Trên 90% học sinh tốt nghiệp
Ngọc Lặc là một trong những huyện thuộc khu vực miền núi Thanh Hóa, với đa số người dân là đồng bào người dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện địa hình, khí hậu, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Cũng bởi vậy, công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh nơi đây luôn được các cấp, ngành và nhiều trường học chú trọng.
Đối với Trường Trung cấp nghề Miền núi Thanh Hóa, mặc dù năm học 2021-2022 bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh Covid-19, song nhà trường đã triển khai và thực hiện nghiêm các văn bản cũng như nhiệm vụ năm học.
Đồng thời, điều chỉnh nội dung theo hướng giảm tải, tích cực bồi dưỡng, củng cố kiến thức, nâng cao kỹ năng tay nghề cho học sinh (HS). Tăng cường công tác kiểm tra dưới nhiều hình thức, nhờ vậy chất lượng dạy và học có nhiều chuyển biến tích cực.
Kết thúc năm học 2021-2022, nhà trường có tổng số gần 760 HS trung cấp. Trong đó, có hơn 300 HS khóa 2020-2022 và gần 450 em khóa học 2021-2023.
Là học sinh từ huyện vùng cao, biên giới Mường Lát về trường theo học ngành Thú y, em Hơ Thị Răn, ở bản Cơm, xã Pù Nhi, (Mường Lát) cho biết, do điều kiện hoàn cảnh gia đình thuộc diện không mấy khá giả. Do đó, sau khi học xong chương trình lớp 9, Hơ Thị Răn không muốn thi vào trường THPT, mà xác định chọn cho mình một hướng đi khác. Vì thế, khi nhà trường tuyển sinh, Răn đã đăng ký vào học nghề Thú y, để sau này có cơ hội việc làm, ổn định cuộc sống.
Xưởng thực hành nghề may của Trường Trung cấp nghề miền núi Thanh Hóa. |
“Em được các thầy, cô xét tuyển vào trường, nên chọn học nghề Thú y, để sau này có tay nghề và công ăn việc làm ổn định. Hơn nữa, gia đình em không có điều kiện lo cho em ăn học cao đẳng hay đại học. Trong khi đó, chúng em vào trường này vừa được học nghề, vừa được học văn hóa và không phải lo tiền đóng góp cũng như nơi ở và ăn uống hàng ngày. Vì thế, em sẽ cố gắng học thật tốt, để không phụ công ơn của các thầy, cô giáo”, em Răn tâm sự.
Còn em Ngân Trung Nghĩa, ở bản Tân Thành, xã Thành Sơn (Quan Hóa), theo học nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, chia sẻ: “Em về trường theo học nghề Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí, với mong muốn sau khi tốt nghiệp, sẽ được các thầy, cô giáo giới thiệu vào một công ty nào đó, để em phát huy tay nghề và có công ăn việc làm. Do vậy, em xác định đã đi học nghề, thì phải cố gắng học thật tốt, có tay nghề giỏi, sau này mới có tương lai cho mình”.
Theo thống kê của nhà trường, tổng số HS tốt nghiệp trung cấp năm 2022 là hơn 280/311 em, đạt tỷ lệ trên 90%. Với HS không tốt nghiệp trung cấp chủ yếu do bỏ học hoặc bỏ thi.
Đặc biệt, nhiều ngành nghề có tỷ lệ HS tốt nghiệp bằng khá, giỏi cao như May thời trang K8 (gần 58%); Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí K2 (gần 58%); Điện công nghiệp K9 (hơn 37%); nghề Cắt gọt kim loại K2 (đạt trên 33%);...
Học sinh Trường trung cấp nghề miền núi Thanh Hóa thực hành trong phân xưởng Hàn. |
Với hệ Giáo dục thường xuyên (GDTX), tổng số HS gồm hơn 1.000 em. Trong đó, HS xếp loại học lực trung bình đạt trên 98%. Cũng trong năm học vừa qua, nhà trường có 274 đậu tốt nghiệp THPT 2022, đạt tỷ lệ gần 96%.
Bước sang năm học 2022-2023, Trường Trung cấp nghề Miền núi Thanh Hóa có tổng số gần 1.100 HS trung cấp. Trong đó, khóa học 2021-2023 hơn 400 em và gần 690 HS khóa học 2022-2024 (tuyển mới đạt 113,5%, vượt chỉ tiêu được giao 81 học sinh).
Đối với HS theo học chương trình GDTX hiện nhà trường có hơn 1370 HS và được phần thành 3 khối. Trong đó, khối lớp 10 gồm hơn 670 em; khối 11 hơn 400 HS và gần 300 em HS khối lớp 12.
Được giới thiệu việc làm sau tốt nghiệp
Ông Phạm Yên Trường - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Miền núi Thanh Hóa, cho biết: Đối với HS tốt nghiệp, Ban giám hiệu nhà trường đã đấu mối với nhiều doanh nghiệp, hoặc công ty tuyển dụng lao động để tổ chức đưa HS đi thực tập, tuyển dụng việc làm tại các đơn vị.
Bên cạnh đó, phối kết hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa để đào tạo, xây dựng chương trình phù hợp với các nghề đào tạo, vị trí việc làm mà doanh nghiệp sử dụng cần tuyển.
Đặc biệt, HS sau khi tốt nghiệp các chuyên ngành đào tạo tại trường sẽ có cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp đã có sự cam kết, hợp tác với nhà trường, như: Công ty TNHH Dịch vụ và Chăn nuôi Newhope Thanh Hóa, Công ty TNHH Việt Pan - Pacific Thanh Hóa, Công Ty TNHH Actro Vina Samsung Việt Nam,...
Trong năm 2021, Trường Trung cấp Nghề Miền núi Thanh Hóa cũng đã tổ chức hội giảng với 16 giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp trường, 2 giáo viên giỏi cấp tỉnh. Nhà trường cũng tham gia hội thi Thiết bị tự làm cấp tỉnh năm 2022 với một thiết bị nghề điện tham gia và giành giải Nhì.
Lễ trao bằng tốt nghiệp cho học sinh ở Trường trung cấp nghề miền núi Thanh Hóa. |
Năm học này, Ban giám hiệu Trường Trung cấp nghề Miền núi Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyển sinh, hướng nghiệp. Đồng thời tổ chức tư vấn, giới thiệu và tìm kiếm việc làm cho học sinh đã tốt nghiệp trung cấp (hiện nay đang học khối 12 hệ GDTX).
Tổ chức thực tập tốt nghiệp cho học sinh học nghề năm thứ 2; phấn đấu đạt kết quả cao tại kỳ thi tốt nghiệp trung cấp và thi tốt nghiệp THPT 2023. Xây dựng chương trình, bài giảng phù hợp với HS; quản lý học sinh, quản lý giờ dạy có hiệu quả và cấp phát văn bằng chứng chỉ đúng quy định,...
Phát động các phong trào thi đua, thực hiện các phong trào thi đua có hiệu quả nhằm hướng tới kỷ niệm ngày nhà giáo Việt nam 20/11/2022 và các ngày lễ kỷ niệm lớn của ngành, của quê hương, đất nước năm 2023. Duy trì hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, các phong trào đền ơn đáp nghĩa, các phong trào quyên góp ủng hộ nhân đạo, từ thiện,...
“Khép lại năm học 2021-2022, nhà trường có tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT 2022 đạt tới gần 96%. Đặc biệt, nhiều nghề đào tạo của nhà trường có tỷ lệ HS tốt nghiệp bằng khá, giỏi chiếm tỷ lệ cao như May thời trang, Điện công nghiệp hay nghề Cắt gọt kim loại,...”, ông Phạm Yên Trường - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Miền núi Thanh Hóa .