Đào tạo nhân lực sư phạm: Đầu vào chưa tương xứng

GD&TĐ - Dù nằm trong tốp 10 lĩnh vực có kết quả tuyển sinh cao nhất nhiều năm nay nhưng ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên vẫn gặp không ít khó khăn.

Sinh viên Sư phạm Trường Đại học Đồng Tháp trong giờ thực tập. Ảnh: CTV
Sinh viên Sư phạm Trường Đại học Đồng Tháp trong giờ thực tập. Ảnh: CTV

Khó vì chỉ tiêu “nhỏ giọt”

Trường Đại học Cần Thơ là trường trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đào tạo đa ngành, lĩnh vực, trong đó có giáo viên. Năm học 2024 - 2025, trường có 15 ngành sư phạm bậc đại học. TS Huỳnh Anh Huy - Trưởng khoa Sư phạm - Trường Đại học Cần Thơ cho biết: “Nghị định 116/2020 của Chính phủ về hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm đã phát huy hiệu quả, thu hút học sinh giỏi chọn ngành sư phạm.

Vì thế, việc triển khai công tác đào tạo các ngành sư phạm của nhà trường từ năm học 2021 - 2022 đến nay khá thuận lợi do đầu vào có chất lượng cao. Sau 3 năm, Trường Đại học Cần Thơ có khoảng 1.100 sinh viên sư phạm được nhận hỗ trợ từ Nghị định 116. Điều này giúp các em an tâm học tập, chất lượng đào tạo nâng cao rõ rệt”.

Tuy nhiên, với đào tạo sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ cũng gặp khó khăn trong việc chủ động xác lập chỉ tiêu tuyển sinh và xây dựng kế hoạch. Hằng năm, căn cứ nhu cầu đặt hàng của các địa phương và năng lực của các trường sư phạm, Bộ GD&ĐT phân giao chỉ tiêu cho nhà trường, dẫn đến số lượng sinh viên các ngành không ổn định; ảnh hưởng tới việc lập kế hoạch hoạt động chung của trường.

Để khắc phục vấn đề này, nhà trường đã điều chỉnh chương trình đào tạo nhóm ngành sư phạm theo hướng linh động, điều động nguồn nhân lực và cơ sở vật chất phù hợp. Bên cạnh các ngành có chỉ tiêu lớn như: Sư phạm Tiếng Anh, Giáo dục Tiểu học, Sư phạm Tin học, Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Toán học, vẫn còn một số ngành sư phạm có chỉ tiêu đặt hàng thấp, dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực của nhà trường.

Theo TS Huỳnh Anh Huy, chỉ tiêu tuyển sinh từng ngành không được vượt quá 3% theo quy định cũng là khó khăn lớn trong công tác lọc ảo. Đơn cử như năm học 2022 - 2023, một số ngành đào tạo có chỉ tiêu giao là 15, số sinh viên không được vượt quá 15 x 3% = 0,45; đến năm 2023 - 2024, dù một số ngành được Bộ điều chỉnh tăng chỉ tiêu lên 20, số sinh viên không được vượt quá là 20 x 3% = 0,6. Như vậy, chỉ cần tuyển dư 1 sinh viên là vi phạm quy định.

Thực tế, các năm vừa qua, điểm đầu vào ngành sư phạm của nhà trường rất cao (dao động từ 24 đến 27) nên chỉ cần hạ điểm chuẩn xét tuyển 0,01, có ngành tăng thêm đến 5 sinh viên. Năm học 2023 - 2024, một số ngành chỉ tuyển 17 - 18 sinh viên mặc dù chỉ tiêu được phân giao là 20 sinh viên. Vì thế, bên cạnh quy định con số tương đối không vượt quá 3% chỉ tiêu, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu bổ sung thêm số tuyệt đối, chẳng hạn “hoặc không vượt quá 3 sinh viên/ngành”.

Ngoài ra, năm học 2021 - 2022 là năm đầu tiên áp dụng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116, đã có 2 tỉnh Vĩnh Long và Long An đặt hàng Trường Đại học Cần Thơ với 363 chỉ tiêu. Tuy nhiên, đến nay chỉ 11 sinh viên từ Long An được nhận hỗ trợ. Trường đã nhiều lần gửi văn bản báo cáo tới Bộ GD&ĐT cũng như làm việc với 2 tỉnh nhưng kết quả chưa tiến triển. Trong 3 năm học vừa qua, nhà trường đã bù lỗ chi phí đào tạo cho nhóm sinh viên khoảng 13 tỷ đồng.

“Trường Đại học Cần Thơ có đội ngũ giảng viên trình độ cao, bề dày kinh nghiệm đào tạo sư phạm gần 60 năm và được đề xuất vào trường đào tạo sư phạm trọng điểm cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo dự thảo Đề án quy hoạch các trường đại học. Chúng tôi hy vọng trong năm học 2024 - 2025, nhà trường được phân bổ chỉ tiêu phù hợp năng lực đào tạo. Góp phần thực hiện tốt vai trò và sứ mạng của nhà trường trong việc nâng cao giáo dục cho vùng”, TS Huỳnh Anh Huy kiến nghị.

Sinh viên Sư phạm Trường Đại học Cần Thơ trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: Thành Thật

Sinh viên Sư phạm Trường Đại học Cần Thơ trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: Thành Thật

Tuyển sinh khó khăn

Trong nhiều năm qua, tại trường đại học địa phương diễn ra thực trạng chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành đào tạo giáo viên giảm đáng kể qua từng năm. Chẳng hạn, tại Trường Đại học Quảng Bình, nhiều năm liên tiếp, chỉ tiêu của các ngành đào tạo giáo viên có xu hướng giảm.

Cụ thể, từ năm 2021 đến 2022, chỉ tiêu của ngành Giáo dục Mầm non giảm từ 85 xuống còn 38; ngành Giáo dục Tiểu học giảm từ 125 xuống 63; Ngành Sư phạm Ngữ văn không ngoại lệ khi giảm từ 33 xuống 18. Tại Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), chỉ tiêu các ngành đào tạo sư phạm cũng có xu hướng giảm. Năm 2023, tổng chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm của trường giảm còn 135.

Tuyển sinh sư phạm khó khăn dẫn đến hoạt động của các trường đại học địa phương bị ảnh hưởng. Trường Đại học Đồng Nai có khoảng 10 ngành đào tạo sư phạm. Những năm gần đây, công tác tuyển sinh ngành sư phạm ở một số bộ môn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, ngành Giáo dục thiếu nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và các bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật.

TS Lê Anh Đức - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, 3 năm liền trường tuyển sinh không đạt chỉ tiêu ngành Giáo dục mầm non. Chẳng hạn, năm 2022, trường chỉ tuyển được 41 sinh viên (đạt 48% chỉ tiêu Bộ GD&ĐT giao và đạt 6,6% so với nhu cầu của tỉnh). Đầu năm 2024, nhà trường có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai, báo cáo về số lượng giảng viên chưa được bố trí việc làm, hoặc chưa đủ số tiết giảng dạy.

Văn bản này cho biết, các ngành Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Sinh học, Khoa học môi trường và Quản lý đất đai năm 2023 không tuyển sinh được. Cá biệt, ngành Sư phạm Sinh học không tuyển sinh được liên tiếp 4 năm, từ 2020 - 2023… Dù văn bản này sau đó được trường rút do “cách diễn đạt chưa chuẩn, gây sự hiểu nhầm”, song đã phản ánh những khó khăn trong tuyển sinh sư phạm của trường.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2023, khối ngành sư phạm có 36.400 chỉ tiêu (cả đại học, cao đẳng); 32.500 thí sinh nhập học, đạt hơn 89%. Một số nguyên nhân chính được chỉ ra trong khó khăn tuyển sinh sư phạm là: Nhiều địa phương không đặt hàng đào tạo; bài toán kinh phí đào tạo; nhiều ngành khó tuyển sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.