Dạy con phép lịch sự tối thiểu trên bàn ăn

GD&TĐ - Cha mẹ thường có quan niệm rằng khi còn nhỏ việc tiếp thu của trẻ còn rất hạn hẹp, chính vì thế nên để cho bé tự học dần dần chứ không cần phải dạy quá nhiều.

Cha mẹ cần dạy dỗ văn hóa ăn uống cho con từ nhỏ (hình minh họa)
Cha mẹ cần dạy dỗ văn hóa ăn uống cho con từ nhỏ (hình minh họa)

Tuy nhiên, đó là một quan điểm hoàn toàn sai, bởi ngay từ thời gian đầu đời trẻ có sự tiếp thu những sự vật sự việc xung quanh vô cùng nhạy bén, và đây được coi là thời điểm vàng cho việc giáo dục trẻ hiệu quả.

Để trẻ lớn lên và trở thành người có kỷ luật và sống có trách nhiệm, thì ngay còn nhỏ cha mẹ cần cần uốn nắn và dạy dỗ. Một trong những việc cần dạy dỗ từ nhỏ là phép lịch sự trong bữa ăn. Đây là một trong những vấn đề rất cần được quan tâm. Bởi khi lớn lên, khi trẻ đã hình thành nên thói quen xấu từ khi còn nhỏ sẽ rất khó để sửa.

Có những quy tắc, những phép lịch sự hay những hành động rất nhỏ xoay quanh việc ăn uống mà nhiều người không để ý sẽ gây khó chịu cho những người xung quanh. Cha mẹ hãy tham khảo cách gợi ý sau đây nhé.

Dọn bàn ăn

Bố mẹ hãy hình thành cho trẻ những phép lịch sự trong bữa ăn bằng việc dạy cho trẻ biết cách giúp đỡ người lớn trong việc dọn dẹp hay sắp xếp bàn ăn.

Bạn có thể cho trẻ làm những việc nhỏ nhất như chia đũa, muỗng hoặc nhờ trẻ chuyển những vật dụng nhỏ ra bàn ăn và sắp xếp lại. Khi trẻ lớn hơn một chút, cha mẹ có thể cho trẻ làm quen dần với việc tự sắp xếp và bày biện bát đĩa... trong những bữa ăn hàng ngày.

Mời người lớn trước khi ăn

Trước khi bắt đầu bữa cơm, hãy mời mọi người dùng bữa theo thứ tự tuổi tác, vai vế. Tiếp theo sau đó, nên chờ người lớn tuổi nhất, vai vế cao nhất ăn trước rồi cả nhà cùng ăn. Đây chính là phép lịch sự tối thiểu mà bất kì ai cũng phải biết.

Trong trường hợp được mời đến nhà người khác dùng bữa, hãy để chủ nhà gắp đồ ăn trước, trừ trường hợp chủ nhà chủ động đề nghị gắp trước. Hành động nhỏ này thể hiện sự tôn trọng dành cho chủ nhà.

Chú ý cách dùng đũa

Liên quan đến việc dùng đũa trong bữa cơm, hành động kiêng kị nhất khi dùng đũa là đó là cắm thẳng đôi đũa vào bát cơm. Khi muốn gắp thức ăn cho người khác, tốt nhất nên có một đôi đũa mới vì nhiều người cho rằng đảo đầu đũa cũng mất vệ sinh vì đầu đũa đó là nơi ta cầm nắm, dễ mang theo nhiều vi khuẩn.

Bên cạnh đó, nhiều hành vi kém tế nhị khác cũng không nên xuất hiện trên bàn ăn là lấy đũa để xê dịch cốc, bát; ngậm đũa, liếm đầu đũa, bới thức ăn trong đĩa để tìm miếng mình thích… Nếu trong trường hợp phân vân không biết hành vi của mình có ổn không, tốt nhất là đừng làm.

Điều chỉnh tư thế ngồi ăn

Sẽ vô cùng mất lịch sự và cũng không ai cảm thấy thích thú khi người ngồi ăn cơm cùng mình cứ cúi gằm mặt để ăn, tay gắp thức ăn lia lịa hay ngồi xiên ngồi xẹo. Tư thế ngồi ăn là rất quan trọng, vì vậy hãy chú ý điều chỉnh tư thế chỉnh tề và lịch sự nhất có thể.

Tư thế chuẩn trong một bữa ăn là giữ lưng thẳng, tay đặt trên bàn, đầu giữ ngang tầm mắt. Nếu con cứ chúi đầu vào món ăn khi ngồi ăn ở trên ghế hay rung đùi là hành vi không nên. Nếu ngồi quá xa đĩa thức ăn, thay vì di chuyển, nhoài người để cố với, hãy nhờ người khác gắp hộ đồ ăn một cách lịch sự.

Trẻ thường có tính hiếu động và nghịch ngợm, vì vậy việc trẻ ngồi ngang ngồi dọc, quay ngang quay ngửa, gác chân lên bàn... Chính vì vậy ngay từ nhỏ cha mẹ cần hình thành cho trẻ thói quen ngồi ngay ngắn trong bữa ăn. Khi nhà có khách bạn cần hướng dẫn trẻ chú ý chỗ ngồi và nhường chỗ thuận lợi nhất cho khách.

Không sử dụng điện thoại

Cần dạy con, rằng dùng điện thoại trong bữa ăn không chỉ là một hành động mất lịch sự, thiếu tôn trọng người khác mà còn gây ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa. Nên chú tâm vào bữa ăn và những người ngồi cùng. Các vật dụng không cần thiết khác như túi xách cũng không nên để trên bàn ăn.

Nếu thực sự có việc phải dùng đến điện thoại, hãy báo cho mọi người cùng bàn biết để có thể ra ngoài nghe điện thoại để tránh làm ồn, gây ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Không chê đồ ăn và biết nói lời cảm ơn

Cha mẹ cần dạy trẻ việc không được chê đồ ăn mà người khác đã làm cho mình kể cả món đó cảm thấy không vừa miệng cho lắm, và phải biết nói lời cảm ơn những người đã nấu bữa ăn cho mình.

Có thể góp ý món ăn nhưng phải dựa trên quan điểm chung. Ví dụ “con thấy món ăn này nhiều cay/mặn so với con”, chứ không nên nói “món ăn này quá tệ vì nó mặn”

Theo asiafood

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ