Phương pháp hình thành sơ đồ tư duy
Khi bắt đầu hình thành sơ đồ tư duy, ở vị trí trung tâm sơ đồ là một hình ảnh hay một từ khóa thể hiện một ý tưởng/khái niệm chủ đạo.
Ý trung tâm sẽ được nối với các hình ảnh hay từ khóa cấp 1 bằng các nhánh chính, từ các nhánh chính lại có sự phân nhánh đến các từ khóa cấp 2 để nghiên cứu sâu hơn.
Để học sinh có thể hình thành bản đồ tư duy một cách nhanh chóng, hiệu quả, điều cần thiết là giáo viên phải chuẩn bị trước bài dạy thật kĩ, phải hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài trước khi lên lớp.
Thầy Nguyễn Ngọc Chí
Sự phân nhánh cứ tiếp tục và các khái niệm hay hình ảnh luôn được nối kết với nhau. Chính sự liên kết này sẽ tạo ra một “bức tranh tổng thể” mô tả về ý trung tâm một cách đầy đủ và rõ ràng.
Một sơ đồ tư duy có thể được thực hiện dễ dàng trên một tờ giấy với các loại bút màu khác nhau. Tuy nhiên, cách thức này có nhược điểm là khó lưu trữ, thay đổi, chỉnh sửa.
Một giải pháp được hướng đến là sử dụng các phần mềm để tạo ra sơ đồ tư duy. Một số phần mềm được sử dụng cho công việc này có thể kể đến:Phần mềm Buzan’s iMindmap™; phần mềm MindMap5 pro; phần mềm Visual Mind; phần mềm FreeMind.
Kiểm tra bài cũ với bản đồ tư duy
Giáo viên gọi học sinh lên bảng thuyết trình sơ đồ tư duy của bài học cũ trước lớp. Giáo viên và các bạn khác có thể đặt thêm câu hỏi để học sinh trả lời.
Bắt buộc 100% hoc sinh phải có sơ đồ tư duy bài học cũ và các sơ đồ tư duy được học sinh lưu trong bìa giấy hoặc một túi hồ sơ để sử dụng khi ôn tập và khi giáo viên kiểm tra thay cho vở ghi bài.
Học sinh cũng có thể có một tập nháp vẽ sơ đồ tư duy ngay tại lớp trong giờ học. Về nhà học sinh sẽ tự chỉnh sửa sơ đồ tư duy bằng hình vẽ bằng tay hoặc bằng phần mềm vẽ sơ đồ tư duy và lưu trên máy tính cá nhân để ôn tập các kì thi.
Dạy bài mới
Giáo viên giới thiệu bài mới và vẽ chủ đề chính của bài học lên bảng bằng một hình vẽ bất kì trên bảng của lớp mà không ghi bài theo kiểu cũ; cho học sinh ngồi theo nhóm thảo luận sơ đồ tư duy của mỗi học sinh đã chuẩn bị trước ở nhà để đối chiếu với sơ đồ tư duy của các bạn trong nhóm.
Ví dụ: Giáo viên đặt câu hỏi chủ đề nội dung chính với nhánh lớn cấp số 1 và gọi học sinh lên bảng vẽ nối tiếp chủ đề chia thành các nhánh lớn trên bảng có ghi chú thích tên từng nhánh lớn.
Sau khi học sinh vẽ xong các nhánh lớn cấp số 1, giáo viên đặt câu hỏi tiếp ở nhánh thứ nhất có mấy nhánh nhỏ cấp số 2... Tương tự như vậy, học sinh hoàn thành nội dung sơ đồ tư duy của bài học mới ngay tại lớp.
Học sinh tự chỉnh sửa điều chỉnh bổ sung những phần còn thiếu vào sơ đồ tư duy của từng cá nhân.
Để minh họa cho sơ đồ tư duy, giáo viên cho học sinh xem những hình ảnh, đoạn phim ngắn minh họa cho rõ ý hơn của từng nhánh cấp độ 1, cấp độ 2 ...
Có thể hình thành sơ đồ tư duy của bài học bằng cách:
Hoạt động 1: Học sinh lập sơ đồ tư duy theo nhóm hay cá nhân với gợi ý của giáo viên.
Hoạt động 2: Học sinh hoặc đại diện của các nhóm học sinh lên báo cáo, thuyết minh về sơ đồ tư duy mà nhóm mình đã thiết lập.
Hoạt động 3: Học sinh thảo luận, bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện sơ đồ tư duy về kiến thức của bài học đó. Giáo viên sẽ là người cố vấn, là trọng tài giúp học sinh hoàn chỉnh sơ đồ tư, từ đó dẫn dắt đến kiến thức của bài học.
Hoạt động 4: Củng cố kiến thức bằng một sơ đồ tư duy mà giáo viên đã chuẩn bị sẵn hoặc một sơ đồ tư duy mà cả lớp đã tham gia chỉnh sửa hoàn chỉnh, cho học sinh lên trình bày, thuyết minh về kiến thức đó.
Lưu ý: Sơ đồ tư duy là một sơ đồ mở nên không yêu cầu tất cả các nhóm học sinh có chung một kiểu sơ đồ tư duy, Giáo viên chỉ nên chỉnh sửa cho học sinh về mặt kiến thức, góp ý thêm về đường nét vẽ, màu sắc và hình thức (nếu cần).
Phần củng cố
Giáo viên gọi học sinh lên bảng trình bày nội dung sơ đồ tư duy mà các em đã thực hiện.
Gọi một vài em đã vẽ sơ đồ tư duy thuyết trình trước lớp cho các bạn theo dõi nội dung bài học (tùy thuộc vào thời gian); hoặc giáo viên kiểm tra tác phẩm cá nhân của học sinh vừa được hoàn thành trên lớp. Giáo viên nhận xét đánh giá cho điểm và dặn dò học sinh chuẩn bị bài học lần sau.
Kết thúc bài giảng, thay vì phải ghi chép theo cách truyền thống, học sinh có thể tự “vẽ” bài học theo cách hiểu của mình với nhiều màu sắc và hình ảnh khác nhau. Đến tiết học sau, chỉ cần nhìn vào sơ đồ, các em có thể nhớ được những phần trọng tâm của bài học.
Lưu ý: Khi đặt câu hỏi cho học sinh trả lời giáo viên nên hỏi những câu liên quan đến sự thông hiểu để học sinh vận dụng khi làm bài bài kiểm tra.
Khi học sinh trả lời giáo viên nên động viên khuyến khích và có thể hỏi tiếp những câu có liên quan đến kiến thức của bài học cũ để học sinh vừa học kiến thức mới, vừa ôn tập kiến thức cũ đã học.
Những lưu ý cho bài dạy sử dụng bản đồ tư duy
Lập sơ đồ tư duy là một cách thức cực kỳ hiệu quả để ghi chú.
Các bản đồ tư duy không chỉ cho thấy các thông tin mà còn cho thấy cấu trúc tổng thể của một chủ đề và mức độ quan trọng của những phần riêng lẻ trong đó đối với nhau.
Nó giúp học sinh liên kết các ý tưởng và tạo các kết nối với các ý khác.
Trước tiên giáo viên phải chuẩn bị thật kĩ bài, sau đó giới thiệu và làm mẫu cho học sinh, từ đó chỉ ra những tác dụng và hiệu quả của sơ đồ tư duy trong dạy và học lịch sử.
Sau đó, hướng dẫn học sinh cách vẽ sơ đồ tư duy, gồm nội dung cả bài học trên một trang giấy. Cách này dễ học, dễ thực hiện, học sinh cũng sẽ rất thích thú với mỗi tác phẩm sơ đồ tư duy của mình.
Thông thường, khi giảng dạy theo sơ đồ tư duy, thầy Nguyễn Ngọc Chí chủ động vẽ hình trên bảng rồi phát triển mẫu một phần sau đó cho học sinh tiếp tục lên phân nhánh sơ đồ hay để học sinh chia thành từng nhóm nhỏ rồi tự vẽ sơ đồ theo cách hiểu của mình; sau đó, định hướng lại từng nội dung cho học sinh.
Giáo viên hướng dẫn học sinh làm bản đồ tư duy. Theo đó, chỉ dẫn học sinh sử dụng những đường thẳng, màu sắc, mũi tên, nhánh rẽ hoặc những cách khác để thể hiện kết nối giữa những ý tưởng được đưa ra trong bản đồ tư duy của học sinh.
Những mối quan hệ này sẽ quan trọng khi học sinh đang tìm hiểu những thông tin mới hoặc xây dựng cấu trúc của một bài học.
Bằng cách cá nhân hoá sơ đồ với những ký hiệu và thiết kế riêng của mỗi học sinh, học sinh sẽ xây dựng được những mối quan hệ trực quan và có ý nghĩa giữa những ý tưởng. Điều này sẽ hỗ trợ học sinh rất nhiều trong việc gợi nhớ và hiểu.
Giáo viên bắt đầu ở trung tâm với một bức ảnh của chủ đề, sử dụng ít nhất 3 màu; sử dụng hình ảnh, ký hiệu, mật mã, mũi tên trong bản đồ tư duy;
Chọn những từ khoá và viết chúng ra bằng chữ viết hoa; mỗi từ/hình ảnh phải đứng một mình và trên một dòng riêng.
Những đường thẳng cần phải được kết nối, bắt đầu từ bức ảnh trung tâm. Những đường nối từ trung tâm đậm hơn, có hệ thống và bắt đầu nhỏ dần khi toả ra xa.
Khi hướng dẫn học sinh, lưu ý sử dụng màu sắc, phát huy phong cách cá nhân riêng của học sinh. Đồng thời, sử dụng điểm nhấn và chỉ ra những mối liên kết trong sơ đồ tư duy của mỗi học sinh. Làm cho sơ đồ rõ ràng bằng cách phân cấp các nhánh, sử dụng số thứ tự hoặc dàn ý để bao quát các nhánh của sơ đồ tư duy.
Một vài lưu ý khi lập sơ đồ
Khi lập sơ đồ, thầy Nguyễn Ngọc Chí lưu ý cần sử dụng những từ có sức gợi cao cùng những hình ảnh cần thiết.
Tạo cho trung tâm một hình ảnh rõ ràng và "mạnh" miêu tả được nội dung tổng quất của toàn bộ sơ đồ.
Mỗi một mối liên hệ, kể cả chính hay phụ đều chỉ được viết ra bằng những cụm từ ngắn gọn với tư cách một tín hiệu thông tin cần xử lý. Đặt những từ trọng tâm vào những hàng mà làm tăng kết cấu của các ghi chú.
Những trường hợp sau phải phân biệt rõ hơn những trường hợp trước. Sử dụng màu sắc để làm nổi bật vấn đề: Tùy ý nghĩa, vai trò của từng mối quan hệ được kết nối, bản có thể tô những màu sắc khác nhau cho chúng.
Sử dụng mũi tên, biểu tượng hoặc những hình ảnh để chỉ ra sự liên kết. Ngay khi nghĩ ra ý tưởng, nên ghi ngay vào nơi hợp lý. Không nên lưỡng lự, vì có thể đánh mất ý tưởng.