Khi trẻ mắc sai lầm, cha mẹ không nên bỏ qua những lỗi nhỏ của con. Có như vậy, việc dạy con nền nếp mới trở nên dễ dàng hơn.
Ý thức hình thành nền nếp
Nếp sinh hoạt lành mạnh cũng có thể là một yếu tố góp phần nâng cao sức khỏe của trẻ. Ngoài ra, một lịch trình sinh hoạt được sắp xếp cẩn thận, hợp lý sẽ giúp tạo ra sự cân bằng giữa niềm vui và việc thực hiện những nhiệm vụ khó. Trẻ sẽ vui vẻ tập trung vào những việc cần làm hơn khi chúng biết rằng, mình vẫn có thời gian giải trí hoặc ăn uống ngay sau đó.
Một lịch trình quen thuộc sẽ tạo nên sự kỳ vọng của trẻ. Khi trẻ nhận thức được cách đáp ứng những kỳ vọng đó, chúng sẽ dần luyện được tính độc lập, tăng sự tự tin và khả năng đương đầu với những yêu cầu trong cuộc sống. Bên cạnh đó, khả năng giải quyết vấn đề cũng như đương đầu với thay đổi của trẻ cũng sẽ phát triển theo.
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh - Trung tâm Rồng Việt - chia sẻ, kỷ luật không có nghĩa là sự áp đặt, buộc mọi người phải tuân theo những luật lệ do một vài người hay một tập thể nào đó đặt ra một cách độc đoán. Đó phải là những nguyên tắc mang tính thỏa thuận, được chấp hành bằng sự ý thức và tôn trọng và phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Vì vậy, khi muốn rèn cho trẻ tính kỷ luật, có nền nếp, người lớn phải là những tấm gương. Từ đó, trẻ mới hình thành được tinh thần tự giác.
Theo chuyên gia này, để dạy trẻ ý thức chấp nhận các nguyên tắc kỷ luật, trước tiên, cha mẹ phải là người làm gương. Sau đó, phụ huynh mới có thể nhắc nhở, khuyến khích con. Nếu trẻ chấp hành tốt, cha mẹ có thể khen thưởng cho trẻ bằng một cái vỗ tay, hoặc hành động ôm.
“Việc khen thưởng động viên phải dựa trên nguyên tắc: Trẻ làm tốt thì được khen và chỉ khen trong thời gian đầu. Khi đã trở nên thường xuyên thì thôi. Lúc đó sẽ chuyển việc khen ngợi qua các đòi hỏi cao hơn hay những yêu cầu khác, nhưng phải phù hợp với năng lực phát triển của trẻ”, ông Lê Khanh gợi ý.
Việc tập cho trẻ ý thức tự giác tuy đơn giản, nhưng không dễ. Ảnh minh họa. |
Theo chuyên gia này, điều quan trọng là phụ huynh cần dạy trẻ có ý thức tự giác. Đây là điều cần phải được rèn luyện và không tự nhiên mà có. Việc rèn luyện cho trẻ cần được tiến hành vào giai đoạn 4 - 5 tuổi là tốt nhất. Bởi, ở độ tuổi này, trẻ mới có được khả năng liên kết các chuỗi sự kiện với nhau và biết sắp xếp một cách hợp lý các thông tin, hình ảnh. Từ đó, hình thành một chuỗi các sự kiện theo thời gian.
Trẻ sẽ biết rằng, muốn quét nhà phải đi tìm cái chổi, có chổi mới quét được nhà, quét nhà thì sẽ làm cho nhà sạch, mà nhà sạch thì bố mẹ tỏ ra vui thích. Điều này sẽ làm cho trẻ hãnh diện. Đó là khởi đầu cho sự tự tin - một kỹ năng sống quan trọng không chỉ với trẻ, mà còn cả người lớn.
“Việc tập cho trẻ ý thức tự giác tuy đơn giản nhưng không dễ, vì chúng ta thường có thói quen ra lệnh với trẻ, con phải làm cái này, con phải làm cái kia. Ngoài ra, chúng ta cũng thường cho rằng, trẻ còn nhỏ, tay chân vụng về. Nếu để trẻ tự làm vừa chậm, lại có khi hỏng bét. Điều đó là đúng, nếu ta muốn trẻ tiếp tục sự vụng về như thế cho đến khi vào lớp 1, thậm chí cho đến tuổi trưởng thành.
Ngược lại, nếu muốn giúp trẻ có khả năng tự lập sau này, ngay từ bé, hãy bắt đầu bằng những việc đơn giản nhất, cho trẻ tự làm những việc trong khả năng có thể”, ông Lê Khanh chia sẻ.
Một điều quan trọng khác là trẻ cần học khả năng tự chủ. Theo chuyên gia này, khả năng tự chủ của một đứa trẻ thường phụ thuộc vào các yếu tố như: Tính khí, môi trường sống và môi trường giáo dục. Cụ thể, có những trẻ nóng tính, hiếu động hoặc giàu cảm xúc. Những trẻ này muốn đạt được khả năng tự chủ sẽ không phải là điều đơn giản. Ngược lại, với những trẻ điềm đạm, thậm chí là lạnh lùng, khả năng tự chủ sẽ dễ hơn.
“Trẻ sinh ra và lớn lên trong một khu xóm lao động, hay nơi phố thị ồn ào náo nhiệt, sẽ khó có được sự tự chủ bằng những người sinh ra và lớn lên ở khu xóm yên tĩnh, hay vùng nông thôn, vùng núi cao vắng vẻ. Một hệ thống giáo dục ổn định, phù hợp với sự phát triển về tâm sinh lý của từng lứa tuổi và có những yếu tố kích thích tính sáng tạo sẽ giúp trẻ dễ dàng thu nạp và hình thành được khả năng tự chủ hơn một hệ thống giáo dục bất ổn, áp đặt theo những khuôn mẫu cho sẵn”, ông Lê Khanh cho biết.
Cha mẹ nên khen thưởng khi trẻ có hành vi tốt. Ảnh minh họa. |
Hành động thiếu tế nhị
Việc giáo dục con về nền nếp, quy tắc ứng xử được coi là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, ngày nay, không ít phụ huynh bỏ quên việc dạy con những nền nếp như vậy. TS Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - chia sẻ, ngày nay, tỷ lệ trẻ ngang nhiên đi qua trước mặt người khác, thậm chí giẫm cả lên mâm cơm hoặc chen lấn ngang qua mặt mọi người đang tụ tập nói chuyện là 100%.
“Không một đứa trẻ nào biết phải đi vòng sau lưng để tránh làm phiền người khác. Nói trống không thì tỷ lệ là 80%. Nói bậy cũng tầm đó. Đặc biệt là trộm đồ hoặc ngang nhiên dùng đồ người khác cũng chiếm tỷ lệ cực cao”, chuyên gia bày tỏ. Do đó, theo TS Hương, điều quan trọng là cần dạy trẻ nói đủ chủ - vị ngữ. Bà Hương dẫn chứng, có những bạn đã 15 - 17 tuổi, nhưng khi nói chuyện với người lớn, các em có lời lẽ cộc lốc, không chủ - vị ngữ, không kính ngữ, thậm chí là cao giọng.
Điều quan trọng khác trẻ cần học là “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. TS Hương chia sẻ, ngày nay, nhiều trẻ không hề có nếp ăn. Các em không nhìn xem mâm có mấy người. Trong khi đó, không ít trẻ ngồi vào mâm cơm là có hành động trút cả đĩa thức ăn vào bát mình. Thậm chí, trẻ giành nhau thức ăn. Ngoài ra, việc dạy trẻ không đi trước mặt người khác cũng được chuyên gia nhấn mạnh. TS Hương cho biết từng chứng kiến không ít trẻ thản nhiên giẫm bàn chân qua trước mặt 4, 5 người đang ngồi bệt dưới đất.
Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng, trẻ cần học cách đi nhẹ, nói khẽ. Bà Hương cho rằng, hành vi chạy rầm rập, la hét inh ỏi là phong cách không tốt của nhiều người. Chính các hành vi của người lớn như vậy, nên trẻ làm theo cũng là bình thường.
Ngoài ra, trẻ cũng cần được dạy phải mời cơm khi ngồi vào mâm, đi đứng không chen lấn xô đẩy, cũng như không tự ý lấy đồ của người khác.
Là một người thường xuyên tiếp xúc với trẻ, TS Vũ Thu Hương chia sẻ, bà nhận ra, nhiều bé thiếu tế nhị, bất lịch sự, hành xử thiếu văn hóa dù được đánh giá là ngoan.
“Nguyên nhân đôi khi là do cha mẹ đã bỏ qua các lỗi nhỏ. Mỗi khi bọn trẻ phạm lỗi nhỏ xíu kiểu: Đánh khẽ vào người khác trong nhà, đá dép thay vì đi dép khi bố mẹ đang yêu cầu... các bố mẹ lại bỏ qua. Chính vì vậy, lâu dần, các con sẽ nhờn và có nhiều hình ảnh xấu, phản cảm”, chuyên gia nhận định.
Một trong số những hành vi xấu của trẻ là giao tiếp vô lễ. TS Hương chia sẻ, nhiều trẻ được đánh giá ngoan, nhưng chỉ là biết chào. Việc lễ phép mời cơm, xin phép mượn đồ, thưa gửi đầy đủ kính ngữ, vâng, dạ... hiện nay vô cùng hiếm gặp ở trẻ.
“Hầu hết trẻ nhìn thấy người lớn là giương mắt lên nhìn, thậm chí còn chẳng buồn nói năng gì. Các con thường lao vào phòng, nhảy lên bàn ghế, tự tiện kéo đồ đạc của người khác ra chơi, phá. Các cháu nhát, sau một thời gian rụt rè cũng lấy đồ ra chơi vô tư. Các cháu thản nhiên chạy qua trước mặt người khác, va chạm không xin lỗi. Trong các quán xá, các cháu la hét, chạy nhảy, va chạm rầm rập vào đồ đạc, người khác”, chuyên gia dẫn chứng.
Thậm chí, có nhiều trẻ la hét, chạy nhảy, không giữ trật tự khi đi vào những nơi cần yên tĩnh như bệnh viện, công sở, thư viện. “Trước khi vào phòng, các cháu thường không gõ cửa, lao vào, không đóng cửa sau khi vào phòng hoặc đóng sầm cửa. Các cháu thường nói leo khi người lớn đang nói chuyện. Nếu đó là câu chuyện riêng tư của những người khác, bố mẹ cần yêu cầu các cháu tôn trọng. Các con chơi xong, ăn xong không dọn dẹp, để tung tóe mọi thứ rồi bỏ đi”, TS Hương cho biết.
Chuyên gia này cho rằng, dù ở trường hay nhà, cha mẹ không nên bỏ qua những lỗi nhỏ của trẻ. Khi đó, trẻ sẽ không mắc những lỗi lớn. Nhờ vậy, việc dạy con sẽ dễ dàng hơn nhiều là bỏ qua những lỗi phụ huynh cho là nhỏ.