“Cai nghiện” thiết bị công nghệ cho con

GD&TĐ - Với trẻ thành phố, mùa hè là khoảng thời gian các con được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ số quá nhiều. Nhầm tưởng rằng cho con thoải mái xem các chương trình tivi, vào mạng tự học là cách giúp trẻ thu nạp kiến thức và giải trí… nên nhiều phụ huynh ngã ngửa khi phải đối mặt trước những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần và trí lực của trẻ…

“Cai nghiện” thiết bị công nghệ cho con

Sinh bệnh vì ham xem…

Chị Hoàng Anh (Công ty TNHH phát triển vận tải Hòa Tuấn) có con trai 4 tuổi xinh xắn. Mấy tuần nay thấy con có các biểu hiện lạ giật nháy mắt, nháy mũi liên tục, nôn ói thường xuyên. Nhắc con và thay đổi chế độ ăn vẫn thấy tình hình không giảm, vợ chồng chị đành đưa con đi khám.

Nghe bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương chẩn đoán con bị hội chứng TIC chị mới giật mình. Hội chứng TIC là rối loạn thần kinh chủ yếu về cơ như cơ mặt, thân và phát âm. Và một trong những nguyên nhân khởi phát theo các chuyên gia thì có liên quan đến việc cho trẻ xem tivi, chơi game trên điện thoại thông minh nhiều.

Việc xem tivi nhiều còn gây áp lực cho mắt, làm chậm sự phát triển của hệ thần kinh, giảm sự tương tác với xã hội...

Trách người giúp việc một, vợ chồng chị tự trách bản thân mười. Vì con trai lanh lợi, hiếu động, chẳng mấy lúc chịu ngồi im. Thằng cu cũng hay táy máy nghịch ngợm phá đồ nên muốn dỗ dành con, chị thường cho con nghịch điện thoại hoặc bật các kênh hoạt hình cho con xem để tập trung ăn uống. Lâu dần thành quen, chị giúp việc tích cực áp dụng chiêu này nên giờ con sinh bệnh.

Theo các nhà chuyên môn, việc điều trị hội chứng TIC cho trẻ chủ yếu sử dụng liệu pháp tâm lý. Trong thực tế, nếu đã để trẻ rơi vào tình trạng nghiện hoạt hình, nghiện game thì việc xóa bỏ tật xấu này đòi hỏi tất cả các thành viên trong gia đình phải chung tay. Cần tránh chuyện bố mẹ thì cấm đoán, hạn chế mà ông bà lại nuông chiều hoặc bố mẹ đi làm, phó thác việc trông nom con cho người giúp việc.

Bố mẹ phải làm gương

Cứ vào dịp hè, số lượng trẻ bị hội chứng TIC từ việc xem tivi, chơi game trên smartphone thường tăng lên. Giai đoạn con nghỉ học chính khóa mà phụ huynh không thể quản lý con được chặt chẽ đã dẫn đến hệ lụy không chỉ vào năm học mới con học hành chểnh mảng, mà còn khiến cho tỉ lệ trẻ bị tăng cận, viễn thị, vẹo cột sống, vẹo cổ, có nguy cơ mắc bệnh béo phì do lười vận động trở nên phổ biến hơn. Cai nghiện tivi, điện thoại thông minh cho trẻ để bảo vệ sức khỏe của con là việc bố mẹ phải làm và làm càng sớm càng tốt.

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý và đào tạo kỹ năng sống Đào Ngọc Cường - Giám đốc Công ty CP đào tạo, đánh thức tiềm năng Việt: Việc tìm giải pháp hạn chế xem tivi, máy tính, điện thoại cho trẻ cần quan tâm đến độ tuổi của các con.

Với trẻ nhỏ, khả năng nhận thức chưa cao, cha mẹ cần tuyệt đối tránh việc dỗ con ăn, dỗ con ngồi im chơi ngoan bằng việc cho xem quảng cáo, hoạt hình hoặc sử dụng iPad, điện thoại đa chức năng. Tạo thói quen ham, rồi nghiện các thiết bị công nghệ chính là lỗi của bố mẹ, người lớn chứ không phải ai khác. Nên người lớn cũng cần hạn chế sử dụng trước mặt trẻ. Con cái làm theo bố mẹ. Nếu muốn sửa cho con thì bố mẹ cần thay đổi thói quen của mình trước.

Trẻ em cũng cần có phương pháp cai nghiện thiết bị công nghệ số dần dần. Với trẻ tiểu học, cần quy định rõ ràng, giới hạn về số lượng thời gian con được phép xem tivi. Một ngày chỉ nên cho con xem 1 - 2 giờ. Nên để đồng hồ báo thức, nhắc con vài lần giữa khoảng thời gian con ngồi trước màn hình.

Yêu cầu con nhắc đi nhắc lại nhiều lần về điều đã qui định. Theo ông Đào Ngọc Cường, đây là phương pháp trực tiếp đưa điều này vào tiềm thức của con, khiến con ghi nhớ và tạo ra phản xạ về thời gian để con thực hiện đúng thời lượng hợp lý.

Giai đoạn trẻ học lớp 6, lớp 7 là thời điểm nhạy cảm được các chuyên gia cảnh báo là trẻ dễ nghiện game nhất. Các phụ huynh phải hết sức quan tâm gần gũi, dành thời gian chuyện trò để nắm bắt được tâm tư suy nghĩ của trẻ.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Khi cho con sử dụng máy tính trong thời gian bao lâu phải xem lịch sử truy cập của con để biết được chúng đã truy cập những gì thì mới quản lý, điều chỉnh, uốn nắn kịp thời được. Bố mẹ cũng không nên cho con sử dụng điện thoại đa chức năng.

“Với trẻ lớn hơn, bố mẹ cần phân công một số việc nhà mà trẻ có thể làm để phân tán bớt thời gian rảnh rỗi và sự tập trung làm bạn với thiết bị điện tử. Cần cho trẻ tham gia hoạt động ngoài trời, gặp gỡ tương tác với bạn bè nhiều hơn. Những trò chơi vận động sẽ giúp trẻ nâng cao sức khỏe thể lực và trí lực, đồng thời cũng giúp trẻ giải phóng năng lượng, không ức chế về mặt cảm xúc, sẽ có tác dụng gắn kết tình cảm gia đình”. Chuyên gia Đào Ngọc Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.