Nguy hại của thiết bị công nghệ đối với trẻ
Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Y khoa trẻ em Mỹ và Hội Y khoa Canada đăng trên tạp chí Huffingtonpost (Mỹ) đã chỉ ra hậu quả mà trẻ tiếp xúc quá nhiều thiết bị điện tử gồm:
- Tác động xấu đến não bộ: Liên quan đến những rối loạn về chú ý và chức năng, chậm phát triển về nhận thức cũng như suy yếu khả năng học tập, làm trẻ kém tự điều chỉnh bản thân, bốc đồng hơn.
- Chậm phát triển: Ngồi trước màn hình thay vì vận động khiến trẻ chậm phát triển về ngôn ngữ, vận động, đọc viết và khả năng học tập.
- Béo phì, đồng nghĩa với nguy cơ cao về tim mạch, đái tháo đường, đột quỵ sớm.
- Các chứng bệnh về tinh thần: Gia tăng số trẻ em bị trầm cảm, lo lắng, rối loạn gắn bó, có vấn đề về hành v....
- Sự gây hấn: Các nội dung bạo lực, tình dục đầy rẫy trên các phương tiện truyền thông có thể gây nên sự rối loạn về tinh thần ở trẻ.
- Chứng mất trí nhớ kỹ thuật số: Suy giảm chú ý cũng như làm giảm khả năng chú ý và trí nhớ, gây ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ.
- Nghiện ngập (game, máy tính, điện thoại...): Cứ 11 trẻ từ 8-18 tuổi lại có 1 trẻ bị nghiện các thiết bị công nghệ.
Victo Victoria Prooday – một chuyên gia trị liệu có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với trẻ, phụ huynh và giáo viên tại Canada thừa nhận: Con cái chúng ta đang ngày càng kém về nhiều mặt, về cả xã hội, cảm xúc, học tập và các vấn đề khác.
Bố mẹ đang sử dụng công nghệ như một “dịch vụ giữ trẻ miễn phí”, nhưng trên thực tế chúng ta lại đang phải trả giá cho các khoản phí đó bằng hệ thống thần kinh, sự chú ý và khả năng trì hoãn sự hài lòng của con cái. So với thế giới ảo thì cuộc sống hàng ngày khá nhàm chán. Những vụ bắn phá, tiếng nổ đồ họa và các hiệu ứng đặc biệt mà chúng thường thấy trên màn hình ti-vi, điện thoại, máy tính hoặc máy tính bảng thu hút trẻ hơn gấp nhiều lần những bài giảng trên lớp.
Trẻ em biết nói, học được cách giao tiếp, biết cảm nhận cảm xúc từ người đối diện, biết điều chỉnh cảm xúc của mình… thông qua giao tiếp hàng ngày. Ở giai đoạn 0-6 tuổi, trẻ em phát triển mạnh mẽ nhất trong cuộc đời và hai con đường chính để phát triển là thông qua vận động và giao tiếp với người lớn. Vì vậy, khi trẻ ngồi một chỗ để xem tivi, ipad nhiều giờ liền trong lúc người lớn bận rộn, công nghệ đã cướp mất cơ hội quý giá nhất để phát triển.
Giúp con sử dụng thiết bị công nghệ hợp lý
1. Cha mẹ làm gương cho con
Trẻ dưới 7 tuổi học qua bắt chước từ người lớn, kể cả suy nghĩ, cảm nhận. Bởi vậy không có cách nào khác bố mẹ phải làm gương cho con.
Cha mẹ cần lập kế hoạch về thời gian dùng thiết bị điện tử để không ảnh hưởng đến con cái, cố gắng không dùng công nghệ khi ngồi cạnh trẻ. Hãy để điện thoại ở trên cao, một vị trí mà trẻ không nhìn thấy.
2. Tạo không gian vui chơi, hoạt động và làm việc nhà
Đây là cách kích hoạt ý chí của trẻ bằng hành động thay vì ngồi lỳ một chỗ trước màn hình. Dần dần con có thể tự chơi, tìm thấy niềm vui trong vui chơi và hoạt động, từ đó ý chí phát triển mạnh mẽ.
Chuyên gia trị liệu Victo Victoria Prooday cho rằng, để luyện tập não bộ cho trẻ, tăng cường kỹ năng xã hội, cảm xúc và học tập, kết nối lại tình cảm với đứa trẻ như “làm con ngạc nhiên với hoa; cười thật tươi với con; ôm con; bí mật giấu giấy ghi chú nhanh với lời lẽ đầy tình yêu vào trong cặp hoặc dưới gối của con; làm con bất ngờ bằng cách đưa con ra ngoài ăn trưa vào một ngày học bất kỳ hoặc có một trận vui đùa bằng gối. Có một bữa tối gia đình, cùng chơi chung 1 trò chơi , cùng đi xe đạp hoặc đi dạo ngoài trời với đèn pin vào buổi tối…”.
3. Giúp trẻ hình thành những thói quen mới
Cha mẹ hãy tìm kiếm các thói quen khác thay thế cho việc cho con sử dụng thiết bị công nghệ mỗi ngày. Thay vì quẳng cho con chiếc iphone để nấu cơm lúc đi làm về, cha mẹ hãy bắt đầu bằng việc có kế hoạch cho buổi tối của mình, để không mất quá nhiều thời gian nấu ăn, dành thời gian hỏi han, quan tâm con vào buổi chiều- thời điểm con thực sự cần bố mẹ sau cả ngày dài xa nhau.
Trong lúc bố mẹ nấu ăn, có thể có các hoạt động khác nhau cho trẻ và nên biến thành thói quen hàng ngày:
+ Trẻ 2-3 tuổi: đưa trẻ vào bếp, đưa vài dụng cụ cho trẻ chơi.
+ Trẻ 4-5 tuổi: đưa giấy, sáp màu cho trẻ vẽ ở bàn ăn, mẹ vừa làm vừa nói chuyện.
+ Trẻ 6-7 tuổi: trẻ có thể tự vẽ một mình hoặc vào phòng của trẻ tự chơi, hoặc hỗ trợ bố mẹ chuẩn bị bữa tối.