Đạo đức của cầu thủ

GD&TĐ - Ngày 9/5, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ra thông báo về việc cấm thi đấu đối với 5 cầu thủ Hà Tĩnh vừa liên quan đến việc sử dụng ma túy hôm 4/5.

Quyết định trên không làm giới hâm mộ bóng đá nước nhà ngạc nhiên, có chăng chỉ lợn cợn một câu hỏi: “Tại sao những thanh niên ấy lại vướng vào một thứ chất cấm mà người bình thường khi dính vào đã bị xã hội lên án huống hồ đây lại là những cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, trong đó có cả tuyển thủ đã từng giành Quả bóng vàng Việt Nam, phần thưởng mà bất cứ đời cầu thủ nào cũng mơ ước?”.

Giới hâm mộ bóng đá nước nhà đã từng thất vọng ê chề khi biết rằng những tuyển thủ “con cưng” của mình đã bán độ ở một giải quốc tế năm nào, giờ càng ngán ngẩm hơn khi có cầu thủ tham gia vào “bữa tiệc ma túy” như vụ vừa rồi.

Ai cũng biết, tuổi trẻ luôn gắn liền với những sai lầm vì cạn nghĩ, nhưng với tư cách là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp thì việc sử dụng ma túy không còn là sự nông nổi của tuổi trẻ nữa, mà đó là hành vi vô đạo đức, rất khó để chấp nhận và tha thứ.

Từ cầu thủ nổi tiếng cho đến những người mới ra sân lần đầu thì mặc nhiên, xã hội coi họ là “người của công chúng”. Vì vậy, bất cứ một hành động nào của cầu thủ cũng đều được công chúng “săm soi”. Đã là vận động viên chuyên nghiệp, dù là bóng đá hay bất kỳ môn thể thao nào, cũng đều phải biết điều đó.

Chưa lúc nào mà vấn đề đạo đức của cầu thủ được quan tâm như lúc này. Không biết những cầu thủ vừa dính chàm ấy, lúc còn “học việc” ở các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, họ có được học những bài học về đạo đức của cầu thủ hay chỉ đơn thuần là học đá bóng?

Nếu có học về đạo đức thì liệu họ có được cảnh báo về tác hại của ma túy không? Chắc chắn là có, nhưng vì sao “có học” mà vẫn không nhập được vào tâm trí của mình để rồi phải ra nông nỗi này?

Được biết, các trung tâm đào tạo bóng đá chuyên nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai, PVF, Viettel… họ không chỉ dạy cho các em biết đá bóng, mà còn dạy cả văn hóa, ngoại ngữ nữa. Nghe các cầu thủ ở những học viện này trả lời phỏng vấn trên truyền hình hoặc trên các báo sẽ thấy các bạn ấy khiêm nhường biết bao dù họ là những ngôi sao trong đội tuyển quốc gia.

Đã là một cầu thủ chuyên nghiệp thì việc “kỷ luật” phải luôn được đặt lên hàng đầu. Trong kỷ luật này có kỷ luật về giờ giấc, kỷ luật trong tập luyện và sinh hoạt. Cầu thủ sẽ không đảm bảo sức khỏe để đá tốt nếu như đêm hôm trước họ đi bar hoặc hát karaoke thâu đêm để hôm sau ra sân thì vật vờ ngái ngủ.

Đã là cầu thủ chuyên nghiệp thì thấy bia rượu, thuốc lá nên tránh xa. Đằng này, ai gọi nhậu cũng đi, ai hô “zô” cũng uống cạn, thuốc lá luôn đỏ trên môi thì việc “nhúng chàm” với ma túy chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

Hãy nhìn những ngôi sao lừng danh như Ronaldo, Messi tập luyện hàng ngày, tự khép mình vào kỷ luật mới thấy để trở thành một ngôi sao là không hề dễ dàng gì. Còn như 5 cầu thủ Hà Tĩnh thì chưa thành danh đã thành tật rồi.

Trong đời mỗi người, ai cũng có những sai lầm nhưng còn kịp để sửa sai. Riêng với một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, một khi đã dùng đến ma túy để thỏa mãn niềm vui thì coi như hết phương cứu chữa!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.