Từ đây đặt ra vấn đề, có nên tổ chức một kỳ thi độc lập dành riêng cho khối sư phạm. Giải pháp này liệu có tăng chất và lượng sinh viên theo học lĩnh vực này?
Trong riêng có chung
Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức có 9 trường đại học công nhận và sử dụng kết quả để xét tuyển sinh đại học. Trong đó, Trường Đại học Y Dược Thái Bình là trường đầu tiên trong khối ngành y dược sử dụng kết quả của kỳ thi do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức để xét tuyển.
Trước đó, năm 2023, có 7 cơ sở giáo dục đại học đào tạo sư phạm trên cả nước sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức để xét tuyển.
Từ thực tiễn quản lý dạy học ở phổ thông, cô Trần Thị Kim Vân - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) đề xuất, giáo viên là ngành có tính đặc thù, vì vậy cần tổ chức tuyển sinh riêng để ít nhất có sự sàng lọc cơ bản ban đầu với một số tiêu chí cụ thể nhằm có đội ngũ chuẩn. Đó có thể là khả năng thuyết trình, thẩm mỹ khi trình bày bảng…
Cô Kim Vân phân tích: “Thực tế dự giờ thăm lớp, chúng tôi thấy một số giáo viên nói quá nhỏ, học sinh ngồi các dãy cuối lớp học khó nghe được bài giảng. Ngược lại, có giáo viên nói quá nhiều hoặc cách truyền đạt kiến thức… khó hiểu. Thế nên, tình trạng phụ huynh và học sinh kiến nghị ban giám hiệu “đổi” giáo viên vẫn diễn ra.
Có người cho rằng, nếu bồi dưỡng giáo viên thì tình trạng này sẽ giảm đi, nhưng có những “tố chất” khó để cải thiện, thay đổi mà chất lượng bằng cấp không phản ảnh hết”. Trong các kỳ thi tuyển giáo viên, ứng viên chủ yếu bị loại ở vòng vấn đáp bởi những lý do như diễn đạt không rõ ý, nội dung trình bày thiếu khúc chiết…
Thầy giáo Lê Mạnh Tấn - Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) bày tỏ: “Xét tuyển riêng cho nhiều nhóm ngành nghề đặc thù hết sức cần thiết. Với giáo viên, tiêu chuẩn nghề nghiệp không chỉ giới hạn ở kiến thức chuyên môn, mà còn là nghiệp vụ sư phạm, đạo đức nhà giáo, thậm chí phẩm chất chính trị… Sàng lọc để lựa chọn được đối tượng phù hợp với nghề là bước quan trọng trước khi đào tạo ra một giáo viên trong tương lai”.
Còn Lê Minh Bảo Châu - sinh viên K71, chuyên ngành Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, tổ chức kỳ thi riêng cho các trường khối sư phạm sẽ đánh giá chính xác năng lực, tố chất của thí sinh, chọn được người phù hợp ngành nghề mang tính đặc thù. “Một kỳ thi riêng còn giúp tăng cường tính chuyên môn cho chương trình đào tạo; thu hút thí sinh có đam mê và tâm huyết với nghề giáo”, Bảo Châu cho biết.
Vì vậy, việc các trường đại học sư phạm tổ chức thi và xét tuyển theo nhóm hoàn toàn phù hợp và đây cũng là xu hướng phổ biến trong tương lai khi kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn phù hợp với việc tuyển sinh ở những trường có mức độ cạnh tranh cao và nhóm ngành mang tính đặc thù.
Khoa Sinh - Môi trường, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng tổ chức tập huấn nhằm hỗ trợ giáo viên trong giáo dục thiên nhiên tại TP Đà Nẵng. Ảnh: NTCC |
Giảm áp lực cho thí sinh
Hiện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TPHCM chủ động triển khai kỳ thi riêng để xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy. Theo nhận xét của PGS.TS Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, đây là 2 trường sư phạm đủ mạnh và am hiểu Chương trình GDPT 2018, nên việc tổ chức kỳ thi có thể tin cậy về chất lượng.
Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, trong tuyển sinh, các trường đại học đều mong chọn được người học có đủ năng lực và nguyện vọng theo học các ngành do nhà trường đào tạo. Nhà trường tuyển được người học phù hợp, tập trung tổ chức tốt công tác đào tạo để chất lượng đầu ra đảm bảo. Việc tổ chức luyện thi, tổ chức thi là công việc tốn kém, mất thời gian và cũng khó kiểm soát…
PGS.TS Võ Văn Minh phân tích, kỳ thi riêng để lấy kết quả xét tuyển sinh có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng mục đích chính là chủ động tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học. Nếu cứ tiếp tục mở rộng dần ra sẽ dễ quay lại kiểu thi đại học như trước đây, trái lại với quan điểm của Nghị quyết 29 về đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trên cơ sở này, PGS.TS Võ Văn Minh cho rằng, cần hạn chế các kỳ thi có cùng tính chất như Kỳ thi tốt nghiệp THPT, để giảm chi phí xã hội cũng như tránh gây thêm lo lắng, áp lực cho người học; thậm chí tránh trường hợp lợi dụng ôn, luyện thi tràn lan, dễ phát sinh tiêu cực.
“Về năng lực chuyên biệt như năng khiếu hay đặc thù nghề nghiệp, các trường có thể kết hợp thi tuyển, hay dựa vào học lực, bài luận hoặc thư giới thiệu… Việc này lâu nay các trường sư phạm vẫn triển khai để tuyển chọn người học phù hợp”, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, ĐH Đà Nẵng gợi mở.
PGS.TS Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, ĐH Đà Nẵng: “Nếu có chính sách tốt cho giáo viên và sinh viên sư phạm thì các trường sư phạm không lo khó tuyển. Vấn đề căn bản là cần tuyển đúng người học. “Giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học” theo tinh thần Nghị quyết 29 thì các trường có quyền, nhưng nếu tất cả áp dụng quyền theo kiểu tổ chức kỳ thi riêng thì chắc chắn sẽ gây “áp lực và tốn kém cho xã hội”.