“Tận dụng” chính sách để phát triển
Là một trong những cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập đầu tiên ở Hà Nội, Trường THPTDL Lômônôxốp đã khẳng định được uy tín và phát triển lớn mạnh. Bí quyết quan trọng nhất, theo Chủ tịch HĐQT, NGƯT Nguyễn Phú Cường, nhà trường đã tận dụng được hết các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Trước hết là việc xin đất xây trường. Xin được đất xây trường từ năm 2002, thực hiện xong các thủ tục vào năm 2006 và năm 2007 có sổ đỏ, Trường Lômônôxốp còn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài với diện tích 6.500m2.
“Tôi cũng được vay vốn ưu đãi của nhà nước. Làm thu tục vay từ năm 2002, đến năm 2003 chúng tôi bắt đầu được giải ngân số tiền 14 tỷ đồng. Trường thu hút được học sinh nên chỉ trong 7 - 8 năm là trả hết nợ. Thời gian đầu, nhà trường được miễn thuế đến năm 2000. Sau đó, khi đạt tất cả tiêu chuẩn, trường được công nhận đạt chuẩn xã hội hóa và chỉ phải đóng thuế 10%. Nhiều người kêu thủ tục khó khăn, nhưng tôi nghĩ mình phải quyết liệt làm đã, làm đàng hoàng và khi đủ các điều kiện sẽ được thụ hưởng chính sách theo đúng quy định. Nhà nước có nhiều chính sách cho giáo dục ngoài công lập. Riêng về xã hội hóa có đến 3 Nghị định của Chính phủ, mỗi Nghị định đều có Quyết định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện”, NGƯT Nguyễn Phú Cường chia sẻ.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT Trường THPTDL Lômônôxốp cũng thừa nhận vẫn còn những cách biệt về chính sách giữa trường công và trường tư. Dù cùng thực hiện chương trình giáo dục quốc gia, cùng thực hiện theo kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD&ĐT, sòng phẳng trong thi cử, tham gia các hoạt động phong trào chung của địa phương cũng không phân biệt; nhưng khác biệt là nhà nước lo cơ sở vật chất, đất đai cho trường công và chỉ tạo chính sách cho trường tư. Nguồn vốn đầu tư, một đằng nhà nước bỏ tiền, một đằng cá nhân bỏ tiền. Với học sinh trường công được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, nhưng trường tư thì không…
Cùng trăn trở này, ông Hà Đình Sơn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT ICOSchool – cho rằng: Cùng tham gia lĩnh vực đào tạo, nhưng hệ thống trường công được ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ, còn trường ngoài công lập tự bơi. Học sinh trường công được nhà nước đầu tư, học sinh trường tư không được hưởng gì…
“Nhà nước bao cấp giáo dục công lập gần như tuyệt đối, từ cơ sở vật chất đến lương giáo viên và chi cho các hoạt động giáo dục. Tư thục vì phải cạnh tranh với công lập nên không dám thu học phí cao. Thu ít, chi ít nên ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dạy học và giáo dục. Thậm chí, nhiều trường không đủ giáo viên, nhiều giáo viên phải dạy trái môn. Có những trường cắt giảm thời lượng và cả các môn học đi để giảm thiểu chi phí”, ông Hà Đình Sơn cho hay.
Nên thay đổi cơ chế hỗ trợ?
Nêu quan điểm cá nhân, theo ông Hà Đình Sơn, để xã hội hóa giáo dục đi vào thực chất hơn nữa, nhà nước nên thay đổi cơ chế hỗ trợ. Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho các trường công lập; nhưng chi cho các hoạt động giáo dục, trả lương giáo viên, hoạt động hành chính... thì hỗ trợ theo đầu học sinh. “Trường tư bây giờ trên cơ chế thì nói ưu tiên; nhưng bắt tay vào thực hiện khó trăm bề; điển hình như việc giao đất còn khó”, ông Sơn trăn trở.
Nói về mong muốn, ông Hà Đình Sơn nêu quan điểm: Cần có chính sách hỗ trợ cho vay các gói ưu đãi để đầu tư cho giáo dục. Cùng với đó, hỗ trợ kinh phí đối với học sinh trường tư để giảm tiền học phí phụ huynh phải đóng góp. Ví dụ, nhà trường lẽ ra thu học phí 2 triệu/tháng, nhưng do học sinh được Nhà nước hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng, số học phí học sinh phải trả chỉ còn là 1,5 triệu.
Cùng với mong muốn học sinh trường ngoài công lập được hỗ trợ một phần của nhà nước, NGƯT Nguyễn Phú Cường đồng thời cho rằng, chính sách cần bắt kịp với thực tiễn, vì trên thực tế, các chính sách thường “đi” chậm hơn so với thực tiễn. Mặt khác, thủ tục hành chính cần tiếp tục tinh giản, tránh nhiêu khê, phiền phức; không nên gây khó cho các trường trong các thủ tục hành chính.
NGƯT Nguyễn Phú Cường cũng đề cập đến nội dung Luật Giáo dục 2019, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của nhà trường. Theo đó, các trường dân lập, trường tư thục tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động giáo dục, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giáo dục. “Như vậy, tính tự chủ rất cao. Nên cho các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm nằm trong khuôn khổ chính sách pháp luật của nhà nước” - NGƯT Nguyễn Phú Cường trao đổi.