Vấn đề tâm lý học đường của học sinh độ tuổi trưởng thành cần được quan tâm vì nó ảnh hưởng đến tương lai, thậm chí còn gây ra hậu quả ngay trong thời điểm hiện tại của con người.
Nếu được tác động đúng lúc thì cuộc sống của con trẻ sẽ thay đổi theo hướng tích cực. Còn nếu bỏ qua thì sẽ dẫn đến những hệ lụy xấu ảnh hưởng đến tương lai, nên lúc đó muốn thay đổi thì cũng muộn.
Nhà giáo Trần Thị Quỳnh Hoa – Phó Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức chia sẻ: “Thời điểm này, tâm lý các con thay đổi bên trong suy nghĩ chứ không phải biểu hiện bệnh lý ra bên ngoài. Nếu là bệnh lý thì sẽ có bác sĩ chuyên khoa chữa trị, còn đối với tâm lý bên trong nếu bỏ qua thời điểm vàng thì sẽ mất nhiều công sức để thay đổi.
Bản thân tôi cho rằng, việc nâng đỡ con giống như bạn đang thả diều, nếu muốn thả diều vẫn cần có người cầm dây để diều bay cao, xa hơn. Nhưng nếu buông dây thì việc thả diều sẽ thất bại. Còn diều bay cao hơn thì người cầm dây vẫn là cần thiết.
Chính vì vậy, để con phát huy năng lực sáng tạo của mình thì vẫn cần có sự đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm sống, tôn trọng, của cha mẹ. Việc học hỏi kinh nghiệm thành công hay thất bại từ những người đi trước sẽ hữu ích đối với con trẻ”.
Không chỉ cha mẹ học sinh mới cần lưu tâm đến tâm lý của các con, giáo viên và nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ, tháo gỡ vướng mắc độ tuổi mới lớn.
Là một nhà quản lý, nhà giáo Trần Thị Quỳnh Hoa cho rằng: “Đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, nắm vững chuyên môn là điều đương nhiên, nhưng hiểu tâm lý và hoàn cảnh học sinh là điều cần thiết và luôn tâm niệm, học sinh cần được tôn trọng.
Dù bằng hình thức nào, giáo viên cũng cần là người truyền những cảm hứng tích cực cho học sinh về việc học, về cuộc sống và về con người. Giáo viên cũng cần có phương pháp để giúp học sinh phát huy tối đa năng lực phẩm chất tốt nhất của học sinh”.
Nhà giáo Trần Thị Quỳnh Hoa cũng cho biết thêm, hiện nay, phần lớn học sinh có nhu cầu chia sẻ thông tin qua mạng xã hội nhiều hơn là tâm sự với cha mẹ hay thầy cô. Việc này cũng có hai mặt bởi mạng xã hội đem lại nhiều hữu ích, nhưng quan trọng là sử dụng nó như thế nào? Cha mẹ cũng nên có những phương pháp kiểm tra việc sử dụng mạng của con.
Tuy nhiên, cha mẹ cũng không cần quá lo lắng về chuyện mình không hiểu con, bởi khi các em có khó khăn cũng sẽ chủ động tìm đến người lớn để mong nhận được sự tư vấn. Thông thường, học sinh thường tìm đến thầy cô chủ nhiệm hoặc giáo viên mà mình yêu quý để tâm sự.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các trường THPT ở Hà Nội đã có phòng tham vấn tâm lý học đường do giáo viên chuyên trách được đào tạo và tập huấn. Vì vậy, học sinh, cũng coi đó là địa chỉ tin cậy để chia sẻ.
Điều khác biệt, các thầy cô làm công tác tham vấn tâm lý không phải là giáo viên dạy trên lớp nên các em dễ chia sẻ hơn. Tùy từng trường hợp, mỗi em có một câu chuyện riêng để tâm sự như: chuyện gia đình, quan hệ bạn bè tình yêu tuổi học trò, khó khăn trong việc học, định hướng nghề nghiệp trong tương lai… Vì vậy, cha mẹ học sinh cũng có thể yên tầm phần nào khi có con trong độ tuổi này mỗi khi con đến trường.