Ý nghĩa quan trọng của đào tạo giáo viên mầm non
PGS.TS Bùi Thị Lâm, Trưởng Khoa GDMN, Trường ĐHSP Hà Nội, cho rằng: Phát triển nguồn nhân lực luôn là bước đi cần thiết chuẩn bị cho sự phát triển bền vững. Ở Việt Nam, vấn đề nghiên cứu, xây dựng mới chương trình GDMN đã được đặt ra trong mấy năm gần đây với một số định hướng lớn để đáp ứng yêu cầu của xã hội và tiệm cận với chương trình GDMN của các nước, trong đó sự cần thiết phải gắn với đào tạo GVMN chất lượng.
Chương trình và người GVMN là hai nhân tố có mối liên hệ qua lại chặt chẽ, bổ xung cho nhau, tác động đến nhau và làm biến đổi lẫn nhau tạo nên một khối thống nhất có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chất lượng giáo dục trẻ ở trường mầm non”. Do vậy, sự thay đổi chương trình GDMN có ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình đào tạo giáo viên mầm non ở các trường sư phạm và là một đòi hỏi cho quá trình xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo GVMN.
Trong những năm qua, các trường đại học đã không ngừng xây dựng và hoàn thiện mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo ngành GDMN với nhiều loại hình đào tạo khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên về GDMN. Mục tiêu của các chương trình là đào tạo những GVMN có đủ phẩm chất và năng lực để thực hiện có hiệu quả chương trình nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục tại các cơ sở GDMN, đáp ứng được yêu cầu đổi mới của GDMN ở Việt Nam.
Các chương trình đào tạo tập trung giúp cho người học có được kiến thức về sự phát triển của trẻ em. |
PGS.TS Bùi Thị Lâm cũng đặc biệt nhấn mạnh, các chương trình đào tạo tập trung giúp cho người học có được kiến thức về sự phát triển của trẻ em, lập kế hoạch, tổ chức, đánh giá các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ; phối hợp với các lực lượng giáo dục khác để nâng cao hiệu quả chăm sóc giáo dục trẻ em; cập nhật và vận dụng các thành tựu khoa học giáo dục mới vào thực tiễn chăm sóc giáo dục trẻ.
Vấn đề đặt ra cho đào tạo giáo viên mầm non
PGS.TS Bùi Thị Lâm cho rằng: Đối với hệ đào tạo vừa làm vừa học, do học viên đã có bằng tốt nghiệp THCN, CĐ, ĐH nên chương trình được giảm bớt khối kiến thức cơ bản mà chỉ tập trung vào khối kiến thức cơ sở của ngành GDMN và khối kiến thức chuyên ngành. Do đặc thù ngành học nên đặc điểm nổi bật trong cấu trúc chương trình đào tạo gồm 65- 70% lý thuyết và 30- 35% thực hành, thực tập.
Đào tạo GVMN là một chuyên ngành tích hợp nhiều khoa học khác nhau và mang nhiều nét đặc thù riêng. Có 54,7% số giảng viên được khảo sát đã được đào tạo ở các ngành sư phạm cơ bản như toán, văn, sinh học, tâm lý – giáo dục. Thực tiễn công tác đào tạo GVMN trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng song cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, chuyên gia cho lĩnh vực GDMN.
Chỉ ra sự thiếu hụt về số lượng GVMN, PGS.TS Bùi Thị Lâm cho biết: Thống kê của Bộ GD&ĐT, đến cuối năm 2019 cả nước có 87.903 GVMN cần được đào tạo nâng chuẩn, mặt khác báo cáo năm học 2019-2020 cả nước còn thiếu 45.242 GVMN, sau thời gian nghỉ dịch tình trạng thiếu giáo viên càng trầm trọng hơn. Do vậy, nhu cầu đào tạo mới và đào tạo liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học rất lớn.
Chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới GDMN và chương trình GDMN mới. Chương trình đào tạo GVMN và chương trình GDMN có mối quan hệ với nhau để giúp GVMN có năng lực tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ có chất lượng, tạo nền tảng cho việc học tập thành công trong tương lai.
Chương trình GDMN mới đang đặt ra những đòi hỏi mới đối với GVMN cần có sự thay đổi mạnh mẽ về các kỹ năng quan trọng như: Kỹ năng phát triển chương trình và tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với bối cảnh địa phương, kỹ năng sư phạm, xử lý tình huống trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và phối hợp với cha mẹ, cộng đồng , cập nhật các phương pháp giáo dục mới, phù hợp với điều kiện địa phương.
Ở điểm trường mầm non tỉnh miền núi Yên Bái. |
Hiện nay, hệ thống cơ sở GDMN đã có sự phát triển đa dạng để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của xã hội, công tác đào tạo cũng cần quan tâm đến yêu cầu năng lực GVMN đáp ứng CS-GD trẻ ở từng nhóm trường như công lập, chất lượng cao, trường mầm non có yếu tố nước ngoài…
Mặc dù chương trình đào tạo luôn được điều chỉnh cập nhật để đáp ứng yêu cầu đổi mới GDMN song ở thời điểm nghiên cứu biên soạn chương trình GDMN mới cũng cần đặt vấn đề nghiên cứu đổi mới chương trình đào tạo ở các trường sư phạm đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDMN với những thay đổi cơ bản về quan điểm và cách tổ chức thực hiện chương trình.
Đề xuất và kiến nghị
Để công tác đào tạo, bồi dưỡng GVMn, đáp ứng yêu cầu đổi mới GDMN, PGS.TS Bùi Thị Lâm kiến nghị: Tăng chỉ tiêu đào tạo cho các trường ĐH, CĐ dựa trên nhu cầu thực tế về đội ngũ GVMN (cả hệ chính qui và vừa học vừa làm).
Để đảm bảo chất lượng đào tạo của tất cả các hệ đào tạo và các trường ĐH cần dựa trên chuẩn chương trình đào tạo, do vậy đề nghị Bộ GD&ĐT quan tâm đến việc ban hành chuẩn chương trình đào tạo ngành GDMN, trên cơ sở đó các trường ĐH xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp.
Đổi mới chương trình đào tạo theo hướng: tích hợp, bổ sung một số nội dung vào Chương trình đào tạo giáo viên mầm non đáp ứng những nội dung mới được đưa vào chương trình GDMN như: nhấn mạnh giáo dục tình cảm - kỹ năng xã hội, các phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới, tiếng Anh, công nghệ số…
Tăng cường đào tạo bằng tổ chức cho sinh viên trải nghiệm thực hành các hoạt động nghề nghiệp trong thực tiễn giáo dục mầm non. Tích hợp các lĩnh vực nội dung đào tạo hướng vào hình thành năng lực chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em cho sinh viên. Tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp và sự gắn bó với nghề.
Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên, đặc biệt nghiên cứu giải quyết các vấn đề thực tiễn. Nghiên cứu áp dụng mô hình ETEP trong bồi dưỡng thường xuyên cho GVMN, đặc biệt bồi dưỡng thực hiện chương trình GDMN mới.
Cần hỗ trợ trường ĐHSP trọng điểm xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cho giảng viên chuyên ngành GDMN: Cập nhật các vấn đề mới trong GDMN; Nâng cao năng lực chuyên ngành (chuyển đổi chuyên môn cho giảng viên); Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và giảng dạy.
Bồi dưỡng giảng viên các trường sư phạm về thực hiện chương trình GDMN mới bên cạnh bồi dưỡng CBQL và GVMN; Tăng cường các hoạt động trao đổi chuyên môn, học thuật các trường ĐH, CĐ đào tạo ngành GDMN và quốc tế. Đổi mới chương trình đào tạo sau đại học chuyên ngành GDMN phù hợp với xu hướng đổi mới của ngành học và yêu cầu đào tạo ở các trường ĐH, CĐ.
PGS.TS Bùi Thị Lâm đặc biệt nhấn mạnh: Các chương trình đào tạo cũng cần đổi mới nhằm hình thành năng lực chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em cho sinh viên, hình thành năng lực phát triển chương trình GDMN và tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với bối cảnh địa phương, phát huy tối đa điều kiện địa phương trong giáo dục trẻ
Phương pháp đào tạo cho sinh viên cũng cần đổi mới theo hướng tăng cường trải nghiệm thực hành các hoạt động nghề nghiệp trong thực tiễn giáo dục mầm non trong điều kiện gia tăng về số lượng. Năng lực nghiên cứu khoa học và tiếp cận các phương pháp mới của sinh viên, đặc biệt nghiên cứu giải quyết các vấn đề thực tiễn cũng là một thách thức trong đào tạo sinh viên hiện nay.