Đào tạo nghề có xu hướng chân tay hay hơn công nghệ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Vì lợi nhuận, nhiều cơ sở đào tạo chỉ tuyển những nghề ít chi phí đào tạo, có xu hướng chân tay hay hơn công nghệ.

Giờ thực hành của sinh viên ngành Cơ điện tử Trường Cao đẳng Nghề (Đà Nẵng).
Giờ thực hành của sinh viên ngành Cơ điện tử Trường Cao đẳng Nghề (Đà Nẵng).

Lợi nhuận "bóp méo' cung - cầu

Đà Nẵng có gần 75 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, khả năng tuyển sinh từ 50.000 học viên/năm. Mỗi năm, có thể cung cấp cho thị trường lao động từ 15.000 đến 20.000 lao động có tay nghề trung cấp và cao đẳng. Ngoài ra, mỗi năm còn có khoảng 5.000 lao động được đào tạo nghề ngắn hạn, đào tạo lại. Nhờ vậy, tỉ lệ lao động qua đào tạo của Đà Nẵng đạt mức 55%, được xem là khá cao so với trung bình của cả nước.

Tuy nhiên, thị trường lao động ở thành phố vẫn rơi vào tình cảnh cung không đủ cầu. Liên tiếp trong vài năm gần đây, các hoạt động tuyển dụng lao động ở Đà Nẵng như phiên giao dịch việc làm được tổ chức định kỳ hàng tuần, Ngày hội việc làm… cho thấy kết quả tuyển dụng vẫn khá hạn chế.

Đơn cử như Ngày hội việc làm tổ chức tại huyện Hòa Vang vào đầu năm 2021 có 113 đơn vị tham gia, nhu cầu tuyển dụng hơn 3.500 lao động nhưng chỉ tuyển được gần 300 nhân sự.

Thông qua phiên giao dịch do Trung tâm giới thiệu việc làm Đà Nẵng tổ chức, công ty TNHH MTV J&T Express có nhu cầu tuyển dụng gần 400 lao động cho các vị trí phân hàng, đóng gói, giao nhận, kho bưu cục nhưng rất ít người lao động đến hỏi và nộp hồ sơ. Để đủ số lượng lao động, công ty thông báo tuyển dụng tại các tỉnh lân cận ngoài Đà Nẵng.

Ngành điện tử công nghiệp luôn có nhu cầu tuyển dụng cao từ các doanh nghiệp
Ngành điện tử công nghiệp luôn có nhu cầu tuyển dụng cao từ các doanh nghiệp

Trong số gần 70 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Đà Nẵng có 9 trường cao đẳng nghề, 15 trường trung cấp, còn lại là các trung tâm và cơ sở dạy nghề khác. Các trường nghề chủ yếu đào tạo những ngành nghề thuận lợi cho tuyển sinh như đầu bếp, pha chế, công nghệ thông tin, lập trình, nghiệp vụ lưu trú, nghiệp vụ nhà hàng… Đây đều là những ngành học không cần đầu tư nhiều thiết bị, phôi liệu.

Các ngành có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao như bảo dưỡng, sửa chữa lắp ráp các thiết bị chính xác, cơ khí chế tạo máy, hàn công nghệ cao, các nghề thuộc lĩnh vực tự động hóa… chưa được chú trọng đầu tư về chất. Trong khi đây lại là những ngành nghề mà các doanh nghiệp đang cần thì thường phải đào tạo lại lao động sau khi tuyển dụng.

Các chính sách phát triển thị trường lao động thiếu đồng bộ. Chưa thống nhất giữa các chính sách tăng trưởng kinh tế và việc làm. Chưa coi thị trường lao động là một nhân tố của mô hình tăng trưởng kinh tế. Việc quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư còn chưa quan tâm đúng mức tới chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập của người lao động. Các chính sách kinh tế thường thiếu định hướng chuyển dịch cơ cấu ngành gắn với nhu cầu lao động và đào tạo lao động tương ứng. Phạm vi điều chỉnh của nhiều chính sách lao động còn hẹp, mới chủ yếu bao gồm lao động có quan hệ lao động trong khu vực kinh tế chính thức. - Nguồn Bộ LĐTBB&XH

Nghề khan người học, việc khát người làm

Chưa tốt nghiệp ra trường nhưng Cao Đăng Thiết (ngành Hàn, Trường Cao đẳng nghề đã có việc làm với mức lương 12 triệu/tháng. Ông Nguyễn Văn Như – Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và giới thiệu việc làm, Trường Cao đẳng nghề cho biết, ngành Hàn, điện tử công nghiệp, điện – tự động hóa là những ngành mà nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động rất lớn. Như công ty PMC có nhu cầu tuyển dụng 60 nhân sự vận hành, bảo trì thang máy, điện nhưng nhà trường chỉ có thể đáp ứng được 1/3 nhu cầu. Công ty Mabuchi Motor Đà Nẵng mỗi năm đều tiếp nhận từ 20 - 30 SV khoa Điện – Tự động hóa của Trường Cao đẳng Nghề và chia làm 2 đợt.

Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Như nhận xét, người học lại không mặn mà đăng ký theo học những ngành trên. Như ngành Hàn, mỗi năm chỉ có khoảng 15 sinh viên theo học/40 chỉ tiêu tuyển sinh, ngành tự động hóa công nghiệp chỉ tuyển được từ 50-60 trong tổng số 120 chỉ tiêu. Gần như sinh viên các ngành này đều có việc làm khi vừa hoàn thành đợt thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp. Trường Cao đẳng Phương Đông chỉ có 20 sinh viên đăng ký học ngành kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, bằng ½ chỉ tiêu tuyển sinh.

Trong khi đó, dù nhân lực của ngành công nghệ ô tô đã bắt đầu bão hòa nhưng thí sinh lại theo học rất đông. Chỉ tính riêng các cơ sở đào tạo nghề ở Đà Nẵng, mỗi năm đã cung cấp cho thị trường lao động khoảng 2.500 – 3.000 đã qua đào tạo. Đó là chưa kể một lực lượng lớn sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành liên quan đến công nghệ ô tô từ Trường Cao đẳng Thaco (Quảng Nam).

Nguyên nhân của tình trạng này, theo như lý giải của ông Nguyễn Văn Như là chủ yếu xuất phát từ tâm lý của người học. Mặc dầu lương khởi điểm của công nhân hàn, điện công nghiệp đều ở mức cao, ngoài ra còn có những chế độ ưu đãi khác nữa nhưng điều kiện làm việc của nghề hàn, điện công nghiệp cũng rất căng thẳng và áp lực. “Dù khi học sinh vào trường, nhà trường đều tổ chức tư vấn sâu thêm một lần nữa, trong đó nhấn mạnh nhu cầu của thị trường lao động nhưng các em điều chỉnh nguyện vọng học là không nhiều. Thậm chí, sau một tháng theo học, sinh viên vẫn có thể thay đổi nguyện vọng” – ông Như thông tin.

Việc tuyển sinh ngành may công nghiệp cũng lâm vào cảnh “đìu hiu” tương tự như ngành hàn. Trong khi đó, theo khảo sát của Trường Cao đẳng Nghề thì phần lớn lao động ở các xí nghiệp, công ty may mặc đều chưa qua đào tạo. Giải thích về điều này, theo ông Nguyễn Văn Như là các chủ doanh nghiệp hút lao động phổ thông, sau đó tự tổ chức đào tạo với thời gian khoảng 3 tháng. Đây cũng là cách thức để các doanh nghiệp tiết kiệm tài chính bởi lương học việc bao giờ cũng thấp hơn nhiều so với công nhân chính. Tuy có lợi trước mắt nhưng nếu chỉ học việc tại cơ sở sản xuất, nguy cơ người lao động bị sa thải sau 40 tuổi là rất cao nếu có bằng cấp, chứng chỉ nghề, ông Như phân tích. Ngoài ra, kéo dài tình trạng này thì về lâu dài, thị trường may mặc của Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh do người lao động không được đào tạo bài bản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ