Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động của khu vực này còn thấp, tỷ lệ thiếu việc làm còn cao.
Công nghệ đào tạo mở cơ hội tiếp cận giáo dục “tại nhà”
Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề này, lao động ở khu vực nông thôn cần được tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu ngày một cao của đơn vị sử dụng lao động. Vấn đề khó nhất là có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn lao động ở nông thôn nhưng không được thoát ly sản xuất, các khóa học phải gần gũi với công việc, giải quyết được các tình huống thực tế.
Chia sẻ với phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại, ThS Đỗ Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, việc đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo người lao động không thoát ly sản xuất đã được trường đại học này triển khai từ năm 1994 bằng việc ứng dụng công nghệ. Đến nay, trường đã đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp cho gần 200.000 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, thạc sĩ và tiến sĩ.
Nhiều năm qua, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào công tác dạy và học đã giúp cho người học có thể tiếp cận bài giảng và tri thức mọi lúc, mọi nơi, xóa đi những rào cản về không gian và thời gian, tạo ra sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người dân từ miền núi, vùng sâu, vùng xa đến hải đảo. Với người lao động, có thể vừa tham gia sản xuất, vừa tranh thủ học tập, nâng cao trình độ và kỹ năng, không nhất thiết phải thoát ly sản xuất như những phương pháp học tập truyền thống.
Để làm được điều đó, Trường Đại học Mở Hà Nội nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ với 3 trường quay hiện đại phục vụ đào tạo trực tuyến theo tiêu chuẩn Hàn Quốc, 2 phòng phát triển nội dung với hệ thống phần mềm bản quyền và đội ngũ chuyên viên được đào tạo tại Hàn Quốc, 7 server với các thiết bị mạng, 18 phòng công nghệ với hơn 100 máy tính bảng, camera chuyên nghiệp và gần 500 máy tính đồng bộ cấu hình cao được trang bị tại các địa điểm học tập.
Tài nguyên giáo dục mở bồi dưỡng đúng cái người dân cần
Với kinh nghiệm tiên phong trong giáo dục mở, Trường Đại học Mở Hà Nội chủ động nghiên cứu phát triển và xây dựng nội dung, cung cấp hạ tầng đào tạo trực tuyến (E-learning) đến mọi người dân. Theo thống kê năm 2021, gần 500.000 lượt người dân và hơn 30.000 người học được thụ hưởng nguồn tài nguyên giáo dục mở do trường đại học này cung cấp.
Không chỉ phục vụ giảng dạy trình độ đại học trở lên, trường đại học này còn xây dựng nguồn tài nguyên mở giúp bồi dưỡng năng lực của người lao động trong nhiều lĩnh vực như: Công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, du lịch, kinh tế, luật…
Có những tài nguyên phục vụ các khóa bồi dưỡng rất ngắn như: Cách bảo quản thanh long; Hướng dẫn trị bệnh cho cá; Cách thức xây dựng hợp đồng dân sự; Các bước thành lập hộ kinh doanh cá thể, công ty TNHH; Hướng dẫn làm chủ điện thoại di động thông minh… Người lao động có thể chọn học những lĩnh vực, khóa học cần thiết cho công việc hiện tại và sự phát triển trong tương lai.
Từ sứ mệnh đến trách nhiệm xã hội
Với sứ mệnh “Mở cơ hội học tập cho mọi người”, Trường Đại học Mở Hà Nội đã trở thành đơn vị thể nghiệm thực tiễn giáo dục góp thêm minh chứng cụ thể cho lý luận được xây dựng trong Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Với trách nhiệm xã hội trong việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, trường đại học này đóng vai trò không nhỏ trong việc thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho người lao động, đặc biệt là lao động ở khu vực nông thôn. Từ đó, tạo sự bình ổn cho thị trường lao động, hạn chế “chảy máu” nguồn nhân lực, góp phần phát triển bền vững nền kinh tế tại các địa phương.