Rèn tính tập trung cho trẻ bằng cách nào?

GD&TĐ - Khi thấy trẻ thiếu tập trung, cha mẹ không nên trách phạt, la mắng con quá mức. Thay vào đó, phụ huynh nên giáo dục, hướng dẫn trẻ cẩn thận.

Trẻ nên hạn chế việc sử dụng thiết bị điện tử trong nhà. Ảnh minh họa.
Trẻ nên hạn chế việc sử dụng thiết bị điện tử trong nhà. Ảnh minh họa.

Thông thường, những điều gây mất tập trung cho trẻ là do môi trường hoặc các yếu tố bên ngoài. Hoặc, do đặc trưng phong cách học tập cá nhân của trẻ.

Thời gian tập trung ngắn

Một nghiên cứu phát hiện ra rằng, thời gian tập trung của trẻ từ 3 - 8 tuổi là khoảng 8 phút. Thời gian trẻ ở lứa tuổi này tập trung lâu nhất cũng không quá 13 phút. Do đó, theo các chuyên gia, với trẻ em, tình trạng không duy trì tập trung được lâu là điều hoàn toàn bình thường.

Sự tập trung có thể ngắn đến mức ngay cả những đồ chơi mới cũng chỉ thu hút sự chú ý của trẻ khoảng vài giờ. Vấn đề này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi cha mẹ yêu cầu trẻ thực hiện việc làm bài tập, hoặc dạy con một vấn đề mới. Bởi, những hoạt động đó đều cần tới sự tập trung cao ở trẻ.

Thực tế cho thấy, sự tập trung của trẻ tăng dần theo độ tuổi. Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung - Đơn vị tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), nuôi dưỡng và giáo dục con là một quá trình rất thú vị. Nó mang đến cho cha mẹ rất nhiều niềm vui khi nhìn con mình lớn lên từng ngày. Tuy nhiên, việc nuôi dạy con cũng có những thách thức. Nếu con gặp vấn đề về tập trung, cha mẹ có thể thực hiện nhiều cách để giúp trẻ.

Thông thường, những điều gây mất tập trung cho trẻ là do môi trường hoặc các yếu tố bên ngoài. Hoặc, do đặc trưng phong cách học tập cá nhân của trẻ. Mỗi trẻ là một cá thể khác nhau nên phong cách khác nhau. Một số học tốt nhất bằng cách nhìn, một số bằng cách nghe.

Trong khi đó, một số học tốt bằng cách làm. Nếu giáo viên chú trọng tới một phong cách không phù hợp với cách học của trẻ, thì có thể khiến con thiếu tập trung.

Ví dụ, trẻ là người học bằng hình ảnh. Khi đó, nếu đọc một cuốn sách không có hình ảnh, thì có thể trẻ cần kích thích thị giác nhiều hơn để chú ý. Hoặc, trẻ là một người học bằng thính giác. Khi đó, nếu nhà có nhiều âm thanh tiếng ồn, trẻ sẽ không thể tập trung.

“Theo Tiến sĩ Carly Hannaford - nhà khoa học thần kinh và giáo dục, có tới 85% học sinh bị rối loạn vận động. Chỉ 15% trẻ em có thể xử lý tuyến tính (tư duy xử lý mọi việc đơn giản). Trẻ có thể trao đổi với giáo viên và trả lời những vấn đề đã được học.

Biết cách học tập của trẻ là chìa khóa để tìm ra những yếu tố gây không tập trung chú ý dành riêng cho bé. Từ đó, để cha mẹ có thể giúp trẻ tìm cách giải quyết vấn đề đó”, chuyên gia Mỹ Dung dẫn chứng.

Cha mẹ không nên để bàn học trẻ ở nơi nhiều người qua lại, hoặc gần cửa sổ. Ảnh minh họa.

Cha mẹ không nên để bàn học trẻ ở nơi nhiều người qua lại, hoặc gần cửa sổ. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, tình trạng xao nhãng cũng có thể là kết quả của cảm giác bị thiếu hoặc thử thách quá mức. Nếu cha mẹ liên tục nhận được các cuộc gọi hoặc ghi chú từ trường gửi về nhà cho thấy con mình thiếu chú ý, có lẽ nguồn gốc của hành vi này ở trẻ là do thiếu sự kích thích trong trường học.

Những đứa trẻ không bị thử thách thích hợp bởi bài vở ở trường có thể nhanh chóng trở nên chán nản. Trẻ có thể bắt đầu mất hứng thú với các bài học, ngừng chú ý hoàn toàn, không thích học và bị điểm kém.

Khi gặp khó khăn, trẻ có xu hướng tìm cách thu hút và kích thích bản thân. Điều này có nghĩa là trẻ sẻ tìm cách gây chú ý ở lớp học, hoặc trở thành chú hề của lớp.

Khi bị thách thức quá mức, trẻ có thể cố gắng đánh lạc hướng người khác bằng hành vi nhiều năng lượng. Đây cũng là lý do tại sao trẻ có mức nhiều năng lượng thường bị chẩn đoán nhầm với ADD (Rối loạn giảm chú ý) hoặc ADHD (Rối loạn tăng động giảm chú ý). Cả hai trường hợp đều có thể dẫn đến khó khăn học tập của trẻ.

Chuyên gia Mỹ Dung cho rằng, trẻ cũng có thể mất tập trung do không ngủ được hoặc không đủ dinh dưỡng. Bởi, dinh dưỡng có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng tập trung của trẻ ở trường. Sự phát triển và tăng trưởng của não phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng và tạo nền tảng cho việc học hỏi cũng như hành vi.

“Theo Hiệp hội Khoa học Thần kinh, các nghiên cứu gần đây tiết lộ, chế độ ăn có nhiều chất béo bão hòa thực sự làm giảm khả năng học tập và trí nhớ. Vì vậy, việc có chế độ ăn uống gia đình lành mạnh, cân bằng là rất quan trọng để giúp trẻ phát huy hết tiềm năng về khả năng tập trung, ghi nhớ và trí lực.

Tránh cho trẻ ăn thức ăn chế biến sẵn, nhiều đường như ngũ cốc ăn sáng, thực phẩm đóng hộp và đồ ăn nhẹ. Hãy làm gương tích cực bằng cách tự cha mẹ tuân theo một chế độ ăn uống dinh dưỡng hằng ngày”, nữ chuyên gia nhấn mạnh.

Dinh dưỡng có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng tập trung của trẻ ở trường. Ảnh minh họa.

Dinh dưỡng có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng tập trung của trẻ ở trường. Ảnh minh họa.

Tăng khả năng cho trẻ

Chuyên gia Mỹ Dung dẫn chứng, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, một số trẻ em được chẩn đoán mắc ADHD thực sự có thể bị thiếu ngủ. Do đó, để giúp trẻ hay bị phân tâm, thiếu chú ý hoặc gặp khó khăn trong việc tập trung vào bài vở, phụ huynh có thể áp dụng một số phương pháp.

Khi thấy trẻ mất tập trung, cha mẹ không nên phàn nàn, chỉ trích con. Trong trường hợp trẻ không bận tâm đến cha mẹ hoặc không làm bài tập về nhà, điều đó có thể khiến phụ huynh có những cảm xúc khó chịu, tức giận. Cha mẹ không ít lần la hét hoặc quát mắng trẻ.

Nếu điều này xảy ra, cha mẹ chỉ cần xin lỗi và trấn an rằng, cha mẹ yêu con. Đồng thời, giải thích rằng hành vi của trẻ đôi khi khiến cha mẹ khó chịu, tức giận.

Bên cạnh đó, phụ huynh và trẻ nên hạn chế việc sử dụng thiết bị điện tử trong nhà. Nhiều trẻ em không tiếp nhận tiếng ồn tốt như người lớn. Điều này có nghĩa là nếu bật tivi khi trẻ đang cố gắng làm bài tập về nhà, thì có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung của bé.

Cha mẹ cần giới hạn trẻ thời gian sử dụng thiết bị mỗi ngày. Học viện Nhi khoa Mỹ cảnh báo, việc tiếp xúc sớm với tivi có liên quan đến ADHD ở trẻ em. Do đó, cha mẹ được khuyến cáo nên tránh đặt tivi trong phòng của trẻ. Ngoài ra, khi không xem một chương trình cụ thể, cha mẹ nên tắt tivi.

Một lưu ý khác là cách bố trí phòng, góc học tập cho trẻ. Cha mẹ không nên để bàn học trẻ ở nơi nhiều người qua lại, hoặc gần cửa sổ. Không để đồ chơi, đồ ăn hoặc vật dụng không phục vụ học tập trên bàn hoặc xung quanh. Mặt bàn không có nhiều chi tiết, hoa văn, tốt nhất là một màu. Kệ sách không để nhiều sách, không để truyện, chỉ nên để vài sách vở cần thiết nhất. Khi trẻ học, nên để bé quay mặt vào tường.

Cũng theo chuyên gia Mỹ Dung, phụ huynh cần luôn tích cực trước sự hiện diện của trẻ. “Cha mẹ không nên tranh cãi với nhau khi trẻ có mặt ở thời điểm đó. Trẻ sẽ lo sợ, đau khổ khi cha mẹ mâu thuẫn, tranh cãi. Thậm chí, trẻ sẽ tưởng tượng những điều tồi tệ xảy ra như cha mẹ ly hôn.

Hãy trao đổi với trẻ những điều tốt đẹp. Sự xuất hiện của trẻ là một điều tuyệt vời trong cuộc đời của cha mẹ. Cha mẹ hãy tạo cho mình khoảng không gian để suy nghĩ và tìm hướng giải quyết tốt đẹp nhất”, chuyên gia cho biết.

Ngoài ra, phụ huynh cũng nên dành một khoảng thời gian mỗi ngày để tập trung 100% sự chú ý vào trẻ. Ví dụ, cha mẹ và con có thể cùng đọc sách, tham gia trò chơi, hoặc vẽ tranh. Nếu cha mẹ thích các trò chơi ngoài trời, hãy đến công viên và chơi bóng rổ hoặc quần vợt với trẻ. Đồng thời, cần có các quy tắc rõ ràng và thực hiện một cách nhất quán.

Cha mẹ nên đi đến thỏa thuận về các quy tắc, thời khóa biểu liên quan đến trẻ. Ngoài ra, cần có quan điểm rõ ràng về kỷ luật, khen thưởng trong học tập. Phụ huynh cũng có thể đăng ký cho trẻ tham gia một môn thể thao để truyền thêm năng lượng, giúp tăng khả năng tập trung.

“Vận động viên giành Huy chương Vàng Olympic môn bơi lội Michael Phelps đã gặp khó khăn khi tập trung trong lớp học và được chẩn đoán mắc chứng ADHD. Sau khi dùng thuốc trong bốn năm, Phelps quyết định ngưng sử dụng. Với sự giúp đỡ và hỗ trợ của bác sĩ, anh đã tự cai nghiện thuốc ở tuổi 13.

Phelps đã học cách kiểm soát sự thiếu tập trung của mình ở trường bằng cách sử dụng sức mạnh của trí óc, và tìm thấy con đường của mình, để anh có thêm năng lượng khi thi đấu bơi lội”, chuyên gia dẫn chứng.

Giấc ngủ cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với những học viên nhỏ tuổi. Giấc ngủ giúp cơ thể nạp năng lượng, tạo cơ hội cho não thực hiện các kết nối tế bào thần kinh. Đồng thời, cho cơ thể thời gian để tái tạo năng lượng cho cơ bắp và trao đổi các chất hóa học. Vì vậy, khi ngủ không đủ giấc, trẻ có thể không tập trung chú ý và dễ mắc lỗi hơn. Những trẻ có thời gian sử dụng màn hình thiết bị điện tử quá nhiều, đặc biệt là trước khi đi ngủ, thường sẽ kém tập trung trong hoạt động ở trường và nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ