước cho mình. Nhiều người đến chúc mừng Duy. Họ mừng cho người tạo lập cơ sở đã thực hiện được tâm nguyện và mừng cho những đứa trẻ tật nguyềt được học tập, nuôi dưỡng dưới mái ấm này.

Mái ấm Hướng Dương được thuê lại từ căn nhà cũ ở số 67 đường Tiểu La, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Bao nhiêu tiền chắt chiu, vay mượn bạn bè Đặng Ngọc Duy dồn hết cho mái ấm. Tất tần tật mọi thứ ở đây đều do bàn tay không lành lặn của Duy sắp xếp. Thuê cô giáo, thuê chị nuôi, vật dụng trong mái ấm đều được Duy chở từ nhà lên. Những chiếc bàn gỗ cũ mèm xếp ngay ngắn, hơn 10 đứa học trò nhỏ với những ánh mắt tinh nghịch, không ngồi yên bắt đầu bài học i tờ cùng cô giáo.

Cạnh đó là thầy Duy với những học trò khiếm thị đang sờ từng con chữ Braille. Những đứa trẻ ngổ ngáo, khuyết tật ở khắp nơi được Duy tìm về nuôi nấng, dạy dỗ. Mỗi em có mỗi hoàn cảnh, mỗi khiếm khuyết khác nhau của cơ thể: thiểu năng trí tuệ, thiểu năng hành động, khiếm thính, khiếm thị và tất cả đều chung nỗi đau tật nguyền. Sinh hoạt trong mái ấm Hướng Dương, các em được học hành, nuôi dưỡng, chăm sóc trong tình yêu thương chân thành, ấm áp. Các em được học chữ, học hát, được chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Mới thành lập, cơ sở vật chất còn tạm bợ nhưng Hướng Dương đã thực sự là một mái nhà chung ấm áp tình người.

Đặng Ngọc Duy đại diện cho 12 đại biểu tại Quảng Nam tham dự Đại hội thi đua yêu nước tháng 12 năm 2010 vừa qua (Duy đeo kính đen đứng phía sau) - ảnh Ngọc Hải
Đặng Ngọc Duy đại diện cho 12 đại biểu tại Quảng Nam tham dự Đại hội thi đua yêu nước tháng 12 năm 2010 vừa qua (Duy đeo kính đen đứng phía sau) - ảnh Ngọc Hải

Mỗi khi có chuyện buồn, Duy thường tìm đến thơ, bởi theo anh, thơ nối kết anh với cuộc sống, mang đến cho anh những “hình dung giản dị” về cuộc đời tươi đẹp ngoài kia. Và anh làm thơ, những vần thơ được tạo ra từ chính trái tim khao khát một cuộc đời trọn vẹn như bao người khác. Nghị lực phi thường và tấm lòng nhân ái của chàng trai khiếm thị Đặng Ngọc Duy như viên ngọc quý ngời sáng giữa đời thường.

Ai đó bảo “Khát vọng không bao giờ tắt” chính là ánh sáng của người mù mà chàng trai khiếm thị Đặng Ngọc Duy đã làm được. Không biết có đúng không, nhưng trái tim và khát khao của Duy thì chưa bao giờ dừng lại.

Bài và ảnh: Nguyên Khang – Gia Hân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ