Mặc dù chất lượng không đồng đều giữa các trường, giữa các cá nhân, nhưng hầu hết các thầy cô giáo đều làm được.
Có những hình ảnh các thầy cô giáo miệt mài tập huấn công nghệ mới rồi ứng dụng ngay trong giảng dạy. Bên cạnh các thầy cô giáo trẻ, còn có cả những thầy cô nhiều tuổi, có khi chưa bao giờ ứng dụng CNTT trước đó mà giờ đây đều đã và thực hiện thành thạo các giờ dạy trực tuyến.
Vậy tại sao trước đây không làm được mà giờ lại làm được? Tôi rất thấm thía một câu danh ngôn “khi không muốn làm ta tìm lí do, còn khi muốn (hoặc bắt buộc phải) làm thì người ta tìm cách”.
Chúng ta “không thể” và “có thể” làm được những điều gì?
Chúng ta không thể thay đổi những khó khăn khi ứng dụng CNTT, nhưng chúng ta có thể tìm cách để khắc phục những khó khăn đó.
Thông tin định danh của mỗi chúng ta không thể thay đổi, nhưng chúng ta có thể thay đổi cách nghĩ, cách hành động và học hỏi để nâng cao năng lực cho bản thân.
Khi sử dụng các công cụ do người khác cung cấp, chúng ta không thể thay đổi các chức năng, tính năng của công cụ đó, nhưng chúng ta có thể tìm cách để sử dụng chúng có hiêu quả nhất, phù hợp nhất.
Liệu cơm gắp mắm, khi kinh phí có hạn chúng ta không thể đòi hỏi sử dụng những sản phẩm mang tính chuyên nghiệp (những sản phẩm đó thường phải trả phí cao), nhưng chúng ta có thể lựa chọn nhiều sản phẩm miễn phí để tìm cách kết hợp chúng lại với nhau theo ý đồ chúng ta cần.
Lựa chọn công cụ nào?
Trong những ngày qua rất nhiều hệ thống, nhiều công cụ được đưa ra giới thiệu, với khoảng thời gian quá ngắn không đủ để có những trải nghiệm cho nên khó mà đưa ra so sánh giữa các hệ thống, các công cụ đó. Nếu cứ có sản phẩm nào cũng lấy để áp dụng thử thì cả thầy và trò đều quay cuồng và hiển nhiên sẽ khó để đề cập đến vấn đề chất lượng.
Vậy giải pháp nào đáp ứng được cho việc triển khai dạy học trực tuyến giai đoạn này?
Hiện nay đa số các trường sử dụng Zoom để triển khai dạy học trực tuyến. Số TK Zoom từ đầu tháng 3/2020 tăng đột biến, gấp khoảng 20 lần so với trước đó (từ 10 triệu lên khoảng 200 triệu người dùng). Vừa qua, vấn đề bảo mật và quyền riêng tư đang được nhiều quốc gia, tổ chức đưa ra khuyến cáo, thậm chí cấm sử dụng Zoom.
Cá nhân tôi không sử dụng Zoom để đưa vào nhà trường nhưng qua thử nghiệm thấy rằng, Zoom rất dễ sử dụng, chất lượng hình ảnh, âm thanh tương đối tốt, các chức năng về cơ bản đáp ứng được các cuộc họp trực tuyến.
Vấn đề bảo mật, có thể ví như việc chúng ta có 1 cái ô tô để làm phương tiện giao thông mà nó lại không có mái che để che mưa, che nắng. Trong trường hợp khẩn cấp bạn có thể tự quyết trong việc dùng xe hay đi bộ, hoặc là tự thiết kế mái che theo năng lực hiện có của bạn? Tất cả phụ thuộc vào bạn để có thể đạt được mục tiêu.
Vậy thì, chúng ta không thể tự thay đổi Zoom (việc này do các nhân viên của Zoom làm) nhưng chúng ta có thể sử dụng nó theo cách của chúng ta và phản biện để Zoom phát triển ứng dụng này tốt hơn.
MS Teams cũng là một sản phẩm được nhiều nhà trường quan tâm. Tuy nhiên, rất nhiều người đặt ra vấn đề so sánh MS Teams với Zoom.
Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa đang sử dụng MS Teams để triển khai dạy học trực tuyến và đánh giá MS Teams rất ổn ở một số tiêu chí sau:
MS Teams không chỉ sử dụng với mục đích duy nhất là tổ chức họp trực tuyến mà nó là ứng dụng được tích hợp rất nhiều công cụ của bộ Office 365, hỗ trợ việc quản lý của nhà trường, của GVCN, của GVBM… Và quan trọng nhất là khi chúng ta có tài khoản O365 bản quyền của trường thì đây là một hệ sinh thái mang tính định danh cao, bảo mật tốt.
Nói điều này để thấy rằng Zoom chỉ phục vụ họp trực tuyến còn MS Teams là một hệ thống khổng lồ để triển khai việc dạy học nói chung và dạy học trực tuyến nói riêng.
Trong hệ thống này, mỗi nhà trường có thể tùy biến để giúp cho việc quản lý, giám sát; giúp các GVBM triển khai giảng dạy, kiểm soát việc học, ôn tập, kiểm tra đánh giá cũng như tương tác với nhóm/cá nhân người học.
Theo cá nhân tôi, chúng ta không thể (không nên) so sánh một sản phẩm chỉ có một chức năng với một hệ thống là tổ hợp nhiều công cụ, nhiều chức năng. Nhưng chúng ta có thể dựa vào nguồn lực thực tế của mỗi nhà trường, mỗi cá nhân để có lựa chọn tốt nhất cho mình.
Cá nhân tôi đã và sẽ vẫn chọn O365 làm nền tảng đưa ứng dụng CNTT vào quản lý và giảng dạy, bên cạnh đó có thể tham khảo các sản phẩm ứng dụng không phải của Microsoft để nhúng vào trong hệ thống của chúng tôi nếu thấy nó ưu việt.
Các sản phẩm của Google cũng được nêu tên và là lựa chọn của một số nhà trường. Google có rất nhiều sản phẩm miễn phí và có trả phí phục vụ cho giáo dục. Trong điều kiện hiện tại thì đây cũng là một lựa chọn không tệ.
Nếu chúng ta theo đuổi các sản phẩm của Google, tập trung đầu tư nghiên cứu các công cụ, các tính năng thì cũng thừa đủ để triển khai dạy học trực tuyến một cách có hiệu quả. Mỗi ứng dụng đều có những ưu điểm và những hạn chế nhất định, không thể có những so sánh tuyệt đối cái nào hơn cái nào nhưng có thể lựa chọn trên cơ sở nghiêm túc đầu tư, nghiên cứu nó để có cách sử dụng tốt nhất.
Bên cạnh những sản phẩm mang tính phổ biến ở trên, gần đây các tổ chức trong nước cũng tung ra hàng loạt những sản phẩm để các nhà trường lựa chọn. Trong đó, đa số là những sản phẩm phục vụ cho việc tổ chức các cuộc họp trực tuyến (chức năng giống các sản phẩm họp trực tuyến khác trên thế giới).
Cá nhân tôi mặc dù rất ủng hộ và mong muốn dùng các sản phẩm trong nước, mong muốn chúng ta có những ứng dụng mang màu sắc của Việt Nam, trí tuệ Việt Nam.
Chúng ta cũng biết, một sản phẩm muốn phát triển thì số người dùng ủng hộ nó là một nhân tố quan trọng, quyết định. Và tất nhiên, sự đóng góp của người dùng cho sản phẩm mà mình sử dụng sẽ giúp cho các hãng, các công ty, tổ chức có nguồn lực để phát triển sản phẩm.
Thiết nghĩ, không thể đòi hỏi các sản phẩm miễn phí phát triển theo hướng mà mình yêu cầu, nhưng có thể góp công, góp sức, góp chi phí để đồng hành với sự phát triển của sản phẩm mình chọn.