Vùng khó 'gỡ khó' triển khai chương trình, SGK lớp 4, lớp 8

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Một số trường học vùng khó đã lên kế hoạch bồi dưỡng GV hợp đồng trong hè để kịp bắt nhịp Chương trình mới trong điều kiện thiếu GV biên chế.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Sơn Dung (Quảng Ngãi) với giờ học Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Sơn Dung (Quảng Ngãi) với giờ học Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Giải bài toán thiếu giáo viên

Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) - cho biết, ở khối tiểu học, trường chỉ có 2 giáo viên biên chế và ưu tiên đứng lớp 1, lớp 4 chương trình mới. Nhà trường được Phòng GD&ĐT thông báo sẽ bổ sung thêm 3 biên chế cho tổ tiểu học.

“Như vậy, trường sẽ phải hợp đồng thêm 3 giáo viên cho cấp học này. Trong đó, dự kiến 1 giáo viên hợp đồng sẽ dạy lớp 4. Thay vì tháng 9 mới bắt đầu ký hợp đồng giáo viên, chúng tôi trình Phòng GD&ĐT Nam Trà My phương án thời gian hợp đồng tính từ tháng 7 nhằm chuẩn bị cho công tác tự bồi dưỡng” – thầy Chín thông tin.

Với cách làm này, theo thầy Chín, giáo viên hợp đồng có thu nhập để “giữ chân” vừa xem như chế độ đãi ngộ của trường bởi gần như trường nào cũng thiếu giáo viên, tìm kiếm nguồn ký hợp đồng rất khó. Cả giáo viên hợp đồng và biên chế mới nhận nhiệm sở, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam sẽ trích ngân sách mua tài khoản mới để giáo viên tự bồi dưỡng các mô-đun theo yêu cầu. Dù thời gian nghỉ hè, nhưng các tổ chuyên môn sẽ hỗ trợ thêm cho Ban giám hiệu trong việc bồi dưỡng số giáo viên mới và giáo viên hợp đồng.

Thầy Hồ Văn Hạnh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Vân (Nam Trà My, Quảng Nam) - cho biết: “Hiện, nhà trường thiếu 7 giáo viên và được Phòng GD&ĐT thông báo sẽ bố trí 5 nhân sự trúng tuyển trong kỳ thi viên chức mới đây. Nhưng như vậy, trường vẫn thiếu 2 giáo viên nữa so với nhu cầu giảng dạy thực tế. Số giáo viên mới này chưa nhận nhiệm sở nên nhà trường cũng bị động trong việc bồi dưỡng”.

Ông Nguyễn Minh Anh – Trưởng phòng GD&ĐT Sơn Tây (Quảng Ngãi) - cho biết: “Quan điểm của huyện là ưu tiên tuyển đủ chỉ tiêu để bố trí đúng nhu cầu của các trường nhằm đảm bảo yêu cầu của Chương trình – sách giáo khoa mới. Tuy nhiên, Phòng GD&ĐT đã xây dựng phương án dự phòng cho trường hợp tuyển không đủ hoặc giáo viên nhận nhiệm sở muộn so với tiến độ năm học. Theo đó, sẽ tạo điều kiện để các trường ký hợp đồng giáo viên theo diện dạy liên trường để không bị trống”.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam tham gia hoạt động ngoại khóa về bảo vệ rừng.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam tham gia hoạt động ngoại khóa về bảo vệ rừng.

Đảm bảo chất lượng nhân sự

Nhiều giáo viên hợp đồng của các trường học ở Nam Trà My (Quảng Nam) vốn không được đào tạo sư phạm. Vì vậy, theo thầy Võ Đăng Chín, trong hè, các thầy cô theo diện hợp đồng để dạy học Chương trình GDPT 2018 phải học từ cách soạn giảng, xem video dạy mẫu trong chương trình bồi dưỡng giáo viên, nghiên cứu sử dụng sách giáo khoa, giáo viên. Qua tháng 8, khi giáo viên toàn trường tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, chính trị hè thì đồng thời, những giáo viên mới sẽ được tổ chức dạy thử để giáo viên trong tổ góp ý…

Thầy Hồ Văn Hạnh chia sẻ, khó khăn nhất cho các trường vùng cao trong bồi dưỡng giáo viên thường là bị động về nhân sự. “Có những giáo viên, ban giám hiệu dự kiến sẽ đứng lớp của Chương trình GDPT 2018 nên đã có quá trình bồi dưỡng từ sớm. Nhưng vào gần năm học mới thì họ lại chuyển về đồng bằng. Điều đó buộc nhà trường phải sử dụng nguồn giáo viên hợp đồng”. Trong trường hợp như vậy, nhà trường đẩy mạnh quá trình bồi dưỡng và tự bồi dưỡng thông qua sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề dạy học và tăng cường dự giờ.

Cô Hồ Thị Hồng - giáo viên hợp đồng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam - chia sẻ: “Ngoài tự học theo các mô-đun bồi dưỡng giáo viên của Chương trình GDPT 2018, tôi mượn cả giáo án của các thầy cô trong tổ để học tập, so sánh với giờ dạy thực tế đã được dự giờ, tập soạn giáo án rồi nhờ thầy cô sửa từng chút một. Học cả cách giảng bài, ghi bảng, chấm bài, nhận xét...”.

Thầy Nguyễn Đăng Khoa – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Sơn Liên (Sơn Tây, Quảng Ngãi) - cho biết, ở miền núi, số lượng giáo viên/khối lớp hoặc môn học ở bậc THCS trong mỗi trường không đông nên việc hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình bồi dưỡng khó khăn. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên đa phần trẻ, kinh nghiệm đứng lớp không bằng giáo viên đồng bằng. Vì vậy, nhà trường vận động giáo viên tăng cường công tác tự bồi dưỡng thông qua sinh hoạt tổ chuyên môn đối với tổ tiểu học. Riêng giáo viên THCS, nhà trường tạo điều kiện tối đa cho việc tham gia sinh hoạt cụm chuyên môn để trao đổi với đồng nghiệp trường bạn.

Phòng GD&ĐT Sơn Tây (Quảng Ngãi) đã thống kê nhu cầu tuyển dụng giáo viên cho năm học 2023 – 2024 báo cáo UBND huyện để xây dựng kế hoạch tuyển dụng. Theo đó, bậc tiểu học, thiếu 17 chỉ tiêu, trong đó, có 5 giáo viên dạy các môn cơ bản, 3 giáo viên Anh văn, 6 giáo viên Mỹ thuật, 1 giáo viên Tin học. Ở bậc THCS, Sơn Tây cần bổ sung 23 giáo viên, trong đó, môn Tin học cần 3, Âm nhạc thiếu 4, Anh văn thiếu 2…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quang Hải cân nhắc tiếp tục xuất ngoại.

Quang Hải chuẩn bị xuất ngoại?

GD&TĐ - Quang Hải hiện đang nhận được sự quan tâm của một số câu lạc bộ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Thái Lan nên cân nhắc xuất ngoại thêm một lần nữa.
HLV Zidane có cơ tái hợp CLB Real Madrid.

HLV Zidane có bến đỗ lý tưởng

GD&TĐ - Chủ tịch Florentino Perez và HLV Zidane đang thảo luận bàn về việc tái ngộ của cả 2 tại Santiago Bernabeu vào mùa hè 2024.