Tuy nhiên, với học trò vùng khó khăn, không có Internet, máy tính, các thầy, cô giáo và tình nguyện viên đã lặn lội đến từng nhà học sinh để giao bài và hướng dẫn ôn tập. Hình ảnh “shipper” mang kiến thức, kỹ năng cho học trò dân tộc thiểu số trở nên quen thuộc trong mùa dịch.
“Ship” bài trong sương sớm
Đầu tháng 4, cái rét nàng Bân ở vùng cao Yên Bái cũng khiến người ta lạnh thấu xương. Con đường đất nhỏ bám sát sườn núi mờ trong sương dẫn đến nhà em Hảng A Súa, học sinh lớp 8A, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Pá Lau (Trạm Tấu) và nhiều bạn học khác cùng bản.
Nhà cách trường gần chục cây số, cô Phan Thị Ánh Hồng thay vì đến trường để làm việc như thường nhật lại điều khiển xe máy đến các bản không có máy tính, hay mạng Internet để giao bài cho học sinh. Cô đến tận nhà giao bài, hướng dẫn, giúp Súa và các bạn duy trì việc học tập, không quên kiến thức và hạn chế đi nương, rẫy, ra sông suối chơi.
Cô Phan Thị Ánh Hồng cho biết: Mặc dù đường đi lại còn khó khăn, vất vả nhưng đây là cách duy nhất để giúp học sinh vùng cao duy trì việc học. Ngoài giao bài, hướng dẫn các em học tập, chúng tôi cũng chú trọng tuyên truyền cho các bậc phụ huynh tạo điều kiện cho con em mình học tập.
Không chỉ khối THCS, ở khối tiểu học, các thầy, cô cũng chia nhau xuống bản, để hướng dẫn các em. Cô Hà Thị Hữu - giáo viên chủ nhiệm lớp 1, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Pá Lau, đã nhiều ngày qua miệt mài đến các thôn, bản giao bài và hướng dẫn cho học sinh học. Theo cô Hữu, nghỉ học dài ngày dễ quên kiến thức, nhất là các em lớp 1. Việc giao bài, hướng dẫn từ khâu đánh vần, nhận biết mặt chữ, làm toán tuy khá vất vả, nhưng là trách nhiệm của giáo viên.
Cô Hữu cho biết thêm: Việc gặp gỡ trực tiếp sẽ giải đáp nhanh chóng những thắc mắc, kiến thức mà các em chưa hiểu. Điều này đặc biệt quan trọng với học sinh lớp 1, thời gian nghỉ rất dễ khiến các em quên vần, âm khi mới bắt đầu học chữ.
Duy trì nề nếp học tập
“Nhà trường phối hợp với Đoàn thanh niên của xã thực hiện việc giao bài và hướng dẫn các em học tập tại nhà. Qua một thời gian triển khai, chúng tôi thấy ý thức học tập của trò ở nhà rất tốt. Chắc chắn khi trở lại lớp, HS sẽ không bị quên các kiến thức đã học và duy trì được nền nếp học tập”, thầy Nguyễn Ngọc Trọng - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Pá Lau nói.
Trạm Tấu là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn trong số 62 huyện nghèo của cả nước, học sinh đa số là đồng bào Mông, việc học bình thường trên lớp đã khó, huống hồ việc duy trì học tại nhà như hiện nay. Vì vậy, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo giáo viên các nhà trường ra bài tập, photo bài, lập danh sách học sinh theo thôn bản, chủ động phối hợp với Đoàn thanh niên xã, thị trấn trực tiếp chuyển bài đến từng học sinh 1 lần /tuần.
Anh Thào A Chua - Phó Bí thư Đoàn xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu tâm sự: Được giúp các em học tập chúng tôi cảm thấy rất vui. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, thiết thực, trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục phối hợp với các thầy, cô giáo để “ship” bài tập đến tận tay cho học sinh trong xã.
“Cùng với việc triển khai học trực tuyến, qua truyền hình, Phòng GD&ĐT huyện Trạm Tấu chỉ đạo các đơn vị nhà trường rà soát các thôn, bản, học sinh ở vùng khó khăn, không có điều kiện trang bị máy tính, Internet để phân công giáo viên đến tận nhà giao bài và hướng dẫn các em. Chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác phòng, chống dịch, vệ sinh trường lớp học thường xuyên. Cùng với đó phối hợp với Đoàn thanh niên xã, thị trấn, trưởng thôn, bản nắm bắt tình hình sức khỏe của học sinh nhằm bảo đảm điều kiện tốt nhất để đón trò trở lại trường học tập sau khi hết dịch”, bà Lê Thị Huệ - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trạm Tấu trao đổi.
Không quản vất vả, mưa nắng, các thầy cô dành cả buổi đi đến những bản xa để hỗ trợ học sinh của mình học tập, duy trì nề nếp. Hoàn thành trọng trách của “shipper” kiến thức cho trò, họ lại cùng đồng nghiệp dọn dẹp, vệ sinh đồ dùng dạy và học, đồng thời tuyên truyền phụ huynh và học sinh các biện pháp bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh cũng như sẵn sàng điều kiện đón HS trở lại lớp.