Dạy học ngoại ngữ ở vùng khó: Nỗ lực từ mỗi giáo viên

GD&TĐ - Theo Chương trình GDPT 2018, ngoại ngữ là môn bắt buộc từ lớp 3. Để đáp ứng yêu cầu cấp bách này, ngành Giáo dục, nhà trường, mỗi giáo viên cần nỗ lực vượt khó, nâng chất lượng dạy học môn ngoại ngữ.

Vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, dạy tiếng Việt đã khó, dạy học tiếng Anh khó hơn rất nhiều.
Vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, dạy tiếng Việt đã khó, dạy học tiếng Anh khó hơn rất nhiều.

Vừa dạy, vừa vận động

Vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, dạy tiếng Việt đã khó, dạy tiếng Anh còn khó hơn rất nhiều. Ngày đầu tới lớp, thầy cô hỏi gì các em cũng im lặng, hoặc trả lời lí nhí. Bằng sự nhiệt huyết, thầy cô giáo khắc phục khó khăn, truyền lửa cho trò. Dần dần môn Tiếng Anh bắt đầu thấm vào mỗi học sinh...

Hơn 11 năm dạy tiếng Anh ở trường tiểu học vùng khó, thầy Trần Kim Cưng, Tổ trưởng chuyên môn, Trường Tiểu học Lai Hòa 4, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cho biết: Dạy học ngoại ngữ ở vùng khó chưa bao giờ dễ dàng. Bởi nhà trường thiếu cơ sở vật chất để phục vụ giảng dạy, học sinh thiếu dụng cụ học tập vì đa số thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Nhiều em sử dụng tiếng Việt chưa lưu loát (học sinh dân tộc Khmer và Hoa chiếm hơn 70%). Đôi lúc, dạy, học tiếng Anh chưa nhận được sự chung tay và giúp đỡ của cha mẹ học sinh và xã hội.

Nhớ lại những ngày đầu tiên dạy tiểu học, thầy Trần Kim Cưng chia sẻ: Các em rất hiếu động, cả một tiết mà chẳng dạy được gì. Vậy là ngoài dạy tiếng Anh, thầy còn phải dạy nền nếp, kỹ năng, hướng dẫn các em cách thức học tập. Dần dần thầy trò hiểu nhau hơn, các em chịu học và bắt đầu yêu thích, học tốt môn Tiếng Anh. Phụ huynh học sinh cũng hiểu được và ủng hộ việc học tập của con em.

Hơn 15 năm gắn bó với học sinh nông thôn, cô Huỳnh Kim Hương, Tổ trưởng chuyên môn Tiếng Anh, Trường Tiểu học Nhơn Nghĩa 1, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) luôn cố gắng tìm mọi cách để học trò tiếp cận môn học. Cô Hương chia sẻ: So với học sinh ở trung tâm thành phố, học sinh vùng quê gặp nhiều khó khăn trong việc học tập, đặc biệt là với môn Tiếng Anh.

Để học sinh yêu thích môn học, ngoài những tiết dạy trên lớp, cô Hương còn tổ chức các câu lạc bộ tiếng Anh cho học sinh khối 3, 4, 5. Trong câu lạc bộ này, sẽ có giáo viên phụ trách ở từng khối. Các em sinh hoạt vào buổi sáng thứ Bảy hàng tuần. Khi tham gia, trẻ được xem các đoạn phim ngắn, học hát, nghe kể chuyện, học mẫu câu cơ bản trong giao tiếp... “Nhiều học sinh nhút nhát, ít nói đã mạnh dạn hơn trong giờ học. Tôi nhận thấy sự yêu thích, hứng thú của các em khi tham gia vào câu lạc bộ”, cô Hương vui mừng cho biết.

Cô Huỳnh Kim Hương cùng học trò trong giờ ngoại khóa môn Tiếng Anh.
Cô Huỳnh Kim Hương cùng học trò trong giờ ngoại khóa môn Tiếng Anh.     

Để ngoại ngữ “thấm” dần vào trò

Học sinh dân tộc nói tiếng Việt đã khó, phải học môn Tiếng Anh càng khó khăn hơn. Thầy Trần Kim Cưng phải kiêm luôn vai trò “phiên dịch” song ngữ cho học trò. Những từ nào học sinh dân tộc chưa hiểu, thầy phải giải thích bằng tiếng Khmer.

Theo thầy Cưng, với đa số học sinh dân tộc Khmer nên trong quá trình giảng dạy phải vận dụng nhiều giải pháp như sử dụng tiếng dân tộc để trao đổi và hướng dẫn các em giao tiếp bằng tiếng Việt còn hạn chế; hướng dẫn, giúp đỡ các em có thói quen học tập tốt ở trong lớp cũng như ở nhà. Giáo viên thường xuyên trao đổi với phụ huynh về việc học tập của các em; sử dụng nhiều phương pháp và kỹ thuật, dạy học nhằm thu hút các em học sinh.

Đồng thời, thầy còn phải vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập... “Giáo viên ngoài sử dụng song ngữ trong quá trình giảng dạy, đọc và phát âm tiếng Anh cần chậm hơn, khuyến khích các em sử dụng tiếng Anh càng nhiều càng tốt. Bên cạnh đó, quan tâm khâu vận động hướng dẫn học sinh, tuyên truyền cho phụ huynh, tạo sự đồng thuận”, thầy Cưng tâm sự.

Khi con gái vừa bắt đầu học tiếng Anh, gia đình anh Thạch Bảo Ngọc rất lo lắng. Nhưng qua 2 năm học, phụ huynh đã tin tưởng vào việc dạy, học ngoại ngữ của nhà trường và thầy Cưng. “Năm lớp 3, con gái tôi được thầy Cưng dạy tiếng Anh, ban đầu gia đình lo ngại vì sợ con không học được. Nhưng thầy đã chỉ bảo, liên hệ gia đình hướng dẫn, động viên nên con đã theo được. Năm nay, con còn được vào đội tuyển học sinh giỏi của trường, gia đình mừng lắm”, anh Ngọc vui vẻ cho biết.

Theo cô Huỳnh Kim Hương, để giúp học sinh vùng khó hứng thú trong giờ học tiếng Anh, cô sử dụng nhiều biện pháp tùy theo lứa tuổi và trình độ của học sinh. Trong giờ học, cô luôn động viên, khuyến khích học sinh tham gia trò chơi học tập để thực hành kiến thức vừa học.

“Học sinh tiểu học rất thích những hình ảnh trực quan nên khi dạy tôi luôn sử dụng đồ dùng dạy học phù hợp cho từng tiết như tranh ảnh, loa, đồ dùng tự làm. Ngoài giờ học trên lớp, tôi tổ chức các câu lạc bộ cho học sinh khối 3, 4, 5. Đối với những học sinh có năng khiếu sẽ thực hiện bồi dưỡng các em vào giờ học buổi chiều, mỗi tuần khoảng 3 buổi”, cô Hương chia sẻ.

Dành tâm huyết cho bộ môn, thành quả đạt được của cô Hương trong công tác bồi dưỡng học sinh tài năng tiếng Anh khá ấn tượng. Cấp huyện học sinh cô dạy đoạt 2 giải Nhất; 1 giải Ba; 1 giải Khuyến khích; 3 giải công nhận, đặc biệt có 3 học sinh đạt công nhận tại giao lưu tài năng tiếng Anh cấp thành phố…

Em Ngô Trọng Nhân, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Nhơn Nghĩa 1, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) được học môn Tiếng Anh do cô Kim Hương dạy 2 năm qua. Không chỉ Nhân mà các bạn đều thích giờ học vì cô tổ chức nhiều hoạt động, trò chơi thú vị. “Năm trước gia đình em gặp khó khăn, cô đã tặng tập, sách và một số sách tham khảo nên em vui lắm. Thích nhất là giờ sinh hoạt tiếng Anh do cô tổ chức, bản thân em nhờ đó tự tin nói tiếng Anh trước đám đông”, Nhân kể. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ