“Cai” thiết bị công nghệ cho con: Đừng biến thiết bị điện tử thành bảo mẫu

GD&TĐ - Mùa hè là khoảng thời gian trẻ được nghỉ ngơi, thư giãn và không chịu áp lực học hành. Với quan niệm để con có một kỳ nghỉ hè thực sự, không ít phụ huynh cho trẻ tự do làm những điều mình thích, như xem tivi, chơi điện tử...

Trẻ có thể tham gia lớp học năng khiếu, nghệ thuật thay vì chơi điện tử. Ảnh minh họa
Trẻ có thể tham gia lớp học năng khiếu, nghệ thuật thay vì chơi điện tử. Ảnh minh họa

Thậm chí, thiết bị điện tử vô tình trở thành công cụ trông con hữu hiệu của nhiều bậc cha mẹ. Tuy nhiên, hệ quả là, nhiều trẻ khó “dứt ra” khỏi màn hình và có thể để mùa hè trôi qua một cách vô nghĩa.

Để trẻ không dành quá nhiều thời gian trên màn hình, bố mẹ được khuyến khích cùng con lên kế hoạch cụ thể, giúp trẻ tham gia vào những hoạt động mình muốn. Tuy nhiên, việc ép con học thêm quá nhiều với mong muốn giúp trẻ rời xa thiết bị điện tử được cho là quan niệm sai lầm.

Công cụ “trông con” hữu hiệu

Theo thống kê, đến tháng 4 năm nay, bài hát “Baby Shark” và phim hoạt hình “Masha and the Bear - Recipe for disaster” vẫn trụ vững trên bảng xếp hạng 10 video có lượt xem nhiều nhất mọi thời đại trên YouTube. Đáng nói là, cả hai video trên đều dành cho thiếu nhi. Chắc chắn những gia đình có trẻ nhỏ sẽ không thể không biết tới giai điệu vui nhộn của “Baby Shark”, hay hành trình của cô bé áo hồng trong “Masha and the Bear”.

“Tôi thường bật YouTube cho con xem để cháu chịu ngồi ăn ngoan. Hoặc, khi đang bận, tôi cũng cho cháu sử dụng điện thoại”, chị Trần Nhật Linh - một phụ huynh có hai con tại Hoàn Kiếm (Hà Nội), chia sẻ.

Với tư tưởng này của nhiều cha mẹ, trẻ em ngày nay chính là những người đóng góp vào lượt xem “khủng” của các video trên YouTube. Cộng đồng nhà sáng tạo YouTube từ lâu luôn xem trẻ em là khán giả tiềm năng nhất trong các thể loại video.

Không ít gia đình sử dụng thiết bị công nghệ làm “vật trao đổi” với con. “Nếu con đạt điểm cao, bố mẹ sẽ tặng con một chiếc điện thoại di động”; “Con sẽ được chơi điện tử nếu ngồi ngoan để mẹ làm việc”... Đây là những “giao kèo” mà không ít phụ huynh thừa nhận từng nói với trẻ. Thiết bị công nghệ ngày nay bỗng trở thành giải pháp hữu hiệu để phụ huynh khiến trẻ ngồi yên một chỗ. Tuy nhiên, những hành động này dần biến trẻ không muốn bước ra khám phá thế giới bên ngoài và cuộc sống chỉ xoay quanh hai từ “màn hình”.

Chia sẻ về tình trạng này, PGS.TS Trần Thành Nam - Chuyên gia Tâm lý, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, cha mẹ có thể tạo cho con những niềm vui khác vào khoảng thời gian trẻ thường sử dụng thiết bị công nghệ. Khi bắt đầu quen với những hoạt động này, con sẽ dần giảm thời gian chơi điện tử.

“Điều quan trọng nữa là bố mẹ cần cùng tham gia với con vào các hoạt động, nhằm tạo mối quan hệ gắn bó, gần gũi. Khi đó, phụ huynh sẽ dễ dàng điều chỉnh thời gian trẻ sử dụng thiết bị công nghệ. Bởi lẽ, trẻ thường có xu hướng nghe lời hơn khi gần gũi với bố mẹ”, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, phụ huynh có thể khiến trẻ trở nên bận rộn bằng các nhiệm vụ giúp đỡ và hỗ trợ người lớn. Nhờ vậy, con sẽ không dành quá nhiều thời gian vào việc sử dụng thiết bị công nghệ. Chuyên gia chia sẻ, để có thể khuyến khích con, bố mẹ nên sử dụng những phần thưởng xã hội.

Ngoài ra, phụ huynh được khuyến cáo trở thành những tấm gương cho con trong việc sử dụng thiết bị công nghệ. Việc hướng dẫn trẻ sử dụng và phòng ngừa tác động xấu từ trò chơi điện tử, Internet hay mạng xã hội cũng là yếu tố vô cùng quan trọng.

PGS.TS Trần Thành Nam.
PGS.TS Trần Thành Nam.

Vạch chiến lược cụ thể

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, bố mẹ cần vạch ra chiến lược cụ thể để giúp con không dành quá nhiều thời gian sử dụng thiết bị công nghệ. “Trước hết, phụ huynh hãy liệt kê tất cả hoạt động mà trẻ thích hoặc từng có hứng thú. Phụ huynh chú ý lựa chọn các hoạt động mang tính tương tác xã hội hoặc có ý nghĩa giá trị xã hội như: Đến nhà ông bà chơi, cùng bố mẹ tham gia buổi dã ngoại, chơi bóng đá với bố, chơi cờ cá ngựa với anh chị em… Tuy nhiên, cần tránh chọn các hoạt động để con ngồi một mình, như xem hoạt hình, đọc truyện tranh…”, chuyên gia cho biết.

Bên cạnh đó, mỗi ngày, bố mẹ có thể lên kế hoạch để sắp xếp thời gian tham gia vào những hoạt động trên cùng con. “Ví dụ, phụ huynh có thể đưa vào thời gian biểu mỗi ngày, dành 15 phút buổi tối để chơi cờ cá ngựa với con, 30 phút buổi chiều đi bộ, đá bóng hoặc chơi cầu lông. Cuối tuần, cả gia đình sẽ tham gia một hoạt động ngoài trời hoặc về thăm ông bà”, PGS Nam cho hay.

PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh, phụ huynh nên thỏa thuận và đặt giới hạn thời gian con sử dụng thiết bị điện tử mỗi ngày là 30 phút. Đặc biệt, trẻ sẽ chỉ được chơi vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Giai đoạn đầu, trẻ sẽ được phép chơi 30 phút miễn phí. Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng thiết bị công nghệ nhiều hơn, con sẽ phải làm một việc gì đó giúp bố mẹ và đổi lấy thời gian khoảng 15 phút. “Lưu ý, trẻ chỉ nên được đổi thời gian tối đa là 2 lần”, chuyên gia nhấn mạnh.

Theo PGS Nam, thời lượng trẻ sử dụng thiết bị công nghệ sẽ giảm dần, khi con bắt đầu thích tham gia các hoạt động khác với bố mẹ. Nhờ vậy, sau vài tuần, bố mẹ có thể điều chỉnh thời gian trẻ chơi điện tử xuống 20 phút/lần hoặc chỉ cho con sử dụng công nghệ vào những ngày không có nhiều bài tập. Sau đó, bố mẹ có thể yêu cầu con chỉ sử dụng thiết bị điện tử vào hai ngày cuối tuần.

Ngoài ra, bố mẹ được khuyến khích bàn bạc với con về việc cho trẻ tham gia câu lạc bộ hoặc lớp học năng khiếu, nghệ thuật. Phụ huynh cũng cần xây dựng một thỏa thuận với con về những nhiệm vụ trẻ có thể làm để giúp bố mẹ như: Đổ rác, gấp chăn màn, chuẩn bị bữa ăn... Nếu thực hiện tốt, trẻ sẽ nhận được điểm thành tích và có thể quy đổi ra những món đồ con muốn mua hoặc học phí dành cho lớp học năng khiếu, nghệ thuật. Điều quan trọng là, bố mẹ củng cố những thói quen mới này bằng cách khen và chú ý tới con mỗi khi trẻ thực hiện. 

“Với những hành vi không phù hợp như không chịu ăn, cha mẹ nên phớt lờ và thu dọn món, nếu con không ăn đúng thời gian quy định. Tuyệt đối không sử dụng thiết bị công nghệ như một phần thưởng để khuyến khích trẻ ăn nhanh. Thay vào đó, phụ huynh nên dùng điểm thành tích trong thỏa thuận”, PGS Nam nói thêm.

Muốn trẻ “cai” được các thiết bị công nghệ thì cha mẹ phải cùng đọc sách và chơi với con. Ảnh minh họa: Thế Đại
Muốn trẻ “cai” được các thiết bị công nghệ thì cha mẹ phải cùng đọc sách và chơi với con. Ảnh minh họa: Thế Đại

Không thể “tuyệt giao” với công nghệ

Anh Việt Đức - phụ huynh có con hiện học lớp 3 tại Ba Đình (Hà Nội), chia sẻ, do không muốn con bị cận thị và thường xuyên dùng điện thoại, iPad, vợ chồng anh đã đăng ký để cháu đi học thêm. “Dẫu biết hè là lúc trẻ được nghỉ ngơi, nhưng tôi lo cháu có thể quên mất kiến thức do chơi điện tử, xem YouTube... Vì thế, tôi yêu cầu con học thêm Toán, Văn và Anh ngay cả vào mùa hè. Nhiều phụ huynh khác trong lớp của con tôi cũng có quyết định tương tự”, anh Đức nói.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, nếu ép con đến lớp để trẻ rời xa màn hình, thì bố mẹ đã thành công trong việc giúp con ghét học. Lúc đó, con sẽ cảm thấy học tập là một gánh nặng và đối lập hoàn toàn với sự thú vị khi chơi điện tử. 

“Việc ép con như vậy sẽ không mang lại kết quả tốt. Thậm chí, nhiều trẻ sẵn sàng nói dối bố mẹ là đi học thêm, hay lấy tiền học để vào quán net chơi điện tử. Nhiều em khác học hành qua loa cho xong và tranh thủ mọi lúc để sử dụng thiết bị công nghệ. Những hiện tượng ngày càng trở nên phổ biến này cho chúng ta thấy, đây không phải là chiến lược phù hợp”, PGS Nam khẳng định.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, trong xã hội hiện nay, phụ huynh không thể yêu cầu trẻ “tuyệt giao” với công nghệ, Internet hay trò chơi điện tử. Tuy nhiên, bố mẹ có thể biến trò chơi điện tử thành những hoạt động học tập có mục đích. Cụ thể, những người trầm cảm có thể thông qua trò chơi Pokemon để ra ngoài, tham gia hoạt động xã hội và cải thiện tâm trạng. 

“Hoặc, có thể xây dựng trò chơi dưới dạng thực tại ảo và thực tại tăng cường để giúp cho học sinh cuối cấp chưa có trải nghiệm nghề nghiệp được nhập vai vào các vị trí công việc, tìm hiểu xem mình có thực sự phù hợp với nghề trong tưởng tượng không. Hiện tại, chúng tôi cũng đang làm việc với các đối tác Anh để thiết lập những ứng dụng trò chơi thực tế ảo, giúp dạy kỹ năng sống cho học sinh”, PGS Nam chia sẻ. 

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, để con có một mùa hè đúng nghĩa, thực sự vui, bố mẹ hãy dành thời gian lên kế hoạch, giúp trẻ cân bằng giữa hoạt động tĩnh và động, giữa hoạt động trí óc và thể chất, giữa hoạt động một mình và hoạt động với bạn bè người thân, những hoạt động con mong muốn và hoạt động “nghĩa vụ” thể hiện trách nhiệm của mình. 

“Khi con đã tự mình lựa chọn các hoạt động, bố mẹ hãy giúp trẻ lập một giao kèo, xác lập phần thưởng và trao cho con trách nhiệm tự giám sát và đánh giá tiến độ hoàn thành công việc. Như vậy, bố mẹ vừa rèn con tính tự lập, khả năng lên kế hoạch, tự học, tự đánh giá và chịu trách nhiệm, vừa tiết kiệm thời gian mà không phải giám sát con chơi điện tử. Bởi lẽ, trẻ sẽ bị thu hút bởi những hoạt động trong kế hoạch giao kèo với bố mẹ”, PGS Nam cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?