Dạy học sinh về stress

GD&TĐ - Từ môn Dự án cá nhân, nhóm SV năm 2 khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV- ĐH Quốc gia TPHCM đã triển khai dự án “Stress học đường - Ngỏ”, nhằm chia sẻ kiến thức về stress đến với HS THPT – lứa tuổi dễ gặp“stress”.

Các thành viên nhóm đang trao đổi với học sinh Trường THPT Quang Trung – Tây Ninh về tâm lý học đường. Ảnh: dự án cung cấp
Các thành viên nhóm đang trao đổi với học sinh Trường THPT Quang Trung – Tây Ninh về tâm lý học đường. Ảnh: dự án cung cấp

Từ nỗi sợ của bản thân

Đinh Thị Huệ Anh- Trưởng nhóm dự án “Stress học đường - Ngỏ” cho biết hoạt động chính của dự án là chia sẻ chuyên đề về stress tại các trường THPT trên địa bàn các tỉnh/thành phố, với mong muốn cung cấp những kiến thức, nguyên nhân cùng cách đối phó stress cho học sinh. Dự án nhằm giúp các em có cái nhìn rõ ràng, bao quát hơn về các vấn đề liên quan đến căng thẳng và có thể tự mình vượt qua cũng như những người xung quanh.

“Khi còn là học sinh cấp 3, đã có khoảng thời gian em bị stress. Em  sợ đến trường, sợ bắt gặp ánh mắt của bạn bè và sợ phải giao tiếp, thậm chí có những lần em đã nghĩ đến việc tự tử. Tuy nhiên, khi đi tìm sự giúp đỡ, em nhận ra rằng chẳng thể tìm đến bất cứ ai, bất cứ cơ sở hỗ trợ tâm lý nào xung quanh thực sự hiểu nỗi sợ của mình”, Huệ Anh cho biết.

Vì thế, Huệ Anh đã phải vượt qua quãng thời gian khó khăn đó một mình và vô cùng vất vả. Ký ức đó khiến cô luôn trăn trở, băn khoăn, rằng, nếu những bạn học sinh khác cũng gặp phải vấn đề về tâm lý và cũng không thể bám víu vào đâu, liệu các bạn có thể vượt qua được không?”. Những băn khoăn trên được hóa giải khi Huệ Anh bước vào giảng đường ĐH, tiếp xúc với kiến thức về tâm lý và tiếp xúc với người bạn có cùng mối quan tâm.

Dự án "Stress học đường - Ngỏ" đã lần lượt đi đến chia sẻ tại 3 trường THPT: chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị; THPT chuyên Bảo Lộc, Lâm Đồng và mới đây là THPT Quang Trung, Tây Ninh. "Đây là những trường mà thành viên trong nhóm từng theo học. Do vậy nhóm hiểu rằng các kiến thức tâm lý học đường ở đó chưa thật sự được quan tâm, cũng như chưa có phòng tham vấn tâm lý hoặc phòng tham vấn tâm lý hoạt động không hiệu quả", Minh Thư, thành viên nhóm cho biết.

Dự án “Stress học đường - Ngỏ” đến với học sinh Trường THPT Quang Trung – Tây Ninh. Ảnh: dự án cung cấp
Dự án “Stress học đường - Ngỏ” đến với học sinh Trường THPT Quang Trung – Tây Ninh. Ảnh: dự án cung cấp

Lan tỏa ra cộng đồng

Thầy Nguyễn Văn Quây - Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, Tây Ninh chia sẻ: Trường ít khi có các hoạt động hay buổi sinh hoạt liên quan đến stress. Hầu hết, học sinh chỉ tiếp xúc những thông tin về vấn đề này thông qua mạng Internet. Với sự gần gũi về lứa tuổi cùng những thông tin hữu ích, nhóm dự án về chia sẻ cho học sinh trong thời điểm các em chuẩn bị bước ào kỳ thi quan trọng rất tốt! Tôi thích hoạt động của nhóm. Liệu pháp Thở sâu chánh niệm rất  lạ, thu hút nhiều học sinh quan tâm cũng như giúp các bạn ổn định về tinh thần.

Còn thầy Nguyễn Trí Bình - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, Tây Ninh cho rằng: Trong cuộc sống, ai cũng có lúc bị căng thẳng. Khi học sinh biết được đâu là stress có lợi, có hại như nhóm chia sẻ, các bạn sẽ tìm được cách đối diện và giải tỏa cho bản thân cũng như giúp những người xung quanh.

Theo Huệ Anh, để giúp học sinh có thêm kiến thức đối phó với stress, nhóm đã chia sẻ cách quản lý về thể chất và tinh thần. Đặc biệt, nhóm đã giới thiệu cũng như cho học sinh thực hành tại chỗ các liệu pháp – kỹ thuật hỗ trợ như: Chánh niệm hơi thở và căng – chùng cơ.

Bên cạnh đó, nhóm đã để lại những bản poster “Tổng quan về stress”, có đính kèm mã QR tại bảng thông báo của mỗi trường. Trong mã QR có tài liệu với đầy đủ thông tin, địa chỉ của những tổ chức, cơ sở tham vấn tâm lý để học sinh có thể tìm đến khi cần sự giúp đỡ.

Sắp tới nhóm dự án “Ngỏ” sẽ mở rộng hơn và cố gắng để có thể đến nhiều trường THPT tại các tỉnh thành hơn nữa. Bên cạnh đó, nhóm cũng phát triển nội dung và hình thức chia sẻ để có thể thu hút và tiếp cận được nhiều học sinh hơn. “Không chỉ dừng lại với học sinh cấp 3, nhóm hi vọng sẽ tổ chức được những sự kiện, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng ở các tỉnh thành phố về vấn đề liên quan đến tâm lý và chăm sóc sức khỏe tinh thần. Đó là những mong muốn cũng như ấp ủ của “Ngỏ” trong hành trình tiếp theo”, Huệ Anh tâm sự.

ThS Nguyễn Ngọc Vui - giảng viên khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM nói: Báo cáo cuối môn Dự án cá nhân sinh viên được quyền chọn các dự án với các quy mô khác nhau. Việc nhóm Huệ Anh chọn một dự án gần với ngành học Tâm lý và với quy mô khá lớn khiến cô vừa vui (vì sự đầu tư cho môn học) vừa lo (không biết các bạn có thành công với dự án lớn như vậy không). Nhưng nhóm đã chinh phục thầy cô khi chỉn chu từ bước đầu tiên của việc lập kế hoạch.

Là người ký duyệt kế hoạch cho các em, tôi chưa hình dung sức lan tỏa tích cực sẽ được như hiện nay. Rất vui, tự hào vì học trò đã làm được một điều thật ý nghĩa. Bản thân là giảng viên dạy chuyên đề stress cho nhóm khi là sinh viên năm nhất, tôi không ngờ chỉ một năm sau các em lại đem những kiến thức này ra cho cộng đồng. Một dự án rất nhân văn - ThS Nguyễn Ngọc Vui 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ