Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ: Bắt đầu từ đội ngũ giáo viên

GD&TĐ - Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2018 - 2019. Tuy nhiên, một thực tế là chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh trong các trường phổ thông còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Làm thế nào để cải thiện chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong trường học là vấn đề cấp thiết trong quá trình đổi mới giáo dục.  

Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ngoại ngữ thông qua tập huấn và bồi dưỡng năng lực
Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ngoại ngữ thông qua tập huấn và bồi dưỡng năng lực

Chất lượng dạy và học chưa hiệu quả

Trong một cuộc khảo sát mới gần đây đối với 8.000 giáo viên tiếng Anh ở bậc THPT trở xuống trong cả nước cho thấy, có tới hơn 90% giáo viên chưa đạt chuẩn chất lượng trình độ B2. Điều đó có nghĩa là trong 10 giáo viên dạy tiếng Anh thì chỉ có… 1 giáo viên đủ tiêu chuẩn đứng lớp. Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học ngoại ngữ ở các trường miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng là một lực cản tác động không thuận đến việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng nước ngoài.

Cô Hoàng Thị Thúy - Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Đình Chất (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết, hiện nay cơ sở vật chất, các thiết bị hỗ trợ phục vụ cho dạy và học ngoại ngữ ở trường như máy tính, máy chiếu đa năng, máy chiếu vật thể, bảng thông minh... còn thiếu, vì thế cùng ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng dạy học.

Hiện có 8 giáo viên dạy tiếng Anh nhưng chỉ có 2/8 giáo viên dạy tiếng Anh đạt chuẩn C1 theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, 6 giáo viên còn lại chỉ đạt trình độ đào tạo hệ tại chức. Do vậy, dù các giáo viên đã có nhiều nỗ lực nhưng điểm trung bình thi tốt nghiệp môn Tiếng Anh của trường nhiều năm qua vẫn nằm trong top cuối của cả tỉnh.

Theo PGS Mai Văn Hưng, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng dạy và học.Với giáo viên giảng dạy môn Ngoại ngữ, việc chuẩn hóa được đặt lên hàng đầu. Không chỉ là có trình độ đào tạo tương xứng với từng lớp học, bậc học, mà đòi hỏi người đứng lớp phải có khả năng phát âm chính xác, có năng lực lôi cuốn, thuyết phục người học bằng phương pháp giảng dạy khoa học, sinh động.

Chuẩn hóa đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới GD

Để dạy học đạt chất lượng, phương pháp dạy của giáo viên là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, thầy cô giáo là người tiên phong đổi mới phương pháp dạy, đồng thời tăng cường bồi dưỡng phương pháp, thói quen, khả năng tự học cho học sinh.

Tốt hơn hết là, giáo viên tạo điều kiện để học sinh thực hành giao tiếp bằng ngoại ngữ, khuyến khích các em tham gia các chương trình học theo chương trình chuẩn Cambridge, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin cho việc học hoặc khai thác các tài liệu bằng ngoại ngữ để trau dồi vốn từ của mình...

Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để nâng cao chất lượng dạy, học tiếng Anh trong các nhà trường, tỉnh Thanh Hóa tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội đối với việc học ngoại ngữ, tạo phong trào học ngoại ngữ rộng khắp trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị giáo dục tăng cường rà soát năng lực, đánh giá lại chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh, lập kế hoạch bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 80% giáo viên các cấp được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy, 100% giáo viên các cấp đạt chuẩn trình độ ngoại ngữ theo Thông tư của Bộ GD&ĐT về Ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam.

Là tỉnh đầu tiên thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân”, Hòa Bình cũng đang đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ.

Theo ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD &ĐT, để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường, Sở cũng chỉ đạo các nhà trường tập trung bồi dưỡng phương pháp dạy học tiếng Anh đối với giáo viên tiểu học chưa đạt chuẩn về năng lực hoặc chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm được đi học để đạt chuẩn yêu cầu trước khi phân công dạy học. Bố trí dạy 4 tiết /tuần đối với giáo viên tiểu học đạt bậc 4 (B2) trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam.

Đồng thời, Sở đã chỉ đạo đa dạng hóa các chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo và nhu cầu học ngoại ngữ của học sinh, sinh viên.

Quan tâm xây dựng, phát triển môi trường thực hành ngoại ngữ thông qua phát triển các cộng đồng học tập ngoại ngữ. Đồng thời tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, đặc biệt là đội ngũ giáo viên ngoại ngữ phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm.

Việc nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo luôn được ngành xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện mạnh mẽ việc đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, với các địa phương vùng sâu, vùng xa... ngành GD-ĐT cần có những giải pháp thiết thực để đào tạo toàn diện các thế hệ để trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.