Dấu hiệu trẻ lạm dụng thiết bị công nghệ, bố mẹ cần xử lý ngay

GD&TĐ - Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo để phụ huynh hạn chế đặc quyền sử dụng điện thoại của con mình.

Cha mẹ cần chú ý tới những dấu hiệu cho thấy việc sử dụng điện thoại tác động tiêu cực tới cuộc sống của trẻ.
Cha mẹ cần chú ý tới những dấu hiệu cho thấy việc sử dụng điện thoại tác động tiêu cực tới cuộc sống của trẻ.

>>> Rèn tính tập trung cho trẻ bằng cách nào?

Hầu hết giáo viên trung học và thậm chí cả trung học cơ sở luôn phải “chiến đấu” với điện thoại thông minh và thiết bị công nghệ khác nhằm thu hút sự chú ý của học sinh trong lớp.

Điểm số thấp do điện thoại

Không ít học sinh tìm cách nhắn tin, lướt web và đăng bài trên mạng xã hội trong khi giáo viên đang giảng dạy. Trẻ có thể giấu thiết bị của mình trong người, túi áo hoặc thậm chí là ba lô. Kết quả cuối cùng là trẻ như chỉ hiện diện một nửa trong lớp học.

Một nghiên cứu mới cho thấy, sinh viên đại học cũng dành nhiều thời gian trên lớp để sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị công nghệ khác.

Cụ thể, sinh viên kiểm tra điện thoại và các thiết bị khác trung bình hơn 11 lần một ngày. Đó không chỉ là một cái liếc nhìn nhanh để xem liệu có ai đó đang cố gắng liên lạc với họ hay không. Thay vào đó, họ dành tới 20% thời gian trong lớp để nhắn tin, gửi email, lướt web, kiểm tra mạng xã hội và thậm chí chơi điện tử.

Thậm chí, trẻ không thấy có vấn đề gì với những hành vi như vậy. Gần 30% học sinh cho biết có thể sử dụng các thiết bị kỹ thuật số mà không gây sao lãng việc học. Hơn 1/4 trong số này cho biết có quyền lựa chọn sử dụng điện thoại thông minh hoặc thiết bị khác khi lớp học đang diễn ra.

Tương tự, nhiều người học được khảo sát cảm thấy lợi ích của việc sử dụng thiết bị kỹ thuật số cho các mục đích ngoài lớp học lớn hơn bất kỳ sự phiền nhiễu nào mà họ gây ra. Hơn 11% số người được khảo sát cảm thấy không thể ngừng sử dụng thiết bị của mình.

Có rất ít tranh luận cho rằng, điện thoại thông minh và các thiết bị khác có thể khiến học sinh mất tập trung trong lớp học. Tuy nhiên, việc sử dụng các thiết bị điện tử trong lớp học thậm chí có thể làm giảm điểm số của học sinh.

Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý Giáo dục, các nhà khoa học đã phát hiện, trong số 118 sinh viên đại học, những người sử dụng máy tính xách tay và điện thoại di động trong lớp không nhằm phục vụ cho việc học thường đạt điểm thấp hơn một nửa trong kỳ thi.

Ngay cả những học sinh cùng lớp với người sử dụng thiết bị công nghệ cũng đạt điểm thấp hơn. Tình trạng này có thể là do sự xao nhãng từ những người sử dụng thiết bị điện tử.

Điều quan trọng cần lưu ý là việc sử dụng một thiết bị không làm giảm khả năng hiểu về bài giảng. Song, hành động này lại làm giảm điểm bài kiểm tra cuối kỳ tới 5% hoặc hơn. Những phát hiện này chứng minh rằng, tác động chính khi dùng điện thoại là sự xao nhãng ở lớp học trong một thời gian dài.

Cha mẹ cần yêu cầu trẻ ngừng dùng điện thoại nếu kết quả học bị ảnh hưởng.

Cha mẹ cần yêu cầu trẻ ngừng dùng điện thoại nếu kết quả học bị ảnh hưởng.

Lý do sự mất tập trung ảnh hưởng đến việc học

Theo cuốn sách “Tâm trí xao nhãng”, khi dùng điện thoại trong lớp, học sinh bị phân tâm khi theo đuổi một mục tiêu thực sự quan trọng. Đồng thời, có điều gì đó cản trở nỗ lực của họ để đạt được mục tiêu đó.

Sự chú ý của học sinh được chia thành hai nhiệm vụ. Đó là điều giáo viên đang cố gắng dạy và thứ học sinh đang cố gắng thực hiện trên thiết bị công nghệ. Kết quả là, trẻ bị phân tâm và hầu như không ghi nhớ hết tất cả kiến thức được truyền tải trong buổi học.

Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi nhà thần kinh học Adam Aron thuộc Trường Đại học California San Diego (Mỹ) và học giả sau tiến sĩ Jan Wessel cũng cho thấy tác hại khi trẻ sử dụng điện thoại. Họ phát hiện, hệ thống não - thứ liên quan đến việc làm gián đoạn hoặc ngừng chuyển động trong cơ thể - cũng làm gián đoạn nhận thức.

Vùng não này được kích hoạt khi con người dừng hành động đột ngột do một sự kiện bất ngờ như tin nhắn văn bản hoặc thông báo, làm rõ những gì đang nghĩ (hoặc những gì giáo viên đang dạy). Chức năng này của não từng đóng vai trò quan trọng khi con người đối mặt với nguy hiểm và cần tập trung vào những gì đang xảy ra vào thời điểm đó. Song, với tất cả những tiếng kêu và tiếng chuông của công nghệ, chức năng não này có thể có tác động tiêu cực.

Hầu hết các nhà giáo dục đều đồng ý rằng, câu trả lời không phải là cấm sử dụng thiết bị công nghệ trong lớp học. Lệnh cấm công nghệ được cho là phản trực giác với thế giới chúng ta đang sống. Đồng thời, còn có thể vô tình khiến học sinh bỏ bê việc học để tìm cơ hội lén sử dụng thiết bị công nghệ.

Thay vào đó, giáo viên cũng như học sinh cần phải thay đổi cách thực hành. Các chuyên gia cho rằng, giáo viên cần phải thích ứng với thực tế là điện thoại thông minh và thiết bị khác vẫn luôn tồn tại. Tương tự, giáo viên cũng cần nhận ra rằng, lý do số một mà học sinh đưa ra để bật thiết bị công nghệ trong lớp là vì sự nhàm chán.

Điện thoại có thể khiến điểm số người học giảm sút.

Điện thoại có thể khiến điểm số người học giảm sút.

Đồng thời, học sinh cần nhận ra rằng, việc sử dụng điện thoại thông minh trong lớp sẽ ảnh hưởng đến sự tập trung. Trẻ vẫn có thể vượt qua các bài kiểm tra ngay trong buổi học đó.

Tuy nhiên, khi bước vào thi cuối kỳ hoặc bài kiểm tra tiêu chuẩn, trẻ sẽ không ghi nhớ được nhiều thông tin bằng những bạn không sử dụng điện thoại thông minh trong lớp. Do đó, người học cần biết cách tự điều chỉnh khi sử dụng công nghệ trong lớp học.

Nhiều thanh thiếu niên nghĩ rằng, việc sử dụng điện thoại thông minh là quyền của trẻ. Song, việc sở hữu một chiếc điện thoại chắc chắn là một đặc quyền. Có thể đôi khi, việc tước bỏ đặc quyền đó có thể là điều tốt nhất cho trẻ. Điều quan trọng là cha mẹ cần chú ý tới những dấu hiệu cho thấy việc sử dụng điện thoại đang tác động tiêu cực tới cuộc sống của trẻ.

Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo để phụ huynh hạn chế đặc quyền sử dụng điện thoại của con mình:

Phá vỡ quy tắc dùng điện thoại: Phụ huynh cần tạo ra các quy tắc rõ ràng về việc sử dụng điện thoại thông minh. Danh sách các quy tắc phải giải quyết xung quanh việc sử dụng điện thoại, như: Không nhắn tin trong bữa tối, không gửi ảnh không thích hợp… Các quy tắc cũng nên giải quyết khía cạnh tài chính của việc sở hữu điện thoại thông minh.

Nếu trẻ sử dụng quá mức dữ liệu cho phép vì xem phim trực tuyến hoặc cần một chiếc điện thoại mới vì đã làm mất, hãy yêu cầu trẻ phải chịu trách nhiệm về tài chính. Phụ huynh hãy tước đặc quyền sử dụng điện thoại cho đến khi trẻ thanh toán hóa đơn.

Học tập không tốt ở trường: Nếu điểm số của trẻ tụt dốc, việc tịch thu điện thoại có thể là giải pháp phù hợp. Hạn chế sử dụng điện thoại trong một thời gian có thể giúp trẻ ít phân tâm hơn khi làm bài tập về nhà. Cha mẹ có thể sử dụng điện thoại như một động lực để trẻ đạt điểm cao. Hãy nói: “Khi hoàn thành xong tất cả bài tập về nhà, con có thể lấy lại điện thoại”.

Chia sẻ thông tin không phù hợp: Nếu trẻ sử dụng điện thoại thông minh để chia sẻ những tin nhắn không phù hợp trên mạng xã hội, cha mẹ phải can thiệp. Đồng thời, hãy thiết lập các hướng dẫn rõ ràng về việc đăng bài trên mạng xã hội và chia sẻ thông tin trực tuyến. Giải thích những hậu quả tiềm ẩn - cả tác động xã hội và trong gia đình, của việc chia sẻ quá mức.

Nghiện điện thoại: Có nhiều lý do khiến thanh thiếu niên liên tục cảm thấy cần phải sử dụng mạng xã hội. Một tương tác tích cực trên mạng xã hội hoặc một tin nhắn văn bản nhanh sẽ giúp họ tăng sự tự tin. Tuy nhiên, việc gắn bó với điện thoại thông minh cả ngày có thể gây nhiều hậu quả.

Nếu việc nhắn tin, lướt web và chơi game cản trở khả năng hoàn thành công việc của trẻ, cha mẹ hãy đặt ra một số giới hạn lành mạnh về thời lượng con được phép sử dụng điện thoại.

Tập trung quá mức vào truyền thông xã hội: Một số thanh thiếu niên ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội để nâng cao giá trị bản thân. Khi nhận được những bình luận và lượt thích tích cực về hoạt động truyền thông xã hội của mình, trẻ cảm thấy hài lòng về bản thân. Song, nếu không thu hút được đủ sự chú ý tích cực thì lòng tự trọng của trẻ sẽ giảm sút.

Những thanh thiếu niên khác tạo ra nhân cách trực tuyến không giống với cuộc sống thực. Họ tạo hồ sơ trên mạng xã hội dưới tên giả hoặc trò chuyện với người lạ.

Trong khi thực tế, sẽ vô cùng nguy hiểm khi thanh thiếu niên khiến lòng tự trọng phụ thuộc vào các hoạt động trực tuyến. Khi đó, trẻ không chỉ phơi bày mình trước những mối nguy hiểm trực tuyến, mà còn đang đo lường giá trị bản thân một cách không lành mạnh.

Một nghiên cứu của Trường Đại học Stanford (Mỹ) cho thấy, việc thực hiện nhiều việc một lúc với cường độ cao sẽ làm giảm hiệu quả hoàn thành một nhiệm vụ nhất định. Kết luận ở đây là điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác có thể làm giảm khả năng suy nghĩ tối đa của học sinh.

Theo Very well family

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.