Chuẩn bị đội ngũ giáo viên tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), từ năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các đơn vị chức năng tổ chức đào tạo kỹ năng dạy nghề cho cán bộ khuyến nông, đến nay đã tổ chức được 138 lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ “Kỹ năng dạy học” cho 4.160 cán bộ cấp tỉnh và cấp huyện có đủ điều kiện để tham gia giảng dạy các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT.
Trong giai đoạn 2011 – 2028, đã tập huấn được 28.529 nông dân chủ chốt, chủ trang trại; 186.255 nông dân tham gia trong và ngoài các mô hình khuyến nông. Bồi dưỡng, cập nhật và nâng cao kiến thức cho 46.450 nông dân thông qua các diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp.
Đặc biệt đối với các lớp tập huấn ToT cho nông dân chủ chốt, chủ trang trại: 85% số học viên được cập nhật, nâng cao kiến thức kỹ thuật mới để đào tạo lại nông dân. Khoảng 60% số học viên có khả năng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm áp dụng thực tế sản xuất tại địa phương.
Theo ghi nhận, ưu điểm của giảng viên được phát huy khi chính họ là cán bộ khuyến nông địa phương, do đó nội dung và phương pháp giảng dạy phù hợp với trình độ của nông dân và điều kiện sản xuất tại địa phương.
Các mô hình đào tạo khuyến nông đồng thời được sử dụng là điểm thực hành, tham quan, trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Giảng viên cũng là cầu nối liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn để bao tiêu sản phẩm cho nông dân sau học nghề.
Đánh giá tại địa phương và của người học nghề cho thấy, hoạt động đào tạo, huấn luyện cho LĐNT ngày càng được tăng cường cả về chiều rộng và chiều sâu. Nội dung đào tạo phong phú và phù hợp với định hướng phát triển của ngành và thực tiễn sản xuất ở địa phương.
Đối tượng đào tạo cũng được mở rộng, trong đó tập trung ưu tiên cho đội ngũ cán bộ khuyến nông có sở, kỹ thuật viên ngành nông nghiệp cấp xã như: thuyền trưởng, máy trưởng tàu đánh bắt thủy sản, dịch vụ thú y, bảo vệ thực vật, cán bộ hợp tác xã, nông dân chủ chốt,…
Đào tạo cho các nông dân chủ chốt tham gia sản xuất hàng hóa gắn với quy hoạch nông thôn mới, phát huy lợi thế so sánh của địa phương. Ưu tiên đào tạo các đối tượng tham gia liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp.
Kết quả khảo sát cho thấy, 86% nông dân tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn khuyến nông đánh giá các nội dung đào tạo phù hợp, và có hiệu quả rõ rệt. 90% nông dân đã áp dụng thành công kiến thức đã học vào sản xuất. 93% số hộ nông dân tham gia xây dựng các mô hình nông nghiệp được chuyển giao cho rằng, họ sẽ tiếp tục duy trì áp dụng vào sản xuất…
Tăng tính hấp dẫn và linh hoạt gắn với thị trường sản phẩm nông nghiệp sạch là những ưu tiên của nội dung đào tạo nghề cho LĐNT trong thời gian tới.
Cụ thể, ngành đã kiến nghị: xây dựng, hoàn thiện các chương trình, giáo trình đào tạo nghề cho LĐNT, tăng thời lượng thực hành, tham quan và thảo luận trên lớp.
Bổ sung, cập nhật các kiến thức, kỹ thuật mới, thông tin thị trường, tổ chức quản lý sản xuất. Nắm bắt về nhu cầu lao động, sản xuất trên địa bàn, từ đó tổ chức các chương trình đào tạo phù hợp, tăng cường ký kết hợp tác với doanh nghiệp để tuyển dụng lao động hoặc thu mua sản phẩm cho nông dân sau học nghề.