Đào tạo bài bản cho người làm nghề shipper

GD&TĐ - Sự bùng nổ về nhu cầu mua hàng qua mạng giúp các shipper tăng thu nhập. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu shipper (người giao hàng) có cần phải trải qua quá trình đào tạo nghề bài bản?

Nghề shipper là hình ảnh quen thuộc trong các đô thị phát triển. Ảnh minh họa
Nghề shipper là hình ảnh quen thuộc trong các đô thị phát triển. Ảnh minh họa

Đừng để lỡ nhiều cơ hội làm ra tiền

Hiện, việc mua sắm online trên mạng ngày càng phát triển. Giờ đây, người ta không cần lặn lội đường xa đến tận cửa hàng mà chỉ cần lên mạng, qua vài cái đúp chuột là có thể chọn lựa được món đồ cần mua. Cũng chính vì thế mà shipper “lên ngôi”.

Việc sinh viên đi làm thêm để lấy tiền trang trải cuộc sống, đỡ đần chi phí cho gia đình luôn được khuyến khích. Thế nhưng, cần chọn công việc phù hợp và đặc biệt không ảnh hưởng đến việc học lại là một bài toán khó. Những tưởng rằng làm shipper chủ động thời gian nên sẽ phân bổ hợp lý công việc khác. Tuy nhiên, câu chuyện lại không hoàn toàn như vậy.

Giảng viên Phùng Thị Thu Trang – Khoa Luật, Trường Đại học Đại Nam cho biết, sinh viên làm shipper có nhiều lợi ích. Các em được tiếp xúc với nhiều người khác nhau để học cách ứng xử, cách giao tiếp, ứng dụng được kỹ năng sống đã được dạy trên trường lớp vào thực tế. Đi làm, nhận được những đồng tiền mồ hôi nước mắt do chính tay mình làm ra, các em cũng biết trân trọng công sức của bản thân và thấm nỗi vất vả của bố mẹ khi kiếm tiền nuôi mình ăn học, để cố gắng hơn.

Tuy nhiên, công việc này cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc học. Có những em đi ngoài đường chạy xe nhiều, mệt mỏi nên đến lớp không còn đủ sức khỏe, tinh thần với sách vở. Thậm chí, nhiều em còn ngủ gật trên lớp và không tập trung. Như vậy, chắc chắn kết quả của các em cũng không cao trong những năm ngồi trên ghế giảng đường.

Ông Nguyễn Nhất Linh – Phó Trưởng ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn.
Ông Nguyễn Nhất Linh – Phó Trưởng ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn.

Theo cô Trang, thời sinh viên của các em chỉ có 4 năm. Ngoài việc học các em còn cần giao lưu bạn bè, quan tâm tới các hoạt động tập thể. Nếu thời gian dành nhiều quá cho những việc làm thêm thì không thể có thời gian cho những việc kia.

Ông Lại Tuấn Anh – giảng viên Trường Đại học Thủy lợi - chia sẻ: Các thầy cô ủng hộ sinh viên đi làm thêm với những lý do khác nhau. Tuy nhiên, các em phải lựa chọn được công việc hợp lý, hiệu quả và tránh ảnh hưởng đến việc học tập. Bởi, đây chính là ưu tiên hàng đầu.

Tuy các em có thể kiếm tiền đỡ cho gia đình một khoản chi phí tốn kém, nhưng không bố mẹ nào lại muốn con học hành sa sút, sức khỏe kém đi vì mải mê lo chuyện cơm áo gạo tiền khi còn quá trẻ. Nếu các em không xác định được việc học thì bản thân các em sẽ bị lỡ dở rất nhiều cơ hội khác làm ra tiền.

Chuyên nghiệp để có thu nhập ổn định

Nghề shipper hiện đang là lựa chọn của khá nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên. Bởi, chỉ cần có xe máy, thông thạo đường và chăm chỉ là có thể kiếm được “tiền tươi”. Thế nhưng, nhiều bạn trẻ cũng phải “dở khóc dở cười” vì những chiêu lừa ngoạn mục của khách hàng. Chưa kể đến những rủi ro ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng con người. Tất cả những vấn đề đó đặt ra mối bận tậm về việc, có nên coi đây là một nghề cần được đào tạo chuyên nghiệp.

Thông thường, các shipper nhận đơn phải ứng trước số tiền trả trước cho người bán rồi thu lại từ phía người mua. Những đơn hàng có số tiền ship dao động từ 20.000 đến 50.000 đồng. Một ngày, nếu người giao hàng chăm chỉ chạy và tìm đơn cũng được vài trăm nghìn. Thế nhưng, khi bị lừa thì có thể mất cả bạc triệu.

Lướt nhanh vào trang “Ship tìm người – người tìm ship”, hàng ngày đều có những bài đăng của các shipper bị lừa.

Trần Văn Chiến là sinh viên Trường Đại học Văn hóa (HN), quê ở Hải Dương, gia đình không phải là khá giả. Lên thành phố ăn học tốn kém, Chiến đã thu xếp việc học để có thể đi làm shipper. Có lần, Chiến được một người gọi ship hàng từ Đê La Thành đi Cầu Giấy. Đến địa chỉ và gọi điện thì thấy một phụ nữ bước ra từ cửa hàng quần áo đưa cho Chiến một gói đồ bọc kín và bảo giao cho khách. Theo đó, Chiến phải ứng trước số tiền là 500.000 đồng và tiền ship là 30.000 đồng.

Ông Lại Tuấn Anh – Giảng viên Trường Đại học Thủy lợi.
Ông Lại Tuấn Anh – Giảng viên Trường Đại học Thủy lợi.

Không nghi ngờ gì vì nghĩ đó là chủ cửa hàng quần áo, Chiến đến địa chỉ cần giao và gọi cho khách nhận hàng thì thuê bao không có thật. Khi gọi lại cho người phụ nữ kia thì điện thoại không liên lạc được. Chiến vội quay lại shop quần áo để vào tìm lại khách trả lại hàng và nhận tiền thì không thấy người phụ nữ đó đâu. Chủ cửa hàng là một người khác và cũng không quen biết với người được miêu tả. Sau khi nhờ cửa hàng trích xuất camera mới tá hỏa, đó chỉ là khách vào xem hàng mà thôi. Chẳng được đồng nào, lại mất cả tiền ứng, Chiến mở hàng ra xem thì đó chỉ là 2 chiếc áo phông nữ đã cũ nhàu.

Đăng vào nhóm “Ship tìm người – người tìm ship” với mong muốn có thể tìm ra được kẻ lừa đảo, Chiến mới biết trong nhóm, anh em đi làm shipper cũng bị lừa khá nhiều với nhiều hình thức khác nhau. Và những số điện thoại kia đều là sim rác.

Không chỉ là những cú lừa, người giao hàng còn gặp vô số rủi ro khi làm việc. Nhiều người trẻ tỏ ra mệt mỏi khi cả ngày “lao” ra đường. Chưa tính đến va chạm, áp lực sợ bị lừa, nhận đơn, thời gian giao hàng,…

Ông Nguyễn Nhất Linh – Phó Trưởng ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn, cho rằng, hiện chưa có giáo trình nào để dạy về làm shipper. Hầu hết, mọi người đều tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân từ những học hỏi trong cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, nghề giao hàng ngày càng chiếm một số lượng lớn người lao động.

Để tránh được những rủi ro, nguy cơ lừa đảo, hao hụt sức khỏe, kinh tế… cần có những đào tạo bài bản. Đặc biệt, các cơ sở GDNN có thể đưa vấn đề này trở thành một môn học, có chương trình đào tạo cụ thể sẽ giúp ích cho rất nhiều bạn trẻ. Trong quá trình học tập, người lao động được học cả về phương thức giao tiếp, cách tiếp cận đối tượng khách hàng cũng khiến shipper trở nên chuyên nghiệp và có thu nhập ổn định hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

GD&TĐ -Ngày 18/11, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Đề án xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững”.