HSG quốc gia chia sẻ bí quyết học Lịch sử

GD&TĐ - Theo chia sẻ của những học sinh giỏi Lịch sử quốc gia, học Lịch sử không hề quá khó.

Hoàng Anh, Minh Trang và các bạn học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu chụp ảnh cùng cô giáo trong lễ trao giải học sinh giỏi Lịch sử tại Quốc Tử Giám
Hoàng Anh, Minh Trang và các bạn học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu chụp ảnh cùng cô giáo trong lễ trao giải học sinh giỏi Lịch sử tại Quốc Tử Giám

Học Sử bằng sơ đồ kiến thức

Nguyễn Thị Hoàng Anh - Giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) - cho rằng, để học tốt môn Lịch sử, trước hết cần phải có niềm đam mê, yêu thích với môn học.

“Nhiều bạn cho rằng môn Lịch sử quá nhiều sự kiện, khó nhớ, khó học. Tuy nhiên, nếu có phương pháp học tốt các bạn sẽ thấy môn này không chỉ dễ học mà còn rất hấp dẫn” – Hoàng Anh tâm sự.

Kinh nghiệm học Sử của Hoàng Anh cũng rất đơn giản. Điều quan trọng đầu tiên là ở trên lớp phải tập trung nghe giảng, ghi chép bài đầy đủ; tích tham gia xây dựng bài… 

Đồng thời, phải ghi chép lại những nội dung khó hiểu, khó nhớ để tham khảo ý kiến bạn bè, thầy cô ngay sau tiết học; nắm vững những kiến thức cơ bản của bài học.

Ở nhà, đọc lại sách giáo khoa hoặc vở ghi nội dung bài cần học, nhớ tên bài, các mục lớn trong bài. Đọc từng mục cụ thể, gạch chân dưới các sự kiện, các nội dung quan trọng.

Trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa sau mỗi bài học và sử dụng vở nháp để hệ thống lại kiến thức đã học; lập bảng thống kê các sự kiện, so sánh nội dung. Cần nhớ, luôn xem trước nội dung bài học mới sẽ học tiếp theo.

Hoàng Anh cho rằng, cách học thuộc tốt nhất là vẽ sơ đồ cây kiến thức để xâu chuỗi các sự kiện lịch sử với nhau, từ đó xâu chuỗi các giai đoạn lịch sử.

Nếu có điều kiện, nên tham khảo sách nâng cao, các tài liệu liên quan đến môn Lịch sử qua sách báo hoặc internet.

Game lịch sử cũng là kênh tham khảo hay

Cùng quan điểm với Hoàng Anh, Trần Thị Minh Trang - Giải nhì học sinh giỏi quốc gia Lịch sử, học sinh lớp 11 C2 trường THPT chuyên Phan Bội Châu - cũng cho rằng:

Để học tốt Sử, trước hết phải chăm chú nghe giảng trên lớp, ghi bài đầy đủ, hiểu đúng bản chất sự kiện và tìm được mối liên hệ với các sự kiện với nhau.

Trang cho biết, kiến thức Lịch sử có mối liên hệ với nhau theo chiều dài thời gian nên khi học, Trang thường chia ra từng giai đoạn để học. Với các sự kiện khó nhớ, nên ghi ra giấy nhớ và dán ở những chỗ dễ thấy.

Để hiểu sâu, nhớ lâu môn Lịch sử, nên học theo từng ý. Đồng thời, làm giàu kiến thức Sử, bên cạnh tập trung vào sách giáo khoa, bài giảng của giáo viên, nên tìm đọc qua sách báo, truyện – phim tư liệu lịch sử, thậm chí cả một số game lịch sử.

Chia sẻ kinh nghiệm khi vào phòng thi, Trang nhắn nhủ: Kiến thức Lịch sử dài và thời gian thì có hạn nên bài làm trước hết cần gạch ý ra ngoài giấy nháp, đồng thời phải căn chỉnh thời gian hợp lý.

Bài Sử nên tập trung thẳng vào vấn đề, không lan man, các dẫn chứng phải luôn kèm theo sự kiện lịch sử.

“Với những người đã nắm chắc kiến thức Sử nên làm theo một trình tự khoa học để tránh sót kiến thức; tuy nhiên, với bạn chưa tự tin lắm, nên làm trước những câu mình tự tin làm được trước. 

Đặc biệt, trong phòng thi không nên quá căng thẳng vì tâm trạng đó cũng rất dễ khiến bị rơi rớt kiến thức khi làm bài” – Trang chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...