Dạy học lớp 4 theo chương trình mới: Thay đổi từ người thầy

GD&TĐ - Lớp 4 được xem là bước chuyển ở cấp tiểu học. Nhiều nút thắt, độ chênh kiến thức trong chương trình cũ được tháo gỡ ở chương trình mới.

Học sinh Trường Tiểu học Long Hoà 2, quận Bình Thuỷ (TP Cần Thơ). Ảnh: TG
Học sinh Trường Tiểu học Long Hoà 2, quận Bình Thuỷ (TP Cần Thơ). Ảnh: TG

Do đó, thầy cô phải là người đầu tiên thay đổi để việc dạy và học đạt hiệu quả cao nhất.

Xóa độ chênh kiến thức

Thực tế cho thấy, Chương trình GDPT 2006 có sự chênh về nội dung kiến thức khi chuyển từ lớp 3 lên lớp 4. Nếu như ở lớp 1, lớp 2 và lớp 3, học sinh chỉ học kiến thức và kỹ năng cơ bản cần thiết theo cách đơn lẻ, thì lớp 4, các em phải học khá nhiều môn có kiến thức trải dài và nâng cao. Do đó, không chỉ học sinh gặp khó khi học mà giáo viên cũng có không ít áp lực trong giảng dạy.

Cô Võ Thị Thùy Trang - Trường Tiểu học Trưng Vương, TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ: Trong chương trình cũ, kiến thức lớp 4 khá chênh lệch so với khối lớp trước đó, nên giáo viên không tránh khỏi những áp lực trong việc soạn giáo án, giảng dạy, kiểm tra đánh giá...

Nếu trước đây, đa số thầy cô dạy học theo kiểu truyền thụ lý thuyết một chiều, học sinh chủ yếu ghi nhớ kiến thức rời rạc không vận dụng nhiều vào cuộc sống. Với Chương trình GDPT 2018, nội dung kiến thức đã giảm tải, giúp thu hẹp và hạn chế tình trạng chênh lệch. “Học sinh được thực hành, trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tế nhiều hơn. Điều này tạo thuận lợi cho cả người dạy và học khi triển khai chương trình mới ở lớp 4”, cô Trang nhấn mạnh.

Đồng tình với nhận định trên, thầy Đỗ Thành Tám - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Quới A, huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, chương trình lớp 4 mới có phần nhẹ nhàng hơn chương trình cũ. Các kiến thức trong chương trình mới đã phát huy tốt sự tiếp nối, liên tục từng năm học; dù còn độ chênh lệch giữa lớp 3 và lớp 4 nhưng điều đó không nhiều, tránh được những áp lực không đáng có trong dạy và học của thầy và trò.

“Năm học này, nhà trường đặc biệt chú trọng việc triển khai lớp 4 mới, vì đây là nền tảng kiến thức cơ bản giúp các em tự tin bước vào năm học cuối cấp tiểu học và chuyển sang giai đoạn trung học. Nhà trường lưu ý đội ngũ giáo viên phải hoàn chỉnh kiến thức nền cho học sinh, tập trung bồi dưỡng theo hướng mới, cố gắng làm sao để các em có đầy đủ kiến thức, kỹ năng để bắt nhịp chương trình mới một cách nhanh nhất…”, thầy Tám chia sẻ thêm.

Học sinh thành phố Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) tham gia ngày hội Khoa học giáo dục. Ảnh: TG

Học sinh thành phố Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) tham gia ngày hội Khoa học giáo dục. Ảnh: TG

Từng bước thích nghi

Theo bà Lê Thị Hường - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), dù chương trình mới có sự thông suốt, mang tính liên thông theo từng cấp học, nhưng vai trò của nhà trường, giáo viên vẫn là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định trong quá trình thực hiện.

Đặc biệt giai đoạn lớp 4, lớp 5, học sinh có bước phát triển hơn so với lớp dưới. Để tạo tính chủ động cho các em trong học tập, giáo viên sẽ là người hướng dẫn, gợi mở và dẫn dắt nội dung, kiến thức. Do vậy, thầy, cô phải đổi mới và nắm được mục tiêu, nội dung chương trình môn học và lớp học. Nếu thầy cô không làm chủ được các yếu tố cơ bản, quan trọng này thì không thể thực hiện hiệu quả”, bà Hường nhấn mạnh.

Qua 3 năm thực hiện chương trình mới tại Trường Tiểu học Trưng Vương, TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) dù có những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu nhưng cô Võ Thị Thùy Trang đã đồng hành cùng tập thể giáo viên, thích nghi từng bước.

Chia sẻ kinh nghiệm gần 30 năm giảng dạy lớp 4, cô Trang cho rằng: “Giáo viên phải mạnh dạn, tự tin vào khả năng thay đổi của học sinh. Trong quá trình dạy học cần theo dõi, thúc đẩy và nâng đỡ các em. Ngoài tham gia tập huấn, giáo viên phải chịu khó học hỏi, nghiên cứu và tự rút kinh nghiệm, điều chỉnh phương pháp giảng dạy để phù hợp với từng học sinh; phát huy tính tập thể trong tổ, trường, phối hợp chặt chẽ và cùng trao đổi, chia sẻ để đổi mới.

Một vấn đề không thể thiếu là thầy cô phải tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh cùng tìm hiểu những vấn đề mới trong chương trình, sách giáo khoa; những yêu cầu cần thiết để đồng hành và thay đổi kết quả học tập của các em”.

Còn theo cô Lương Thị Thùy Dung - giáo viên lớp 4, Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), chương trình mới có sự nối tiếp và liên tục giữa các năm học giúp học trò hình thành tâm thế sẵn sàng, đồng thời giảm bớt áp lực đối với giáo viên. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện thuận lợi cần thiết ban đầu, để dạy học lớp 4 thành công giáo viên phải chủ động linh hoạt đổi mới phương pháp và hình thức dạy học. Cần giúp học sinh học tập chủ động, hào hứng, tự nắm bắt kiến thức hiệu quả qua sự hướng dẫn của thầy cô…

Chương trình cũ đi sâu vào kiến thức, học sinh phải học thuộc và ghi nhớ nhiều; chương trình mới kiến thức liên thông từ lớp này đến lớp khác. Trọng tâm của dạy học theo Chương trình, sách giáo khoa mới là học sinh làm được gì, thực hành và trải nghiệm ra sao… để biết trao đổi và vận dụng vào thực tế. Từ đó, các em sẽ mạnh dạn, tự tin phát triển năng lực, phẩm chất. - Bà Lê Thị Hường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ