Luận bàn giải pháp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao

GD&TĐ - Phiên họp thứ nhất của Tiểu ban Phát triển nhân lực, chủ đề ‘Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao’ diễn ra chiều 27/9.

Toàn cảnh Phiên họp.
Toàn cảnh Phiên họp.

Yêu cầu cấp thiết

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì Phiên họp. Thứ trưởng nhấn mạnh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Đây là chủ trương lớn đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội; là nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra trong nhiều chiến lược, quy hoạch, chương trình và đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để thực hiện được chủ trương, nhiệm vụ rất lớn này, cần có sự quyết tâm, thống nhất cao và sự hợp tác hiệu quả giữa các bộ ngành, chính quyền địa phương, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp, cùng với các cơ chế, chính sách đột phá và các nguồn lực đầu tư lớn, xứng tầm nhiệm vụ.

Việc xây dựng “Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới năm 2045” (Đề án) là yêu cầu cấp thiết nhằm phân tích, đánh giá khách quan thực trạng và nhu cầu.

Từ đó xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy hợp tác, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tài năng phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ cao nói chung và một số lĩnh vực công nghệ cao then chốt nói riêng.

Qua đó, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trước những thách thức và cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

_DSC1640.JPG
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Phiên họp.

Báo cáo về dự thảo Đề án, ông Đặng Văn Huấn – Giám đốc Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học (SAHEP) nhấn mạnh, Đề án nhằm chuẩn bị dồi dào nguồn nhân lực STEM, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu mở rộng đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là đội ngũ nhân lực tài năng có khả năng tham gia sâu vào công đoạn nghiên cứu và phát triển trong một số lĩnh vực công nghệ then chốt.

Nguồn nhân lực công nghệ cao, nhất là đội ngũ đông đảo chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và vi mạch bán dẫn trở thành lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững đất nước dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

8 nhóm nhiệm vụ

Chia sẻ về định hướng đến năm 2045, ông Đặng Văn Huấn cho hay, quy mô và tỉ trọng đào tạo các ngành STEM tiếp tục tăng, trong đó tỉ lệ theo học thạc sĩ, tiến sĩ đạt tương đương mức trung bình chung của các nước phát triển, có mức thu nhập cao.

Đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu các ngành STEM được tăng cường đầu tư, phát triển đạt tiêu chuẩn ngang tầm với các nước tiên tiến.

Phạm vi và quy mô đào tạo các chương trình đào tạo tài năng STEM tiếp tục được mở rộng tới tất cả lĩnh vực công nghệ ưu tiên, nhất là ở các trình độ kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ.

Nguồn nhân lực STEM trình độ cao, chất lượng cao trở thành lợi thế cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là các lĩnh vực công nghệ then chốt.

Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam được xếp vào nhóm hàng đầu khu vực châu Á trong đào tạo và nghiên cứu các ngành STEM, nhất là các ngành về công nghệ số, trí tuệ sinh học và công nghệ sinh học.

_DSC1695.JPG
Ông Đặng Văn Huấn báo cáo tại Phiên họp.

Đề cập đến các nhiệm vụ và giải pháp, ông Đặng Văn Huấn cho biết, dự thảo Đề án đề cập đến 8 nhóm, gồm:

Thứ nhất, tăng cường giáo dục và hướng nghiệp STEM, củng cố nền tảng kiến thức và sự quan tâm của học sinh phổ thông đối với các ngành nghề STEM

Thứ hai, hiện đại hóa chương trình và phương thức đào tạo các ngành STEM, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn và tiếp cận các chuẩn mực quốc tế

Thứ ba, triển khai các chương trình đào tạo tài năng STEM gắn với phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực công nghệ then chốt

Thứ tư, hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ người học, thu hút nhiều người giỏi theo học các ngành STEM

Thứ năm, hoàn thiện và triển khai các chính sách đào tạo, thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên giỏi

Thứ sáu, tăng cường đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu

Thứ bảy, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn kết với đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các cơ sở giáo dục đại học

Thứ tám, mở rộng hợp tác, liên kết trong nước và quốc tế, tăng cường khai thác các nguồn lực xã hội trong đào tạo nhân lực công nghệ cao.

_DSC1709.JPG
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng tham luận tại Phiên họp.

Chia sẻ về đổi mới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong những ngành công nghệ mũi nhọn, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội nhắc đến 5 bài học kinh nghiệm, gồm: Định hướng chương trình rõ ràng để người học lựa chọn đúng; chương trình đào tạo cần xây dựng khoa học, có triết lý theo mục đích; cần có các đối tác phù hợp, tích cực để phối hợp thực hiện; các kỹ năng bổ trợ và ngoại ngữ là cần thiết; xây dựng danh tiếng và quảng bá phù hợp.

Quan điểm ĐH Bách khoa Hà Nội là: Mô hình tinh, gọn, hiệu quả; người học thành công; người thầy được sáng tạo, cống hiến; chương trình đào tạo và nghiên cứu luôn cập nhật, đánh giá; các đối tác được chia sẻ, phối hợp chặt chẽ.

Đề cập đến 4 nhóm giải pháp, Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội trao đổi:

Thứ nhất, hiện đại hóa chương trình và phương thức đào tạo; đảm bảo công tác quản lý chất lượng đào tạo và hoàn thiện hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong vì sự thành công của người học.

Thứ hai, nâng cao chất lượng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong nhóm lĩnh vực công nghệ then chốt

Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác mạng lưới đối tác và quốc tế hóa trong giáo dục đại học, thích nghi với xu hướng phát triển giáo dục toàn cầu

Thứ tư, chăm sóc, tư vấn, đồng hành cùng người học theo xu hướng cá thể hóa và bồi dưỡng/phát triển nhân tài, tài năng.

_DSC1651.JPG
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì Phiên họp.

Đề xuất xây dựng Hệ sinh thái nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, GS.TS.BS Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh hệ thống trong bảng bên dưới:

image001.png

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực làm việc trong các ngành công nghệ cao là nội dung quan trọng. Phạm vi khá rộng nhưng cũng cần tập trung cốt lõi vào các lĩnh vực công nghệ, chiến lược cần ưu tiên phát triển trong thời gian tới.

Thứ trưởng yêu cầu, các cơ sở giáo dục đại học cần có sự chuẩn bị sẵn sàng, với những bước đi cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đất nước. Tổ biên tập, ban soạn thảo cần tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp tại phiên họp, đảm bảo tính khái quát nhưng cần cụ thể để thực hiện thành công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ