Tổng quan về đội ngũ giáo viên và nhân viên nuôi dưỡng trong giáo dục mầm non

GD&TĐ - Tổng quan về đội ngũ giáo viên và nhân viên nuôi dưỡng, đã phản ánh bức tranh toàn cảnh về GDMN, đồng thời đưa ra những đề xuất cần thiết.

Phó cục trưởng Phạm Tuấn Anh trình bày Tổng quan về đội ngũ giáo viên và nhân viên nuôi dưỡng trong GDMN.
Phó cục trưởng Phạm Tuấn Anh trình bày Tổng quan về đội ngũ giáo viên và nhân viên nuôi dưỡng trong GDMN.

Hiện trạng đội ngũ

Theo Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Phạm Tuấn Anh: Hiện nay, toàn quốc bậc học mầm non có 368.968 giáo viên (công lập 271.073 GV, ngoài công lập 97.895 GV). Trong tổng số 271.073 GV công lập, có 256.020 GV trong biên chế và 15.053 GV hợp đồng.

Tỷ lệ GV/lớp các trường công lập (chỉ tính GV biên chế): định mức 2,2 GV/lớp. Tỷ lệ GV/lớp bình quân toàn quốc là 1,76. Trong đó, Đồng bằng sông hồng 1,93; Miền núi phía Bắc 1,58; Bắc Trung bộ 1,70; Tây nguyên 1,60; Đông Nam bộ 2,0; Đồng bằng sông Cửu long 1,74.

Ông Phạm Tuấn Anh cho biết, số lượng GV thừa cục bộ theo định mức: So với định mức quy định, toàn quốc còn thiếu 106.945 GV, trong đó cấp mầm non thiếu 44.068 GV. Tỷ lệ GV mầm non đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019: bình quân toàn quốc đạt 77,6%; Trong đó, Đồng bằng sông hồng 77,6%; Miền núi phía Bắc 84,4%; Bắc Trung bộ 79,6%; Tây nguyên 70,5%; Đông Nam bộ 65,7%; Đồng bằng sông Cửu long 83,2%.

Hiện nay, các trường mầm non có đội ngũ nhân viên hỗ trợ, phục vụ gồm: Văn thư, Kế toán, Y tế, Thủ quỹ. Tổng số 24.761 người (trong đó: 3.205 Văn thư, 12.670 kế toán, 8.130 y tế, 756 thủ quỹ).

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành điều chỉnh đến hoạt động nghề nghiệp của giáo viên mầm non. Các văn bản thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ GD&ĐT nhìn chung đã tương đối đầy đủ, hướng dẫn thực hiện các quy định về nhà giáo được quy định trong các Luật liên quan, tạo hành lang pháp lý để phát triển đội ngũ GVMN.

Các chính sách ban hành đã đảm bảo phát triển giáo dục mầm non.

Các chính sách ban hành đã đảm bảo phát triển giáo dục mầm non.

Về phía Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát và đề xuất sửa đổi một số Thông tư để đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển. Đổi mới phương thức bồi dưỡng CBQL, GV mầm non. Tăng cường triển khai, chỉ đạo các trường sư phạm, các địa phương áp dụng phương thức bồi dưỡng kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Tiếp tục triển khai công tác bồi dưỡng cho đội ngũ cốt cán mầm non hằng năm. Nâng cao năng lực của các trường đại học sư phạm. Xây dựng các cơ sở đào tạo GVMN hiện đại về cơ sở vật chất, mạnh về năng lực chuyên môn để đào tạo thế hệ GVMN tương lai cho đất nước.

Kiến nghị để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non

Bộ GD&ĐT kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ GV mầm non, phổ thông nói riêng, đội ngũ nhà giáo nói chung, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Quy định về tuổi nghỉ hưu của GV mầm non... phù hợp với đặc thù lao động của nhà giáo cấp học mầm non.

Hiện nay, ở các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn vẫn còn tình trạng giáo sinh tốt nghiệp tại các trường CĐSP, THSP đạt trình độ chuẩn đào tạo theo Luật 2005 nhưng chưa đạt theo Luật 2019, Bộ GD&ĐT trình Chính phủ cho phép các địa phương được tuyển dụng/ hợp đồng GV đủ điều kiện nhưng chưa đạt chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019; đồng thời đề ra lộ trình đào tạo nâng chuẩn cho các đối tượng theo lộ trình của Nghị định 71.

Khẩn trương xây dựng chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

Đề xuất Chính phủ phương án quy định mức phụ cấp đối với GVMN: Nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%; giáo viên mầm non đang công tác vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100% (Với mức đề xuất này, có khoảng hơn 200 nghìn giáo viên mầm non thuộc đối tượng điều chỉnh).

Chỉ đạo các địa phương trong phạm vi thẩm quyền theo quy định của pháp luật và điều kiện cụ thể về kinh tế- xã hội, có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên của địa phương (hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ về nhà công vụ, hỗ trợ học tập, nâng cao trình độ…); đồng thời, xây dựng chính sách và môi trường giáo dục tốt để thu hút giáo viên về công tác tại địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho giáo viên trong quá trình công tác. Có chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

Kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, thực hiện tinh giản biên chế ngành Giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp, trước mắt xem xét không tinh giản biên chế đối với cấp học mầm non, tiểu học (do chưa bố trí đủ giáo viên theo định mức nhưng vẫn yêu cầu giảm 10% biên chế dẫn đến thiếu nhiều giáo viên đứng lớp trong bối cảnh tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ngày càng cao).

Trẻ làm trung tâm trong các hoạt động nuôi dạy, chăm sóc, giáo dục.

Trẻ làm trung tâm trong các hoạt động nuôi dạy, chăm sóc, giáo dục.

Đồng thời xem xét không tinh giản biên chế 10% “cào bằng” giữa các vùng, miền trong cả nước. Có thể tính đến điều kiện vùng, miền trong việc thực hiện tinh giản biên chế. Đối với vùng thuận lợi, tỷ lệ tinh giản biên chế có thể nhiều hơn 10% và đối với vùng khó khăn, tỷ lệ tinh giản biên chế có thể dưới 10%.

Đối với các địa phương

Thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại viên chức hằng năm theo quy định hiện hành cũng như triển khai đánh giá, xếp loại GV theo các văn bản quy định của ngành.

Rà soát thực hiện biên chế, tinh giản biên chế, trong đó xác định chỉ tiêu giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước từng năm, bảo đảm thực hiện nghiêm tinh thần về tinh giản biên chế nhưng bảo đảm đủ số lượng người làm việc để đảm bảo chất lượng giáo dục. Các địa phương tổ chức tuyển dụng hết số biên chế được giao chưa sử dụng (không để dành chỉ tiêu để cắt giảm 10% cho việc thực hiện tinh giản biên chế một cách cơ học)

Đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức các cơ sở GDMN gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; thí điểm chuyển đổi mô hình các cơ sở GDMN, THPT từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao. Xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp (đặc biệt là các nơi có khu công nghiệp) thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tham gia xã hội hoá giáo dục để giảm người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Rà soát để đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP, bảo đảm đủ nguồn tuyển dụng của địa phương. Xây dựng và nghiêm túc thực hiện kế hoạch, lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo cho đội ngũ GVMN theo lộ trình nâng chuẩn theo quy định tại Điều 72 Luật giáo dục 2019.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý GDMN giai đoạn 2018- 2025”. Xây dựng Đề án phát triển đội ngũ GV ở địa phương với tầm nhìn dài hạn, phù hợp với yêu cầu của phát triển GDMN; có chính sách hợp lý để thu hút GV về công tác tại địa phương.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao. Triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên được bổ sung theo Quyết định số 72/QĐ-TW và Công văn số 3585/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 02/8/2022 của Bộ GDĐT. Đồng thời, đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu của địa phương theo từng cấp học, đến năm 2026 báo cáo Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ để bổ sung biên chế giáo viên trong tổng số biên chế giáo viên bổ sung đến năm 2026 theo Quyết định số 72-QĐ/TW bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ