Đào tạo nhân lực sư phạm: Tìm giải pháp tổng thể

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, đại biểu Quốc hội, gỡ khó cho ngành Sư phạm cần giải pháp tổng thể...

Khâu dự báo nhu cầu giáo viên ở địa phương cần được làm bài bản, khoa học và có sự phối hợp chặt chẽ với các trường sư phạm.
Khâu dự báo nhu cầu giáo viên ở địa phương cần được làm bài bản, khoa học và có sự phối hợp chặt chẽ với các trường sư phạm.

Giải pháp tổng thể có thể kể từ khâu tuyển sinh đến đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo và tuyển dụng.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT): Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024. Ảnh: TG

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024. Ảnh: TG

Năm 2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ngành Sư phạm (cả trình độ đại học, cao đẳng) là hơn 36.400 sinh viên; trong đó, trình độ cao đẳng hơn 7.600 chỉ tiêu, đại học trên 28.500 chỉ tiêu. Kết quả, có 32.500 thí sinh nhập học, đạt 89,14%; trong đó có hơn 6.800 thí sinh nhập học hệ cao đẳng, đạt 89,78% và hơn 25.600 thí sinh nhập học hệ đại học, đạt 88,97%.

Tuy nhiên, tuyển sinh sư phạm vẫn gặp một số khó khăn như: Nhiều địa phương không đặt hàng đào tạo giáo viên. Một số ngành thuộc lĩnh vực này khó tuyển sinh. Ngoài ra, việc xử lý kinh phí hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm còn bất cập.

Để khắc phục khó khăn trên, đề nghị UBND đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ “Quy định về chính sách hỗ trợ đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm” (Nghị định 116). Cùng với đó, các cơ sở đào tạo giáo viên, địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông. Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116 để phù hợp với thực tiễn.

TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: “Quy hoạch động”

TS Lê Viết Khuyến. Ảnh: ITN

TS Lê Viết Khuyến. Ảnh: ITN

Nghị định 116 có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 và áp dụng từ khóa tuyển sinh năm học 2021 – 2022. Nghị định được kỳ vọng là luồng gió mới nhằm gỡ khó cho ngành Sư phạm; trên hết là nâng chất và lượng đối với sinh viên sư phạm, đồng thời giải quyết được bài toán thừa thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương.

Một trong những điểm nổi bật của Nghị định 116 là chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm. Theo đó, giáo sinh được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu của cơ sở đào tạo và 3,63 triệu đồng một tháng chi phí sinh hoạt trong thời gian học. Kinh phí này từ nguồn ngân sách hằng năm chi cho giáo dục.

Ngoài ra, ưu việt của Nghị định 116 được thể hiện qua phương thức giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, với phương thức đặt hàng và đấu thầu thì chưa phát huy được trong thực tiễn nên kết quả không như mong muốn. Kể từ ngày Nghị định 116 có hiệu lực đến nay, hầu hết địa phương không mặn mà với phương thức đặt hàng và đấu thầu đào tạo giáo viên.

Thực tế cho thấy, nhiều năm nay, khâu đào tạo vẫn tách bạch khỏi tuyển dụng. Hai công đoạn này gần như độc lập với nhau. Các địa phương vẫn thông báo tuyển dụng giáo viên theo nhu cầu (nếu thấy thiếu, cần bổ sung). Theo đó, sinh viên ra trường phải thực hiện cơ chế tuyển dụng theo Luật Viên chức và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ “Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức” (Nghị định 115) và Nghị định số 85/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115.

Sự không nhất quán giữa đặt hàng, đấu thầu với chính sách tuyển dụng giáo viên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên chưa phát huy hiệu quả. Quan điểm của tôi là khó đâu, gỡ đấy.

Ngoài việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116, cần có chính sách đặc thù trong tuyển dụng những giáo viên được đào tạo theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu. Sau khi học xong, giáo sinh cần được phân công, bố trí công việc theo chuyên môn đào tạo. Để thực hiện giải pháp này, chúng ta có thể học tập, áp dụng theo mô hình, chính sách của bên công an, quân đội.

Về phía trường sư phạm cũng cần thay đổi chương trình đào tạo để phù hợp với Chương trình GDPT 2018 và thực tiễn. Chẳng hạn, đến năm thứ 2 sinh viên có thể chuyển sang học các chuyên ngành khác nếu thấy ngành đang học dư thừa giáo viên, trong khi ngành học khác thiếu.

Cụ thể, nếu sinh viên học khoa Sư phạm Toán nhưng thấy giáo viên bộ môn này đang thừa ở các địa phương thì được quyền chuyển sang Sư phạm Tin hoặc Sư phạm Vật lý. Tất nhiên, khâu dự báo nhu cầu giáo viên ở địa phương cần được làm bài bản, khoa học và có sự phối hợp chặt chẽ với các trường sư phạm.

Nghĩa là, các địa phương phải nâng cao năng lực dự báo chính xác nhu cầu nhân lực giáo viên; có thể thành lập Hội đồng giáo dục. Hội đồng này có chức năng tham mưu cho lãnh đạo địa phương về quy hoạch phát triển giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nói chung cũng như nguồn nhân lực cho giáo dục đào tạo nói riêng trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương qua từng giai đoạn, thậm chí từng năm.

Song song với các giải pháp trên, tôi muốn nhấn mạnh việc thay đổi chương trình đào tạo để giáo viên có thể linh hoạt dạy từ 2 - 3 môn. Tránh trường hợp sinh viên trúng tuyển và học ngành Sư phạm Toán, đến khi ra trường chỉ dạy được môn Toán, trong khi đó địa phương đang thừa giáo viên môn học này. Theo tôi quy hoạch trong giáo dục phải là quy hoạch động, tức luôn điều chỉnh kế hoạch theo thực tế, không phải quy hoạch đóng khung 5 năm một, đến khi sinh viên ra trường thì thực tiễn đã thay đổi.

TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hệ thống Trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội): Quan tâm đến thực tập sư phạm

TS Nguyễn Văn Hòa trong một hoạt động giáo dục ngoại khóa. Ảnh: NTCC

TS Nguyễn Văn Hòa trong một hoạt động giáo dục ngoại khóa. Ảnh: NTCC

Chủ trương đổi mới giáo dục của các trường sư phạm được đánh giá thông qua việc đưa đoàn sinh viên đến thực tập ở cơ sở giáo dục. Làm sao để giáo sinh đến trường phổ thông hồ hởi, đam mê, muốn hòa nhập vào quá trình giáo dục và dạy học ở trường mầm non, phổ thông để chuẩn bị cho nghề nghiệp, đến khi ra trường có công ăn việc làm và trở thành nhà giáo thực thụ, chân chính.

Sinh viên sư phạm cần hiểu về nghề nhà giáo thời nay; cảm nhận vinh dự khi được học sinh gọi bằng thầy, cô giáo. Các em cần quan sát, tìm hiểu thực tế, “thấu hiểu” những gì đang diễn ra ở trường phổ thông và sẵn sàng cho tương lai của mình.

Cần nhấn mạnh rằng, các em xuống trường phổ thông không phải chỉ để lấy điểm thực hành dạy học mà là học cách trở thành thầy, cô giáo trong bối cảnh xã hội biến đổi, tâm lý học sinh thay đổi, phức tạp, đầy thách thức. Quan sát xem ở trường phổ thông làm gì, làm thế nào để giải quyết các vấn đề nổi cộm hằng ngày. Ở đó, nhà trường, giáo viên giáo dục và dạy học sinh như thế nào? Từ đó xác định trách nhiệm và lòng yêu nghề, để không phạm lỗi đáng tiếc, không giảm sút lòng yêu nghề.

Chính vì vậy, tôi mong các trường sư phạm nói chung cần quan tâm đến thực chất của việc thực tập sư phạm, làm hết sức mình để các em được học nhiều, học sâu sắc các bài học từ thực tế. Làm sao để các em không coi nhẹ, trái lại còn chú tâm, hào hứng, tranh thủ thời cơ hơn bao giờ hết.

Ngày xưa, khi chúng tôi đi thực tập sư phạm, trường đại học cho sinh viên những giờ dạy thử để học cách làm trước khi “gióng trống mở cờ” đến trường phổ thông. Ngày ấy, thầy chủ nhiệm khoa đến trường thực tập để thăm hỏi sinh viên và dự giờ thực tập. Hơn bao giờ hết, tôi mong có mạng lưới các trường thực tập sư phạm để học hỏi kinh nghiệm, giao lưu lẫn nhau; đồng thời có thêm niềm vui, sự cổ vũ và trách nhiệm làm tốt hướng dẫn thực tập cho sinh viên.

Phía các trường đại học sư phạm cần có chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học, hiện đại, thiết thực để giáo viên trường phổ thông được giao lưu học hỏi. Còn các trường phổ thông cần coi nhiệm vụ thực tập sư phạm là trách nhiệm với nền giáo dục, tương lai, hỗ trợ các đoàn thực tập sư phạm tối đa có thể. Sẵn sàng đón nhận đoàn thực tập đến trường, tối đa sĩ số có thể với quy mô hiện tại của trường phổ thông.

Nếu hình thành mạng lưới các trường thực hành thì trường phổ thông sẽ tham gia đầy đủ, tích cực, trách nhiệm như việc của chính mình. Ngoài ra, các trường phổ thông cần chủ động đề xuất với trung tâm nghiệp vụ sư phạm của trường đại học những nhận xét thực chất về công tác tổ chức và kết quả thực tập sư phạm, vấn đề cần bổ sung, chỉnh sửa để nâng cao hiệu quả thực tập sư phạm. Các cơ sở giáo dục cũng cần đề xuất chuyên đề và sẵn sàng tham gia chuyên đề về đổi mới phương pháp giáo dục, phương pháp dạy học về tổ chức thực tập do trường đại học sư phạm tổ chức.

Bà Tăng Thị Ngọc Mai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh, đại biểu Quốc hội khóa XIV: Cần có chiến lược, chính sách rõ ràng

Bà Tăng Thị Ngọc Mai. Ảnh: NVCC

Bà Tăng Thị Ngọc Mai. Ảnh: NVCC

Để thu hút nhiều học sinh giỏi vào học ngành Sư phạm ngoài các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước, các trường đào tạo giáo viên cần không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo. Muốn vậy, cần có chiến lược, chính sách rõ ràng để đầu tư, phát triển đội ngũ giảng viên. Đồng thời, cần đổi mới, phát triển chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Ngoài ra, nội dung chương trình phải tiếp cận với giáo dục của các nước tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục hiện nay.

Bên cạnh đó, một trong những nội dung đổi mới mà các trường cần chú trọng là tăng thời gian, yêu cầu về rèn nghề sư phạm. Theo đó, từ năm thứ hai trở đi, cần tăng cường cho sinh viên kiến tập, thực tập. Song hành với đó là rèn luyện phẩm chất, đạo đức nhà giáo. Các nội dung này cần được thực hiện thường xuyên trong cả 4 năm học và có các đánh giá bằng kết quả sản phẩm.

Từ năm 2022, Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu cho các trường đào tạo giáo viên dựa trên nhu cầu của địa phương. Do đó, nếu địa phương không có nhu cầu tuyển dụng giáo viên trong tương lai thì không có căn cứ để giao chỉ tiêu cho trường đại học, cao đẳng sư phạm đóng chân trên địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ