Đào tạo nghề cho học sinh THPT hệ 9+ từ trường cao đẳng

GD&TĐ - Những năm gần đây, việc đào tạo nghề cho học sinh hệ 9+ ở Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đang có nhiều thuận lợi.

Học sinh THPT hệ 9+ tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế được đào tạo nghề kết hợp với học văn hóa.
Học sinh THPT hệ 9+ tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế được đào tạo nghề kết hợp với học văn hóa.

Báo Giáo dục và Thời đại đã trao đổi với ông Trần Hữu Châu Giang – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) về công tác đào tạo và định hướng nghề cho học sinh THPT hệ 9+ tại đơn vị.

PV: Xin ông cho biết tình hình chung về đào tạo nghề học sinh THPT hệ 9+ tại nhà trường từ lúc triển khai đến nay đang gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

Ông Trần Hữu Châu Giang: Từ năm học 2017 - 2018, HueIC tuyển sinh và tổ chức đào tạo hệ song bằng theo mô hình 9+, đối tượng tuyển sinh là các học sinh tốt nghiệp bậc THCS. Mô hình đào tạo 9+ là một mô hình có thể áp dụng hiệu quả ở Việt Nam, đồng thời vừa đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS vào học giáo dục nghề nghiệp, vừa đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Chương trình đào tạo được thiết kế song song chương trình giáo dục nghề nghiệp và Trung học phổ thông: Sau 2 năm học học nghề, khi tốt nghiệp học sinh được cấp bằng Trung cấp; sau 3 năm học văn hóa, khi tốt nghiệp các em được nhận bằng tốt nghiệp THPT do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp. Học sinh có thể học tiếp 1 năm để nhận bằng Cao đẳng do Hiệu trưởng HueIC cấp. Sau khi có bằng tốt nghiệp trình độ Trung cấp (2 năm) hoặc Cao đẳng (4 năm), các em có thể đi làm hoặc có thể học liên thông lên bậc học cao hơn tùy theo năng lực và nhu cầu.

Tuy vậy, để triển khai mô hình này, trường cũng gặp một số khó khăn nhất định. Thứ nhất là tâm lý của phụ huynh và học sinh vẫn chưa quen, lo lắng với việc học nghề sớm. Thứ hai là trình độ và thái độ của các em khi học hệ này chưa cao, dẫn đến công tác quản lí, giáo dục khá vất vả. Thứ ba, một số phụ huynh do hoàn cảnh, điều kiện gia đình ít quan tâm đến con em nên công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình còn có những hạn chế nhất định.

Học sinh THPT học hệ 9+ tại trường THPT vừa học văn hóa…

Học sinh THPT học hệ 9+ tại trường THPT vừa học văn hóa…

… vừa học nghề.

… vừa học nghề.

PV: Việc định hướng nghề cho học sinh hệ này được nhà trường tiến hành ra sao?

Ông Trần Hữu Châu Giang: Từ năm học 2020 – 2021, nhà trường đưa chương trình STEM vào trong đào tạo và nghiên cứu khoa học đối với hệ 9+, nhằm đào tạo tích hợp các kiến thức trong chương trình THPT gắn với kiến thức, kỹ năng nghề, trong đó dành tối thiểu 10 tín chỉ trong chương trình Trung cấp để đào tạo STEM với mục tiêu thay đổi đào tạo từ “Đổ đầy” sang “Thắp lửa”. Do vậy, các em học sinh đều hào hứng với chương trình học tập và kết quả học tập, rèn luyện đạt được là khá tốt.

HueIC triển khai việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay khi đang học tại trường THCS bằng việc phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế, các trường THCS để tổ chức các hoạt động hướng nghiệp.

Bên cạnh đó, sau khi nhập học, nhà trường tiếp tục cho học sinh trải nghiệm tại các khoa, thực tế tại các xưởng thực hành và các doanh nghiệp; đồng thời thông qua sinh hoạt định kỳ để thực hiện công tác định hướng nghề nghiệp.

Nghề chăm sóc sắc đẹp.

Nghề chăm sóc sắc đẹp.

Nghề cơ khí được đào tạo cho học sinh THPT hệ 9+ tại trường này.

Nghề cơ khí được đào tạo cho học sinh THPT hệ 9+ tại trường này.

PV: Các học sinh sau khi học xong hệ 9+ này sẽ theo đuổi học tiếp nghề như thế nào?

Ông Trần Hữu Châu Giang: Mô hình tiếp cận học nghề sớm sau khi học sinh kết thúc THCS được một số nước tiên tiến áp dụng và rất thành công như Đức, Nhật Bản... Chương trình đào tạo 9+ mang lại nhiều lợi ích cho người học và xã hội như: giảm áp lực thi đại học, cung ứng chủ động nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cần thiết cho các ngành kinh tế, các doanh nghiệp, giúp người học định hướng và chọn hình thức học mang lại hiệu quả thiết thực, giải quyết vấn đề việc làm, tận dụng nguồn nhân lực trẻ có tay nghề cao, giải quyết được tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.

Người học được liên thông lên bậc học cao hơn. Sau khi tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp và hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, người học có nhu cầu được liên thông lên Cao đẳng (1 – 1,5 năm, tùy theo ngành học). Từ đó, có thể tiếp tục học lên bậc học cao hơn nếu có nhu cầu.

Nghề sửa xe máy.

Nghề sửa xe máy.

Theo khảo sát, khoảng 30% học sinh tham gia học tiếp ở những bậc học cao hơn. Số còn lại tham gia vào thị trường lao động trong và ngoài nước.

PV: Định hướng nhà trường cho đào tạo hệ 9+ ở các năm tiếp theo?

Ông Trần Hữu Châu Giang: Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và đào tạo thành phố Huế và các trường THCS để triển khai mạnh mẽ công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS.

Ông Trần Hữu Châu Giang – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế

Ông Trần Hữu Châu Giang – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế

Bên cạnh đó, trường sẽ tăng cường truyền thông để học sinh và phụ huynh có thể tiếp cận những ưu điểm của mô hình đào tạo này, góp phần vào việc thay đổi nhận thức của phụ huynh và xã hội về đào tạo nghề, đồng thời góp phần giảm tình trạng mất cân bằng trong thị trường lao động hiện nay. Đảm bảo chất lượng đào tạo, tạo điều kiện để học sinh có thể học tiếp ở những bậc học cao hơn.

Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo, thực tập, đảm bảo 100% việc làm sau tốt nghiệp cho học sinh hệ 9+.

PV: Xin cảm ơn ông!

Qua đánh giá của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), mô hình đào tạo 9+ là một mô hình có thể áp dụng hiệu quả ở Việt Nam đồng thời vừa đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS vào học giáo dục nghề nghiệp, vừa đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế đất nước. Ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá cao trường Cao đẳng Công nghiệp Huế đã tổ chức thành công nhiều phương thức đào tạo, liên kết, liên thông, mô hình đào tạo 9+, có thể rút ngắn cho thời học và đi làm tiết kiệm thời gian rất lớn 7-8 năm (đại học); người học chỉ cần 4-5 năm đi làm và có thu nhập, sau đó muốn liên thông đại học hay học tập suốt đời vẫn thuận lợi.

Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế là đơn vị có số lượng học sinh THPT hệ 9+ lớn nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế. Qua thực hiện 5 năm, số lượng học sinh hệ 9+ tại trường tăng dần qua từng năm. Cụ thể, năm 2017 được 200 em; năm 2018 được 300 em; năm 2019 là 396 em; năm 2020 tăng gần gấp đôi với 700 học sinh; 2 năm 2021 và 2022 có trên 800 học sinh. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của khóa học sinh đầu tiên đạt 86%, vượt với chỉ tiêu dự kiến 80% nhà trường đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.