Tháo gỡ điểm nghẽn của Đề án 06
Ngày 10/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ việc tháo gỡ các "điểm nghẽn" Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030).
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cùng lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị liên quan dự hội nghị tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.
Báo cáo của Bộ Công an, cơ quan thường trực triển khai Đề án 06 của Chính phủ - cho biết: Qua 1 năm triển khai Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhận thức, hành động của các cấp, các ngành về chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng cơ bản có sự chuyển biến tích cực.
Các cấp, các ngành và địa phương đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh an toàn và yêu cầu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án 06.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt để tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06, mục tiêu là triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ Đề án. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cũng đã có những giải pháp cụ thể nhằm triển khai nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương mình.
Bộ Công an cũng chỉ ra 6 nhóm hạn chế, tồn tại gồm: Điểm nghẽn về pháp lý; điểm nghẽn về dịch vụ công trực tuyến; điểm nghẽn về hạ tầng công nghệ; điểm nghẽn về dữ liệu; điểm nghẽn về an ninh, an toàn bảo mật; điểm nghẽn về nguồn lực triển khai. Những "điểm nghẽn" này ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyển đổi số của các đơn vị, địa phương.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cùng lãnh đạo các đơn vị liên quan dự hội nghị tại điểm cầu Bộ GD&ĐT. |
Bộ GD&ĐT tích cực triển khai Đề án
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tích cực triển khai đề án 06 và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo nên sự đổi mới của ngành giáo dục. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang nỗ lực, tập trung nguồn lực để triển khai tiếp các công việc theo kế hoạch của Đề án, trong đó bao gồm:
Tiếp tục cập nhật và hoàn thiện cơ sở dữ liệu của ngành; triển khai dịch vụ công đăng ký thi tốt nghiệp THPT (đã hoàn thành, có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 thành công); cơ bản đã hoàn thành khâu chuẩn bị và đang gấp rút đưa hệ thống dịch vụ công đăng ký xét tuyển đại học năm 2024 hoạt động vào cuối tháng 7/2024.
Bộ GD&ĐT đã triển khai thí điểm học bạ số thực hiện theo chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ đã ban hành mô hình hướng dẫn các địa phương tổ chức thí điểm thực hiện học bạ số và xác định đây là việc lớn, việc trọng tâm trong năm 2024.
Hiện nay các trường và các địa phương đã kết nối và báo cáo việc thực hiện học bạ số về Bộ GD&ĐT. Dự kiến đến cuối tháng 6/2024 sẽ hoàn thành. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức hội nghị đánh giá việc thực hiện học bạ số vào tháng 7/2024
Về một số điểm nghẽn trong thực hiện, triển khai Đề án 06, Bộ GD&ĐT nằm trong số nhóm các Bộ ngành đang gặp một số vướng mắc. Trong đó có 2 "điểm nghẽn', đó là chưa bảo đảm hạ tầng về công nghệ thông tin và chưa đảm bảo về an toàn thông tin để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia.
Trong các phiên họp triển khai đề án 06, Bộ GD&ĐT đã nêu và đang phối hợp với Bộ Tài chính để tháo gỡ các điểm nghẽn về kinh phí, Bộ GD&ĐT cũng đã gửi đề xuất tới Bộ Tài chính để sớm tháo gỡ những điểm nghẽn này.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa điểm cầu Trụ sở Chính phủ tới điểm cầu các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. |
Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng báo cáo thông tin về Đề án chuẩn bị việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn trong đó có nhân lực phục vụ chuyển đổi số, một nội dung trong triển khai Đề án 06.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Hiện nay, Bộ GD&ĐT được Chính phủ phân công xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, bao gồm cả công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và các lĩnh vực năng lượng mới, đặc biệt là công nghệ bán dẫn.
Từ các Nghị quyết, chỉ đạo khác nhau từ Chính phủ, Bộ GD&ĐT đang tổng hợp lại để làm thành một dự án chung có tên gọi "Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao". Đến nay, việc chuẩn bị các công tác cho đề án này đang được gấp rút hoàn thành và phấn đấu trong tháng 6/2024 trình Thủ tướng.
Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đang được đưa vào Đề án bao gồm:
(1) Thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, cơ hội của các ngành nghề của lĩnh vực công nghệ kĩ thuật cao
(2) Hoàn thiện các cơ chế chính sách để hỗ trợ người học, khuyến khích học sinh, sinh viên theo học các ngành thuộc lĩnh vực kĩ thuật công nghệ cao;
(3) Đổi mới chương trình và các phương thức đào tạo; thúc đẩy hợp tác quốc tế và hợp tác với các doanh nghiệp; gắn kết nghiên cứu với các trải nghiệm ứng dụng công nghệ và giáo dục trí tuệ nhân tạo;
(4) Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo tài năng từ bậc cử nhân đến tiến sĩ, đào tạo sớm từ bậc phổ thông. Ở các ngành đào tạo trọng điểm thì triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ;
(5) Tăng cường hỗ trợ đào tạo giảng viên, thu hút nhân tài khoa học công nghệ Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc, nhất là các giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học;
(6) Hoàn thiện các cơ chế và chính sách;
(7) Tăng cường huy động các nguồn đầu tư về cơ sở vật chất, về công nghệ để phục vụ cho đào tạo gắn với nghiên cứu đổi mới sáng tạo trong các ngành, lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao.
Hoan nghênh, đánh giá cao và cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo, tham luận, ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, mang tính xây dựng, Thủ tướng giao Bộ Công an, Bộ Tài chính phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện và trình ban hành văn bản chỉ đạo để thống nhất triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.