'Đất đen' quê hương

GD&TĐ - Khi chiếc máy bay vút lên bầu trời xanh, tôi biết rằng một chương mới của cuộc đời tôi vừa mở ra...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

(Kỳ 1)

Ngày 14 tháng 3 năm 2010 là một bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Tôi đang học năm thứ ba tại Trường Trung học cơ sở số 1 của huyện Hành Nam, giáo viên đột nhiên đi ngang qua và nói: “Xiao Jiahui, cha của em đến rồi”. Tôi miễn cưỡng bước ra khỏi lớp và tức giận hỏi: “Ông tới đây làm gì?”. Giọng nói của cha nuôi yếu ớt đến mức khó nghe: “Huihui, bố mẹ con đến đây tìm con”.

Tôi sững người một lúc rồi lao ra cổng mà chẳng để ý đến việc xin phép nghỉ học. Hình ảnh ngày xưa hiện về trong tâm trí tôi...

***

Người đến trường tìm tôi thực ra là cha nuôi của tôi, ông ấy tên là Xiao Jianxin. Từ lúc có thể ghi nhớ, tôi đã sống với cha nuôi Xiao Jianxin và mẹ nuôi Xiao Liping ở làng Văn, thị trấn Tam Đường, Hành Nam, Hồ Nam. Đây là một thôn nhỏ chỉ có hơn chục hộ gia đình nghèo sinh sống bằng nghề trồng khoai lang và đậu phộng.

Một ngày nọ, lúc tôi mới 5 tuổi, bà hàng xóm họ Giang lo lắng chạy đến thì thầm vài lời với cha nuôi. Dù đang trồng lạc nhưng ông ấy vẫn vội vàng bỏ cuốc và ôm tôi về nhà trong khi tôi đang ngồi chơi dưới đất. Tối hôm đó, ông cùng mẹ nuôi thu dọn vài bộ quần áo rồi đưa tôi về Đông Hoản.

Đến mùa xuân năm thứ 5, chúng tôi vẫn không quay lại làng Văn. Vì còn nhỏ nên tôi không quan tâm đến cuộc chuyển nhà kỳ lạ này. Nhưng, điều khiến tôi băn khoăn là chỉ cần có người làng cùng quê đến, cha mẹ nuôi sẽ lo lắng hỏi họ về điều gì đó.

Khi tôi học lớp Bốn, mẹ nuôi không may bị tai nạn xe hơi và qua đời. Cha nuôi liền đưa tôi trở lại làng Văn. Ông vừa làm cha vừa làm mẹ, hằng ngày bận rộn với công việc đồng áng, rồi lại vội vã về nhà cơm nước cho tôi. Buổi tối, tôi làm bài ở chiếc bàn sáng nhất trong nhà, cha nuôi ngồi bên vá quần áo, khâu tất.

Đôi bàn tay chai sạn của ông lóng ngóng, thường xuyên bị kim đâm chảy máu. Thấy cha nuôi tất bật, tôi chạnh lòng và muốn học làm việc nhà. Cha nuôi không chút do dự ngăn cản: “Con cứ đọc sách của con đi, những chuyện này cha đều có thể làm được”.

Điều mà cha nuôi tự hào nhất là tôi luôn nằm trong tốp điểm số cao nhất. Mỗi khi tôi đạt 100 điểm trong bài kiểm tra, ông luôn nở nụ cười thỏa mãn, các nếp nhăn trên mặt cũng giãn ra.

Cha nuôi có vẻ ngoài già dặn nhưng thực ra ông mới ngoài 40, đang ở độ tuổi sung sức. Nhiều người khuyên tìm người phụ nữ khác để chung sống nhưng cha nuôi đều từ chối.

Một ngày nọ, chú Lý đến uống rượu với cha nuôi, còn tôi thì đang làm bài tập trong căn phòng nhỏ bên cạnh. Hai người có lẽ đã uống quá nhiều, và giọng nói của họ trở nên to hơn. Chú Lý giới thiệu một góa phụ ở làng bên với cha nuôi, nhưng ông không đồng ý.

Ông bảo: “Thêm hai người, thêm hai miệng ăn thì làm sao mà nuôi thân được”. Chú Lý nói: “Nhưng anh cần một người phụ nữ. Anh có thể bảo Huihui nghỉ học. Tại sao con gái lại học nhiều như vậy?”. Giọng điệu của cha nuôi đột nhiên trở nên nghiêm túc hơn: “Làm sao tôi có thể làm được? Đứa trẻ Huihui này thông minh cho nên tôi không thể để nó trễ nải học tập”.

Chú Lý say khướt nói: “Tôi biết, anh cảm thấy có lỗi với cha mẹ của Huihui. Biết thế, khi họ đến thì trả đứa bé lại cho họ, như vậy anh và Liping cũng sẽ không phải làm việc quá sức, Liping cũng sẽ không bị tai nạn qua đời…”.

Những lời của chú Lý khiến đầu tôi ong ong và những ký ức rời rạc của thời thơ ấu, những lời thì thầm của dân làng cùng việc chuyển nhà kỳ lạ, tất cả đột nhiên hiện lên trong tâm trí tôi… Tiếng la hét của tôi khiến cha nuôi giật mình tỉnh rượu, sợ hãi. Đến lúc này, ông không thể không kể lại: 8 năm trước, ông và mẹ nuôi chưa có con nên mua tôi từ một kẻ buôn người ở thành phố khác với giá 2 nghìn nhân dân tệ.

Lúc tôi 5 tuổi, cha mẹ ruột không biết làm cách nào đã tìm được làng Văn. Bà Giang nghe thấy tin này vội báo lại với cha nuôi. Vì vậy, ông ấy và mẹ nuôi đã đưa tôi chạy trốn đến Đông Hoản trong đêm... Tất cả những điều này là quá sức chịu đựng với đứa trẻ 11 tuổi như tôi.

Tôi bật khóc chạy ra cửa, bỏ mặc tiếng gọi của cha nuôi sau lưng. Hai ngày sau, cha nuôi tìm thấy tôi lạnh và đói từ một cái hốc cây. Ông mang vẻ mặt hối hận, không biết là ông tự trách mình năm ấy đã làm ra chuyện đó hay là tự trách mình không nói cho tôi bí mật này.

Kể từ đó, một bức tường cao được dựng lên giữa tôi và cha nuôi. Khi tôi nghĩ đến việc ông ấy chỉ trả 2 nghìn nhân dân tệ để đưa tôi rời xa cha mẹ ruột, khiến họ và tôi phải chịu cảnh xa cách, tôi đã nghiến răng nghiến lợi, hận ông ấy.

Càng đáng hận hơn khi tôi có cơ hội trở về với cha mẹ ruột của mình, ông ấy lại ích kỷ giấu tôi đi! Tôi trút bầu tâm sự trong nhật ký, và ở đó cha nuôi trở thành một bạo chúa ngu dốt, độc ác và khủng khiếp...

Tôi đã tưởng tượng ra sự xuất hiện của cha mẹ ruột vô số lần trong những giấc mơ, và bắt đầu cố ý hỏi dân làng về họ. Nhiều người nói, cha mẹ tôi nói giọng Giang Tây, nhìn như trí thức. Tôi vô cùng đau khổ khi nghĩ có thể không bao giờ gặp lại họ. Tôi trở nên lầm lì và luôn vô cớ nổi nóng với cha nuôi.

Dù biết trong nhà chẳng còn 1 xu nhưng tôi vẫn cố tình hét lên rằng tôi sẽ ăn gà quay và uống Coca. Để làm cho tôi vui, cha nuôi luôn lấy từ túi của mình một vài tờ tiền nhàu nát và đáp ứng những yêu cầu vô lý của tôi một cách vô điều kiện. Tôi không bao giờ gọi cha nuôi là “Cha” nữa, và trút mọi phiền muộn, oán trách lên sách vở.

Sau khi tốt nghiệp tiểu học, tôi được nhận vào trường trung học cơ sở của thị trấn cùng nỗi mừng thầm khi biết tin mình được sống và học tập tại trường. Nhưng vì điều này, học phí và chi phí sinh hoạt của tôi cũng tăng lên.

Cha nuôi đến một nhà máy chế biến nhựa đường ở làng bên nhận làm công nhân đun nhựa đường - công việc bẩn thỉu, mệt mỏi và nguy hiểm, bình thường không ai muốn làm. Tuy nhiên, mỗi lần ông ấy về nhà với mùi nhựa đường hăng hắc, tôi luôn tránh mặt với thái độ ghê tởm.

Cuối tuần được về nhà là khoảnh khắc hạnh phúc nhất đối với cha nuôi. Ông ấy hào hứng chạy tới chạy lui, mang ra món thạch và đậu rán tôi yêu thích, rồi cẩn thận nhìn tôi ăn hết, trên môi nở nụ cười mãn nguyện.

Một ngày nọ, khi từ bên ngoài về nhà, tôi thấy cha nuôi đang cầm tờ giấy kiểm tra hoàn hảo của tôi và tự hào khoe với người hàng xóm, bác Li. Tôi vội vàng chộp lấy, tức giận nói: “Sau này đừng có mà lục lọi cặp sách của tôi!”. Cha nuôi đỏ mặt như đứa trẻ làm sai chuyện gì.

Khi tôi 12 tuổi, vợ của chú Lý đến nhà, mang đồ vệ sinh dành cho con gái và dạy tôi một số kiến thức sinh lý cơ bản. Khi biết cha nuôi đã nhờ cô ấy đến, tôi cảm thấy xấu hổ và khó chịu đến nỗi đã không nói chuyện với ông ấy trong nhiều ngày.

Năm 2007, tôi được nhận vào trường trung học tốt nhất ở Hành Dương - Trường Trung học cơ sở số 1 quận Hành Nam với vị trí đầu tiên trong thị trấn. Thực ra, nhiều người đã khuyên cha nuôi không cho tôi học với ý tứ: Con gái có thể lấy chồng sinh con, chăm sóc bố mẹ già yếu là đủ rồi, cần gì phải học hành?

Thậm chí có người còn nói: “Ông không sợ đôi cánh của nó cứng lại mà bay đi à?”. Nhưng cha nuôi không nói gì, ông lặng lẽ bán con lợn trong nhà, tìm một công việc vất vả khác là phân loại rác thải y tế... Cha nuôi không biết rằng lý do tôi học hành chăm chỉ như vậy là để được nhận vào một trường đại học ở nơi khác và rời xa ông hoàn toàn. Điều tôi không bao giờ ngờ tới là khi sắp tốt nghiệp cấp ba, cha mẹ ruột của tôi đã đến!

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

***

Từ trường về nhà, quãng đường 3 tiếng đồng hồ vào ngày này dường như quá dài. Tôi lao vào nhà, lập tức có một cặp vợ chồng trung niên ăn mặc bảnh bao đứng dậy. Tôi có thể nhìn thoáng qua vầng trán đầy đặn và làn da trắng của tôi giống hệt người phụ nữ trung niên đó. Bà đi tới, nhẹ nhàng kéo cổ áo tôi lên, nhìn thấy vết bớt hình bầu dục sau gáy, liền ôm chặt lấy tôi: “Con ơi, con thật là Xinxin, mẹ rất nhớ con…”. Tôi bật khóc trong vòng tay bà.

Lấy từ túi da màu đen một phong thư dày, cha tôi nhét vào tay cha nuôi, nói: “Cảm ơn ông đã nuôi nấng Xinxin nhiều năm như vậy. Hôm nay, chúng tôi muốn mang nó đi, sẽ chăm sóc, làm hộ khẩu và làm thủ tục chuyển trường cho nó”.

Cha nuôi nhét lại phong bì vào tay cha tôi, nhỏ giọng nói: “Tôi không muốn gì cả, chỉ muốn ông cho tôi địa chỉ”. Cha ruột do dự một chút, viết địa chỉ cho ông ấy. Cha nuôi quay đầu lại nói với tôi: “Con gái, ở nhà này con đã khổ rồi... Con về thì phải nghe lời cha mẹ”.

Ngôi nhà mới của tôi là khu giáo viên ở thành phố Nam Xương, cha tôi là giáo viên cấp 2, mẹ tôi là y tá và tôi có một em trai kém tôi 7 tuổi. Ngay khi về đến nhà, tôi đổi lại tên ban đầu của mình: Shi Yuxin.

Từ những cuộc trò chuyện tâm sự của tôi với cha mẹ, những mảnh ghép về quá khứ của tôi dần được ghép lại: Năm tôi 3 tuổi, mẹ dẫn đi mua rau và tôi biến mất trong chớp mắt. Mẹ đã trình báo tôi mất tích. Hai năm sau, Cục Công an thành phố Nam Xương tiến hành chiến dịch tập trung chống buôn người và một kẻ buôn người đã bị bắt giữ.

Từ lời khai của hắn ta, cảnh sát biết rằng tôi có thể đã bị bán đến Hành Dương, Hồ Nam và đã thông báo cho cha mẹ tôi. Họ tìm kiếm không mệt mỏi ở mọi quận và thành phố ở Hành Nam và cuối cùng nghe nói rằng ai đó ở làng Văn đã nhận nuôi một bé gái trông rất giống tôi.

Nhưng khi họ đến làng Văn thì bà Giang biết được tin, cho rằng cha nuôi đã bỏ tiền ra mua tôi thì tôi phải là của ông ấy nên đã báo tin cho cha mẹ nuôi. Cha mẹ nuôi liền đưa tôi bỏ trốn.

Dù không tìm thấy tôi nhưng cha tôi đã để lại thông tin liên lạc của ông ấy vào ngôi nhà cũ của cha nuôi, từ đó đến nay ông ấy không bao giờ đổi số điện thoại. Sau khi từ Đông Hoản trở về làng Văn, cha nuôi đã tìm thấy mảnh giấy và số điện thoại mà cha tôi để lại và giấu chúng đi.

Một ngày tháng 3 năm 2010, cha tôi nhận được cuộc gọi từ cha nuôi. Tôi hơi ngạc nhiên khi biết rằng chính cha nuôi đã chủ động gọi cho cha tôi. Tôi nghĩ, có lẽ nhìn thấy sự nổi loạn của tôi, ông nhận ra không thể giữ tôi được nữa? Có lẽ ông ấy hy vọng rằng cha mẹ ruột của tôi có thể cho tôi một tương lai tốt hơn? Tôi không có thời gian để suy đoán ý định thực sự của cha nuôi, và tôi chỉ tham lam tận hưởng mối quan hệ gia đình mà tôi đã bỏ lỡ trong 15 năm.

Mẹ mua cho tôi đủ loại quần áo mới, lần đầu tiên trong đời tôi mặc một chiếc váy ngủ màu hồng, và tôi có một căn phòng ngủ nhỏ yên tĩnh, ngăn nắp. Tôi ném tất cả những bộ quần áo tồi tàn mà tôi mặc từ chỗ cha nuôi vào thùng rác, đồng thời cố gắng xóa ký ức về làng Văn và cha nuôi của tôi.

Không lâu sau khi về nhà, tôi nhận được một gói hàng từ Hành Dương, trong đó có hạt sơn trà khô. Tôi bị viêm phế quản từ nhỏ, cứ chuyển mùa là ho, cha nuôi đưa đi tìm nhiều bác sĩ nhưng đều không khỏi.

Sau này, một vị lương y già đun nước với quả sơn trà cho tôi uống, hiệu quả rất tốt nên cha nuôi năm nào cũng đi khắp nơi tìm quả này. Tôi cầm bịch hạt sơn trà ném vào sọt rác, vì tôi đã có thuốc ho ngoại nhập mà mẹ kê cho từ bệnh viện nên không cần đến hạt sơn trà đen nữa.

Cha tôi đã sắp xếp cho tôi chuyển đến trường cấp hai tốt nhất ở Nam Xương để học năm thứ ba cấp ba. Khi cha mẹ biết rằng không có cô gái nào ở làng Văn có thể tốt nghiệp trung học cơ sở, mẹ xúc động nói với cha: “Xinxin, con thật may mắn, cha nuôi đã không làm chậm trễ việc học của con”. Cha xoa đầu tôi trầm ngâm: “Thảo nào anh ấy nhiều lần bảo tôi sắp xếp cho Xinxin học ở trường tốt nhất”.

Tháng 9 năm 2010, tôi trúng tuyển vào Đại học Tứ Xuyên chuyên ngành Vật liệu polymer với số điểm 620. Năm 2014, tôi tốt nghiệp Đại học Tứ Xuyên và xin học bổng toàn phần cùng chuyên ngành tại Đại học Berkeley, Mỹ.

Khi chiếc máy bay vút lên bầu trời xanh, tôi biết rằng một chương mới của cuộc đời tôi vừa mở ra...

(Còn tiếp)

Ngọc Anh (dịch từ tiếng Trung)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ