Những chiếc bánh chưng ngày Tết của 'hai người đàn bà xóm Trại'

GD&TĐ - Bài viết của tác giả Trần Thị Thanh Nga, giáo viên Trường THPT Nghèn - Can Lộc - Hà Tĩnh.

Một phân cảnh trong phim “Bao giờ cho đến tháng Mười”, đạo diễn Đặng Nhật Minh nói về người phụ nữ ở hậu phương.
Một phân cảnh trong phim “Bao giờ cho đến tháng Mười”, đạo diễn Đặng Nhật Minh nói về người phụ nữ ở hậu phương.

Với hai người đàn bà xóm Trại, những chiếc bánh chưng ngày Tết được gói bằng tất cả niềm mong chờ, nỗi khát khao hạnh phúc, khát khao được làm vợ, làm mẹ của những người vợ lính. Những chiếc bánh chưng nhắc nhớ lời hẹn năm xưa, “Đến Tết, kháng chiến thành công chúng tôi về”. Những chiếc bánh chưng, với hai người đàn bà, là kí ức, là hiện tại và cả niềm hi vọng “Nhỡ có ai về…” - niềm hi vọng dù rất mong manh, mơ hồ, dù cho đã qua bao tháng năm mong ngóng mỏi mòn, nhưng chưa bao giờ lụi tắt mỗi khi Tết đến xuân về.

Có thể xem, hình ảnh những chiếc bánh chưng ngày Tết là chi tiết nghệ thuật đặc sắc, là “sợi dây tóc phát sáng” trong truyện ngắn “Hai người đàn bà xóm Trại”. Đó là một phát hiện mang tính sáng tạo của nhà văn Nguyễn Quang Thiều khi viết về những người đàn bà chờ chồng trong hoàn cảnh chiến tranh.

Nguyễn Quang Thiều là gương mặt nổi bật trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông không chỉ được biết đến là một nhà thơ với nhiều cách tân sâu sắc mà còn là một cây bút văn xuôi giàu cảm xúc. “Với phong cách viết nhẹ nhàng, trong sáng, chảy xuyên yên ả như sông Đáy chở ta đi giữa dòng yêu thương tươi mát và tràn đầy xúc cảm, tác giả tìm kiếm một nơi ẩn ngụ thanh bình.

Nhưng tôi không thể cưỡng lại được ý nghĩ rằng sự yên tĩnh này chỉ là mặt sau của một cuộc sống đầy chấn động mà tác giả trải suốt một thời thơ ấu trong cuộc chiến tranh thảm khốc của Việt Nam giành tự do và độc lập. Vẻ thanh bình giản dị và tươi mát kia chỉ là một phần hiển hiện từ một tảng băng giấu che những vết thương chưa lành hẳn, những kỉ niệm nặng nề, những nỗi đau còn sót lại của một cuộc chiến, nhưng như con phượng hoàng, dân tộc Việt Nam hôm nay đang gắng làm sống lại từ tro bụi một kỉ nguyên mới thanh bình” (Denis Bllaboz).

“Hai người đàn bà xóm Trại” là một trong những truyện ngắn tiêu biểu cho đặc điểm văn xuôi của Nguyễn Quang Thiều. Ở đây, hình ảnh những chiếc bánh chưng ngày Tết là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc, vừa nối kết mạch truyện vừa để lại nhiều dư âm trong lòng người đọc.

1. Ngôi nhà nhỏ xóm Trại…

Xóm Trại nằm ở triền bãi sông Đáy, chạy ven đê làng Chùa. Ở đó có một ngôi nhà nhỏ. Trong ngôi nhà ấy, có hai người đàn bà đã sống với nhau mấy chục năm nay. Đó là bà Ân và bà Mật.

Ân và Mật đều mồ côi bố mẹ. Lớn lên lấy chồng, họ đưa nhau ra xóm bãi lập nghiệp. Rồi một đêm, hai người đàn ông của họ khăn gói theo một đơn vị bộ đội vượt sông Đáy về phía núi Miếu Môn. Trước khi qua sông, hai người đàn ông dặn: “Hai chị em dọn về mà ở với nhau. Đến Tết, kháng chiến thành công chúng tôi về”. Từ ngày đó, Mật dọn sang ở với Ân. Họ sống như hai chị em ruột với nhau.

Thế nhưng, “mấy năm rồi chẳng có ai về ăn Tết”. Trong ngôi nhà nhỏ ấy vẫn chỉ hai tấm thân đàn bà dựa vào nhau cùng nỗi niềm ngóng trông, mong chờ và khát khao một lần được gặp chồng, để ước “giá như có mụ con”, để đỡ khổ. Mỗi cái Tết qua đi, họ “phát ốm vì chờ”. “Đêm xuống, hai người đàn bà trẻ nằm xoay lưng vào nhau trên giường lót rơm và giấu tiếng thở dài”…

Rồi vào một ngày giáp Tết, ngôi nhà xóm trại bỗng có tiếng gõ cửa gấp gáp trong đêm, Ân đi vắng, Mật choàng tỉnh, hỏi ra là Bắc, chồng Ân, về qua nhà. Mật mở cửa, “người lính ùa vào ôm lấy Mật”. Khi nhận ra không phải vợ mình, “vòng tay người lính vội rời ra và buông thõng xuống”. Vậy là, người lính trẻ trên đường chuyển quân cùng đơn vị, tranh thủ ghé qua nhà đã không gặp được vợ mình. Mật cho anh hay, “Chị Ân đã đi Kim Bôi sáng nay cùng mấy người chị trong xóm xem có lá dong rẻ hay cam quýt gì đấy mua về bán chợ Tết”.

Bắc đành đợi, nhưng càng đợi lại càng sốt sắng; “- Bao giờ Ân về?”; “- Liệu ngày mai Ân có về kịp không?”… Nhưng rồi “suốt cả ngày hôm ấy vẫn không thấy Ân về”, mặc cho Mật cứ “thỉnh thoảng lại chạy lên mặt đê ngóng về phía xa”, mặc cho Mật “nói như van”: “Chỉ sáng mai là chị ấy về thôi… Tối mai anh hãy đi”, nhưng Bắc vẫn phải lên đường, “phải có mặt nơi đóng quân” vào tối nay. Khoảng chín giờ tối, Mật tiễn Bắc xuống bến sông, người lính chỉ kịp đặt tay lên vai Mật “như bấu chặt vào vai chị”, dặn vội “Hai chị em ở nhà thương nhau. Anh và Ngữ sẽ về sớm”.

Bắc đi được một tiếng thì Ân về. Nghe tin chồng ghé nhà nhưng đã đi rồi, “bó lá dong lớn và sọt quýt đồi đổ xuống như ngã”, Ân đi như chạy xuống bến, rồi lội ào ào xuống nước. Lúc sau, có tiếng khỏa nước, Ân nghiêng ngả trở về. Hai người đàn bà trẻ đứng im lặng trước nhau. Rồi “cả hai lao vào ôm lấy nhau nức nở”.

Mấy năm sau ngày hòa bình lập lại, trong ngôi nhà nhỏ bờ sông, Mật nhận được giấy báo tử của chồng. Ngữ hi sinh rồi, nhiều lần Ân khuyên Mật nhận lời lấy một người đàn ông nào đó, nhưng Mật “chỉ nở một nụ cười xa xăm và ngơ ngác như một nụ cười của một người vừa thức giấc trong giấc ngủ trưa”. Và sau đó, Mật nói với Ân, “bao giờ anh Bắc về với chị thì em lấy chồng”.

Ngóng trông chưa bao giờ lắng dịu trong ngôi nhà nhỏ xóm Trại. Vào đầu năm 1960, Ân nhận được thư Bắc gửi về, trong thư có nói đang đóng quân ở Quảng Bình, bên cạnh một dòng sông đẹp như sông Đáy quê anh. Mật cuống quýt dục Ân đi tìm chồng. Ân mang thư chồng ra đọc và khóc suốt mấy ngày, rồi quyết định khăn gói lên đường. Nhưng cuộc đời thật trớ trêu. Ân đi được dăm ngày thì Bắc về. Bắc “đứng chết lặng” khi nghe Mật nói Ân đang đi tìm anh.

Mặc cho Mật cố giữ Bắc lại nhưng anh không làm sao khác được, “Sáng sớm mai anh phải đi rồi. Lần này anh đi rất xa và có lẽ lâu lắm”. Khoảng canh tư thì Bắc khoác ba lô lên đường. Mật tiễn anh lên mặt đê, cô chỉ biết ôm lấy anh và khóc nấc lên trong nỗi niềm xót xa, thương chị Ân, thương Bắc và thương cả cái thân mình. Đó cũng là lần cuối cùng người lính ấy về thăm nhà. Bắc đã hi sinh và không trở về khi Ân và Mật bước qua tuổi bốn mươi. Đêm đêm, hai người đàn bà vẫn thường xuống sông ngồi khóc…

Ở đây, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã xây dựng được tình huống truyện độc đáo - tình huống gặp gỡ trái ngang, người chờ thì không gặp được, người gặp thì lại không phải đang trông mong. Tình huống gặp gỡ ấy vừa tạo kịch tính trong diễn biến cốt truyện vừa lột tả được sự phũ phàng của chiến tranh đối với hạnh phúc của những đôi vợ chồng trẻ.

Trong thiên truyện, có thể xem, ngôi nhà nhỏ xóm Trại là một ám ảnh nghệ thuật. Đó là không gian lặng lẽ, âm thầm. Không giam sầm u ấy đã thu về biết bao nỗi niềm, lo âu, trằn trọc và cả những ngóng vọng, khát khao của hai thân phận đàn bà. Cũng trong ngôi nhà ấy, bao giọt nước mắt đợi chờ, thắc thỏm đã thấm vào đêm. Ngôi nhà qua bao tháng năm vẫn còn đó, người trong nhà vẫn xuống bến, nhìn sang bên kia sông, nhưng người lính ra đi lại không bao giờ trở lại.

Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng con người, cướp đi cả hạnh phúc lứa đôi, để lại những vết thương hằn sâu mà thời gian bao lâu cũng không thể vá lành. Người ra đi mang theo cả tuổi xuân và ước vọng của hai người đàn bà. Trong gian nhà nhỏ xóm Trại, chỉ còn “Hai bà lão nằm quay lưng vào nhau và thỉnh thoảng lại khúc khắc ho”. Hiện thực khốc liệt của chiến tranh hiện lên trên trang văn của Nguyễn Quang Thiều không phải là ầm vang súng đạn, không phải là ác liệt giao tranh mà chỉ là không gian âm thầm của đợi chờ, của nước mắt xót xa… Thấm trên từng trang văn là nỗi đau, là niềm thương và cả sự cảm thông sâu sắc của nhà văn với thân phận con người.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

2. ...và những chiếc bánh chưng ngày Tết

Trong ngôi nhà nhỏ xóm Trại, khi ngoài trời có mưa, “những cơn mưa cuối đông cùng gió từ bãi sông rộng thổi hắt từng làn mưa bụi về phía chân đê”, khi “tiếng mưa mỏng và nhẹ như tiếng người thì thào đâu đó”, khi “chỉ còn mươi ngày nữa là Tết”, hai bà lão lại nói chuyện gói bánh chưng. Năm nay, họ vẫn định gói ba chục cái, để “Trẻ con trong làng ra chơi thì cho chúng nó. Rồi… nhỡ có ai về…”.

Nghe bà Ân nhắc đến chuyện “nhỡ có ai về…”, bà Mật “từ từ ngước đôi mắt đục mờ lên nhìn một lúc lâu rồi hỏi khẽ: “- Ai về?”… Thì ra, nỗi ngóng trông người đi xa mỗi dịp Tết đến, vẫn nguyên đó, trong ngôi nhà nhỏ này, trong lòng hai người đàn bà này, suốt hơn hai mươi năm qua…

Mấy chục năm về trước, vào những đêm mùa đông giáp Tết, ở trong cái chái bếp của ngôi nhà nhỏ, hai người đàn bà ngồi trước bếp lửa, hồ hởi nói chuyện gói bánh chưng và thổ lộ cả nỗi mong chờ: “Năm nay thế nào hai anh ấy cũng về”. Người chị thì “mong quá” để rồi “mơ thấy con gà trống mổ vào ngón tay út” như báo điềm lành, người em thì “phát ốm vì chờ”, rồi ước “giá như có đứa con thì họ bao giờ về cũng được”, rồi mơ “Em thấy anh ấy về và ngay đêm đó…”, “Em mơ em có mang. Lúc tỉnh dậy, sờ bụng em thấy khang khác”…

Và khi Tết đến, cả hai lại xuống bến rửa lá dong, vo gạo. “Má họ rực đỏ trong gió lạnh cuối đông. Tiếng cười họ trong trẻo và rạo rực vang trên mặt sông mùa nước cạn yên tĩnh”. Vào đêm luộc bánh, cả hai đều thấy hồi hộp lạ lùng. “Họ cảm thấy da thịt họ thấm đầy hơi lửa bếp”. Mùa xuân và tình xuân đang hiển hiện trên gương mặt hai người vợ trẻ, tiếng lòng họ đang thổn thức, đang thì thầm... Ở đây, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã bắt được những cung bậc tình cảm thầm kín và rạo rực trong lòng những người vợ trẻ chờ chồng trong ngày xuân bằng những hình ảnh, những so sánh, liên tưởng thật tinh tế.

Nhưng những ngày Tết thường vụt đi như tên bắn. Khi “cánh bãi không còn tiếng pháo tép của trẻ con nữa”, khi “những bầy sáo tháng Giêng đã loáng thoáng bay về”, những chiếc bánh đẹp nhất được cất phần cho hai người đàn ông ra trận, giờ đã “khô lá, đầu góc bánh đã lẫm tấm mốc xanh”, hai người đàn bà cho bánh dồn lại, cả hai cùng khóc… Đêm xuống, họ nằm xoay lưng vào nhau trên chiếc giường lót rơm và dấu tiếng thở dài…

Tết qua đi, niềm mong chờ xa xăm, hai người đàn bà chờ chồng trong cả những giấc mơ. Ân thấy “con gà trống tía với chiếc mào đỏ rực, cái ức rộng và đôi cựa bóng như ngà mổ vào đầu ngón tay út”. Mật vẫn mơ “người lính trở về” và ngay đêm đó mình có mang… Trong những cơn mơ, khát khao được có con, được làm mẹ của những người vợ trẻ, làm tim ta thổn thức, nhói đau.

Ngày Bắc ghé qua nhà nhưng không gặp được Ân, cũng là một ngày giáp Tết. Ngôi nhà nhỏ xóm trại năm ấy trở nên lạnh lẽo đến tê tái. “Gió sông lạnh thổi xốc vào ngôi nhà tranh nhỏ bé. Gió thổi mạnh hơn qua những tàu lá chuối ngoài vườn. Sương như xuống dầm dề trên mái rạ”. Bếp lửa đã được đốt lên nhưng “ngọn lửa như ngái ngủ, cháy lờ đờ trên củi”, “những mẩu than nhấp nháy như những ngôi sao mùa đông”. “Ngọn lửa cuối cùng đã chui vào đống than và ngủ vùi trong đó”…

Suốt một ngày chờ đợi, người lính cũng phải lên đường. Anh đi được một tiếng đồng hồ thì Ân về, chị đã cố đuổi theo anh xuống bến, lội qua sông và trở về bến trong nức nở, thất thần… Tết năm ấy, cả hai người lính không về. Sang Giêng, hai người đàn bà mấy lần mang bánh luộc lại và mấy lần nhìn nhau khóc. Đến cả khi Mật đã nhận giấy báo tử của chồng, thì Tết đến, hai người đàn bà vẫn gói nhiều bánh.

Giờ đây, sau mấy chục năm, tóc hai người đàn bà đã bạc trắng, mỗi độ gió đông thổi, báo hiệu “chỉ còn mươi ngày nữa là Tết”, trong ngôi nhà nhỏ ở chân đê làng Chùa, họ vẫn ngồi trong cái bếp nhỏ ấm áp bởi hơi rơm, lá chuối khô và lửa bếp, cùng ăn cơm tối, lấy trầu ra nhai và lại nói chuyện gói bánh chưng. Bà Ân hỏi bà Mật: “Thế Tết năm nay định gói bao nhiêu bánh?” và nói thêm “Gói bao nhiêu thì gói nhưng vừa vừa thôi. Năm nào cũng bỏ mốc meo cả”. Bà Mật thì vẫn giữ ý định: “Cứ nấu ba chục cái”, “Cứ nấu thế. Trẻ con trong làng ra chơi thì cho chúng nó. Rồi… nhỡ có ai về…”. Hình như bà chỉ buột miệng “Nhỡ có ai về…”. Bà Mật cũng hỏi khẽ “- Ai về?”.

Suốt cả đêm ấy, hai bà lão, có lúc ngủ mê ú ớ, lúc lại trở mình tỉnh dậy. Khi gà trong xóm bên kia chân đê thi nhau gáy ran thì họ tỉnh giấc, bà Ân lại hỏi bà Mật: “- Thế bà định Tết này gói bao nhiêu bánh?”. Bà Mật vẫn đinh ninh: “Cứ bảo mẹ Phấn nó mua cho đủ lá gói ba chục cái. Mình ăn là mấy. Nhưng nhỡ có ai về…”.

Với hai người đàn bà xóm Trại, những chiếc bánh chưng ngày Tết được gói bằng tất cả niềm mong chờ, nỗi khát khao hạnh phúc, khát khao được làm vợ, làm mẹ của những người vợ lính. Những chiếc bánh chưng nhắc nhớ lời hẹn năm xưa, “đến Tết, kháng chiến thành công chúng tôi về”. Những chiếc bánh chưng, với hai người đàn bà, là kí ức, là hiện tại và cả niềm hi vọng “Nhỡ có ai về…” - niềm hi vọng dù rất mong manh, mơ hồ, dù cho đã qua bao tháng năm mong ngóng mỏi mòn, nhưng chưa bao giờ lụi tắt.

Có thể xem, hình ảnh những chiếc bánh chưng ngày Tết là chi tiết nghệ thuật đặc sắc, là “sợi dây tóc phát sáng” trong truyện ngắn “Hai người đàn bà xóm Trại”. Đó là một phát hiện mang tính sáng tạo của nhà văn Nguyễn Quang Thiều khi viết về những người đàn bà chờ chồng trong hoàn cảnh chiến tranh.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều từng cho rằng: “Chuyện những người đàn bà chờ chồng trong chiến tranh ở hầu hết mọi miền quê đất nước Việt Nam. Có những miền quê không hề nghe thấy tiếng đạn bom suốt hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ, nhưng nỗi đau mà những con người ở những miền quê ấy phải chịu đựng to lớn khôn cùng.

Cho dù chiến tranh tàn phá một đất nước khủng khiếp đến thế nào con người vẫn xây dựng lại được sau khi chiến tranh kết thúc. Nhưng tuổi xuân của những người đàn bà ra đi chẳng bao giờ trở lại. Chiến tranh giết chết giấc mơ lớn nhất, đẹp nhất của những người đàn bà là giấc mơ được sinh nở. Với tôi, câu chuyện về những người đàn bà chờ chồng trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc vẫn vọng mãi cho tới bây giờ”.

Câu chuyện của hai người đàn bà xóm Trại được khép lại, cũng vào một ngày giáp Tết. Lúc này, “bên ngoài, những ngọn gió sông đã chớm xuân đang rạo rực thổi qua ngôi nhà bé bỏng”. Xuân đất trời đã ùa vào lòng người, thức dậy sức xuân, hơi xuân trong những tâm hồn chưa bao giờ cằn đi trước bão tố cuộc đời.

Trong câu chuyện, hình ảnh ngôi nhà xóm Trại và những chiếc bánh chưng ngày Tết của hai người đàn bà vẫn còn “vọng mãi” trong lòng người đọc. Bởi trong những hình ảnh đó có chứa những giá trị nhân bản sâu sắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.