Đội bóng đá nữ kiên cường khiến cầu thủ nam cảm thấy bị đe dọa

GD&TĐ - Bóng đá nữ ở Anh trở nên phổ biến đến nỗi các tổ chức bóng đá nam cảm thấy bị đe dọa do doanh số bán vé của họ sụt giảm.

Đội bóng đá nữ Dick, Kerr Ladies.
Đội bóng đá nữ Dick, Kerr Ladies.

Khi Thế chiến thứ Nhất nổ ra, phần lớn đàn ông Anh phải ra chiến tuyến và phụ nữ trở thành lực lượng lao động chính ở các nhà máy.

Trong phong trào bóng đá công nhân, các đội nữ nổi bật khi vắng bóng các đội nam, giúp mở đường cho bình đẳng giới trong thể thao. Giai đoạn này, đội nữ Dick, Kerr Ladies đã trở nên một huyền thoại.

Nữ công nhân đá bóng

Tại nhà máy Dick, Kerr and Co. ở thành phố Preston, Tây Bắc nước Anh, phụ nữ chiếm hầu hết các vị trí trong dây chuyền lắp ráp xe đẩy, đầu máy xe lửa và đạn dược để cung cấp cho lĩnh vực quốc phòng.

Vào giờ uống trà và nghỉ trưa, các cô gái trẻ rủ nhau chơi bóng đá ở sân nhà máy, họ nhanh chóng phát triển những kỹ năng mà vào thời đó được cho là chỉ có ở nam giới.

Nhận thấy tài năng chơi bóng của các lao động nữ, quản lý bộ phận văn phòng của công ty, Alfred Frankland, đã thành lập đội Dick, Kerr Ladies, thường xuyên tập luyện và thi đấu ở địa phương để quyên tiền hỗ trợ cho các quân nhân bị thương.

Dick, Kerr Ladies không phải là đội bóng đá nữ đầu tiên của Anh, nhưng họ nhanh chóng chứng tỏ mình là đội giỏi nhất.

Vào Giáng sinh năm 1917, khoảng 10.000 người hâm mộ đã đổ về Deepdale, sân nhà của đội nam Preston North End nổi tiếng, để chứng kiến Dick, Kerr Ladies đánh bại đội Arundel Coulthard Factory với tỷ số 4 - 0.

Có thể ban đầu khán giả đến sân là do tò mò, nhưng rồi kỹ năng của các nữ cầu thủ công nhân đã khiến người ta say mê và thích thú.

Với cặp mắt tinh đời, Frankland đã phát hiện và chiêu mộ về đội mình nhiều tài năng. Điển hình như hiện tượng 14 tuổi, Lily Parr, cầu thủ đã tỏa sáng ở cánh trái thuộc đội St. Helen's Ladies, đối thủ của Dick, Kerr Ladies.

Một đồng đội của Parr cho biết, cô có “cú đá như con la”, từng sút bóng làm gãy tay một nam thủ môn chuyên nghiệp. Theo Bảo tàng Bóng đá Quốc gia Anh, cô đã ghi 43 bàn trong mùa giải đầu tiên và nhanh chóng trở thành ngôi sao lớn nhất của đội.

Mặc áo sọc đen trắng, quần đùi xanh và đội mũ đặc trưng để che mái tóc bồng bềnh, các nữ cầu thủ của Dick, Kerr Ladies luôn chiếm ưu thế trước các đội ở địa phương.

Vào Ngày tặng quà năm 1920, hơn 50.000 người hâm mộ đã kéo đến Goodison Park, sân bóng truyền thống của Liverpool, để xem đội Dick, Kerr Ladies thi đấu, đánh bại đội St. Helen's Ladies. Hơn 10.000 người hâm mộ khác không có vé phải ra về trong tiếc rẻ.

Theo Gail Newsham, tác giả cuốn In a League of their Own! The Dick, Kerr Ladies 1917 - 1965, những cầu thủ nữ này đã chơi hơn 60 trận vào năm 1921, nhưng vẫn duy trì công việc toàn thời gian tại nhà máy.

Họ đã thu hút đám đông đôi khi lên tới 25.000 khán giả ở một số địa điểm nổi tiếng nhất nước Anh, như Stamford Bridge ở London, Old Trafford của Manchester, Celtic Park ở Glasgow và Tynecastle Park ở Edinburgh.

Tượng Lily Parr - cầu thủ huyền thoại của đội bóng nữ Dick, Kerr Ladies, tại Bảo tàng Bóng đá Quốc gia Anh.

Tượng Lily Parr - cầu thủ huyền thoại của đội bóng nữ Dick, Kerr Ladies, tại Bảo tàng Bóng đá Quốc gia Anh.

Không chùn bước

Bóng đá nữ ở Anh trở nên phổ biến đến nỗi các tổ chức bóng đá nam cảm thấy bị đe dọa do doanh số bán vé của họ sụt giảm.

Vào ngày 5/12/1921, Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) đã lệnh cho các thành viên cấm các đội nữ sử dụng sân của họ, đồng thời bày tỏ quan điểm mạnh mẽ rằng, “trò chơi bóng đá dường như không phù hợp với phụ nữ và không nên khuyến khích”.

Bị buộc phải thi đấu ở những sân nhỏ hơn và trên sân cricket, Dick, Kerr Ladies vẫn không bỏ cuộc. Đội gồm 16 cầu thủ đặt nhiều hy vọng vào chuyến du đấu mùa Thu ở Bắc Mỹ năm 1922.

Tuy nhiên, khi chuẩn bị đến Canada, họ mới biết cơ quan quản lý thể thao nước này phản đối các cầu thủ bóng đá nữ và cấm họ thi đấu. Nước Mỹ tỏ ra cởi mở hơn, nhưng sau thời kỳ bùng nổ bóng đá ngắn ngủi vào những năm 1920, vẫn chưa có đội nữ nào được thành lập.

Chẳng đặng đừng, Dick, Kerr Ladies buộc phải thi đấu với một số đội nam thuộc giải bóng đá hàng đầu của Mỹ. Tờ New York Times đưa tin sau trận thua 6 - 3 của đội nữ nước Anh trước Paterson FC của New Jersey: “Bù lại các kỹ thuật còn hạn chế ở động tác chân, các cầu thủ nữ đã kết hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn, những đường chuyền thông minh của họ liên tục mang lại những tràng pháo tay trên khán đài”.

The Dick, Kerr Ladies đã thi đấu 9 trận với các đội nam của Mỹ, thắng ba, thua ba và hòa ba, thu hút từ 4.000 - 10.000 người xem, đồng thời thách thức các vai trò xã hội thông thường dành cho phụ nữ.

Một thành viên trong đội nói với tờ Baltimore Sun: “Chúng tôi nghĩ, phụ nữ thời đại Victoria từng ở nhà nấu ăn và may vá giờ đã trở thành quá khứ. Các cô gái hiện đại muốn được đứng lên và làm việc. Chúng tôi ủng hộ việc họ có mọi cơ hội mà anh em họ có”.

Tờ Baltimore American gọi họ là “những chiến binh amazon cơ bắp”, còn tờ San Francisco Chronicle đã đăng những bức ảnh của đội, kèm các quảng cáo về kem dưỡng da, xà phòng rửa bát và áo nịt ngực “Stylish Stout”.

Mặc dù vẫn bị các tổ chức bóng đá hắt hủi, đội bóng nữ - được đổi tên thành Preston Ladies vào năm 1926 - vẫn tồn tại trong nhiều thập niên.

Vào thời điểm Lily Parr giải nghệ năm 1951, cô đã ghi được khoảng 900 bàn thắng trong sự nghiệp 31 năm thi đấu của mình, hơn bất kỳ cầu thủ người Anh nào - dù nam hay nữ. Năm 2002, cô là phụ nữ đầu tiên được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng Bóng đá Anh.

Lệnh cấm bóng đá nữ của FA tiếp tục cho đến năm 1971, 6 năm sau khi đội Preston Ladies (tiền thân là Dick, Kerr Ladies) chơi trận cuối cùng. Theo Bảo tàng Bóng đá Quốc gia, đội đã chơi 828 trận và chỉ thua 24.

Theo History

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.