Giáo viên dạy nghề cho lao động nông thôn: Nhiều bất cập cần tháo gỡ

GD&TĐ - Bất cập về giáo viên dạy nghề và thị trường lao động còn nhỏ hẹp là những nguyên nhân khiến công tác đào tạo nghề ở Lạng Sơn còn nhiều khó khăn. Đây cũng là vấn đề cần tháo gỡ, để công tác đào tạo nghề ở địa phương phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

Một lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho LĐNT ở Hữu Lũng, Lạng Sơn.
Một lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho LĐNT ở Hữu Lũng, Lạng Sơn.

Ưu tiên dạy nghề cho đối tượng yếu thế

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, trong giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh đào tạo nghề nông nghiệp cho trên 15.500 lao động nông thôn (LĐNT), là đối tượng trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Trong đó ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người bị thu hồi đất canh tác.

Trong năm 2016, tỉnh Lạng Sơn đào tạo nghề cho khoảng 4.200 người. Giai đoạn 2017 - 2020 đào tạo nghề nông nghiệp cho hơn 17.600 LĐNT.

LĐNT tham gia học nghề được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản theo từng ngành nghề được đào tạo, được trực tiếp tham gia vào quá trình thực hành, thực tế vận dụng vào phát triển sản xuất tại gia đình, được tư vấn nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm, do vậy có trên 70% học viên có việc làm và biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất kinh doanh tại địa phương, gia đình, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Công tác dạy nghề cho LĐNT đã góp phần tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo ở địa phương, giúp chuyển đổi cơ cấu lao động trên địa bàn, phục vụ tích cực cho việc thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới…

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đề án cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Trong đó, một bộ phận người LĐNT chưa nhận thức đầy đủ về việc học nghề để tạo việc làm góp phần khắc phục khó khăn về kinh tế gia đình. Vì thế, một số xã, việc tổ chức các lớp học nghề chưa mang lại hiệu quả kinh tế, học nghề xong nhưng một số LĐNT chưa mạnh dạn phát triển sản xuất...

Điều chỉnh chính sách cho giai đoạn mới

Bà Hà Thị Hải Yến – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lạng Sơn cho biết: Thực hiện Đề án 1956, đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tổng kết đề án. Tuy nhiên, năm nay do dịch Covid-19, công tác này vẫn chưa thể thực hiện xong.

Đề án đã giúp cho người dân nhận thức đúng đắn học nghề, nhưng việc xác định đi học nghề để có thể thay đổi cuộc sống thì người dân vẫn chưa nhận thức rõ.

Bên cạnh đó, một số LĐNT sau khi được học nghề, nhưng không áp dụng được kiến thức đã học vào sản xuất thực tế nên thu nhập chưa thay đổi được cuộc sống, khiến cho việc đào tạo không phát huy được hiệu quả.

Hiện nay, Lạng Sơn chủ yếu đào tạo cho LĐNT các nghề nông nghiệp, các nghề phi nông nghiệp sau khi học nghề người dân chưa áp dụng được nhiều bởi doanh nghiệp ở Lạng Sơn còn ít và chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nên nhu cầu nhân lực rất thấp. Hiệu quả việc phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo nghề cho LĐNT còn thấp… 

Một bất cập khác là các trung tâm giáo dục nghề nghiệp của Lạng Sơn đều đang thiếu giáo viên cơ hữu và phải sử dụng giáo viên thỉnh giảng. Tuy nhiên, việc mời giáo viên thỉnh giảng cũng có nhiều khó khăn, dẫn đến chất lượng không bảo đảm.

Trong khi đó, lương giáo viên dạy nghề còn thấp và không có nhiều chế độ ưu đãi, vấn đề này gây ảnh hưởng đến chất lượng của giáo viên trung tâm dạy nghề nói riêng và chất lượng đào tạo nghề nói chung. Đây cũng là nguyên nhân khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên dạy nghề ở Lạng Sơn.

Trước những bất cập, khó khăn nêu trên, bà Yến đề xuất Chính phủ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo địa phương thực hiện chủ trương phân luồng học sinh phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp; Ban hành chính sách sử dụng lao động qua đào tạo để tăng tỷ lệ LĐNT có việc làm sau học nghề.

Đề án 1956 khi chuyển sang giai đoạn mới, một số mức chi cần có sự điều chỉnh tăng để phù hợp với tình hình thực tế. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đào tạo nghề cho LĐNT, bảo đảm quyền lợi cho người dạy, người học. Thúc đẩy hợp tác cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn sau học nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.