Đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghệ cao: Cần làm nhanh, quyết liệt

GD&TĐ - Nguồn nhân lực công nghệ cao, nhất là đội ngũ chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và vi mạch bán dẫn trở thành lợi thế cạnh tranh của Việt Nam...

Năm học 2024 - 2025, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành công nghệ vi mạch bán dẫn. Ảnh minh họa: INT
Năm học 2024 - 2025, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành công nghệ vi mạch bán dẫn. Ảnh minh họa: INT

Việc xây dựng “Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 - 2035 và định hướng tới năm 2045” (Đề án) nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học.

“Chìa khóa” của thành công

Theo ông Đặng Văn Huấn - Giám đốc Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học (SAHEP), Đề án nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực STEM, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu mở rộng đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là đội ngũ nhân lực tài năng có khả năng tham gia sâu vào công đoạn nghiên cứu và phát triển trong một số lĩnh vực công nghệ then chốt.

Nguồn nhân lực công nghệ cao, nhất là đội ngũ chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và vi mạch bán dẫn trở thành lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững đất nước dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Chia sẻ về định hướng đến năm 2045, ông Đặng Văn Huấn cho hay, quy mô và tỷ trọng đào tạo các ngành STEM tiếp tục tăng, trong đó tỷ lệ theo học thạc sĩ, tiến sĩ đạt tương đương mức trung bình chung của các nước phát triển, có mức thu nhập cao. Đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu các ngành STEM được tăng cường đầu tư, phát triển đạt tiêu chuẩn ngang tầm với các nước tiên tiến.

Phạm vi và quy mô đào tạo các chương trình đào tạo tài năng STEM tiếp tục được mở rộng tới tất cả lĩnh vực công nghệ ưu tiên, nhất là trình độ kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ. Nguồn nhân lực STEM trình độ cao, chất lượng cao trở thành lợi thế cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là lĩnh vực công nghệ then chốt.

Ngoài ra, mục tiêu đến năm 2045, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam được xếp vào nhóm hàng đầu khu vực châu Á trong đào tạo và nghiên cứu các ngành STEM, nhất là các ngành về công nghệ số, trí tuệ và công nghệ sinh học.

can-lam-nhanh-quyet-liet-2-162.jpg
Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Giải pháp thúc đẩy đào tạo

Là một trong những đơn vị nghiên cứu về công nghệ, kỹ thuật trên cả nước, GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường ĐH công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh đất nước thay đổi không ngừng về công nghệ, các yếu tố phát triển không chỉ liên quan đến tài nguyên, công nghệ mới, mà quan trọng nhất là con người. Nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa của sự thành công. Vì vậy, Đề án làm kim chỉ nam, định hướng cho các cơ sở giáo dục đại học triển khai xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch hành động để sinh viên ra trường có thể đáp ứng chất lượng công việc.

Tuy nhiên, theo GS.TS Chử Đức Trình, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam. Vì vậy, GS.TS Chử Đức Trình đề xuất, mỗi cơ sở giáo dục đại học cần tạo ra chuẩn đào tạo mạnh hơn nữa, ưu tiên những ngành mũi nhọn, thế mạnh của Việt Nam như: Công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, khoa học kỹ thuật dữ liệu.

Việt Nam là nước kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội nhìn nhận, tính thị trường là một trong những yếu tố quyết định để Nhà nước có thể đầu tư trên cơ sở bảo đảm tính công bằng trong giáo dục. Khi nhu cầu công nghiệp phát triển, sự đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam và tính cạnh tranh của nguồn nhân lực chất lượng cao đòi hỏi chúng ta phải có khả năng chịu sức ép về thời gian.

Cho nên cần làm nhanh, quyết liệt vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Song, vấn đề đặt ra, ở thời điểm này, cơ sở giáo dục đại học có sẵn sàng đào tạo được ngay nguồn nhân lực chất lượng cao hay không? Lúc đó chúng ta mới đầu tư. Thế giới là toàn cầu, Việt Nam muốn vươn lên phải cạnh tranh được với các nước trong khu vực ASEAN, châu Á và trên thế giới.

Từ thực tế kinh nghiệm trong đào tạo, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho rằng, cần tập trung vào 4 việc: Thứ nhất, chương trình đào tạo phải đổi mới. Thứ hai, cơ sở vật chất để phục vụ cho đào tạo xứng tầm, được hiện đại hóa bằng các nguồn lực khác nhau. Thứ ba, người thầy cần được tạo điều kiện để phát triển. Họ cần được nghiên cứu, đi ra nước ngoài, vào các doanh nghiệp để học hỏi, trải nghiệm thì mới có đủ năng lực để đào tạo sinh viên. Thứ tư, người học cần định hướng và được chăm sóc trong suốt quá trình học tập để đảm bảo thành công.

Trao đổi về câu chuyện của con gà - quả trứng, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho rằng, quan trọng nhất là chúng ta có lớp trẻ, khát vọng. Chúng ta cần định hướng đúng để họ lựa chọn con đường muốn đi, để thành chuyên gia, nhà khoa học theo nguyện vọng. “ĐH Bách khoa Hà Nội mong muốn, các thầy, cô giáo tạo điều kiện tốt nhất để người học thành công”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nói.

Đề cập đến giải pháp thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao trong thời gian tới, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần xây dựng, đầu tư cho những chương trình đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, ưu tiên trọng điểm bậc đại học và sau đại học ở một số trường đại học lớn, trọng điểm.

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, nguồn lực con người là quan trọng nhất; do đó Nhà nước cần đầu tư xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh về công nghệ cao. Có chính sách thu hút chuyên gia giỏi trong và ngoài nước tham gia nhóm nghiên cứu mạnh tại một số trường đại học, viện nghiên cứu. Các nhóm nghiên cứu này là hạt nhân gắn kết chặt chẽ nghiên cứu khoa học với đào tạo nguồn nhân lực.

Ngoài ra, cần đổi mới chương trình đào tạo, thúc đẩy các môn STEM và đào tạo nền tảng khoa học cơ bản mạnh, với các chương trình đào tạo nhân lực công nghệ cao. Bởi khoa học cơ bản là nền tảng để phát triển các công nghệ lõi, nguồn. Đồng thời, ưu tiên và thúc đẩy nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ cao, mũi nhọn, trọng điểm trong trường đại học, viện nghiên cứu.

Cùng đó, thúc đẩy liên kết 4 nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà khoa học, chuyên gia và Doanh nghiệp trong nghiên cứu và đào tạo nhân lực công nghệ cao. Mặt khác, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao. Cần có Chiến lược và đề án phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao của Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045, đề ra mục tiêu và các nội dung, giải pháp, chỉ tiêu để thực hiện. Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao cần đẩy mạnh và hoàn thiện quản trị đại học, tự chủ đại học.

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, cần đổi mới tuyển sinh bậc đại học, trong đó có tuyển sinh các chương trình công nghệ cao, đi đôi với đẩy mạnh đào tạo môn STEM ở cấp THPT và làm tốt công tác hướng nghiệp đối với học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ